‘Vơ, vét, về…’ và cả họ làm quan
bauxitevnTue 1:53 AM
Tư Ngộ/Người Việt
Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, có vợ và anh em ruột giữ các chức vụ cao cấp trong tỉnh mà ông này thanh minh rằng “việc bổ nhiệm là đúng quy trình”. (Hình: Báo Tiền Phong)
Những hé lộ những ngày gần đây trên báo chí trong nước cho người ta thấy hệ thống quyền lực của nhà cầm quyền Việt Nam thực chất chỉ là một “băng đảng lớn” tập hợp bằng nhiều “băng đảng nhỏ” để cai trị và bòn rút, tham nhũng.
Chỉ nói một hai chuyện thôi cũng đủ chứng minh được điều này, một điều mọi người đã biết từ lâu, thỉnh thoảng mới thấy xì ra dù là chuyện vô cùng phổ biến ở cái đất nước “dân chủ đến thế là cùng”.
Vài ngày qua, nhiều báo tại Việt Nam đưa tin tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của tỉnh Hải Dương, có tổng cộng 46 viên chức gọi là “biên chế” thì có đến 44 người mang chức danh trưởng, phó phòng, còn lại hai người là “chuyên viên”.
Trong số đó, có người mới được tuyển dụng được ba tháng là đã được thăng chức như trường hợp bà Vũ Thị Thu Hà được bổ nhiệm Phó chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương ngày 1 tháng 12, 2015.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 9 phòng, ban chuyên môn; trong đó có một giám đốc, 3 phó giám đốc sở và ở mỗi phòng, ban thì có một trưởng phòng và từ 3 đến 5 cấp phó phòng.
Khi bị khui ra trên mặt báo, ông Giám đốc Sở là Vũ Doãn Quang chống chế rằng ông mới được bổ nhiệm về đây. Tình trạng cả Sở toàn là cấp lãnh đạo không có nhân viên là do “tồn tại từ thời lãnh đạo trước”.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chuyên môn giúp nhà cầm quyền tỉnh “thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực việc làm; dạy nghề; lao động; tiền lương, tiền công; bảo hiểm xã hội; bảo vệ và chăm sóc trẻ em…”
Chính vì có quá nhiều lãnh đạo, ít chuyên viên mà tại đây nhiều lãnh đạo phòng phải làm những công việc của nhân viên như “đưa công văn, đun nước, pha trà” theo Báo Đất Việt.
Chuyện cả một sở có 46 người mà 44 người là “lãnh đạo” không phải là trường hợp duy nhất. Một số nơi khác cũng có tình trạng này, chỉ khi nào bị vạch ra trên mặt báo thì người ta mới biết.
Ngày 6 tháng 5, 2016 báo An ninh tiền tệ kể rằng tại tỉnh Gia Lai, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 45 cán bộ, nhân viên thì trong đó có 1 giám đốc, 5 phó giám đốc, 15 phó, trưởng Phòng. Còn tại Sở Xây dựng có 33 cán bộ, nhân viên; trong đó có 1 giám đốc, 4 phó giám đốc, 12 phó, trưởng phòng.
Tỉnh này “được xem là tỉnh vùng cao còn nhiều khó khăn, đời sống của đại bộ phận người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, hàng năm chính phủ còn phải cứu đói cho tỉnh này cả nghìn tấn gạo”.
Ngày 19 tháng 1, 2015 tờ Báo Đất Việt nói trong vòng hơn 2 tháng (từ 17 tháng 10, 2013 đến ngày 25 tháng 12, 2013), ông Nguyễn Văn Hóa, nguyên Phó giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường đã ký 29 quyết định bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ sai quy định, thủ tục.
Như ở trên tường thuật, ông giám đốc Vũ Doãn Quang đã nói, cái sở của ông toàn “lãnh đạo” là do “lịch sử để lại” ông không phải thủ phạm. Ông cựu giám đốc đã “hốt hụi chót” trước khi nghỉ hưu nên khi bị báo chí phanh phui, ông buộc phải “giải trình” với cấp trên để “tìm hướng giải quyết”.
Mới ngày 9 tháng 9, 2016, tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh cho hay Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hải Dương “tiếp các đoàn khách tỉnh và trung ương bằng cách đến những địa điểm quen và… nợ lại tiền”. Số tiền nợ ăn uống là 310 triệu đồng cơ quan này không có nên “kính đề nghị thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh xem xét, hỗ trợ cấp bổ sung kinh phí” giúp ủy ban này “hoàn thành nhiệm vụ”.
Không thấy báo nào nói ra nhưng người ta hiểu ngày rằng ông Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương thăng chức búa xua cho các thuộc cấp chỉ để ăn hối lộ. Những người được ông thăng cấp lại dùng cái chức vụ đó tìm cách để lấy lại “vốn đầu tư” tức tiền hối lộ cho ông giám đốc. Không kẻ nào “chạy chức” rất tốn kém mà lại không nghĩ đến chuyện thu hồi cả vốn lẫn lãi.
Cả họ làm quan
Rất nhiều vụ lình xình bổ nhiệm thuộc cấp không đúng quy định, tiêu chuẩn cả về số lượng cũng như trình độ, nói chung là trái luật nhưng không thấy ai bị hài tội. Vợ, con, anh em họ hàng nội ngoại được đưa vào các chức vụ chủ chốt từ xã lên huyện, tới tỉnh cũng đều được chống chế “đúng quy trình”. Và những vụ bổ nhiệm trước khi nghỉ hưu của những ông bà làm “chuyến tàu vét” không phải họa hiếm.
Ông Triệu Tài Vinh, Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang bổ nhiệm hàng loạt người thân vào các vị trí cao trong bộ máy cầm quyền ở tỉnh. Bà Đặng Thị Hà (vợ ông Vinh) hiện là Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Em trai ruột ông Vinh là Triệu Tài Phong hiện giữ chức Bí thư Huyện ủy huyện Quang Bình (Hà Giang); Phó chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì hiện nay cũng là em ruột của ông Vinh – ông Triệu Sơn An…
Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, anh em cột chèo đều làm quan chủ chốt của huyện A Lưới như ông Hồ Xuân Trăng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện A Lưới là anh “cột chèo” với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban huyện. Bà Lê Thị Thêm (vợ ông Trăng) là chị ruột của vợ ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiện đang giữ chức Vụ trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới. Ngoài ra, ông Trăng còn có 2 người em “cột chèo” khác là ông Nguyễn Nam Sinh – Phó trưởng công an huyện và ông Hồ Thanh Hà – Phó phòng Tài chính huyện A Lưới.
Ngay tại Hà Nội, ở huyện Mỹ Đức cũng có 9 người là thân nhân ruột thịt của ông bí thư huyện ủy Lê Văn Sang.
Tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5 tháng 1, 2016 cho biết, tại xã Hạ Sơn (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) có tới hơn 20 người là anh em, họ hàng với chủ tịch xã Lê Văn Thanh và bí thư xã Trương Văn An cùng làm lãnh đạo, cán bộ xã. Trong đó, chủ tịch xã cũng là… em rể của bí thư.
“Vơ, vét,… về”
Đó là câu chữ người dân Việt Nam ám chỉ các quan tham vơ vét đủ mọi thứ có thể trước khi về hưu hay còn gọi là “hạ cánh an toàn”.
Tại Tỉnh ủy Hưng Yên, hồi giữa tháng 6 báo chí trong nước cho hay ông Lê Quang Huy (Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hưng Yên) sẽ nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1 tháng 9, 2016. Từ đầu năm 2016 đến lúc đó, ông Huy liên tục ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm và điều động cán bộ đầy “nghi vấn”.
Nhiều phòng, ban của Cục Thuế tỉnh Hưng Yên có đến 4-5 người đảm nhiệm vị trí phó phòng, các Chi cục Thuế huyện cũng rơi vào tình trạng toàn trưởng và phó. Đặc biệt có những phòng ban tất cả đều là lãnh đạo, chỉ có đúng 1 nhân viên.
Cách đây hai năm, dư luận sửng sốt khi thấy Tổng thanh tra Chính phủ có vẻ đạo mạo, liêm khiết Trần Văn Truyền phải xin chính quyền thành phố Sài Gòn một căn phố nhỏ để ở trong khi lại có một tòa lâu đài tráng lệ. Không những vậy, ông còn làm chủ một số bất động sản đang cho thuê.
Chưa hết, người ta khám phá ra là trước khi nghỉ hưu, ông Truyền đã ký một loạt gần 60 vụ bổ nhiệm các chức vụ dưới quyền, gồm cả một số chức vụ trưởng, vụ phó. Thanh Tra chính phủ là cơ quan chống tham những cấp trung ương, từng có những ông thanh tra bị tố cáo và ở tù khi bị lộ vì hối lộ. Chẳng lẽ ông Truyền bổ nhiệm tới tấp như thế mà không ai có phong bì “cảm ơn”. Cái gì cũng có giá của nó hết.
Chuyện cả họ làm quan hay ký bổ nhiệm “vét chuyến chót” là người ta đã ngó ngang ngó dọc, thấy chỗ này làm được thì chỗ kia sao không làm. Cái nước “dân chủ đến thế là cùng” nó là vậy. Nếu những người dân đen cùng khổ ở đó vẫn cúi đầu cam chịu thì sẽ chẳng bao giờ có thay đổi.
Đó là lý do vì sao người ta hiểu lương bổng của cán bộ đảng viên, viên chức nhà nước từng bị kêu ca không đủ sống mà người ta vẫn sống, phương phi béo tốt. Không những vẫn sống mà lại là giai cấp trưởng giả thượng lưu của xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét