Bài đăng nổi bật

CHÂN DUNG NHÀ VĂN DƯƠNG THU HƯƠNG

 CHÂN DUNG NHÀ VĂN DƯƠNG THU HƯƠNG  Tác giả : Nguyễn Đăng Mạnh Tôi không nhớ rõ đã quen Dương Thu Hương từ bao giờ. Có lẽ từ hồi chị học trư...

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

ĐƯA ANH VỀ QUÊ-Vũ Thư Hiên

Vũ Thư Hiên: Tôi giới thiệu với các bạn fb một truyện ngắn của nhà văn – người lính, bạn tôi, về chiến tranh. Nó qua đã lâu, có cái nên nhớ, bên cạnh cái nên quên, dưới ngòi bút của tác giả Xuân Đài.

ĐƯA ANH VỀ QUÊ

Truyện ngắn Xuân Đài

I.    

Hai vợ chồng vừa thắp mỗi người ba nén nhang, đang cúng vái trước cây tràm cổ thụ thì một đoàn dân quân, có dễ đến một tiểu đội, lăm lăm AK, bước đến. Người đi đầu, chắc là chỉ huy, lớn tiếng:
- Ông bà sao lại thắp nhang ở đây?
          Người chồng lễ phép:
- Thưa, chúng tôi vừa tìm được mộ một liệt sĩ hy sinh vào tháng 6 năm 1972.
Người chỉ huy hỏi lại:
-  Sao ông biết chính xác như vậy?
-  Thưa các ông, chả là vị này là quân giải phóng trước đây tác chiến với đơn vị lính dù của tôi.
Hai bên hỏi đáp một lúc, người chỉ huy dân quân mới dịu giọng mời hai người về ủy ban xã làm việc.
Đứng sững trước trụ sở ủy ban xã to như một khách sạn, hai vợ chồng nhìn nó, ngỡ ngàng. Họ không ngờ giữa một vùng đất cằn, nghèo túng lại có một trụ sở chính quyền bề thế đến vậy.

II.

          Cặp vợ chồng này người Canada gốc Việt, sống ở Toronto, Canada. Người chồng tên Hiệp, quê Nam Định, theo gia đình di cư vào Sài Gòn năm 1954, lúc mới năm tuổi. Lớn lên, tốt nghiệp trường sĩ quan Thủ Đức, mang lon chuẩn úy. Người vợ tên Trúc, người Hoa, ở Hà Nội, từng là y sỹ quân giải phóng. Đất nước thống nhất, cô Trúc từ Trường Sơn phục viên, về nhà cũ ở phố Hàng Buồm, còn có tên gọi là phố Khách. Lúc này cô mới hai lăm, sắp lấy anh Diên ở phố Hàng Bún.
          Đùng một cái, năm 1979, Trung Quốc đánh vào sáu tỉnh biên giới Việt Nam. Người Hoa ở Hà Nội, kéo nhau ra biển, nhằm hướng Hồng Kông. Anh Diên, bộ đội phục viên, lại là sĩ quan trù bị, không thể đi theo vợ chưa cưới. Cô nhớ, đêm ấy, một đêm trăng Hà Nội, hai người hẹn nhau ra vườn bách thảo, dưới một cây lim già. Ánh trăng xuyên qua lá cây soi rõ hai khuôn mặt trong sáng, thơ dại. Nước mắt cô đầm đìa, chảy dài trên má anh. Đêm ấy, đôi tình nhân tâm sự với nhau đến nửa đêm mới chia tay. Đó là cuộc hò hẹn cuối cùng trước khi Trúc sang Hồng Kông. Sau hơn nửa năm  chờ đợi mòn mỏi ở Hồng Công, nhờ có họ hàng bảo lãnh, cả gia đình Trúc được chính quyền Canada cho nhập cảnh.


III.

         Với tấm bằng y sĩ không được Canada thừa nhận, Trúc phải học một lớp đào tạo lại, nhưng chỉ làm y tá, được phép mở một nhà trông trẻ. Nhà trẻ tư nhân của Trúc sạch sẽ, có hai người phụ được Trúc hướng dẫn cách chăm sóc trẻ con, cách nấu ăn làm sao cho hợp khẩu vị trẻ. Hai cô vốn là người bản xứ, sáng dạ, học rất nhanh. Người ta, cả Việt lẫn Canada, ùn ùn đưa con đến, đông đến mức nhà trẻ của Trúc không thể nhận hết.
Trong số những người đến đón con cháu lúc tan trường, Trúc chú ý tới  một người đàn ông trung niên có gương mặt khắc khổ, ít nói. Mỗi lần người này đến đón là con bé được đón nhảy cẫng lên: A, cậu Hiệp đã đến. Thì ra người đàn ông tên Hiệp không phải là bố của cháu.
Một buổi tối, trời se lạnh, theo lệ thường,Trúc đến thăm các gia đình có các cháu gửi ở nhà trẻ của cô. Ở nhà cháu Huyền, bố mẹ cháu đi vắng, người tiếp Trúc là Hiệp. Chuyện trò qua lại, Trúc được biết, đại úy Hiệp trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa bị bắt đi cải tạo sáu năm, rồi được tha về Sài Gòn. Người thân của anh phần lớn cư ngụ ở Canada đã bảo lãnh anh qua đây. Dù tuổi đã lớn anh vẫn nộp đơn xin học đại học công nghệ thông tin.
- Tôi có nghề ngỗng gì đâu, cô – Hiệp buồn rầu nói trong một lần tâm sự - Trừ cái nghề cầm súng giết người và tránh bị người giết.
Những lần gần gặp gỡ sau đó, Trúc cũng cho anh biết cô là người Việt gốc Hoa, từng lội bộ vượt Trường Sơn vào Quảng Đà, công tác tại một trạm xá ở chiến trường liên khu V.
Ngày qua ngày, họ bén duyên nhau. Gia đình, và dòng họ của Hiệp tổ chức tiệc cưới ở một khách sạn lớn, hơn hai trăm người Việt và người bản xứ đến dự.
Sau đám cưới ở Canada, hai người đưa nhau về thăm Hà Nội. Nhân dịp này họ cũng mở tiệc mừng cuộc gặp gỡ bà con hai họ. Người dự phần nhiều là họ nhà trai, họ nhà gáiđã về Trung Quốc và sang nước ngoài gần hết. Bên nhà gái còn phải tính các bạn học của Trúc thời phổ thông, bạn đồng đội ở chiến trường. Người mà Trúc muốn có mặt trong đám cưới của mình là Diên thì năm ấy anh đang đi hợp tác lao động bên Liên Xô…
Ở Hà Nội cả tuần hai người rong ruổi khắp thủ đô. Trúc sinh ra ở đây, lớn lên ở đây, không phong cảnh nào, không đường phố nào mà Trúc không thành thạo, cô trở thành hướng dẫn viên cho người chồng sinh ra ở Hà Nội, nhưng kỉ niệm tuổi thơ, tuổi thanh niên là Sài Gòn và các tỉnh miền Nam, Hà Nội đối với anh là vùng đất xa lạ, xa lạ cả với những người ruột thịt là các bác, các cô, các dì và các anh chị em trong dòng họ.        
Sống với nhau, Hiệp ngạc nhiên thấy vợ mình là một người thuần Việt, chẳng có tí Trung Hoa nào, trừ một đặc điểm mà trong gia đình người Hoa nào cũng có: ấy là cô thông thạo tiếng quan thoại. Khi anh nói ra nhận xét ấy, cô cười, bảo: ông cố em từ Quảng Đông sang Việt Nam, chỉ mang theo một tay nải cơm muối và nghề làm lạc rang, từ đó mà làm nên cơ nghiệp đấy. Bây giờ phải bỏ lại nhà cao cửa rộng để đi nước khác ở, cám cảnh lắm. Thế hệ em chẳng nhớ mình là người Hoa, lớn lên chỉ thấy mình là người Việt, đi học, làm cán bộ, đi bộ đội, như mọi người khác.  Sống ở Canada, mỗi lần nghĩ tới Hà Nội là nghĩ tới quê hương Việt Nam. Mai này về già lại nhớ Canada đấy.
          Việc năm nay quay lại Việt Nam tìm mộ một người lính phía bên kia là ý của Hiệp. Anh kể anh đã từng chôn một anh lính quân giải phóng, là đồng đội của Trúc đấy. Lúc đó anh là đại úy đại đội trưởng. Cả tiểu đoàn đang hành quân thì bị phía bên kia phục kích. Phải nói thẳng, tình báo phía bên kia giỏi, họ đoán trước, hoặc trước, hướng hành quân của bọn anh nên đào sẵn giao thông hào, bọn anh vừa hành quân qua là nổ súng. Bên họ nấp kỹ dưới chiến hào, gác súng lên  mà bắn. Bọn anh thì đang nghênh ngang giữa đường. Ngay loạt đạn đầu, đại đội anh đã chết bảy mạng, cậu truyền tin đi sau, sát anh, đổ gục. Chắc họ nhắm bắn anh sĩ quan chỉ huy, nhưng anh bước nhanh nên đản trúng cậu ấy. Tiểu đoàn trưởng lệnh cho các đại đội tấn công trả. Cuộc tấn công phải nói là dữ dội. Không biết có bao nhiêu lựu đạn ném tới tấp như mưa vào giao thông hào phía bên kia. Cũng chẳng biết đối phương chết và bị thương bao nhiêu. Họ chiến đấu cũng dũng cảm lắm – những người còn sống bất ngờ vọt lên dùng CKC bắn xối xả vào đơn vị của anh. Đây là lần đầu tiên bọn anh trực chiến ở khoảng cách gần như thế.
Kết cục em có thể đoán được. Đối phương khoảng một đại đội, sau mới biết là toàn lính chủ lực từ ngoài Bắc vào. Bên anh là một tiểu đoàn, quân số gấp bốn lần họ. Dân gian có câu: hai đánh một không chột cũng què, giờ là bốn đánh một, đối phương thua là lẽ tất nhiên. Khi đối phương tháo lui, chiến trường ngổn ngang binh lính cả hai phía. Bọn anh thu dọn chiến trường, những người bị thương được đơn vị gọi trực thăng đưa về bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu.
Lúc đó bọn anh mới phát hiện một người lính phía bên kia bị thương vào hai đùi khá nặng, máu chảy xối xả, nằm trong một bụi gai. Bác sỹ quân y tiểu đoàn còn bận cấp cứu thương binh của mình. Anh và mấy cậu lính lôi anh ta ra, cố dùng ga-rô cầm máu cho anh ta nhưng đã quá muộn – anh ta bị mất máu quá nhiều. Hỏi anh ta có muốn trối trăng gì không, thì anh ấy chỉ kịp thều thào: tôi là Nguyễn Đình Thiên quê ở huyện Ý Yên Nam Định. Mấy cậu lính hỏi anh: đại úy, bây giờ mình làm sao với cái xác chết này? Anh lẳng lặng tháo ba lô xuống, lấy pông-sô cho thi thể anh ấy vào và chôn ngay dưới gốc cây tràm cạnh những bụi gai nọ. Chẳng biết loại cây gì mà nhiều gai đến thế. Không hiểu vì sao, vì gương mặt anh lính có nét giống một người bạn của anh hay vì cái gì khác, anh không chôn xong thì bỏ đi, như đồng đội anh thường làm, mà cẩn thận chôn một hòn đá lớn phía đầu anh ấy, hướng vể phía Bắc, quê anh. Anh tin sẽ có ngày mình trở lại nơi này, khi chiến tranh kết thúc và mình còn sống.
Trúc chăm chú nghe câu chuyện. Hiệp khẩn khoản nhin vào mắt vợ:
- Hè năm nay, vợ chồng mình về Việt Nam ra miền Trung tìm mộ anh ấy nhé? Để báo cho gia đình anh ấy đưa anh ấy về quê.
Trúc băn khoăn:
- Liệu anh có còn nhớ chính xác nơi chôn anh ấy không chứ?
- Anh nhớ mà. Anh đã quên nhiều những điều xảy ra với anh trong chiến tranh, nhưng chuyện này anh nhớ. Anh nhớ rất rõ nó xảy ra chính xác ở chỗ nào.
Trúc có chút ngần ngừ:
- Hay là anh đi một mình, hè này em bận lắm đấy!
- Không được đâu, em ơi - Hiệp nằn nì – Chuyện này anh để bụng đã lâu lắm rồi. Anh phải làm bây giờ, hoặc chẳng biết đến bao giờ. Gác mọi việc sang một bên, về cùng anh đi. Em từng chiến đấu ở phía bên kia, có gì người ta coi em là đồng đội của người chết trận, chứ anh, có thể sẽ bị lôi thôi, là thằng sỹ quan ngụy năm xưa mà.
- Chiến tranh qua lâu rồi mà.
Hiệp lắc đầu:
- Cẩn thận vẫn hơn, em ạ. Không có  em đi cùng là không xong đâu. Mà đây là việc hai vợ chồng mình cùng có trách nhiệm, không thể không làm.
Hôm xuống sân bay Đà Nẵng, họ cầm theo một tấm bản đồ Hiệp vẽ nguệch ngoặc tọa độ mà anh còn nhớ như in. Sau mấy ngày vất vả tìm đường, hai vợ chồng cuối cùng rồi cũng tìm được mộ người chiến sỹ đã nằm im dưới đất hơn bốn mươi năm.
          Mùa xuân năm Giáp Ngọ (2014) hai vợ chồng nhận được một lá thư của UBHC xã Đại Lạt. Lá thư viết ngắn gọn, sau vài lời hỏi thăm sức khỏe anh chị và các cháu đã báo tin cho anh chị mừng là hài cốt anh bộ đội Nguyễn Đình Thiên đã được gia đình từ Nam Định vào đưa về chôn cất ở nghĩa trang liệt sỹ huyện Ý Yên. Gia đình anh Thiên nhờ chúng tôi chuyển lời cám ơn anh chị.
          Đọc xong lá thư, hứng khởi Trúc hát khe khẽ: sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không …
- Bên này, bên kia đã là quá khứ, cuối cùng giờ chỉ có một bên là người Việt, phải không em? - Hiệp ôm vợ nói -  Anh cảm ơn em đã đi với anh để làm được cái việc mà bao năm nay anh canh cánh bên lòng.
- Em phải cảm ơn anh ấy chứ. Vi anh đã bước qua được cái ranh giới bên này bên kia ấy. Để vợ chồng mình làm được một việc phải làm, và làm xong mình thấy mình hạnh phúc.o

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét