Công nhân đóng gói mực xuất khẩu ở một nhà máy chế biến hải sản ở Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hôm 5/8/2004
AFP
Xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 20% trong tháng 8 và tháng 9 giúp đẩy tăng trưởng kinh tế của cả quý III năm nay đạt trên 7%.
Số liệu Tổng Cục Thống kê cung cấp cho thấy, Tổng sản phẩm Nội địa GDP trong quý III đã tăng 7,46% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi đó GDP của quý II chỉ đạt 6,28%.
Tính tổng thể từ đầu năm đến nay, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 6,41% cao hơn mức 6,1% theo tính toán của giới chuyên gia.
Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, áp lực đưa tăng trưởng kinh tế cả năm lên 6,7% của Việt Nam không còn quá lớn. Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB cho biết xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng do Việt Nam mở thêm các doanh nghiệp và giá cả hàng hóa ngày càng tăng. ADB dự báo xuất khẩu có thể đạt mức 6% trong năm nay và sang năm.
Ông Gareth Leather, chuyên gia kinh tế châu Á thuộc tập đoàn Capital Economics ở London cho biết nhìn trong tương lai gần thì kinh tế Việt Nam có vẻ sáng sủa, tuy nhiên tiềm ẩn nhiều rủi ro phía sau. Ông giải thích rằng với mức nợ công và nợ tín dụng hiện nay, kinh tế Việt Nam không thể phát triển bền vững trong tương lai xa.
Công an Việt Nam trong một cuộc biểu tình phản đối Formosa tại Hà Nội hôm 1/5/2016
AFP
“Tuyệt mật’ ngân sách quốc phòng- an ninh của VN
00:00/00:00
Việt Nam bấy lâu nay không công khai ngân sách dành cho quốc phòng và an ninh.
Tiêu cực bên trong?
Các con số về ngân sách chi cho an ninh quốc phòng của Việt Nam lâu nay đều là số liệu thống kê, tính toán do các tổ chức quốc tế đưa ra. Chẳng hạn Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Stockholm (SIPRI) từng ước tính rằng năm 2015 Việt Nam chi 4,4 tỉ đô la cho quân sự và dự trù con số sẽ tăng lên 5 tỷ đô la trong năm 2016 và 6,2 tỷ đô la năm 2020.
Trong một lần trả lời báo chí trong nước về ngân sách quốc phòng, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài Chính – Ngân sách của Quốc hội nói với đại ý rằng không thể công bố cụ thể con số ngân sách chi cho quốc phòng là do có nhiều khoản chi không thể tính vào được. Cụ thể ông giải thích rằng các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính có quan hệ mật thiết với nhau nên không thể tính cụ thể từng lĩnh vực chi bao nhiêu.
Khi mà không công bố ra thì thường có điều kiện để xin nhiều hơn và tiêu cực nhiều hơn. - TS. Phạm Chí Dũng
Trao đổi với RFA từ Sài Gòn, Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng, người từng có 30 năm làm việc trong ngành quân đội cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến sự che giấu ngân sách quân đội, công an là do tiềm ẩn nhiều tiêu cực phía sau. Ông nói:
Nguyên nhân thứ nhất là do não trạng trước đến giờ là họ bưng bít và bảo mật. Tức là họ đưa ra các danh sách về bảo mật, tối mật, tuyệt mật của từng ngành một, mà nếu căn cứ theo đó thì không có một điều gì có thể công bố ra ngoài. Huống chi đây là vấn đề tài chính, có thể coi là tuyệt mật, tức là không công bố.
Thứ hai, khi mà không công bố ra thì thường có điều kiện để xin nhiều hơn và tiêu cực nhiều hơn.
Trong một bài phân tích mới đây của TS Vũ Quang Việt nguyên Vụ trưởng Vụ tài khoản Quốc gia Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, ông đánh giá một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng bội chi ngân sách kéo dài ở Việt Nam là do chi tiêu cho quân đội và đặc biệt là công an quá lớn. Bằng các phương pháp tính toán chuyên môn, ông cho biết số lượng công an ở Việt Nam hiện nay lên đến 600 ngàn người. Tỷ lệ công an/ người dân ở Việt Nam cao hơn cả Trung Quốc và gần gấp đôi Mỹ. Ông cũng sử dụng các con số chính thức do Việt Nam công bố để tính toán và cho ra kết luận là năm 2014, Việt Nam chi 12% ngân sách cho ngành công an, 9% ngân sách cho quân đội. Trong khi đó Mỹ chỉ chi 2% ngân sách cho cảnh sát.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS cũng bày tỏ bức xúc khi ngành quân đội, công an được “nuôi” bằng tiền thuế của nhân dân nhưng người dân lại không hề hay biết các con số cụ thể về ngân sách chi cho các ngành này:
Rất đáng tiếc hai lực lượng này đều mang danh nhân dân: quân đội nhân dân, công an nhân dân và sứ mệnh cũng được họ nói là để phục vụ nhân dân, nhưng chỉ gần đây người ta mới nói toạc móng heo ra là quân đội để phục vụ Đảng, còn công an thì còn Đảng còn mình. Có lẽ vì vậy nên Đảng cộng sản Việt Nam phải tìm cách giấu nhẹm đi những chi tiêu cho quân đội và công an.
Các quan chức ngành quốc phòng trong buổi lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Ảnh chụp ngày 20/12/2014Courtesy of AFP
Ông nói rằng việc chi cho quân đội để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chi cho công an để bảo vệ trật tự xã hội là rất cần thiết mà bất cứ quốc gia nào cũng phải làm. Tuy nhiên, ông nhận thấy nhiều khoản chi trong ngành công an của Việt Nam là “phi lý, phản dân tộc và có hại cho đất nước”:
Không chỉ chi cho chuyện giữ trật tự là chính, mà còn chi cho việc đàn áp, trấn áp người dân, và bẻ gãy tất các những tiếng nói không đồng nhất với tiếng nói của Đảng. Tôi nghĩ đó là những chi phí rất có hại cho đất nước và dân tộc này.
Trông hòng vào dân!
Trong bài phân tích của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, ông cũng bày tỏ lo ngại rằng lực lượng công an của Việt Nam rất lớn nhưng ngoài hoạt động thuần túy là giữ gìn trật tự xã hội, họ còn tham gia vào các hoạt động dân sự và hành chính nên rất dễ sinh ra tình trạng lạm quyền để tham nhũng. Ông cho rằng lực lượng công an to lớn có thể đang là lực lượng làm bất ổn xã hội, ngày càng làm mất niềm tin vào chế độ chính trị.
Năm 2016, Liên minh Minh Bạch Ngân sách Budget Transparency cho biết Việt Nam có điểm minh bạch ngân sách rất thấp so với mức trung bình toàn cầu, xếp thứ 18 trên tổng số 100 trong bảng xếp hạng. Đại diện Trung Tâm Phát Triển Hội Nhập, gọi tắt là CDI, cho rằng thứ hạng 18 là mức thấp, chứng tỏ công chúng Việt Nam rất ít được nhà nước cung cấp thông tin về ngân sách quốc gia.
Rất đáng tiếc hai lực lượng này đều mang danh nhân dân: quân đội nhân dân, công an nhân dân và sứ mệnh cũng được họ nói là để phục vụ nhân dân, nhưng chỉ gần đây người ta mới nói toạc móng heo ra là quân đội để phục vụ Đảng, còn công an thì còn Đảng còn mình. - TS Nguyễn Quang A
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng giải pháp minh bạch tài chính từ trước đến nay đã được đưa ra rất nhiều lần rồi nhưng thực hiện không đến nơi đến chốn. Ông nói thậm chí người ta còn dùng cả các khoản hỗ trợ minh bạch hóa để tham ô, “đút ngăn kéo”. Trước thực trạng như vậy, ông nghĩ rằng chỉ còn một cách duy nhất là người dân lên tiếng tạo sức ép với Nhà nước phải minh bạch ngân sách quốc phòng, an ninh vì chính dân là người tạo nên những ngân sách đó:
Giải pháp cuối cùng bây giờ chỉ còn lại nhân dân thôi. Lấy liên hệ về BOT vừa rồi là chỉ định thầu, một tiêu cực vô cùng lớn ở trong đó. Bây giờ nhân dân với tư cách đóng thuế, đóng phí đã đòi hỏi phải minh bạch hóa chuyện đầu tư, bỏ vốn, thi công công trình và thu phí. Vậy thì, công an và quân đội cũng vậy!
Tiến sĩ Nguyễn Quang A đồng tình với quan điểm là người dân gây sức ép cho nhà nước phải minh bạch ngân sách. Tuy nhiên ông nói rằng, khi nào còn chế độ độc đảng thì khi ấy việc này còn khó thực hiện:
Để yên cho một mình “ông Đảng” độc quyền này làm thì hiển nhiên ông ấy sẽ tìm mọi cách để giấu. Cho nên người dân phải đòi, phải lên tiếng cho một chế độ dân chủ thực sự, có sự cạnh tranh chính trị tức là có nhiều đảng khác nhau cạnh trạnh để nắm quyền điều hành đất nước. Và, đảng này sẽ tìm cách giám sát đảng kia. Đồng thời, người dân, các tổ chức xã hội dân sự cũng phải nêu lên tiếng nói giám sát của mình.
Vừa rồi Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với giá xăng dầu và nói là để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau trong đó có ngân sách cho an ninh quốc phòng. Đề xuất này gặp phải nhiều sự phản đối từ phía người dân.
Cô Đoàn Thị Hương (giữa) được hộ tống bởi cảnh sát và mặc áo chống đạn rời tòa án ở Sepang, Malaysia ngày 13 tháng 4 năm 2017.
AFP photo
Hai nhân vật bị cáo buộc giết ông Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, là cô Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah sẽ không nhận tội trước phiên tòa xét xử sẽ diễn ra vào ngày 2 tháng 10 tới đây.
Thông tin này được ông Hisyam Teh, luật sư bào chữa cho hai bị cáo nói với hãng Reuters. Ông Hisyam cho biết tòa sẽ triệu tập các chuyên gia bao gồm các nhà nghiên cứu bệnh học, hóa học để phục vụ phiên xét xử. Ông từ chối tiết lộ thông tin về cách thức bào chữa cho cô Đoàn Thị Hương, nhưng ông nói rằng cô Hương đang ở trong tình thế có lợi vì ông có những bằng chứng ủng hộ cô.
Công tố viên trưởng Muhamad Iskandar Ahmad từ chối bình luận về các chi tiết của vụ án, nhưng ông tiết lộ rằng khoảng 30 đến 40 nhân chứng sẽ được triệu tập trong đó gồm 10 chuyên gia.
Hai cô Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah bị cáo buộc dùng chất độc thần kinh VX bôi vào mặt ông Kim Jong Nam tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur vào hôm 13/2 vừa qua. Đây là loại chất hóa học cực độc được Liên Hiệp Quốc xếp vào hàng vũ khí hủy diệt. Tuy nhiên cả hai cô đều nói với luật sư rằng các cô không hề hay biết mình đang thực hiện một âm mưu giết người mà chỉ nghĩ rằng đang tham gia vào một chương trình truyền hình thực tế.
Phiên tòa dự kiến kéo dài đến hết ngày 30/10 tại Tòa án Tối cao Shah Alam, ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia
Nếu bị kết tội, cả hai có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là tử hình.
Hình minh họa ông Nguyễn Xuân Anh (trái), ông Huỳnh Đức Thơ (phải) trên báo Dân Trí
Courtesy dantri.com
Ủy Ban kiểm tra trung ương đảng cộng sản Việt Nam có thông báo liên quan việc kỷ luật đối với hai cán bộ cao cấp nhất của thành phố Đà Nẵng.
Theo đó ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng bị đề nghị lên Bộ chính trị và Ban chấp hành trung ương của đảng cộng sản Việt Nam để thi hành kỷ luật.
Còn ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng bị kỷ luật cảnh cáo.
Ngoài ra Ủy ban kiểm tra trung ương còn đề nghị Bộ chính trị kỷ luật Ban thường vụ thành ủy Đà Nẵng đương nhiệm.
Xin nhắc lại là ông Nguyễn Xuân Anh bị kỷ luật sau khi bị cho là đã nhận quà biếu là một chiếc xe hơi của doanh nghiệp tư nhân, cũng như sử dụng nhà ở của họ. Ngoài ra ông còn bị cho là sai phạm trong việc bổ nhiệm nhân sự cũng như chỉ định thầu các công trình xây dựng một cách trái phép. Một sai phạm nữa của ông này được nói là không trung thực trong kê khai bằng cấp.
Ông Huỳnh Đức Thơ thì bị cho là đã sai phạm trong việc quản lý đất đai tại thành phố Đà Nẵng.
Nguyên Tổng Giám đốc ngân hàng Đại Dương Nguyễn Xuân Sơn (ở giữa) đang bị dẫn giải ra tòa trong ngày cuối phiên tòa hôm 29/9/2017.
AFP
Ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại dương (Ocean Bank) bị tòa tuyên án tử hình với cáo buộc phạm tội cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, và tham ô tài sản. Ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ocean Bank bị án tù chung thân. Ngoài ra ông Nguyễn Xuân Sơn phải bồi thường 200 tỉ đồng, ông Hà Văn Thắm 847 tỉ đồng.
Án đối với hai ông Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên vào vào sáng 29 tháng 9.
Đây được xem là một đại án liên quan tới ngành ngân hàng, mà trong đó các lãnh đạo của ngân hàng thương mại Ocean Bank bị cho cấu kết với các cán bộ cao cấp của Tập đoàn dầu khí quốc gia làm thất thoát một số tiền trị giá hơn 2000 tỉ đồng.
Trong quá trình câu kết với nhau, Ocean Bank đã chi những khoản hối lộ cho các vị lãnh đạo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam- PVN.
Bản thân ông Nguyễn Xuân Sơn từng là cán bộ cao cấp của Tập đoàn dầu khí Việt Nam trước khi chuyển qua làm Tổng giám đốc Ocean Bank.
Đợt xử kéo dài cả tháng qua đối với vụ Ngân Hàng Đại Dương- OceanBank được giới quan sát cho là nằm trong chiến dịch vừa chống tham nhũng vừa chống các đối thủ chính trị của đương kim tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Giáo sư Zachary Abuza thuộc National War College ở Washington nói với hãng tin AFP trước khi diễn ra đợt xét xử rằng ông Trọng không thể truy ông Dũng, nhưng trả thù mạng lưới tay chân của ông Dũng, cho truy các đệ tử của ông cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Vào tháng 5 vừa qua, một nhân vật thân cận của ông Dũng là ông Đinh La Thăng bị kỷ luật mất chức bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, với những cáo buộc sai phạm khi lãnh đạo Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam trước đây.
Tiếp đến là vụ ông Trịnh Xuân Thanh trốn sang Đức xin tỵ nạn nhưng xuất hiện trên truyền hình Nhà nước ở Hà Nội với lời tự thú. Chính phủ Đức nói Hà Nội cho người sang bắt cóc ông này đưa về Việt Nam.
Tổ chức Minh Bạch Quốc tế Tranparency International xếp Việt Nam thứ 113 trên 176 quốc gia về Chỉ số Tham Nhũng năm 2016.
Truy tố ông Trầm Bê làm mất hơn 1800 tỷ đồng
Trong một đại án ngân hàng khác, ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị, kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng của ngân hàng Sacombank, bị truy tố vì đã làm thất thoát 1835 tỉ đồng.
Thông tin này được cơ quan điều tra của Bộ công an đưa ra và truyền thông trong nước loan đi ngày 29 tháng 9, đồng thời cho biết là hồ sơ truy tố ông Trầm Bê cùng 21 người khác đã được chuyển cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Vụ án này có liên quan đến các ngân hàng là Sacombank, Đại Tín, và Xây dựng.
Chi tiết quan trọng trong vụ án này là các ngân hàng chuyển nhượng cổ phần chồng chéo cho nhau để chiếm đoạt tài sản, đồng thời cho các công ty của ông Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch ngân hàng Xây dựng vay tiền và không trả lại.
Ông Trầm Bê đã bị cơ quan chức năng bắt tạm giam vào ngày 1 tháng Tám vừa qua.
Vòng 8 Nhóm Công Tác Về Vùng Biển Ngoài Cửa Vịnh Bắc Bộ Việt Nam- Trung Quốc vừa diễn ra từ ngày 25 đến 27 tháng 9 tại Bắc Kinh.
Theo truyền thông nhà nước, hai phía trao đổi kỹ về các công tác liên quan vùng biển ngoài khơi cửa Vịnh Bắc Bộ; thẳng thắn bàn bạc về việc kiểm soát thỏa đáng các bất đồng trên biển; kiềm chế không có những hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình và mở rộng tranh chấp. Hai phía nói sẽ tuần tự, tiệm tiến thúc đẩy đàm phán về phân định và hợp tác cùng phát triển tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
Một trong những căn cứ cho hành xử được nhắc lại tại vòng họp là “thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển’ mà lãnh đạo cấp cao Hà Nội và Bắc Kinh đồng ý với nhau.
Hai phía cho biết sẽ sớm tiến hành vòng đàm phán thứ 9 của Nhóm Công tác Về Vùng Biển Ngoài Cửa Vịnh Bắc Bộ.
Trước đó, vào ngày 31 tháng 8 vừa qua, Cục Hải Sự Trung Quốc ra thông báo là Bắc Kinh đang cho tiến hành cuộc diễn tập quân sự trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, từ ngày 29 tháng 8 đến 4 tháng 9.
Theo tọa độ mà Cục Hải Sự công bố thì khu vực diễn tập chồng lấn lên một vùng biển rộng lớn của Việt Nam phía ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Điểm gần nhất chỉ cách thành phố Đà Nẵng 75 hải lý về phía đông. Cơ quan chức năng Trung Quốc còn ra lệnh cấm tàu bè đi vào vùng biển đang có tập trận.
Bộ Ngoại giao Việt Nam lúc đó lên tiếng bày tỏ quan ngại về thông báo tập trận của Trung Quốc tại vùng biển của Việt Nam; đồng thời đại diện bộ này có giao thiệp với đại diện Đại sứ Quán Trung Quốc ở Hà Nội nhằm nêu rõ lập trường của Việt Nam đối với chủ quyền tại Biển Đông.
Vừa qua trong phát biểu ở Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Phạm Bình Minh, cũng nhắc đến vấn đề tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông. Ông này lặp lại phát biểu lâu nay của Hà Nội là cần phải tôn trọng luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế; đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Trung Quốc hiện tuyên bố chủ quyền đến 90% Biển Đông nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Bắc Kinh tự vạch ra; tuy nhiên theo phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế PCA ở La Haye thì đường đứt khúc đó không có giá trị cả về mặt pháp lý lẫn lịch sử.
Trung Quốc mới đây đã chuyển sang chiến lược ‘Tứ Sa’ để thực hiện âm mưu chiếm hữu Biển Đông, thay vì đường đứt khúc 9 đoạn.
Ngoài Trung Quốc, các bên có tuyên bố chủ quyền tại khu vực Biển Đông gồm Đài Loan, Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.