SCMP: Đại biểu Quốc hội Trung Quốcít thực quyền
Khi 3.000 nhân vật có ảnh hưởng nhất Trung Quốc tập trung ở Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh vào tháng 3/2013 để dự kỳ họp Quốc hội nhằm chọn ra ban lãnh đạo mới, thì cả thế giới đã biết chắc ông Tập Cận Bình sẽ "được bầu" làm Chủ tịch nước, Lý Khắc Cường làm Thủ tướng, Trương Đức Giang làm Chủ tịch Nhân đại toàn quốc...
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) hôm 25/9 cho hay, tuy Quốc hội Trung Quốc được hiến pháp trao quyền lực không khác so với tổ chức tương đương ở phương Tây, song trên thực tế, trong nhiều vấn đề Quốc hội chỉ việc "đóng dấu" cho những quyết định theo chủ trương của đảng.
Nhưng bất chấp tính hình thức, các ghế đại biểu quốc hội ở nước này vẫn được "tôn vinh" hết sức trong một thị trường tham nhũng chính trị, bằng chứng là vụ bê bối chấn động liên quan đến các nhà lập pháp vừa bị Bắc Kinh khui ra.
Hôm 13/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội (Nhân đại toàn quốc) Trung Quốc ra quyết định bãi miễn tư cách 45 đại biểu quốc hội được bầu ở tỉnh Liêu Ninh do các cáo buộc về tham nhũng và mua phiếu.
Cuộc thanh lọc quy mô lớn ở Liêu Ninh còn chứng kiến 523 đại biểu của cơ quan lập pháp tỉnh từ chức hoặc bị bãi miễn, bao gồm 38/62 thành viên Ủy ban thường vụ Nhân đại của tỉnh.
SCMP cho hay, Liêu Ninh không phải trường hợp đầu tiên và đây chưa phải scandal lớn nhất liên quan tới các đại biểu của dân ở Trung Quốc.
Hồi năm 2013, 518 trong số 529 (gần 98%) đại biểu Nhân đại thành phố Hành Dương, tỉnh Hồ Nam bị phát hiện sử dụng tiền hối lộ để tham gia ứng cử.
Theo SCMP, người dân Trung Quốc chỉ có thể bầu trực tiếp cho các đại biểu ở cấp thị trấn hoặc quận. Đại biểu ở Quốc hội sẽ được bầu bởi Nhân đại các tỉnh, trong khi danh sách ứng viên do đảng ủy mỗi tỉnh quyết định.
SCMP: Vì sao nhiều người dốc núi tiền mua ghế ĐBQH Trung Quốc? - Ảnh 1.
Các đại biểu dự một phiên họp của Quốc hội Trung Quốc tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh. (Ảnh: Simon Song/SCMP)
Vì sao người Trung Quốc đốt tiền để làm "đại biểu của dân"?
Tại Trung Quốc, tham nhũng tập thể đã leo thang qua từng năm và lây lan từ các cơ quan chính phủ cho đến cơ quan tư pháp, quân đội và cả các cơ quan lập pháp. Truyền thông của họ cũng không che giấu thực tế đó.
Không khó lý giải vấn nạn mua quan bán chức trở nên phổ biến trong quân đội và chính phủ Trung Quốc, bởi những người nắm giữ quyền lực tại đây có thể gây ảnh hưởng lên hoạt động hoạch định chính sách và thao túng ngân sách.
Nhưng ngay cả những chiếc ghế đại biểu Quốc hội Trung Quốc "hữu danh vô thực" cũng trở nên đắt hàng đã làm dấy lên câu hỏi tại sao nhiều người sẵn sàng trả tiền và chấp nhận rủi ro bị bắt. Họ sẽ thu được gì từ "khoản đầu tư" đó?
SCMP chỉ ra, vai trò đại biểu Quốc hội ở Trung Quốc tượng trưng cho địa vị và tầm ảnh hưởng trong một xã hội phân hóa tầng lớp.
Sự vị nể của người Trung Quốc đối với giới quan chức có quyền lực góp phần giải thích lý do nhiều người "phát cuồng" với những chức danh chỉ mang tính tượng trưng, dù là một ghế ở Quốc hội Trung Quốc hay Hội nghị Hiệp thương chính trị toàn quốc.
Trong môi trường văn hóa chính trị "che chở lẫn nhau", địa vị cao hơn đồng nghĩa với mạng lưới quan hệ rộng hơn. Và vị trí ở Quốc hội là cây cầu trung gian giúp các đại biểu tiếp cận những nhân vật nắm quyền lực thực sự tại Bắc Kinh.
SCMP cho biết, những mối quan hệ về chính trị và làm ăn có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển hoạt động kinh doanh của một ai đó, hoặc các đại biểu Quốc hội Trung Quốc chỉ đơn giản là nhận "hoa hồng" khi giúp kết nối quan chức với người có tiền.
Kỳ họp Quốc hội thường niên tại Bắc Kinh diễn ra vào tháng 3 là cơ hội tuyệt vời nhất trong năm để đại biểu các tỉnh thành "bắt sóng" với giới tinh hoa chính trị và những doanh nhân lớn của Trung Quốc, bởi gần như tất cả quan chức cấp cao nhất của nước này và các VIP đều có mặt.
Trong khi chiến dịch chống tham nhũngdo Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng bỏ tù số lượng lớn quan chức hủ bại, nó mới chỉ là hành động tấn công "phần nổi của tảng băng" ở Trung Quốc.