Tuyệt vọng và bất lực
Yen VuongFeb 5 9:00 AM
Tuần rồi, tôi gặp một số người quen từ Việt Nam sang Úc chơi. Hầu hết đều là người miền Nam và thuộc giới khoa bảng, có bằng cấp cao và hiện giảng dạy tại các trường đại học lớn ở Việt Nam. Lúc chuyện trò, chẳng hiểu sao, câu chuyện lại hướng về Đại hội đảng lần thứ XII vừa mới kết thúc.
Điều khiến tôi ngạc nhiên vô cùng là không ai có vẻ hiểu biết gì về đại hội ấy. Người ta biết rất lờ mờ về kết quả bầu cử; về chuyện ai đi ai ở lại; về chuyện trong Bộ Chính trị hay Ban Chấp hành Trung ương có bao nhiêu người; và hoàn toàn không biết gì về những cuộc đấu đá giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng. Với chút ngượng nghịu, họ thú nhận là họ không biết gì nhiều. Rồi, cũng với chút ngượng nghịu, họ phân bua: Họ không để ý theo dõi. Không đợi tôi hỏi, họ phân bua tiếp: Ông nào lên, ông nào xuống thì Việt Nam cũng vẫn thế. Không có gì thay đổi cả. Biết vậy thì quan tâm để làm gì? Thì giờ, người ta để dành cho việc kiếm sống. Rảnh, thì rủ bạn bè ra quán, nhậu. Vậy thôi.
Chưa hết, người ta còn thanh minh thêm: Không phải chỉ có họ, mà ngay cả các đảng viên ở Sài Gòn cũng vậy, cũng chả tha thiết gì đến chuyện chính trị. Rồi họ đọc cho tôi nghe một câu ca dao mới nói về tính cách của người “Nam kỳ”:
Nam kỳ ăn nhậu lai rai
Nghị quyết đọc hoài chẳng nhớ một câu.
Thú thực, tôi đã nghe những lời phân trần như vậy khá nhiều lần. Và lần nào cũng ngạc nhiên. Bởi nó khác hẳn kinh nghiệm thường ngày của tôi tại Úc. Ở Tây phương, người ta hay khuyên không nên nói đến chuyện chính trị vốn là yếu tố rất dễ gây ra bất đồng. Nhưng đó là lời khuyên giành cho những người lạ, ở chỗ sơ giao. Trên thực tế, trong khoa tôi dạy, giữa các đồng nghiệp, chúng tôi vẫn rất hay nói đến chuyện chính trị. Người ta ít khi trình bày lộ liễu chủ kiến của mình nhưng qua sự phân tích, hầu như ai cũng chứng tỏ là họ rất hiểu biết về các biến động trong sinh hoạt chính trị tại Úc cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ. Sự hiểu biết ấy trở thành một dấu chỉ của khái niệm trí thức.
Sẽ rất đơn giản nếu chúng ta quy việc thiếu quan tâm đến chính trị của người Việt Nam như một biểu hiện của chứng vô cảm. Đành là đúng. Sống trong một quốc gia mà người ta không hề để ý đến các biến cố quan trọng có sức ảnh hưởng đến vận mệnh đất nước và tương lai của dân tộc, nếu không gọi là vô cảm thì là cái gì? Nhưng vấn đề là: tại sao người ta vô cảm như vậy? Câu trả lời đầu tiên là chính sách tuyên truyền cho tất cả hãy để cho “nhà nước lo” ở Việt Nam. Hậu quả của chính sách tuyên truyền ấy là mọi người xem chuyện đất nước thuộc trách nhiệm của ai đó, không dính líu gì đến mình. Không quan tâm đến đất nước, người ta cũng chả thèm để ý đến các sinh hoạt chính trị như đại hội đảng hay các cuộc hội nghị trung ương.
Tuy nhiên, bên cạnh sự vô cảm ấy, tôi nghĩ còn có một tâm lý khác: tuyệt vọng.
Đảng cộng sản, trong giai đoạn giành chính quyền, để thu phục nhân tâm, lúc nào cũng vẽ ra bao nhiêu hy vọng cho dân chúng, từ hy vọng về độc lập cho đất nước đến hy vọng về tự do và no ấm, hay xa và lớn hơn nữa, về một thiên đường xã hội chủ nghĩa, nơi mọi người đều bình đẳng với nhau. Giành được chính quyền rồi, trong những giai đoạn chiến tranh hay kinh tế khó khăn, người ta lại vẽ nên những hy vọng khác, về thống nhất và về thịnh vượng. Tuy nhiên, sau năm 1975, tất cả những gì người dân chứng kiến và kinh nghiệm đều chỉ là sự áp bức và sự khốn cùng. Chỉ có giai đoạn gọi là đổi mới, những tia hy vọng ấy mới sáng lên trong lòng dân chúng. Nhưng chỉ được vài năm. Sau đó, tuy đời sống của người dân khá lên một chút, nhưng kinh tế đất nước vẫn ì ạch trì trệ với số các đại công ty bị phá sản càng lúc càng nhiều và đặc biệt, nợ công càng lúc càng chồng chất. Giáo dục và đạo đức càng ngày càng suy đồi. Cán bộ thì tham nhũng. Đi đâu cũng gặp tham nhũng. Những lời hứa hẹn diệt trừ tham nhũng cứ như những lời nói đùa. Những lời hứa hẹn cải cách này nọ chỉ là những lời hứa hẹn hão. Dân chúng, từ lâu, biết rõ điều đó, nên họ đúc kết thành ca dao: “Sửa sai thì lại sửa sai / Sửa thì cứ sửa, sai thì cứ sai.” Sống trong hoàn cảnh như thế, kéo dài cả hơn nửa thế kỷ, dần dần người ta đâm ra tuyệt vọng. Không ai còn tin là đảng cầm quyền sẽ thực sự thay đổi hoặc có một chính sách nào thực sự có hiệu quả để đất nước được phú cường và dân chủ cũng như nhân quyền được tôn trọng.
Bên cạnh sự tuyệt vọng ấy là cảm giác bất lực.
Ở đâu quyền lực chính trị cũng chỉ nằm trong tay một số người. Tuy nhiên, ở các quốc gia dân chủ, những người bị trị ít nhất cũng có một số quyền lực nhất định. Ở việc bầu cử. Ở việc lên tiếng phê phán hoặc thậm chí, xuống đường phản đối một số chính sách họ cho là sai lầm. Giới lãnh đạo không thể không quan tâm trước những sự phê phán và những sự phản đối ấy bởi, nếu không, họ có thể bị thất cử ở kỳ bỏ phiếu kế tiếp. Ở Việt Nam, ngược lại. Dân chúng hoàn toàn không có quyền bỏ phiếu cho những người lãnh đạo đất nước: Đó là công việc trong nội bộ đảng của họ. Dân chúng chỉ được quyền bầu các đại biểu Quốc hội, tuy nhiên, ở đây lại có hai điều đáng chú ý: Một, tất cả những đại biểu ấy đều do đảng lựa chọn và đề cử; hai, thắng cử rồi, các đại biểu ấy đều làm việc và bỏ phiếu theo chỉ thị của đảng chứ không phải theo nguyện vọng của cử tri. Còn việc phê phán và phản đối của dân chúng đối với các chính sách của đảng và của chính phủ thì hoàn toàn bị cấm đoán. Dân chúng, do đó, dù biết các chính sách của nhà nước là sai lầm và nguy hại, cũng không có cách gì ngăn chận được. Họ hoàn toàn bị bất lực.
Cảm giác tuyệt vọng và bất lực ấy được thấy rõ nhất trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ai cũng biết Trung Quốc đã từng chiếm hải đảo Việt Nam và đang âm mưu lấn chiếm cả vùng biển của Việt Nam. Và ai cũng biết, trước các nguy cơ lấn chiếm ấy của Trung Quốc, phản ứng của chính quyền Việt Nam rất yếu ớt và không có hiệu quả. Biết vậy, nhưng người ta không làm gì được. Xuống đường biểu tình chống đối Trung Quốc thì bị đánh đập, bắt bớ, tù đày. Sợ hãi và mệt mỏi, người ta đành buông xuôi.
Sự tuyệt vọng, bất lực và buông xuôi ấy rõ ràng là một tai hoạ cho đất nước. Việt Nam không thể thay đổi, không thể mạnh hơn và không thể bảo vệ được chủ quyền của mình trên biển đảo nếu dân chúng đều mặc kệ như thế.
Tuy nhiên, oái oăm là chính quyền lại muốn nuôi dưỡng cái tinh thần mặc kệ ấy .
THEO VOA BLOG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét