Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Chỉ có trộm mới biết tài sản nhà quan chức!


10.622. Chỉ có trộm mới biết tài sản nhà quan chức!


Điền Phương Thảo
30-10-2016
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2015 có hơn 1 triệu người kê khai tài sản và không phát hiện ra người vi phạm dù xác minh hơn 400 trường hợp (1).
Quả là một tín hiệu đáng mừng (?) cho đất nước trong công tác thẩm tra phòng chống tham nhũng. Vậy mà ai đó nói rằng “tham nhũng đã trở thành quốc nạn” , “vì giờ nó liên quan đến hầu hết mọi người làm việc cho nhà nước”, nào là “ra ngõ đã thấy tham nhũng” và nó đã “như con rắn 100 đầu, đập đầu này nó có đầu kia”.
Trong bộ phim Ván Bài Lật Ngửa, cố vấn Ngô Đình Nhu đã đánh giá bản khai lý lịch của chiến sĩ tình báo Nguyễn Thành Luân “chỉ là một tờ giấy trắng” với “hai nghĩa: nó quá thật, quá đủ dẫn tới nghĩa thứ hai là chưa có chữ nào cả”. Nghĩa là “nó thật đến mức nó nói láo”.
Để có thể hoạt động tốt trong lòng địch, tất nhiên chiến sĩ tình báo Luân phải chuẩn bị cho mình một bản lý lịch rất minh bạch, không để lộ một sơ hở nào. Cũng vậy, khi kê khai tài sản, các cán bộ, công chức, đảng viên cũng phải kê khai sao cho tài sản của mình “trắng trẻo không tì vết” là điều dễ hiểu.
Thiết nghĩ, điều xã hội và người dân cần ở đây là tính trung thực của các cán bộ, công chức, đảng viên chứ không phải là có bao nhiêu đầy tớ nhân dân kê khai tài sản, thu nhập. Nếu các giao dịch bằng tiền mặt không qua ngân hàng thì làm sao kiểm tra? Chưa kể từ xưa đến nay, nhà nước không quản lý nguồn gốc đồng tiền từ đâu có và nó sẽ di chuyển đi đâu, giờ mới thực hiện việc kê khai, thử hỏi làm sao phân biệt được tiền nào là do cha mẹ để lại, tiền nào là do cán bộ làm ra ?
Theo một bài viết đăng trên trang báo Vietnamnet.vn vào ngày 24/07/2014 cho biết “chỉ đến khi bị trộm viếng thăm, khối tài sản khủng trị giá hàng chục, hàng trăm cây vàng, hàng tỷ đồng hay vài chục nghìn đôla… được giấu kín của nhiều quan chức mới bị lộ”.Thậm chí một “ siêu trộm” còn thừa nhận tại tòa án rằng “vào nhà đại gia, quan chức lắm tiền nhiều của chứ nhà dân thường lấy đâu ra tiền mà đột nhập vào cho mất công ?”
Vậy ra “cháy nhà mới ra mặt chuột”. Nên chăng ban thẩm tra phòng chống tham nhũng cứ lấy số liệu từ những vụ trộm này, có khi xã hội sẽ biết tài sản thật của các đầy tớ nhân dân mà không cần tốn giấy mực, công sức để thực hiện bảng kê khai?
____

Việt Nam tiếp tục điệp khúc ‘tham nhũng diễn biến phức tạp’

30-10-2016
h1Tranh biếm họa về tham nhũng tại Việt Nam của báo Giáo Dục Việt Nam. (Hình: GDVN)
HÀ NỘI (NV) – Chống tham nhũng tại Việt Nam có đủ mọi thứ ban bệ ở mọi cấp nhưng người ta vẫn thấy điệp khúc “Tham nhũng diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp” năm này qua năm khác.
Hôm Thứ Sáu, 28 Tháng Mười, 2016, ông Tổng Thanh Tra Chính Phủ Phan Văn Sáu đọc bản báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 kêu tại phiên họp như thế.
Ông Phan Văn Sáu khoe: “Công tác phòng, chống tham nhũng đã thúc đẩy sự chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân.”
Nhưng ở phần sau của bản báo cáo, ông Sáu lại kêu rằng: “Tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi. Công tác phòng, chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng đều. Không ít địa phương thực hiện chưa tốt công tác phòng chống tham nhũng.”
Nguyên nhân tình trạng tham nhũng vẫn đầy ngập khắp nơi, ông Sáu kêu rằng: “Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế – xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn bất cập; công khai, minh bạch còn hạn chế, chưa xóa bỏ được cơ chế ‘xin – cho,’ là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách, vốn, tài sản nhà nước, tổ chức – cán bộ, tín dụng, ngân hàng…”
Không thấy tham nhũng vì chính những kẻ cầm quyền ăn hối lộ hay tham nhũng, đồng thời cấu kết với nhau, chia chác mà ông Sáu kêu “bao che sai phạm trong nội bộ còn xảy ra ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị.”
Tuy có “Luật phòng chống tham nhũng” và có cả quy định các viên chức chỉ huy các cấp phải kê khai tài sản hàng năm nhưng những gì được kê khai lại không cho công chúng kiểm soát để người ta tố cáo sự gian dối của các ông bà cán bộ đảng viên. Rất nhiều lời đả kích việc kê khai tài sản chỉ là “hình thức,” tốn thời giờ vô ích chỉ nhằm mục đích bịp dân.
Ông Phan Văn Sáu làm người ta ngạc nhiên khi ông báo cáo rằng “đã có trên 1 triệu cán bộ, công chức hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập nhưng qua xác minh 414 trường hợp chưa phát hiện người nào kê khai không trung thực.” Vậy một triệu tờ khai chưa xác minh thì đến bao giờ sẽ làm? Sẽ không bao giờ làm?
Điệp khúc “Tham nhũng diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp” người ta đã nghe thấy ông Trương Hòa Bình, ủy viên Bộ Chính Trị, phó thủ tướng, ủy viên Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Tham Nhũng CSVN phát biểu ngày 12 Tháng Bảy, 2016, tại “hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng Chống Tham Nhũng.”
Trong hội nghị này, ông Trương Hòa Bình kêu rằng: “Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng từ nguồn vốn nhà nước, tín dụng ngân hàng, công tác tổ chức cán bộ.”
Mới tháng trước, ngày 7 Tháng Chín, 2016, Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội CSVN họp phiên toàn thể lần thứ 2 “thẩm tra báo cáo của chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016,” trong đó “chính phủ nhận định, tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi…”
Ngày 2 Tháng Hai, 2016, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị toàn quốc về hoạt động của Hội Đồng Nhân Dân và Ủy Ban Nhân Dân nhiệm kỳ 2011-2016, ông Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Thái Bình, việc tự kiểm tra, phát hiện hành vi tham nhũng ngay tại cơ quan, đơn vị còn nhiều hạn chế…
Ngày 22 Tháng Mười Hai, 2015, khi còn là phó thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc kêu ca tại “hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng Chống Tham Nhũng” là “Tham nhũng tiếp tục diễn biến phức tạp. Tự kiểm tra phát hiện xử lý còn hạn chế, phát hiện tham nhũng qua thanh tra cũng còn hạn chế, chưa tương ứng với vi phạm.”
Ngày 28 Tháng Mười, 2015, khi thảo luận về “Báo cáo của chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2015” gửi cho quốc hội của chế độ, nhiều ông bà “đại biểu” cũng kêu “tham nhũng vẫn đang tồn tại, ở các cấp, các ngành, trên nhiều lĩnh vực, với diễn biến hết sức phức tạp và ngày một tinh vi.”
Ngày 22 Tháng Bảy, 2015, ông Chủ Nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng CSVN Ngô Văn Dụ kêu “tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác giám sát, kỷ luật đảng.”
Ngày 8 Tháng Bảy, 2014, khi còn là chủ tịch nước, ông Trương Tấn Sang họp với “tập thể lãnh đạo chủ chốt Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và công tác 6 tháng cuối năm, ông phát biểu “Tội phạm tham nhũng đang diễn biến phức tạp.”
Cái “tham nhũng diễn biến phức tạp” nếu đi tiếp về quá khứ qua báo lề đảng, người ta vẫn thấy chúng được nêu ra trong các cáo cáo, phiên họp về chống tham nhũng tại Việt Nam. (TN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét