“Bói Kiều” nhân Đại hội kết thúc
bauxitevnTue 11:22 AM
Hạ Đình Nguyên
1– Mai là ngày kết thúc chính thức Đại hội 12, 28/1/2016, và kết quả thì ai nấy đều đã rõ, không phải chờ đợi nữa.
Dù thế nào thì dân Việt Nam cũng đã chứng kiến và thưởng ngoạn đầy đủ một cuộc chia tay của buổi giao mùa nhiều kịch tính. Có người đi, người ở, người lên và người xuống, với tâm trạng và mộng mị khác nhau. Cuộc chia tay nào mà không có những cung bậc của tiếng rên rỉ và sảng khoái tái tê?
2– Là một người dân thường, sống ở một góc sông hoang vắng của dòng sông Sài Gòn, mỗi ngày mấy bận nhìn thủy triều lên xuống và lục bình trôi. Không thể đi đâu được, vì có “hồng vệ binh” đóng hai chốt canh giữ ngày và đêm, một ở phía trước ngỏ, một phía sau lưng nhà, từ sáng ngày 17/1 đến nay là 28/1 vẫn chưa nhổ trại! Bỗng dưng thấy mình “quan trọng” làm sao! Thế mới biết hình và bóng, thực và ảo là quá khác nhau. Phần tôi cũng vậy, nhìn các anh hồng vệ binh không biết đó là người thực hay người giả, họ luôn bảo là “làm theo lệnh trên”, tôi cũng không buồn hỏi là trên nào, bởi trên nào cũng là cõi vô hình. Rồi cả tuần nhổ cỏ và quét lá trong sân vườn, đồng thời cũng hóng tin về Ba Đình – chẳng qua là cho vui – thì thấy hình nhân di động loạn xạ, mờ mờ ảo ảo. Có tin cụ Rùa Hồ Gươm đã ra đi, giã từ vĩnh viễn thế gian, một đi không trở lại. Lại có tin sứ thần Trung Quốc sang xem cuộc hý trường.
Nhưng dù kịch tính của Đại hội có hấp dẫn đến đâu thì cũng phải đến hồi kết thúc. Và kết thúc lần này theo lời bế mạc của cụ chủ lễ là thành công “rất tốt đẹp”. Cụ kéo dài và nhấn mạnh từ“rất”, và chờ đợi. Quả nhiên sau đó tiếng vỗ tay của 1510 người vang lên trong hội trường, như tiếng pháo nổ trong một ngày vui.
3– Tôi cũng rất là phấn chấn, ra ngõ báo tin cho đội hồng vệ binh biết và rằng: – Nhiệm vụ của các anh đã hòan thành rất tốt đẹp, tôi ở nơi hoang vắng này đã không từng làm gì phương hại đến những ngày trọng đại ở Ba Đình. Các anh nên nhổ trại về nhà nghỉ, để tôi đi cà phê.
Họ trả lời cũng rất tử tế:
– Bác cũng lớn tuổi rồi, nên ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe.
Tôi trả lời:
– Rất cám ơn, giá như các anh chuyển lời này đến ông Tổng Bí thư, ông ấy kém tôi một tuổi, nhưng tính tháng thì không đủ 12.
Nói thế chứ lòng tôi cũng rất cảm kích. Cụ ấy có nói tuổi đã cao, sức khỏe có hạn chế, nhưng vì Đảng đã tín nhiệm bầu thì phải cố gắng, chứ thực lòng cụ không có tham vọng quyền lực chi…, chỉ vì cái lẽ cụ là người miền Bắc và có lý luận. Tôi tin chứ, và tôi cũng cảm kích anh em hồng vệ binh, họ có lời quan tâm khuyên nhủ, nhưng tôi chẳng làm được điều gì đáng giá, đáng công anh em – cả tiểu đội – phải mất công sức canh giữ, chịu ngủ đêm xa nhà, chịu muỗi cắn, và tốn phí tiền dân…
Quay vào nhà chẳng biết làm gì, bèn bắt chước trò chơi bói Kiều của các cụ xưa, tôi mở Kiều ra bói.
******
– Trước hết, tôi xin biết về cảnh quan chung chuyện ngựa xe ở Ba Đình. Và mở sách. Nó ra câu:
Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Lãng mạn thật. Ngoài cái kịch tính hấp dẫn, Đại hội 12 còn có cái lãng mạn nữa. Nó ứng vào cảnh chia ly kẻ ở người đi, thì là đúng! Cảnh chia ly nào mà không có sụt sùi? Rừng thu thì lá vàng, gió nhẹ, trời trong mà ở nơi quan ải thì không khỏi cô đơn, gợi nổi buồn tê tái của luyến tiếc, có thể là luyến tiếc vu vơ, nhớ mong mông lung, trông chờ vô cớ. Ở quê tôi có bốn mùa rõ nét, cứ đến mùa thu với tuổi thanh niên là dễ gây thất tình, nhớ nhung lãng đãng. Sau mùa trẩy hội ở Ba Đình, Đại hội kết thúc, người Hà Nội chắc sẽ nhâm nhi cà phê để ngắm những con nai vàng ngơ ngác, đi trên đường nhựa không có lá vàng khô, bởi nhiều cây xanh đã bị bị hạ.
Không thỏa mãn việc bói Kiều theo cách tổng quan, mà muốn cụ thể hơn, tôi muốn bói xem cho từng nhân vật trong ba nhân vật tiêu biểu.
– Trước hết là anh Tư, anh Ba, sau đó là cụ Trọng.
* Trương Tấn Sang
Tôi trân trọng mở sách. Nó ra câu:
Sông Hồng một giải xanh xanh (nguyên văn là sông Tần)
Lôi thôi bờ liễu mấy cành dương quan
Đây là chỉ việc anh Tư giã từ sông Hồng. Sông Hồng không phải là dòng sông anh tắm mát. Nhìn xa thấy xanh xanh, nhưng đến mùa lũ, sông Hồng đục ngầu một màu đỏ từ phương Bắc chảy xuống. Anh không phải là người miền Bắc, lý luận có lẽ không nhiều, không hợp thổ nhưỡng, cho dù tham vọng quyền lực nhiều hay ít, thậm chí là có hoặc không.Dòng sông ấy sẽ đánh lừa anh về màu sắc. Nhưng cảnh quan trong câu thơ sau quả là hiu hắt. Liễu rủ là thơ mộng, sao Nguyễn Du hạ một từ bất hủ lôi thôi? “Lôi thôi bờ liễu”! Lại thêm “mấy cành dương quan” trơ trơ không lá, không hoa nơi quan ải đìu hiu. “Mấy cành” nó làm cho “lôi thôi bờ liễu” thêm phần luộm thuộm ngổn ngang hơn bao giờ hết. Tự dưng tôi nhớ đến hình ảnh Từ Hải, chỉ riêng cái đoạn bó thân về với triều đình, hàng thần lơ láo phận mình ra đâu. Rồi thấp thoáng bóng Huỳnh Văn Nghệ, Từ thuở mang gươm đi mở cõi, Nghìn năm đau xót đất Thăng Long. Làm sao không đau xót! Đã thế thì về thôi. Về thôi anh. Quê hương anh cũng có dòng sông, anh mãi gọi với lòng tha thiết, lại gần biển Cần Giờ, gần Sài Gòn có giang sơn 51 mét vuông theo biểu kiến. Theo tôi, chừng ấy cũng quá đủ để dinh dưỡng tuổi già trong sạch, đồng thời góp sức cùng nhân dân, được chăng hay chớ, chống tham nhũng “đến cùng” như ước nguyện của anh lâu nay, anh ạ! Chúng nó đâu có thể “úm cả nước” được! Vì bị vây khổn hơn 10 ngày trong nhà không đi đâu được bởi hồng vệ binh, nên tôi hơi buồn. Vì buồn nên nhìn đâu cũng thấy cảnh vật không vui. Và tôi thấy anh có lẽ cũng buồn. Nghêu cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi. Nhưng bất ngờ cCò nghêu tha nhau đi mất, ngư ông đứng buồn, nhìn lôi thôi bờ liễu suốt một quan lộ gay go. Nhưng tôi lại có cách nghĩ khác, xét cuộc cờ này, dân Nam Bộ đều thắng lớn. Người theo anh Tư, chống anh Ba, anh Ba thất, thế là nguyện vọng đã thành. Người theo anh Ba, chống anh Tư, anh Tư thất, ý nguyện cũng thành nốt. Vậy cả Nam Bộ đều thắng. Xét ra, ở cả ba miền Đảng ta đều thắng lớn! Theo ông Trọng thì rất tốt và đẹp.
*Về Nguyễn Tấn Dũng
Bây giờ tôi chuyển quẻ bói sang anh Ba.
Trước tiên, tôi hình dung anh Ba phong cách đĩnh đạc đứng lên tuyên bố: Tôi xin không tái cử. Không ai nghĩ đó là thật, mà tự hỏi, là cái gì đây? Thế rồi trong Đại hội chính thức, anh dứt khoát tuyên bố xin thôi một lần nữa sau khi được giới thiệu tái cử. Anh ngẩng cao đầu với thần thái ung dung mà ra đi, mà từ giã, để lời dị nghị tham vọng quyền lực cho gió mang đi? Thái độ trên đã để lại một băn khoăn trong lòng người đương thời, một nét khá đậm trong tư duy về nhân cách, về cá tính con người, có tiêu biểu là Nam Bộ chăng? Hay là anh ấy bị chiếu bí trước thế cờ vây rất hiểm vượt quá luật chơi của đối thủ? Người ta không tin là sự việc dễ dàng đến thế, ngã ngựa nửa đèo. Trong chiến tranh anh chưa từng buông súng đầu hàng, nay thì trước sự quyết liệt một mất một còn của “các đồng chí”, là có khác nhau chăng? Người ta còn nghĩ đây là nước cờ hòa trong nội bộ nhằm thu xếp tỉ số cho đàn em? Một cuộc hòa hoãn tương nhượng nội bộ vì thế nước đang có nguy cơ trước kẻ thù phương Bắc? Nếu đúng như giả định này, thì điều anh để lại rất có ý nghĩa cho người đương chức bâng khuâng.
Chỉ toàn là câu hỏi mà chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Nghĩ tốt về anh là không hẳn ổn, nghĩ xấu cũng không xong. Nhưng người dân không quá nặng lòng về sự tham nhũng đang tràn lan phủ kín hiện trường như hiện nay, nếu so với cái lo lắng về cơ chế độc quyền đẻ ra nó, và so với hiểm họa mất nước về tay bành trướng, mà anh Ba tỏ ra là đồng cảm và dũng cảm. Di sản mà anh để lại, đó là những lần anh lên tiếng đầu tiên, kịp thời, mạnh mẽ, dứt khoát trước toàn dân, trước dư luận thế giới về thái độ chống giặc phương Bắc, là điều mà các vị cao cấp khác có thể nói – mà không nói, có thể làm – mà không làm. Lội nước, anh dám đi trước.
Tôi nhắm mắt, mở trang Kiều.
Nó ra câu:
Khi nên, trời cũng chiều người
Nhẹ nhàng nợ trước, đền bồi duyên sau.
Thế là vẫn có thiên lý chi phối nơi đây, tùy theo cái tâm con người vậy. Cái nợ về suy sụp kinh tế là không nhỏ. “Xin thôi” thật lòng và dũng cảm, thì đó cũng là cách trả nợ, là lời tạ lỗi chăng? Liệu rằng anh sẽ không bị “thù dai”, bởi cái di sản tốt mà anh đã để lại trong dân, là rất ấn tượng của một giai đoạn lịch sử khá đặc biệt. Anh đi tiên phong về ý chí chống ngoại xâm, anh gợi mở về hướng dân chủ, anh đặt nền móng trong quan hệ kết giao với các nước tiến tiến. Việc làm đó là có giá trị, tạo đà để đi tới, dù ai đó có thể giành bước, cướp công. Người ta phê: nói mà không làm. Lại có kẻ không làm, mà nói lại cà lăm. Còn duyên sau, là cái duyên gì thế? Không biết, nhưng ít nhất anh có thể đi cà phê cà pháo ở phố chợ đông người mà không phải ngại ngùng chi. Nếu được như thế cũng là phúc của người sau khi làm quan trở về. Bởi có người thôi chức, chẳng ai muốn nhìn mặt. Quẻ nói là anh nhẹ nhàng nợ trước,mà vớt vát một ít duyên sau.
*Về Nguyễn Phú Trọng
Ông là người miền Bắc (người Việt ta, ai đã không từng có gốc gác từ Bắc vào – lẽ ra không nên lặp lại ý này dễ gây hiểu lầm là mất đoàn kết) và ông đã tắm và đẫm mình ở dòng suối Mác - Lê thấm nhuần lý luận, đương nhiên ông làm tiếp Tổng Bí thư không có gì lạ, ít nhất cũng mấy mùa trăng. Nhưng lần tái nhiệm này, tôi thật lòng có cảm xúc khi ông nói tuổi đã cao, sức khỏe có hạn chế, mà ông phải gánh vác nhiệm vụ vì Đảng đã giao.Tôi tin! (Tất nhiên không phải do ông có tham vọng quyền lực – tôi cũng tin nốt điều này cho gọn). Ông cũng nói nhiệm vụ ấy rất nặng nề, cũng rất vinh quang (nhưng chắc hẳn là vinh quang nhiều hơn?), và phải vượt qua – như thông thường các lãnh đạo vẫn từng nói đấy thôi. Nhưng lần này tôi cũng tin là ông đã nói thực lòng. Tôi cố hiểu là ông rất lo âu về nhiệm vụ mới của mình, nên ông kêu gọi mọi người ủng hộ, giúp ông hoàn thành nhiệm vụ. Trong nhiệm kỳ qua, phải thừa nhận ông đã có công thúc đẩy một bước tiến dân chủ – ít nhất là trong Đảng, cũng có phần nào trong xã hội, nếu so với trước đây – dưới khẩu hiệu “đả muỗi diệt ruồi” theo cách của ông. Không biết cái tiến bộ về dân chủ ấy có nằm trong ý muốn của ông không, hay chỉ là tình cờ do thời tiết, nhưng sự thực là có. Nhưng mà ít lắm! Như lần kêu gọi góp ý Hiến pháp, (Kiến nghị 72) ông đòi xử lý (kỷ luật) vì quy họ là “suy thoái”. Đó là thí dụ trong muôn một. Vừa rồi qua phát biểu bế mạc, ông nói dân chủ nhưng phải có kỷ cương. Kỷ cương thì ai mà không muốn, cam đoan là khắp cả địa cầu đều mong. Nhưng người dân thì muốn nhiều hơn quan chức muốn. Không tuân kỷ cương thì dân bị làm tiền, bị bắt nhốt, bị đánh chết… Không kỷ cương thì quan thoải mái, sướng đủ điều. Cho nên cái kỷ cương ấy chỉ nên nói thầm trong Đảng mà thôi, bởi ông là người đứng đầu, từ Trung ương đến Địa phương. Nói to vì không đủ độ thẹn. Ông lại vừa đánh bóng lại loại đồ cổ cỡ 100 năm, là: “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Tôi nghe điều này từ hồi còn nhỏ, khi lớn lên có hiểu mơ hồ, đến già vẫn chưa nhìn thấy nó lần nào. Và, trong dịp vẻ vang này ông ngẩng cao đầu thách thức toàn thế giới với mệnh đề tưởng đã giấu đi “ai hơn ai” về cái “tính” dân chủ khó hiểu, cả truyền thông quốc tế cũng loan tải:
“Cái hay là phát huy vai trò người đứng đầu, nhưng phải phát huy dân chủ. Đứng đầu mà độc đoán chuyên quyền thì có gọi là dân chủ được không ? Chả tiện nói một số nước, nhưng cứ nhân danh dân chủ mà cá nhân quyết định tất, thế thì ai dân chủ hơn ai?”
Ông và bà GSTS Nguyễn Thị Doan quả là cặp đôi hoàn hảo về vấn đề dân chủ. Tôi tin rằng hiếm người hiểu nổi, tôi nhất định sẽ viết câu này bằng chữ to, kiếm gỗ đóng khung mà treo lên giữa tường nhà, để nghiền ngẫm cái ý nghĩa huyền ảo thâm sâu của nó, cũng là kỷ niệm những ngày diễn ra đại hội dân chủ bị bao bọc bởi xe tăng và súng ống.
Nghĩ lăng nhăng đến đây, tôi bỗng nhớ đến toán hồng vệ binh canh trước cửa nhà mình, tôi dừng lại và chạy ra xem. Thế là từ sáng đến nay họ đã rút đi – hôm nay là ngày 29, nhưng còn để lại hai cái võng móc tòn ten ở hàng rào, một cái dù to để che nắng, mấy chiếc ghế nhựa, một bình đựng nước lọc loại 20 lít trống không (tại hẻm 577, P HBP, Thủ Đức, TP HCM). Họ lặng lẽ biến mất, chẳng có tín hiệu gì cho người bị giam giữ biết, sau 11 ngày đêm cẩn mật. Mà sao bỏ lại các dụng cụ một cách lãng phí thế này? Hay là để sẵn đợi đến Đại hội kỳ sau ông tái nhiệm lần nữa?
Thôi, mặc kệ!
Tôi vào nhà và tiếp tục chuyện bói Kiều về ông tân Tổng Bí thư tái nhiệm.
Nhắm mắt, lần giở “cảo thơm”.
Nó ra hai câu bất ngờ,cũng rất sang trọng:
Lơ thơ tơ liễu buông mành
Con oanh học nói trên cành mỉa mai
Thật lạ, câu đầu thì nên thơ quá, hình ảnh đẹp. Tôi tưởng tượng ở Ba Đình, Hồ Gươm liễu rủ, nước trong xanh và cảnh vật êm đềm, một ông già tóc bạc phất phơ tư lự, bên cạnh đoàn quân có súng ống và xe tăng… Nhưng sao câu sau lại có con chim oanh học nói?Mà học nói là nói gì? Về chủ nghĩa Mác-Lê? Về tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách? Mà lại trên cành cây ấy? Lại mỉa mai nữa?
Cái mỉa mai rất mông lung phơ phất trên cành, cho gió, cho nắng, cho mưa tùy theo tâm cảnh của con người của một thời kỳ “phát triển rực rỡ nhất của chủ nghĩa xã hội” chăng?
Chắc là tôi không rành Kiều lắm. Đành chịu! Xếp sách.
Trên đây là chuyện tản mạn phất phơ sau 11 ngày bị giam lỏng tại nhà, vì cái Đại hội dân chủ, và thành công rất tốt đẹp diễn ra ở tận Ba Đình.
Cũng mong đây là lần Đại hội tốt đẹp cuối cùng.
Bởi dòng sông thì luôn luôn chảy.
H. Đ. N.
Tác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét