Lạm bàn về "chính trị"
noreply@blogger.com (Danlambao 2012)Wed 8:02 AM
Phạm Dương Đức Tùng (Danlambao) - Chính trị là nhiệm vụ hàng đầu, là công tác cao cả mà mọi người cần phải tham gia, đóng góp vào cho đời sống làm người thêm ý nghĩa. Giúp cho nước mạnh, dân giàu, người ấm no, dân hạnh phúc, và quê hương rạng danh năm châu bốn biển vậy. Mọi công tác trong một xã hội đều là chính trị. Làm văn hóa, nhân đạo, xã hội, bỏ phiếu bầu cử, hay những việc nhỏ nhất cho cộng đồng xã hội cũng đã là làm chính trị. Vì các hoạt động này được thực hiện với mục đích phục vụ xã hội và con người. Một xã hội có nhiều người tham gia chính trị là một xã hội văn minh tiến bộ. Và ngược lại, một xã hội mà có rất ít người tham gia chính trị, công dân bị cấm tham gia chính trị là một xã hội nghèo nàn lạc hậu, phần nhiều xuất phát từ độc tài..
*
I. Nhu cầu chính trị
Cách đây mươi ngàn năm, khi con người bắt đầu kết xã, tổ chức cuộc sống thành những làng nông nghiệp, làng đánh cá, bộ lạc, tiểu đô thị thì nhu cầu chính trị đã ra đời. Để điều hành xã hội, điều hòa cuộc sống và phục vụ con người cho cuộc sống được hòa bình, an thái.
Xã hội loài người sẽ hỗn loạn, con người sẽ sống như loài thú man dại, hoang sơ, nếu chính trị không được áp dụng vào đời sống loài người.
II. Nguyên ngữ “chính trị”
"Politic", "politique", "politician" (chính trị, chính trị gia) là những chữ bắt nguồn từ nguyên ngữ "poli" của Hy Lạp. Theo chữ Hy Lạp, “polis” là thành phố hay tiểu đô thị, “polites” là những người sống trong các “polis”. Sau này, "police" được dùng trong một quốc gia để chỉ định những lực lượng cảnh sát bảo vệ người dân và giữ gìn trật tự an ninh xã hội.
Khi người Hy Lạp bắt đầu kết xã thì họ thành lập những "polis". Các đô thị được thành hình theo thời gian, tạo nên một nếp sống mới, khác với cuộc sống của người dân sống ở nông thôn. Những người đô thành tự cho mình là những “polites” (công dân sống trong các polis) có cuộc sống văn minh.
Chính những người "polites" này, vì sống nơi thành thị, có điều kiện tiếp cận với xã hội văn minh tiến bộ, nên cho ra đời "politic" (chính trị).
"Politic" dần dần sản sinh khắp Âu châu, nơi tiếp xúc trực tiếp với nền văn minh Hy Lạp cổ. Là cái nôi của nền văn minh châu Âu và văn minh La Mã sau này.
III. Định nghĩa
Ngày nay, người ta đã định nghĩa chính trị một cách tổng quát và khoa học như sau: "Chính trị là khoa học cai trị quốc gia", "Chính trị là nghệ thuật, cách thực hành cai trị các xã hội loài người".
Hai ngàn năm trăm năm trước, Đức Khổng Phu Tử đã định nghĩa vắn tắt: "Chính trị là đạo cả". Nghĩa là con đường lớn nhất của bậc sĩ phu, của người quân tử. Là công tác quan trọng bậc nhất của đời sống loài người. Aristote cũng đã dạy rằng: "Khoa chính trị là thầy của các môn khoa học".
Theo các triết gia Tây phương nói chung, Hy Lạp nói riêng là Socrates, Platon và Aristote, thì họ quan niệm rằng con người là sự kết hợp của hai phần tách biệt là Tinh thần và Vật chất. Nói cách khác là gồm Linh hồn và Thể xác. Vì linh hồn bất diệt nên tinh thần quan trọng hơn hẳn thể xác. Do đó, mọi việc phải bắt đầu bằng lý trí, triết lý chính trị. Tức là phải bắt đầu bằng phần lý trí, lý luận rồi mới đến kinh tế, vật chất. Nghĩa là văn hóa, chính trị lãnh đạo, chi phối hệ thống sản xuất kinh tế.
Mấy trăm năm gần đây, ngược lại, Karl Marx quan niệm con người thuần vật chất. Ông nhìn lịch sử loài người bằng con mắt Duy Vật (duy vật sử quan). Ông cho rằng lịch sử loài người là lịch sử của hệ thống sản xuất kinh tế nên kết luận cho rằng kinh tế chi phối, chỉ đạo văn hóa chính trị.
Đến bây giờ thì tất cả chúng ta đều đã thấy rằng hệ thống kinh tế có thể ảnh hưởng đến thể chế chính trị, nhưng không thể nào chỉ huy hoặc tạo ra một cơ cấu chính trị được.
IV. Quan niệm chính trị theo người xưa
Suốt mấy nghìn năm, sĩ phu của ta và của các nước có nền tảng Nho học đều hành xử trong một chuẩn mực được gọi là "Đạo" mà căn bản chính là mẫu Người Quân Tử.
Theo quan niệm của các bậc sĩ phu, việc "chính thân trị quốc", phải luôn đi đôi với "Tài năng" và "Đức độ".
Chữ "Sĩ" vốn nghĩa là học trò, là người theo học đạo Nho. Là hạng người khí tiết thanh cao, ninh thọ tử bất ninh thọ nhục, uy vũ bất năng khuất (thà chết chứ không chịu nhục, thế lực không khuất phục được).
Kẻ sĩ luôn giữ vững ba mối quan hệ giữa vua-tôi, cha-con, vợ-chồng (tam cương) cùng năm đức: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín (ngũ thường).
Ở triều đình, kẻ sĩ đứng vào hạng thứ 5, sau các tước khanh, tướng, thượng đại phu, hạ đại phu. Ngoài đời, kẻ sĩ được xếp vào hạng nhất, trên các giới nông, công, thương.
“Chính” là chính khí, chính tâm, chính nhân, chính pháp. Riêng "chính khí" là quan trọng tột cùng. Là xuất phát điểm cho ba phần kia. Bởi về bản chất hình nhi thượng (siêu hình), kẻ sĩ là người làm bật ra được cái khí hạo nhiên của chính khí mà trời đất ban cho.
Khi bị quân Nguyên bỏ giam trong ngục, vị danh tướng nhà Tống, Văn Thiên Tường đã viết bài "Chính Khí Ca", trong đó có câu:
"Giữa đất trời có chứa một khí lực chân chính gọi là chính khí. Khí ấy nhập vào các loại thể, ở dưới thì ngưng tụ nơi núi sông, ở trên thì ngưng tụ nơi tinh tú, nơi con người là khí hạo nhiên. Lúc nước nhà thanh bình, bầy tôi hấp thụ khí hạo nhiên ấy mà làm sáng sủa triều chính. Khi nguy biến, thì khí hạo nhiên ấy phát hiện dưới hình thức xả thân cho tròn tiết nghĩa." - (Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng, Huế, 1929).
Tại Việt Nam, cụ Nguyễn Văn Giai cũng đã viết bài "Chính Khí Ca", tường thuật lại việc cụ Hoàng Diệu tuẫn tiết khi Hà Nội mất vào tay giặc:
"Một vùng chính khí lưu hành,
Khoảng trong trời đất nhật tinh sơn hà.
Hạo nhiên bởi tại lòng ta,
Tấc gang son sắt hiện ra khi cùng"
Cũng chính vì "chính khí" mà người quân tử sống, chết và hành xử theo đúng quan niệm "Xuất, Xử" của người xưa.
Khi chưa gặp thời (vị ngộ), kẻ sĩ ở ẩn, trong vùng cỏ bông, cỏ tất ở thôn quê, nằm chờ thời một cách hiêu hiêu tự tại, như một Lã Vọng ngồi câu cá ở sông Vị, như một Y Doãn đi cày ở đất Sằn.
Khi gặp thời, kẻ sĩ đem tài lương đống ra mà giúp đời, trị nước, an dân. Chính thân, trị quốc, bình thiên hạ. Bằng văn tài, võ lược. Với tài đức vẹn toàn.
Khi lập nghiệp xong, kẻ sĩ lại rút về ở ẩn theo chủ trương "công thành thân thoái" của Hoàng Thạch Công (là ẩn sĩ cuối đời nhà Tần, có học trò là Trương Lương rút lui sau khi đã giúp vua Hán Cao Tổ lập nghiệp đế). Từ chức về quê hưởng nhàn, ngao du sơn thủy, bầu rượu túi thơ.
Trong Kinh Dịch, chữ Thời là quan trọng hơn cả. Khi đã gặp thời thì người câu cá như Hàn Tín, kẻ bán thịt chó như Phan Khoái cũng thành công. Bằng không thì có tài như Sở Bá Vương cũng phải tự vận trên bến Ô Giang.
Riêng văn hóa thuần Việt, dựa trên nền tảng tổ chức xã hội “Một Bọc Trăm Con”, chính trị dựa theo nguyên lý "Thân Thương và Bình Đẳng". Thân thương vì xã hội Việt là những anh em có cùng một mẹ, một cha. Bình đẳng vì họ sinh ra cùng một lúc.
V. Chính trị là đạo cả - đức trị học thuyết của Khổng Tử
Chính trị theo ngữ học gồm hai chữ: "chính" và "trị". Chính có nghĩa là ngay thẳng. Trị là cai trị. Chính trị là cai trị một cách ngay thẳng. Chữ "Chính" theo nghĩa bóng còn có nghĩa là đạo đức, tốt đẹp, nhân đạo, là Chân Thiện Mỹ.
Nguyên ngữ ban đầu chính trị có nghĩa là cách cai trị với mục đích trọng sự thật, thực hiện điều thiện và quảng bá điều mỹ. Là con đường vương đạo, trái với bá đạo. Là đạo cả, là con đường đại đạo, là con đường đưa đến cái học lớn, là con đường lớn của bậc sĩ phu, là đạo đức lớn nhất theo Khổng Tử: "Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện" (đạo đại học là ở chỗ làm sáng tỏ cái đức sáng, là ở chỗ khiến đời sống người dân không ngừng đổi mới, là ở chỗ khiến cho người ta ở vào cõi chí thiện) [Tiết thứ nhất - Chương I - Đại học - Tăng Tử].
Xuất phát từ quan điểm chính trị và đạo đức của Nho gia, Đại học đã nhấn mạnh vào tính thống nhất không thể chia cắt được giữa việc tu dưỡng đạo đức cá nhân với việc trị quốc, bình thiên hạ.
Trong lịch sử tư tưởng chính trị, Khổng Tử không phải là người đầu tiên chủ trương dùng Đạo Đức để cai trị, nhưng là người đầu tiên nhấn mạnh về tư cách đạo đức của người cầm quyền. Ông không tách rời Đạo Đức và Chính Trị. Ông cho rằng phải cai trị dân bằng đạo đức chứ không phải bằng bạo lực.
Khổng Tử sinh trưởng trong thời loạn lạc, thời mà "vương đạo" suy vi, nhường chỗ cho "bá đạo", khiến xã hội nhà Chu bị đảo lộn. Ông cho rằng cần phải lập lại kỷ cương trong xã hội thì thiên hạ mới có Đạo, xã hội mới an bình. Ông dựa vào Đạo đức để làm phương tiện chính trị quản lý xã hội.
Đức Trị học thuyết đòi hỏi người làm chính trị, người trị dân phải có Đạo Đức.
Các tư tưởng này được nhiều thế hệ học trò của ông ghi lại trong sách Luận ngữ, Trung dung, Đại học. Chu Hy thời Nam Tống đem các tác phẩm này ghép với trước tác của Mạnh Tử lại gọi là Tứ Thư (bốn cuốn sách lớn).
Người cai trị mà Khổng Tử kỳ vọng là Người Quân Tử. Người quân tử phải có Đức. Đó là nhân-nghĩa-lễ-trí-tín (ngũ thường), trong đó đức Nhân là quan trọng hơn cả. Nhân là đức căn bản của Nho giáo cả về tư tưởng chính trị, xử thế và tu thân.
Khi Quý Khương Tử, đại phu nước Lỗ hỏi Khổng Tử về việc chính, tức là cai trị, ông nói: "Chữ chính (cai trị) là từ chữ chính (ngay thẳng). Cai trị là chăn dân trở thành ngay thẳng, chính đính. Nay đại phu là người dẫn đầu trong dân chúng mà tự mình chính đính thì không ai dám ăn ở bất chính". [Tứ Thư - quyển Luận ngữ - dịch giả Đoàn Trung Còn, trang 191].
Tựu trung, tư tưởng chính trị của Khổng Tử là dùng Đức trị. Ông đòi hỏi người cai trị phải có đức và phải dùng đức để cai trị. Để có đức thì họ phải hành đạo, tức là phải tu thân, phải làm theo lễ. Muốn khôi phục lễ thì phải thực hiện chính danh. Thực hiện được chính danh thì xã hội sẽ ổn định và phát triển.
Hoài bão của ông chứa đựng lòng nhân đạo cao cả, nhưng không thực tiễn trong thời loạn lạc thời Đông Chu. Chủ trương dùng đạo đức để cai trị của ông thật là lý tưởng. Nhưng trong lúc nước nhà loạn lạc, mà dùng Đức để cảm hóa thì thật là ảo tưởng. Ông không có cơ chế để buộc người cai trị phải tuân theo đạo đức mà chỉ trông mong vào sự tự giác của họ. Giá như ông biết dung hòa giữa đức trị và pháp trị thì đã không phải than rằng đời vì đạo của ông không ai dùng đến cả.
VI. Mục đích tối hậu của chính trị
Từ thời bộ lạc chuyển sang thời thành lập quốc gia, mọi dân tộc trên thế giới đều nhắm vào hai nhiệm vụ chính là "Kính Trời và Yêu Dân", qua trung gian của những vị vua hay những nhà lãnh đạo chính trị.
Tiến trình chính trị nhân loại trải qua từ chế độ Bộ Lạc, đến Quân Chủ chuyên chế, lập hiến, đại nghị, và đến Dân Chủ Tây Phương, Dân Chủ Nhân Dân của cộng sản, Dân Chủ Châu Á, Châu Phi, và đang dần bước sang Tân Dân Chủ. Các thể chế chính trị luôn biến đổi để phù hợp với tình thế xã hội và tâm lý, cũng như nhu cầu đời sống của người dân.
Chính trị là nhiệm vụ hàng đầu, là công tác cao cả mà mọi người cần phải tham gia, đóng góp vào cho đời sống làm người thêm ý nghĩa. Giúp cho nước mạnh, dân giàu, người ấm no, dân hạnh phúc, và quê hương rạng danh năm châu bốn biển vậy.
Mọi công tác trong một xã hội đều là chính trị.
Làm văn hóa, nhân đạo, xã hội, bỏ phiếu bầu cử, hay những việc nhỏ nhất cho cộng đồng xã hội cũng đã là làm chính trị. Vì các hoạt động này được thực hiện với mục đích phục vụ xã hội và con người.
Một xã hội có nhiều người tham gia chính trị là một xã hội văn minh tiến bộ.
Và ngược lại, một xã hội mà có rất ít người tham gia chính trị, công dân bị cấm tham gia chính trị là một xã hội nghèo nàn lạc hậu, phần nhiều xuất phát từ độc tài.
VII. Thay lời kết
Ngày nay, trong thời buổi nhiễu nhương, thế thái nhân tình, đất trời hỗn loạn, lâu lâu đọc lại những quan niệm nguyên thủy về chính trị để thấy chúng ta còn thua các “Cụ nghè” nhiều lắm.
Thời xưa, nguyên từ "Chính Trị" cao quý lắm! "Làm chính trị" thiêng liêng thay! Bởi "chính trị là đạo cả", là con đường lớn của các bậc sĩ phu.
Ngày nay, cái gì xưa thì cứ cho là gàn, là cổ hủ. Nhưng quá khứ hào hùng quá, thiêng liêng quá. Quên làm sao được, xóa làm sao xong?
Trong những nước độc tài cuối cùng còn lại trên thế giới, cái mũ "chính trị" vẫn thường được chụp hầu trừng phạt những cái đầu biết suy nghĩ và muốn sống, sống theo đúng nghĩa sống của một con người văn minh trong một xã hội tiến bộ.
Những thể chế chính trị ấy, dù độc tài cách mấy, rồi cũng phải qua đi. Vì vật cùng tắc biến. Trong cái biến có cái bất biến, và chính cái bất biến chỉ huy cái biến. Vật chất rồi cũng sẽ bị phân hủy. Chỉ có Linh hồn là bất diệt.
"Tri kim nhi bất tri cổ, vị chi man cổ. Tri cổ, nhi bất tri kim, vị chi lục trầm" (biết đời nay mà học về đời xưa, lấy đời xưa làm bài học cho đời nay). Và chỉ có một bài học duy nhất dành cho những người đi làm chính trị: “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”. Thuận theo lẽ trời thì sống, trái với lẽ trời sẽ chết.
Thực tiễn hơn, những nhà lãnh đạo chính trị phải hành xử đúng theo Lẽ Đạo. Làm chính trị là để phục vụ cho cộng đồng, là phụng sự cho dân, theo đúng tinh thần Nhân Bản:
Cổ lai quốc dĩ dân vi Bản
Đắc quốc ưng tri tại đắc Nhân
(Xưa nay, nước lấy dân làm gốc
Được nước nên biết là do được lòng nhân).
Paris, 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét