Bài đăng nổi bật

Cờ trong tay Trần Cẩm Tú

  Cờ trong tay Trần Cẩm Tú.  Trước cáo buộc liên quan đến trợ lý nhận hối lộ hàng chục triệu usd, Vương Đình Huệ thẳng thừng chối không biết...

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

Chuyện Nguyễn Ái Quốc đòi ân xá tù chính trị tại Việt Nam và phong trào "Ký giả đi ăn mày" ở Sài Gòn

    Chuyện Nguyễn Ái Quốc đòi ân xá tù chính trị tại Việt Nam và phong trào "Ký giả đi ăn mày" ở Sài Gòn

  • Bởi Admin
         
    Trần Hồng Phong
    Mục "Sách" kỳ này, tôi giới thiệu cuốn Địa chí Văn hóa TP. Hồ Chí Minh - tập II: Văn học - Báo chí - Giáo dục. Sách dày 868 trang, khổ lớn, do Nhà xuất bản TP.HCM phát hành năm 1989. Cuốn sách này tôi mua ở nhà sách cũ gần đây. Đây là một bộ sách công phu, gồm nhiều tập, do hai vị có thể xem lại "cây đại thụ" về lý luận chính trị, lý tưởng cộng sản làm chủ biên - là giáo sư Trần Văn Giàu và nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng. Nói như vậy, để khẳng định nội dung cuốn sách này là nghiêm túc, khoa học, có giá trị. Chứ không phải kiểu lá cải, lôm côm. 

    Hình ảnh cuộc biểu tình "Ký giả đi ăn mày". Nguồn: báo Tuổi Trẻ.
    Có thể khẳng định, cuốn sách này cung cấp cho người đọc rất nhiều thông tin quý giá về hoạt động báo chí tại Sài Gòn (trước năm 1975) nói riêng, tại Miền Nam nói chung, bao gồm cả phong trào báo chí yêu nước, cách mạng. Và sao thấy khác ngày nay quá!
    Phong trào "Ký giả đi ăn mày" năm 1974
    Qua cuốn sách, chúng ta biết về một phong trào (xuất phát từ một cuộc biểu tình) có tên gọi khá ngộ nghĩnh là "Ký giả đi ăn mày" diễn ra ngày 10-10-1974 tại Sài Gòn (nay là TP.HCM).
    Khi đó tổng thống Việt Nam cộng hòa là ông Nguyễn Văn Thiệu đã ban hành "sắc luật 007" có nội dung "bóp cổ báo chí" (tôi giữ nguyên từ trong cuốn sách).
    Theo tác giả Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng, khi đó báo chí ở Sài Gòn có bốn tổ chức là Hội chủ báo, Hội ký giả Việt Nam, Hội ký giả Nam Việt và Hội ái hữu ký giả. Và việc ban hành Sắc luật 007 đã "gián tiếp và vô tình" giúp "tập hợp cả bốn hội ấy và cả xuất bản nữa". Làm cho giới nhà báo cảm thấy không còn được tự do trong hành nghề.
    Để chống lại sắc lệnh 007, một cuộc họp của chủ báo, ký giả (nhà báo), dân biểu, có phóng viên nước ngoài tham dự đã diễn ra cạnh Trụ sở Quốc Hội (nay là Nhà hát Thành phố). Trong lúc đang họp, thình lình có người ngồi ngoài phòng họp nói to lên "Luật 007 mà thi hành thi nhà báo đi ăn mày cả đám". Thế là Ủy ban tranh đấu của các ký giả đã chớp ngay cái ý "đi ăn mày", để quyết định ngày 10-10-1974 sẽ tổ chức một cuộc biểu tình mang tên "biểu tình ký giả đi ăn mày" chống luật 007.
    Nguyên văn trong cuốn sách mô tả về cuộc biểu tình này như sau (do giáo sư Lý Chánh Trung viết):
    "Đoàn ký giả bị gậy sẵn sàng, xếp hàng trước Câu lạc bộ báo chí. Nhìn quanh thấy đủ mặt các cô bác, anh em; bô lão dẫn đầu, sồn sồn đi giữa, choai choai đoạn hậu.
    Nhìn quanh, một rừng cảnh sát... Nhưng bên kia rừng cảnh sát là một biển đồng bào từ đường Nguyễn Huệ đến mút đường Lê Lợi, với những tiếng reo vang từng chặp như sóng vỗ.
    Vài trăm ký giả, văn nhân, vài chục dân biểu, nghị sỹ đối lập, thật ít ỏi, hiền lành, yếu ớt, việc chi chánh phủ phải huy động cả một đội quân, cô lập cả một khu phố?... 
    Khi đoàn người bị gậy tiến lên, mấy cái hàng rào cảnh sát lần lượt vỡ ra, cái thư nhất ngay trước câu lạc bộ. cái thứ nhì trước Hạ viện, khi cái hàng rào cuối cùng mở ra trước đường Nguyễn Huệ, đoàn ký giả tiến vào đồng bào như dòng sông đổ ra biển cả. Và biển cả ấy đã hập lấy dòng sông. Từ hai bên lề đồng bào bước xuống đường, cả đại lộ chuyển động. Rồi cả đại lộ cùng đi.
    Cuộc biểu tình đã thành công. Cả hai đài tiếng nói Hoa Kỳ và BBC của Anh nhìn nhận đây là cuộc biểu tình lớn nhất kẻ từ ba năm nay...".
    Thế mới thấy cha anh chúng ta ngày xưa thật dũng cảm, hào hùng. Quyết đấu tranh vì tự do báo chí với nhà cầm quyền. Và được đồng bào ủng hộ.
    Mặc dù chưa đọc cụ thể sắc luật 007, nên không biết nội dung chính xác là như thế nào. Nhưng tôi nghĩ báo chí có chức năng phản ánh thông tin khách quan, trung thực. Vậy mà bị "bó buộc" thì khó mà trung thực, khách quan được. (Dĩ nhiên là tôi không muốn so sánh với mô hình "báo chí cách mạng" ở nước ta hiện nay).
    Nguyễn Ái Quốc gửi Bản yêu sách đến Hội nghị Véc-xây (Versailles) đòi đại xá toàn thể tù chính trị tại Việt Nam và đòi tự do báo chí, tự do tư tưởng
    Cũng trong cuốn Địa chí Văn hóa này, còn nhắc khá chi tiết về sự kiện năm 1919, Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã gửi đến Hội nghị Véc-xây và Quốc Hội Pháp một Bản yêu sách gồm 8 điểm.
    Bản yêu sách này đồng thời cũng được phát 100.000 bản trong Việt kiều và cho tất cả các báo chữ Pháp, chữ quốc ngữ ở Sài Gòn. Gây tiếng vang lớn, ảnh hưởng lâu dài.
    Cụ thể, 8 yêu sách mà Nguyễn Ái Quốc đưa ra và yêu cầu Chính phủ Pháp giải quyết là (khi đó Pháp đang đô hộ Việt Nam):
    1- Ân xá toàn thể chính trị phạm Việt Nam.
    2- Cải cách nền pháp lý Đông Dương, cho người Việt Nam cũng được bảo đảm về mặt pháp lý như người Âu, bỏ hẳn Tòa án đặc biệt, công cụ để khủng bố những người Việt Nam lương thiện nhất.
    3- Tự do báo chí và tự do tư tưởng.
    4- Tự do lập hội và tự do hội họp.
    5- Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do ra nước ngoài.
    6- Tự do học tập và mở các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp cho người bản xứ ở khắp các tỉnh.
    7- Thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ luật pháp.
    8- Phải có đại biểu thường trực người Việt Nam do người bản xứ bầu ra, ở bên cạnh Nghị viện Pháp để trình bày nguyện vọng của người bản xứ”.

    Ảnh chụp trang sách về Bản yêu sách 8 điểm của Nguyễn Ái Quốc
    (Ghi chú: Sự kiện này được đảng cộng sản Việt Nam ghi nhận trong lịch sử đảng và rất nhiều báo đăng, đưa lại. Chẳng hạn như trên báo Dân Trí có bài này: "Tư tưởng Hồ Chí Minh qua Bản yêu sách gửi đến Hội nghị Véc-xây và bản Hiến pháp 1946")
    Có thể thấy, 8 yêu sách do Nguyễn Ái Quốc đưa ra là rất hay, đều hướng đến việc đòi quyền bình đẳng trong xã hội, đòi Chính phủ Pháp tôn trọng quyền con người, tôn trọng tù chính trị, tôn trọng quyền tư do báo chí, tự do tư tưởng... 
    Theo quý vị, đất nước chúng ta hiện nay đã thực hiện được bao nhiêu "yêu sách" trong số 8 yêu sách mà Nguyễn Ái Quốc đặt ra như một mục tiêu cách mạng? Vì sao?

    Bìa cuốn Địa chí văn hóa. Vì cuốn của tôi sách cũ mất bìa, nên xin tạm ảnh sưu tầm trên mạng. Tôi sẽ bổ sung ảnh tự chụp cuốn sách.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét