Bài đăng nổi bật

CHÂN DUNG NHÀ VĂN DƯƠNG THU HƯƠNG

 CHÂN DUNG NHÀ VĂN DƯƠNG THU HƯƠNG  Tác giả : Nguyễn Đăng Mạnh Tôi không nhớ rõ đã quen Dương Thu Hương từ bao giờ. Có lẽ từ hồi chị học trư...

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Tiếng Việt của Đảng: Điều lệ và Quy chế



Tiếng Việt của Đảng: Điều lệ và Quy chế


Nguồn:5xublog.org

Ngôn ngữ của Đảng khác với ngôn ngữ ngoài đời khá nhiều. Thậm chí có khi nghe cứ như không phải ngôn ngữ loài người ấy chứ. Đảng và đời bản chất khác nhau, nên điều này không có gì lạ. Nhiều thuật ngữ Đảng dùng có gốc gác từ Đảng của bác Mao. Cách dùng từ: tuyên-giáo (tuyên truyền giáo dục), lập trường, đả thông, quán triệt đều có gốc rễ từ Đảng bác Mao, và do đó nó xa lạ với tiếng Việt hiện đại cũng là điều dễ hiểu.
Cũng nên có hiểu biết một chút về thuật ngữ của Đảng. Bởi dù ta có thờ ơ thế nào, thì chính trị nó cũng ít nhiều dính vào cuộc sống của ta. Vả lại, quan tâm đến chính trị cũng thú vị (như xem cúp C1 vậy). Bác Phạm Xuân Ẩn bảo: “Tôi thích chính trị, nhưng không thích các chính trị gia”. Bác Aristotle cũng bảo: “Con người là con vật chính trị”.
Bài này viết để đưa lên blog cho vui, có thể nhiều chỗ sai vì người viết ở ngoài Đảng.
Bắt đầu từ từ văn- kiện. Kiện ở đây như kiện trong bưu kiện, dữ kiện, linh kiện điện tử. Nghĩa của văn-kiện đại khái là một bộ tài liệu, nhưng với ngôn ngữ của Đảng nó trở nên quan trọng và bí hiểm. Soạn thảo hay chuẩn bị văn kiện Đại hội nghe rất oai, nhưng dịch ra tiếng Anh ta sẽ thấy bình dị đáng yêu: documentation.
Trong các văn kiện, quan trọng nhất là Điều lệ và Quy chế. Văn kiện Đảng có tác động lớn nhất (sau 1975) là văn kiện do Trường Chinh soạn, dẫn đến Đổi Mới Lần Một ( gọi là Đổi Mới chứ thực ra là undo những cái sai lòi, thôi hẳn trò sáng tạo ra cái bánh xe, quay về dùng bánh xe mà cả thế giới vẫn dùng). Hiện đang có kỳ vọng Đổi Mới Lần Hai. Nếu có cái Lần Hai, người tạo ra Lần Hai sẽ đi một phát vào luôn lịch sử thế kỷ 21. Hoặc ít ra, nếu kiện-toàn được hai bộ máy Đảng và Nhà nước chập vào nhau mà thành một, cũng có thể đi vào lịch sử như bác Chinh. Kiện toàn tiếng Anh là consolidate + strengthen. Kiện ở đây là khỏe, như trong dũng kiện, khang kiện, kiện mã (ngựa khỏe).
Hồi Đại hội 10, trước Đại hội, ông Kiệt viết thư  cho Bộ chính trị đề nghị trả lại quyền lực cho Đại hội và Ban chấp hành trung ương .
Nghĩa của từ Đại- hội thì dễ rồi, đại khái giống như Đại (nhạc) hội, nơi nhiều ngôi sao lớn và khán giả quy tụ với nhau. Chỉ khác ở đây tất cả những người đi dự đều là đai biểu của Đảng. Đại trong Đại hội nghĩa là to lớn. Còn đại trong đại biểu có nghĩa là đại diện (rất tiếc, không phải là đại diện cho nhân dân).Chữ Đại trong Đại-số (toán) cũng có nghĩa là đại diện.
Ban chấp hành, chữ chấp hành ở đây có nghĩa là thực hiện , tiếng Anh là executive (executive body: cơ quan hành pháp). Tuy nhiên, so với chữ executive/thực hiện, thì sắc thái của chữ chấp hành hơi đậm màu thụ động.
Quyền lực ở đây chính là quyền thực hiện (executive power), bao gồm cả quyền ra quyết định: đề xuất và bỏ phiếu. Đề xuất nếu liên quan đến nhân sự, gọi là giới thiệu, đề cử.
Ý ông Kiệt (nếu đúng là ông ấy có ý như trên) có thể tạm hiểu: đây chính là dân chủ trong Đảng (không phải dân chủ cho toàn xã hội, aka ngoài Đảng).
Ví dụ về nhân sự.
Đảng luôn cho rằng bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch cán bộ là phải xuất phát từ dưới đi lên. Vừa là rèn luyện cán bộ, vừa là theo dõi quá trình phấn đấu của họ, vừa là đảm bảo dân chủ công bằng (trong nội bộ Đảng, không phải dân chủ công bằng cho nhân dân cần lao).
Dân chủ từ cấp cơ-sở đổ lên trên (bottom-up) là rất quan trọng. Thứ nhất nó phù hợp với tập quán của xã hội VN (dân chủ ở cấp thôn xã, có thể tham khảo sách của Đào Duy Anh, Ngô Đình Nhu, đều phân tích chuyện này). Đảng CS cực mạnh ở VN trong thời chống Pháp và trong chiến tranh sau này, là do mạng lưới cơ-sở rất mạnh. Cơ-sở là từ vay mượn của Tàu, tiếng Anh là grassroot. Cơ-quan (hành chính, đảng, nhà nước) cũng vay của bác Mao, tiếng Anh là organ (bộ phận của cơ thể). Các lãnh đạo tốt nhất của ĐCS đều đi lên từ cơ quan Đảng ở cấp cơ sở (ví dụ như huyện ủy): Hoàng Văn Thụ, Võ Văn Kiệt…
Trong Đảng tất nhiên có “Hệ Thống Luật” của Đảng. Luật cao nhất (có thể gọi là Hiến pháp/By-laws của Đảng) gọi là Điều Lệ Đảng.  Phiên bản mới nhất (2011) do Đại hội khóa trước (Khóa 11) thông qua. Xem ở đây: http://www.xaydungdang.org.vn/Home/vankientulieu/Van-kien-Dang-Nha-nuoc/2011/3346/DIEU-LE-DANG-CONG-SAN-VIET-NAM-khoa-XI.aspx
Dưới Điều lệ Đảng (tức là dưới hiến pháp của Đảng) là Quy chế (của Ban chấp hành trung ương đương nhiệm) và tiếp đó là Nghị quyết (của Hội nghị trung ương của Ban chấp hành trung ương đương nhiệm). Hội nghị ban chấp hành trung ương, tiếng Anh là Plenum, nghĩa là phiên họp toàn thể. Quy chế ở đây có thể là Rule (luật chơi), còn Nghị quyết thì đơn giản là Resolution.
Về Đại hội Đảng: xem Điều 11, 12,13 của Điều Lệ Đảng trong đường link phía trên.
Về Quy chế Bầu cử: So sánh hai quy chế gần đây nhất:
Môt là Quy chế bầu cử trong Đảng theo Quyết định số 220-QD/TW bàn hành ngày 14 tháng 4 năm 2009 (http://nguyenthaibinh.phuyen.edu.vn/index.php/component/k2/item/539-quy-che-bau-cu)
Hai là Quy chế bầu cử: Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng: http://moj.gov.vn/daihoidaibieu/Pages/van-ban-cua-dang-uy-khoi.aspx?ItemID=8.
Từ khóa: Cấp ủy (tiếng Anh: Executive committee), có nhiều cấp, từ huyện lên đến trung ương. Cấp ủy cao nhất trong Đảng chính là Ban Chấp hành TW. Khi 224 áp dụng ở cấp ủy tỉnh/thành đã rất được ủng hộ vì nó có lợi cho lãnh đạo tỉnh/thành đương nhiệm.  Dẫn đến  câu chuyện chính trường mà xã hội đang quan tâm hiện nay: đề cử ở Cấp ủy cao nhất, tức trong hội nghị của Ban Chấp hành TW hiện tại.
Nội dung chính, được nhân dân cần lao ngoài Đảng, bao gồm cả nhân dân cần lao quốc tế có gốc Việt aka Việt Kiều, đang quan tâm nhất: Điều 13, của Quyết Định 244.
Về Đai hội, ở khía cạnh nhân sự, Đại hội (nghe nói có tới 1500 đại biểu đến dự) sẽ bầu ra các ủy viên tw khóa mới (Ban chấp hành mới). Ban chấp hành mới sẽ bầu ra ban bí thư, bộ chính trị và các chức vụ quan trọng (quy trình này thuận với quan điểm dân chủ bottom-up của Đảng như đã nói ở trên). Tuy nhiên hiện dư luận quan tâm không phải là quy trình bầu bán ở Đại hội, mà là danh sách đề cử để đại hội bầu. Đề cử cho các vị trí quan trọng  thì ngôn ngữ của Đảng gọi là giới thiệu các chức danh.
Từ vựng trong Danh sách giới thiệu: “Cấp ủy viên” và “Cấp triệu tập đại hội” là những từ khá bí hiểm với người ngoài Đảng. Cấp ủy viên ở cấp huyện, là huyện ủy viên. Ở tỉnh là tỉnh ủy viên. Ở cấp trung ương là ủy viên trung ương (trước còn gọi theo tiếng Tàu là trung ương ủy viên). Theo điều 13 quy chế 244 thì “cấp ủy viên” (nghĩa là ủy viên trung ương) đi dự đại hội (“cấp triệu tập đại hội”)  không được tự ứng cử và đề cử người khác nếu người này không có trong danh sách đề cử của cấp ủy (không có trong danh sách ban chấp hành trung ương đương nhiệm giới thiệu ra đại hội để 1500 người bỏ phiếu).
Tuy nhiên, theo điều lệ Đảng, đại biểu đi dự đại hội vẫn có quyền đề cử.
Lý do, ngoài việc phải tuân thủ quan điểm của Đảng về dân chủ trong Đảng, thì Đại hội bầu ra BCH mới không có lí gì (không logic) khi lại đi bầu theo đề cử của khóa cũ. Như ở công ty, khi đã thay HĐQT, HĐQT mới không có lý gì đi bổ nhiệm Board mới mà toàn người do HĐQT cũ đề xuất.
Ví dụ sau đây hơi khập khiễng, nhưng phần nào làm rõ ý trên: HĐQT cũ được biết với tên BCH TW11. HĐQT mới được biết với tên BCH TW12.
TW11 có 175 chính thức và 25 dự khuyết (dự khuyết không có quyền vote). TW12 dự kiến đông hơn (200?) bao gồm cả dự khuyết.

Tập trung dân chủ, xác suất, và phạm vi điều chỉnh

Tập trung dân chủ là một phương pháp để áp dụng ý chí (và mong muốn) của thiểu số lên đa số. Xin nhắc lại, mặc dù có chữ “dân chủ” nhưng “tập trung dân chủ” là một phương pháp, một công cụ chính trị, do Lê-Nin nghĩ ra, hoàn toàn không liên quan gì đến thể chế dân chủ như một vài người nhầm tưởng.
Dân chủ trong cụm từ này khác hẳn dân chủ như chúng ta thường hiểu, ví dụ nền dân chủ Hoa Kỳ.
Nói cách khác, “tập trung dân chủ” là cách diễn đạt mỹ miều của việc áp đặt ý chí thiểu số lên số đông: thiểu số phục tùng đa số, cấp ủy cấp dưới phải tuyệt đối phục tùng cấp ủy cấp trên. Cấp ủy cấp cao nhất được toàn bộ Đảng viên (giữa hai kỳ Đại hội) phục tùng tuyệt đối.
Ai học xác suất đều hiểu công cụ này. Dưới đây là một minh họa.
Chi bộ đảng có 11 người, muốn làm gì (ra quyết định) cũng phải qua biểu quyết. Phương án nào được vote nhiều hơn sẽ được lựa chọn. Giả sử có 2 phương án A và B. Nếu A được người 6 vote, thì 5 người kia dù có muốn chọn B cũng sẽ buộc phải chọn A.
Sau đó chi bộ thấy 11 người thì lắm ý kiến quá, lập ra Đảng ủy. Đảng ủy chỉ có 3 đảng viên đại diện luôn cho 11 người. Quyết định của Đảng ủy 3 người này sẽ được cả chi bộ 11 người tuân theo. Với mỗi quyết định của Đảng ủy, lúc này chỉ cần 2 người vote, sẽ được thực hiện.
Ai học toán xác suất căn bản sẽ hiểu ngay ý nghĩa của việc này.
Còn nếu không biết xác suất, có thể nhẩm tính như sau: với vai trò của Đảng ủy, một quyết định dù chỉ được 2 cá nhân đồng ý biểu quyết và 9 người còn lại không đồng ý, vẫn sẽ được thông qua, sau đó tất cả sẽ phải nghiêm túc chấp hành. (Nhấn mạnh, nếu không có Đảng ủy, thì phải cần tới 6 người vote, và chỉ có 5 người miễn cưỡng tuân thủ).
Đây chính là cốt lõi của của phương pháp tập trung dân chủ. Tuyên giáo hay loa phường (verb) một cách bóp méo là phát huy tinh thần tập trung dân chủ. Một công cụ chính trị dùng để áp đặt, được nâng cấp lên thành “tinh thần” và đảng viên phải biết phát huy nó (đeo tròng vào cổ). Phát-huy cũng là do Mao mà ra. Phát huy là hiện tượng vật lý, một vật (chất) phát sáng khi bị sóng kích thích.
Công cụ tập trung dân chủ trong Đại hội lần này được khoác một cái áo mới: Dân chủ Xã hội chủ nghĩa; suốt mấy hôm nay được các cán bộ tuyên giáo cao cấp của Đảng spam trên media chính thống.
Đảng ủy trong ví dụ trên chính là “cấp ủy” đã được giải thích phía trên.
Điều lệ Đảng là Luật tối cao trong Đảng (Hiến Pháp), tất cả các đảng viên phải tuân thủ. Trong đó Đại hội toàn quốc của Đảng (National Congress) có quyền lực tối cao.
Điều lệ quy định giữa hai kỳ Đại hội, cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng là Ban chấp hành trung ương. Đây cũng là cấp ủy cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội. Nhấn mạnh là giữa hai kỳ Đại hội.
Các luật dưới Hiến pháp của Đảng, ví dụ Quy chế bầu cử (Quyết định 244), dùng để điều chỉnh hành vi của các tập con nhỏ hơn trong Đảng. Với 244, nó điều chỉnh hành vi của tất cả các cấp ủy từ bé nhất lên cao nhất. Cấp cao nhất trong trường hợp mà dư luận đang quan tâm, chính là Cấp ủy triệu tập đại hội, và cũng là cấp ủy cao nhất giữa hai kỳ đại hội, tức là Ban chấp hành TW hiện hành (Ban chấp hành TW11).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét