Những cảm nghĩ khác nhau về lũ miền Trung
bauxitevn9:02 AM
1. Không làm thì cũng nên diễn kịch chứ...
Mai Tú Ân
“Trong các vụ thiên tai hay nhân tai như vụ Formosa xả thải, hay vụ bão lụt miền Trung đang diễn ra... cấm bao giờ thấy bốn vị Tứ Trụ Triều Đình của ta lê gót ngọc rời khỏi tòa sen ở Ba Đình để đi ủy lạo dân chúng đang khốn khổ ở những nơi ấy” – Mai Tú Ân.
Không, bạn Mai Tú Ân nhầm rồi. Các vị ấy còn bận tối mắt tối mũi họp Hội nghị trung ương 4 bàn về “ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” là điều cốt tử của đảng cầm quyền cơ mà. Đảng mà có mệnh hệ gì thì các vị ấy làm sao còn giữ được ngai để trụ nữa.
Dân khốn khổ chừng ấy chứ khốn khổ hơn nữa đã có sao đâu, vì bao nhiêu năm nay dưới sự lãnh đạo của Đảng họ đã chịu đựng quen rồi. Hy sinh, chết chóc, mất mát, thua thiệt... gia đình nào mà không từng nếm trải kể từ cuộc kháng chiến chống Pháp đến tận ngày nay – bạn chẳng thấy dân Dương Nội và vô vàn làng xã khác đang mất đất, mất mồ mả tổ tiên vì “sự nghiệp công nhiệp hóa” của Đảng đấy à – chịu đựng thêm một chút thì phỏng có đáng gì.
Đã đi theo Đảng thì phải thế chứ – một đảng luôn luôn tuân theo tôn chỉ dùng bạo lực giành chính quyền và tước đoạt tài sản của kẻ này trao cho kẻ khác, nhằm đưa mọi người lên thiên đường XHCN vào... thế kỷ sau, hỏi có đảng nào mà tầm nhìn viễn kiến được như thế. Thế mà bảo Đảng phải ghé mắt vào những quyền lợi thiển cận của dân như chuyện lụt lội chết người, nhà trôi của mất... thì có phải là ngược với đường lối chiến lược của Đảng rồi hay không.
Bạn chẳng thấy vào hồi tháng Tư năm nay, đúng vào lúc cá bắt đầu chết hàng loạt trải dài khắp biển miền Trung, dân tình trở nên nhốn nháo, cụ Tổng nhà ta liền vi hành vào Vũng Áng, nhưng cụ có nói lấy một lời về tình cảnh dân chúng nhằm động viên an ủi họ đâu nào. Cụ chỉ đi tuốt đến tận sào huyệt Nhà máy thép Formosa để khen ngợi bọn họ làm ăn “đúng tiến độ”. Thế mới đúng là bản lĩnh của một vị tổng chỉ huy tối cao biết đặt mục tiêu của Đảng lên đầu, không để cho các thứ tình cảm vụn vặt chi phối, chứ lỵ!
Vì thế giờ đây, nếu tam trụ còn lại vừa nghe tin lũ lụt khủng khiếp ở Quảng Bình - Hà Tĩnh đã lập tức bươn chải đến tận nơi thăm hỏi, tìm cách cứu nguy dân chúng, thì không những họ mang tiếng không biết noi gương cụ Tổng đã đành, mà chắc chắn còn bị phê phán là cơ hội hữu khuynh như hồi xưa Lê Nin từng phê phán Đệ Nhị quốc tế. Họ sẽ rơi ngay xuống hàng những kẻ lãnh đạo các đảng xã hội dân chủ mà ta thấy nhan nhản ở trời Âu như Phần Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ... chứ làm sao còn gọi được là các quan đầu đẳng của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh?
Hơn nữa... nếu chịu khó để ý kiếm tìm một vài tin tức trên mạng mà xem thì quả họ cũng có nhiều việc thật đấy. Bạn Mai Tú Ân hãy nhìn đây này, chẳng phải vào lúc Thủy điện Hố Hô xả đập làm dân chúng Hà Tĩnh kêu gtr[fi trong nước lũ thì một trong tứ trụ là bà CT Quốc hội đang bận... cùng với bà Ngô Thanh Hằng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội, đến cổ vũ cho cuộc trình diễn thăng hoa của Fesstival áo dài Hà Nội 2016 đấy là gì. Bà ấy còn thì giờ đâu để đi úy lạo dân chúng miền Trung được?
Có phải là bạn đã trách nhầm rồi hay không?
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội chụp ảnh cùng các người mẫu đặc biệt ở cuối chương trình - Ảnh: Dân trí
NSND Trà Giang, bà Nguyễn Thị Sinh, NTK Minh Hạnh và bà Ngô Thanh Hằng - Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ - người mẫu tham gia chương trình. Ảnh: Dân trí
Bauxite Việt Nam
|
Trong các vụ thiên tai hay nhân tai như vụ Formosa xả thải, hay vụ bão lụt miền Trung đang diễn ra... cấm bao giờ thấy bốn vị Tứ Trụ Triều Đình của ta lê gót ngọc rời khỏi tòa sen ở Ba Đình để đi ủy lạo dân chúng đang khốn khổ ở những nơi ấy.
Tại sao các vị là đầu lĩnh Đảng, Chính quyền, Nhà nước và Quốc hội, toàn những cơ quan của dân, do dân và vì dân to nhất lại thản nhiên tọa nhìn chứ không vác xác đi thăm dân. Sao không đi thăm những người dân đen đang khốn khổ vì thảm họa để an ủi họ, hay để công bố các quyết sách giúp đỡ họ ngay tại thực địa...
Nhìn ra nước ngoài thì ta thấy các lãnh đạo của họ tài ghê. Cứ ở đâu có thảm họa lớn nhỏ là thấy họ xuất hiện tại chỗ rồi. Từ vị Vua kính yêu của Thái Lan Bhumibol Adulyadej vừa qua đời – cầu cho linh hồn ông mau lên miền Cực lạc – thì cũng quì một chân khi gặp các nạn nhân thiên tai, cho đến vị Thủ tướng Nhật S. Abe cũng quì xuống khi đến các vùng gặp nạn để úy lạo người dân. Cho đến các Tổng thống Mỹ như ông J. Bush con thì lập tức đến ngay TTTM Thế giới bị khủng bố đâm máy bay ngày 11/9/2001 để ủng hộ cho các đội cứu hộ đang làm việc, giữa lúc mùi thuốc sát trùng và mùi tử khí của hàng ngàn xác người vẫn còn nồng nặc. Hay anh Tổng thống đen Obama đi thăm nạn nhân trong cơn bão, phát biểu dưới trời mưa khiến áo ướt, nhìn rõ bộ xương cách trí của anh Tổng lòi cả ra ngoài trong khi anh vừa phát biểu vừa run lập cập.
Ấy thế mà không hiểu tại sao các Đỉnh Cao Trí Tuệ xứ ta không làm những việc như thế để trấn an lòng dân, vỗ an dân chúng vào lúc họ cần nhất. Không làm được thật lòng thì cũng diễn kịch đi thăm người dân một chút cho đỡ tức chớ cứ diễn những màn như đi ăn phở chẳng hạn, thì có mấy ai quan tâm...
M.T.A.
Tác giả gửi BVN
2. Tổ sư thằng cơ chế phản động và lũ quy trình giết dân
JB Nguyễn Hữu Vinh
Mấy hôm nay, không muốn nói một điều gì mà chỉ ngồi nghe, nhìn dòng nước lụt ngâm xương, ngâm da người dân với bao của cải bao đời dành dụm đã làm mồi cho hà bá để xem cái chính quyền "của dân, do dân, vì dân" này nó vì chỗ nào?
Lũ lụt, thiên tai hàng năm không ai tránh được và chấp nhận.
Nhưng, nhân tai liên tục đổ lên đầu dân tôi thì không thể nào chấp nhận được.
Thủy điện nhiều lần xả đột ngột ngâm xác người dân, năm 2013 tại Hoàng Mai và sau đó là nhiều nơi khác. Còn lần này cũng vậy.
Bạn thử tưởng tượng khối nước 1.800 m3/giây đổ xuống, nghĩa là có 6.480.000 m3 nước đổ xuống trong 1 tiếng đồng hồ thì có thằng dân nào chạy thoát? Tất nhiên là không.
Nhưng, nhân tai liên tục đổ lên đầu dân tôi thì không thể nào chấp nhận được.
Thủy điện nhiều lần xả đột ngột ngâm xác người dân, năm 2013 tại Hoàng Mai và sau đó là nhiều nơi khác. Còn lần này cũng vậy.
Bạn thử tưởng tượng khối nước 1.800 m3/giây đổ xuống, nghĩa là có 6.480.000 m3 nước đổ xuống trong 1 tiếng đồng hồ thì có thằng dân nào chạy thoát? Tất nhiên là không.
Thế nhưng, tất cả vẫn được trả lời ráo hoảnh: Đúng quy trình.
Không muốn nói, vẫn phải gào lên một câu chửi rằng: TIÊN SƯ CÁI THẰNG QUY CHẾ, KHỐN NẠN CÁI LŨ QUY TRÌNH.
N.H.V.
Nguồn: FB JB Nguyễn Hữu Vinh
3. Vị thế chính trị của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao
Pham Thanh Liem
Anh Trần Đại Quang, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố: "Vị thế chính trị của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao". Trời ra tay ngay để chứng minh anh Quang không hề nói điêu! Không có anh Quang và những anh như anh Quang thì làm sao vị thế chính trị của nông dân được nâng cao như thế này!
Ảnh: Thu Ngọc Dinh
Ảnh: Thu Ngọc Dinh
Nguồn: FB Pham Thanh Liem
4. Giá thành khủng khiếp của thủy điện miền Trung
Huy Đức
Bây giờ thì chúng ta thấy giá thành thủy điện còn bao gồm những cơn cuồng nộ của thiên nhiên và tính mạng của người dân. Thế mà bao nhiêu lâu nay nó đã đóng một vai trò quan trọng định đoạt giá trần để điện gió không có cửa vào VN. Lãnh đạo Bộ Công Thương và EVN đang ở đâu. Có ai chịu ngồi xem vài thước phim về sự khốn cùng của người dân trong vùng lũ.
H.Đ.
Nguồn: FB Truong Huy San
5. Có cơn lũ nào lớn hơn, cuốn phăng Formosa ra biển?
Trương Duy Nhất
Nghệ Tĩnh - Quảng Bình… đang chìm trong lũ. Hàng vạn ngôi nhà, hàng triệu đồng bào tôi chơi vơi trong lũ.
Chiếc đòn gánh miền Trung gánh hai đầu đất nước, năm nào cũng vậy. Khúc khoảnh thắt eo như gãy gập. Như thể, chỉ cần bồi thêm một bọng nước trào nữa thôi, cũng đủ cuốn trôi ra biển. Có những làng mạc, nhiều khi chỉ khoảnh khắc – trôi sụp, tan hoang.
Lũ như giặc. Thứ giặc không bao giờ thắng nổi. Phải chọn cách sống cùng lũ, sống trong lũ.
– Nước lên rồi đó! – Giọng mẹ thản nhiên, kèm tiếng tắc nhẹ như chiếc kim giây đồng hồ báo nhắc.
Vậy là cả nhà lục đục suốt đêm khuân đồ lên gác. Quê, lớn bé ngói tranh gì thì nhà nào cũng có một cái gác, đôi khi chỉ giản đơn vài thanh gỗ. Cuộc sống vẫn cứ vậy, vất vả, lũ lam, nhưng nhẹ tênh bao thế hệ.
Nhưng hôm nay, nếu nhắc đến Formosa. Chỉ cần… Formosa một tiếng là mẹ bật người, trừng mắt. Dân tôi, giờ cái tên Formosa đã như “kẻ xâm lược”. Họ có thể sống cùng lũ, sống trong lũ, chung với lũ, nhẹ tênh trước lũ. Nhưng Formosa thì không. Không thể sống cùng “kẻ xâm lược” Formosa.
Có thể, mẹ không nói ra. Nhưng tôi đọc được trong ánh mắt mẹ, cũng như bao cư dân vùng lũ thắt eo đòn gánh này một khát khao: Có cơn lũ nào lớn hơn, khác hơn, để cuốn phăng cái ổ dịch xâm lược Formosa ra biển?
Nghe đâu, có mấy vị khoa học thánh thần gì đấy nói có thể kêu mây gọi gió? Sao không gọi gió, nổi bão giùm tôi, cuốn lũ về xúc phăng cái ụ Formosa kia ném quăng ra biển.
Để mãi vậy, rồi sẽ không tránh được những cơn lũ khác, ấy là lũ trong lòng dân. Một khi cơn lũ lòng dân trỗi dậy, thì chế độ cũng không còn, đừng nói gì Formosa.
T.D.N.
6. Hai nẻo buồn, vui
LS Lê Văn Luân
Khi khúc ruột miền Trung điêu đứng trong cảnh lũ lụt thì nơi khác hội hè thăng hoa.
Khi cả một dải biển miền Trung trải dài hơn 250km bị đầu độc, ở nơi khác họ lại hào hứng tổ chức "mít tinh tuần lễ biển và hải đảo" đầy sôi động.
Khi 10 chiến sỹ trên chiếc Su-30 và Casa-212 tử nạn trên biển thì ngay đêm đó diễn ra đêm nhạc hội mà người ta ca ngợi là "tưng bừng" trên truyền hình quốc gia.
Phải chăng, bên cạnh những nỗi đau và sự mất mát, người ta không thể ngừng lại những niềm vui khác trong một vài khoảnh khắc?
L.V.L.
Nguồn: FB Luân Lê
7. Biểu tượng nói gì?
Nguyễn Huệ Chi
Bạn Trương Duy Nhất đem hình ảnh một con bò và một con chuột ngập trong nước lũ đặt song song với nhau để cảm thương cho hai con vật này, qua đó cám cảnh người dân Quảng Bình - Hà Tĩnh đang tuyệt vọng giữa một biển nước. Quả là vô cùng cảm cảnh.
Nhưng nếu ngẫm nghĩ thêm một chút, nhìn BÒ như biểu tượng của dân và CHUỘT là biểu tượng của quan (như lời phát biểu hồi nào của cụ Tổng), người xem bỗng tìm ra một sự so chiếu với nhiều ý nghĩa còn nhiều phần thâm thúy hơn.
Cả bò/dân và chuột/quan, dẫu thân phận có cách biệt nhau một trời một vực đi nữa thì trong cảnh nước sôi lửa bỏng của đất nước, chung quy cũng chẳng kẻ nào thoát khỏi là nạn nhân. Nói như vị Tể tướng oai quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Giai ở thế kỷ XVII trong bài Đèn kéo quân:
Một lũ ăn mày một lũ quan,
Quanh đi quẩn lại cũng một đoàn.
Đến khi dầu hết bấc không cháy,
Chẳng thấy ăn mày chẳng thấy quan.
Không chỉ trong cơn lũ miền Trung đang đe dọa cuộc sống hàng triệu con người mà trong mọi thứ bão lũ đã, đang và sẽ nhấn chìm đất nước này xuống vực thẳm, quan hay dân đều bị nhấn chìm tất vào trong nước lũ. Đó là điều có thể khẳng định.
Tuy nhiên, ngày nay, dưới chính thể do Đảng cầm đầu thì tương quan thân phận giữa quan và dân có khác nhiều với hồi thế kỷ XVII. Xét về tư chất, phải nói lũ chuộtngày nay là lũ đào hang khoét ngách ghê gớm hơn lũ chuột xù (thạc thử - Kinh thi) thủa trước gấp vạn lần. Và chính chúng mới góp phần quan trọng sinh ra lũ, định dạng nên những cơn lũ nhân tai bất thần ập xuống dìm chết hàng vạn cửa nhà, sinh mạng, đồng lúa, của cải của dân chúng, như ta chứng kiến ở khắp dọc miền Trung suốt từ 2009 lại nay, chứ không phải kiểu lũ do thiên tai như thủa trước, tuy cũng ghê gớm song không phải năm nào cũng làm người dân nơm nớp bởi những trái bom nước cứ treo lơ lửng ở trên đầu mình: Trời làm mưa bão ngập đồng / Ngập thằng khố rách đến ông phú hào...
Hơn nữa, như đã nói, do chỗ chuột ngày nay là thứ chuột hết sức ranh khôn, nên tuy cũng là nạn nhân của lũ – lụt thì lút cả làng – đấy, chúng vẫn cố tìm và rất giỏi tìm ra cách ngoi lên để vượt qua cơn lũ, kể cả... leo lên máy bay chứ không phải là leo hàng rào sắt như con chuột trong nước lũ ở Quảng Bình.
Còn bò vốn được xem là dân ngu (ngu như bò) thì xưa nay vẫn vậy, chẳng còn biết làm gì hơn là chỉ giương đôi mắt trắng dã tuyệt vọng cầu Trời khấn Phật. Xem ra dân Việt thoát được lũ e còn lâu lắm.
Đó là hình ảnh bi hài thu nhỏ của xã hội Việt Nam hiện nay.
N.H.C.
Nguồn: FB Trương Duy Nhất. Có bổ sung.
Phụ lục
Tiến sỹ môi trường: Thủy điện Hố Hô có trách nhiệm lớn
Ảnh chụp từ video trên YouTube của tác giả Bùi Minh Tuấn cho thấy cảnh tượng ngập lụt tại miền Trung Việt Nam.
Dư luận Việt Nam đang phẫn nộ sau khi có những cáo buộc cho rằng một nhà máy thủy điện ở tỉnh Hà Tĩnh đã xả nước bất hợp lý gây thiệt hại to lớn cho người dân ở cuối nguồn.
Theo báo chí trong nước, Nhà máy thủy điện Hố Hô đã xả nước với lượng có lúc lên đến hơn 1800 m3/giây từ đêm 13 đến cuối ngày 14/10, vào lúc có mưa lớn ở miền Trung Việt Nam. Báo chí cho rằng nhà máy ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, đã thông báo quá muộn khi xả nước. Việc này dẫn đến thiệt hại to lớn cho người dân ở cuối nguồn.
Có tin nhà máy xả nước lúc 5h chiều ngày 14/10 nhưng chỉ thông báo cho một lãnh đạo tỉnh trước đó khoảng 1 tiếng. Vì vậy, cả lãnh đạo tỉnh lẫn người dân gần nhà máy “không kịp trở tay”. Tin cho hay “11 xã với hơn 5.000 nhà dân quanh vùng bị dìm trong biển nước, có nơi ngập sâu đến 4 mét”.
Sau sự kiện này, nhà máy đã ra thông cáo báo chí nói họ xả nước “đúng quy trình”. Trước sự phẫn nộ của báo chí và công chúng, Bộ Công thương vào chiều 16/10 đã “lập tổ công tác điều tra việc xả lũ thủy điện Hố Hô”.
Từ Cần Thơ, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, một chuyên gia môi trường đưa ra nhận xét với VOA về trách nhiệm của thủy điện Hố Hô:
“Có một sự phối hợp không đồng bộ giữa Nhà máy thủy điện Hố Hô với các cơ quan chức năng. Cái trách nhiệm lớn nằm ở trong nhà máy thủy điện. Trách nhiệm của nhà máy thủy điện là phải chủ động tháo nước trong các hồ chứa ra trước khi mưa bão đến. Tôi nghĩ cái quy trình vận hành này có vấn đề nên họ không có chủ động trong chuyện tháo nước trong hồ chứa ra trước khi mưa bão về. Nên khi mưa bão về lớn, họ sợ vỡ đập nên họ phải xả nước như vậy”.
Vị Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ lưu ý rằng thông thường các thiết kế nhà máy thủy điện phải tính toán đến tần suất gây mưa bão trong khu vực, và phải có khả năng phối hợp để dự báo thời tiết trước 5-7 ngày, hoặc tối thiểu là 3-4 ngày.
Tiến sỹ Tuấn cũng nhấn mạnh rằng khi có khả năng nước đầu nguồn đổ về nhiều, tùy theo năng lực của đập, người ta phải xả nước trong đập 3-4 ngày trước khi nước đổ về “để tạo khoảng không gian cần thiết để trữ nước”.
So sánh với phân tích kể trên, Nhà máy Hố Hô đã hoàn toàn không làm như vậy.
Trên một bình diện rộng hơn, Tiến sỹ Tuấn phân tích thêm vì sao thủy điện nhỏ ở Việt Nam có nhiều vấn đề:
“Các chủ đầu tư đó đôi khi các nguồn kinh phí hoặc là năng lực không có đủ nhưng mà muốn có lợi nhiều thì đôi khi họ không tuân thủ theo những quy định trong kỹ thuật, và các quy định đó thường rất là nghiêm ngặt, nên do đó đã để xảy ra các sự cố”.
Về những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu, Luật sư Võ An Đôn hay bảo vệ người yếu thế nói với VOA rằng các nạn nhân có thể kiện Nhà máy Hố Hô:
“Thủy điện mà xả lũ làm chết người dân mà không thông báo trước hoặc là không xả đúng quy trình thì có thể bị truy tố về tội giết người, đồng thời phải bồi thường thiệt hại đối với người dân. Các luật sư trong đó có tôi sẵn sàng giúp người dân khởi kiện ra tòa. Tôi sẵn sàng giúp hoàn toàn miễn phí”.
Luật sư Đôn khuyên các nạn nhân cần lưu lại các bằng chứng bằng cách chụp hình lại các thiệt hại, đồng thời báo cho chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, bình luận về khả năng thắng kiện, Luật sư Đôn chỉ ra rằng do chính quyền địa phương có cổ phần trong nhà máy nên có thể họ sẽ can thiệp vào vụ kiện. Ông nói:
“Bên thủy điện thì công ty thường là bán cổ phần cho tư nhân nhưng 51% là của nhà nước. Trong trường hợp này là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Hà Tĩnh. Khi mà người dân khởi kiện thì họ rất khó chấp nhận. Thực tế thì chính quyền địa phương sẽ can thiệp tòa án, tìm mọi cách, viện ra nhiều lý do để không thụ lý đơn kiện của người dân”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét