Cách mạng Dân chủ: thành công và thất bại - phần 3
bauxitevnFri 6:52 AM
Đoàn Hưng Quốc
Trong phần 3 của loạt bài này người viết xin tóm tắt về những diễn biến dân chủ tại các quốc gia trong vòng 20 năm nay với những kết quả thành công hay thất bại vô cùng khác biệt. Xin lưu ý rằng bài viết chỉ nêu lên vài gợi ý chớ không phải là công việc nghiên cứu sâu rộng và đầy đủ nên không khỏi thiếu sót, mục tiêu chỉ nhằm đưa ra một số nhận xét tổng quát và chủ quan mà tránh không bị che phủ bởi quá nhiều chi tiết dày đặc.
Cuộc khủng hoảng tài chánh tại Á Châu năm 1997 đã thúc đẩy những bước tiến dân chủ tại Nam Hàn và Đài Loan vốn đã bắt đầu từ thập niên 70-80. Quân đội và đảng cầm quyền lâu đời ở hai nước này bị đánh bại qua lần Tổng tuyển cử. Tiến trình dân chủ đã thành tựu, nền dân chủ trở nên vững chắc và sinh động trong hai quốc gia nói trên.
Cuộc khủng hoảng Á Châu năm 1997 cũng đã khiến hai nhà độc tài Suharto và Marcos tại Nam Dương và Phi Luật Tân bị lật đổ. Khủng hoảng sau đó lan sang Nam Mỹ và góp phần để hai nền quân phiệt ở Brazil và Argentina bị thay thế bởi chính quyền dân sự. Tuy vậy, các nền dân chủ những nơi đây vẫn còn mong manh, và hiện thời khung cảnh chính trị tại Phi, Brazil và Argentina đang trải qua rất nhiều sóng gió mang theo các thể hiện phản dân chủ.
Cách mạng Cam năm 2004-05 xóa bỏ kết quả cuộc bầu cử gian lận tại Ukraine. Nhưng rồi các đoàn thể đấu tranh chia rẽ tạo cơ hội cho đám tài phiệt và các tập đoàn lợi ích thao túng dẫn đến bất ổn chính trị. Tham nhũng tràn lan, tình trạng chia rẽ giữa hai miền Đông (thân Nga) và Tây (thân Tây phương) không được giải quyết. Cách mạng Maidan sau đó lật đổ Tổng thống Yanukovich thuộc cánh theo phe Mạc Tư Khoa, nhưng sau đó Ukraine bị Nga chiếm mất bán đảo Crimea và tách ly thành hai khu vực Đông-Tây từ năm 2014 cho đến ngày nay.
Quá trình chuyển đổi từ nhà cầm quyền quân phiệt sang dân sự tại Miến Điện từ năm 2011 được tán thưởng như mẫu mực cho phong trào cách mạng ôn hòa, tuy nhiên nền dân chủ non trẻ tại Miến vẫn còn rất mong manh.
Cách mạng hoa Nhài tại Trung Đông từ năm 2010 đến nay đem lại bức tranh vô cùng u ám: nền chính trị tại Tunesia, Ai Cập vô cùng bấp bênh còn Syrie và Lybia là hai tấm thảm kịch nhân loại.
Từ những diễn biến nói trên người viết xin đưa ra vài gợi ý dưới đây:
1. Khủng hoảng kinh tế trầm trọng là một trong các chất xúc tác cho cách mạng.
2. Nhưng cách mạng xảy ra không hẳn sẽ dẫn đến dân chủ; bầu cử tự do cũng không bảo đảm sẽ có dân chủ.
3. Nam Hàn và Đài Loan đã vượt ngưỡng cửa của những nước có lợi tức trung bình nên ý thức quần chúng cùng các cơ chế kinh tế và luật pháp đã đưa tiến trình dân chủ đến thành công.
4. Cách mạng phải cải thiện đời sống dân chúng. Hai chính quyền dân sự tại Brazil và Argentina quản lý kinh tế tồi tệ, ở Phi Luật Tân băng đảng ma túy hoành hành là những nguyên nhân khiến các nhà cầm quyền dân sự mất dần tính chính đáng.
5. Các thế lực phản dân chủ (ngoại quốc, quân đội, tài phiệt, khối lợi ích, vây cánh của nhà nước độc tài) lúc nào cũng rình rập để phá hỏng tiến trình dân chủ.
6. Trước muôn vàn khó khăn nhưng nội bộ các đoàn thể tranh đấu chia rẽ dù là vì tôn giáo, sắc tộc, vùng miền hay do bất đồng chính kiến thì cách mạng sẽ thất bại.
Đ.H.Q.
Tác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét