Bài đăng nổi bật

Cờ trong tay Trần Cẩm Tú

  Cờ trong tay Trần Cẩm Tú.  Trước cáo buộc liên quan đến trợ lý nhận hối lộ hàng chục triệu usd, Vương Đình Huệ thẳng thừng chối không biết...

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

LÙI và LUI

LÙI và LUI

Nguồn:http://tiengviet-tv.blogspot.com/2014/05/lui-va-lui.html?m=1
Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 2003, Nxb Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học) định nghĩa:



     Từ điển Hoàng Phê định nghĩa lùinhư vậy là cụ thể, dễ hiểu, dễ sử dụng; nhưng có vẻ không đủ khái quát, vì giữa nghĩa 1 và 2 hầu như không có mối liên quan nào cả. Và nếu như vậy thì có lẽ nên xử lý như 2 từ đồng âm. Riêng định nghĩa lui(nghĩa 1) thì không đủ phân biệt vớingượcvề, và cả những ngữ vị từ như quay lạitrở lại.
    
    Có lẽ ai cũng đồng ý rằng, khi di chuyển bao giờ một người hay một vật cũng di chuyển có hướng (một hướng nhất định chứ không phải là một hướng bất kỳ). Đó có thể xem là hướng vận động tự nhiên của đối tượng.
     Thông thường, trên trục không gian, đối với đối tượng là thực thể vô sinh, hướng vận động tự nhiên của đối tượng là hướng tác động của quy luật tự nhiên hoặc xu hướng phát triển tự nhiên; đối với thực thể hữu sinh (người, động vật và những thực thể được gán cho thuộc tính người) hướng vận động tự nhiên là hướng trước mặt đối tượng, thường gắn với mục tiêu. Trong trường hợp này, không gian được hình dung như một dòng vận động một chiều – từ A đến B – giống như thời gian vận động từ quá khứ đến tương lai.
     Trên trục không gian, lùi là di chuyển theo hướng ngược với hướng vận động tự nhiên của đối tượng. Nhưng lùi không phải là di chuyển ngược lại. Ở đây có sự phân biệt khá rõ giữa thực thể vô sinh và thực thể hữu sinh (người, động vật và những gì liên quan hay chịu tác động của người).
      Đối với vật thể vô sinh, hướng vận động tự nhiên là hướng của quy luật vật lý hoặc sinh học. Chẳng hạn, một chiếc lá rụng sẽ chịu tác động của luật hấp dẫn; khi có một cơn gió thổi qua, nó có thể bay ngược lênchứ không thể lùiLùi không bao giờ là hướng chuyển động của vật vô sinh, trừ phi dùng theo lối ẩn dụ hoặc nhân hóa.
      Đối với người, và động vật nói chung, hướng vận động tự nhiên được xác định theo hướng trước mặt của đối tượng – thông thường, “mặt trước” của đối tượng sẽ hướng về mục tiêu (trong tự nhiên, có hai ngoại lệ mà ai cũng biết: mực (bơi ngược) và cua (bò ngang)). Một người rời nhà để đến trường, đi được nửa đường anh ta quay lại vì để quên sách ở nhà hoặc vì muốn nghỉ học. Người chứng kiến sẽ nói “Anh ta đi ngược lại” chứ không nói là “Anh ta lùi lại”.
     Có thể hình dung sự phát triển nghĩa của lùi như sau:
-                  - Đang đi (/đứng), nhìn thấy con rắn, nó lùi lại.
     → Thấy phía trước đông xe, anh tài xế lùi xe đến ngã tư rồi rẽ phải.
     → Để giữ quan hệ với đối tác, ông quyết định lùi một bước.
     → Giá vàng lùi về sát mức 36 triệu đồng/lượng.
     → Ngân hàng Nhà nước sẽ khônglùi thời hạn áp dụng Thông tư 02 nữa.
     Vậy, có thể định nghĩa:
      1.      Lùi là vị từ biểu thị sự di chuyển theo hướng ngược với hướng trước mặt của đối tượng; hoặc rời xa (có thời hạn) mục tiêu trên trục không gian và/hoặc thời gian, trong khi vẫn giữ hướng vận động tự nhiên đã được tiền giả định.
      (Sở dĩ phải nói “có thời hạn” (hoặc tạm thời) là vì sau thời gian lùi, hoạt động có thể tiếp tục tiến lên).
       Lùi có thể hoạt động như một vị từ độc lập không có hoặc có bổ ngữ (lùi lại, lùi về (phía sau); lùi bước, lùixe); cũng có thể hoạt động như một phụ ngữ chỉ hướng (đi lùi, thụt lùi, tụtlùi, bước lùi, chạy lùi, (đi) giật lùi).
(1) Thấy bọn kia thủ sẵn gậy gộc, nólùi lại.
(2) Tài xế lùi xe gây tai nạn chết người
(3) Đề án đào tạo chương trình tiên tiến tại các trường ĐH đang có dấu hiệu thụt lùi.
Trên trục thời gian, lùi là chuyển/dờivề phía trước, xa hơn thời điểm đã định (= mục tiêu).
(4) Thời gian nhận hồ sơ đăng ký dự thi năm nay sẽ lùi lại một tuần so với trước đây.
(5) Google quyết định lùi ngày ra mắt máy tính bảng. 
    Trong sâu xa, cách tư duy của người Việt ở cả 2 trường hợp (không gian và thời gian) này là thống nhất: thông thường, nếu không lùi, đối tượng sẽ ngày càng gần với mục tiêu (cả trong không gian và thời gian đều dần dần tiến đến mục tiêu). Nếu lùi, đối tượng sẽ rời xa mục tiêu.
     Như vậy có thể nói lùi chỉ có một nghĩa.
     Cách giải thích “giữ nguyên tư thế như đang tiến về phía trước” của TĐ Hoàng Phê cụ thể, dễ hiểu hơn, nhưng không đủ khái quát vì có nhiều trường trường hợp khó xác định cái tư thế “tiến về phía trước” ấy, chẳng hạn:
(6) Biển lùi là một tiến trình địa chất xảy ra khi mực nước biển hạ thấp làm lộ các phần của đáy biển. (wikipedia) (hướng lùi: hướng ra khơi)
(7) Biển tiến là một sự kiện địa chất diễn ra khi mực nước biển dâng tương đối với đất liền và đường bờbiển lùi sâu vào trong đất liền gây ra ngập lụt. (wikipedia) (hướng lùi: hướng đi sâu vào đất liền)
(9) Vay tiêu dùng lùi về kỳ hạn ngắn, lãi suất ngày một cao (http://jptvn.com/tintuc/11/Vay-tieu-dung-lui-ve-ky-han-ngan--lai-suat-ngay-mot-cao.aspx)
Ở hai ví dụ (6) và (7), người đọc có thể xác định được hướng lùi của biển nhờ phần giải thích trong câu. Ở (8) và (9), nếu không có ngữ cảnh rộng hơn (trước và sau câu) e rằng người đọc bình thường khó có thể xác định được hướng lùi là hướng nào (và tất nhiên, cũng chẳng thể xác định được “tư thế” “tiến về phía trước”).
      Về thời gian, định nghĩa của TĐ Hoàng Phê cho thấy có sự thiếu logic trong cách diễn đạt của tiếng Việt.
Lý do: Thời gian luôn vận động về phía trước; trên trục thời gian, thông thường người Việt hiểu lùi tức là lùi về quá khứ.
(10) Với quyết định này, giáo dục VN đã lùi lại 20 năm.
Trong khi đó, với câu sau:   
(13) Phiên tòa phân xử (...) giữa Apple và Samsung (...), ITC đã quyết định lùi thời hạn phán quyết cho đến ngày 4 tháng 6 này. (http://www.techz.vn/itc-lui-ngay-dua-ra-phan-quyet-ve-vu-kien-tung-giua-samsung-va-apple-ylt30104.html)
thì lùi lại được hiểu là lùi đến tương lai (TĐ Hoàng Phê: “để cho chậm hơn so với thời điểm đã định”).
     Thật ra, nghĩa lùi trong các ví dụ (10) – (12) và (13) không mâu thuẫn với nhau.
     Ở (13), lùi là lùi đến tương lai, như đã nói ở trên. Vì mục tiêu nằm ở trước mặt, theo thời gian, đối tượng sẽ dần dần tiến đến mục tiêu; lùi tức là dời mục tiêu xa hơn về phía tương lai.
     Ở (10) – (12), hiện tại là thời điểm được lấy làm mốc, không có mục tiêu nào ở trước mặt, trong khi hướng vận động tự nhiên vẫn là trước mặt (tương lai), cho nên lùi là quay trở về quá khứ. Ở các ví dụ này, cách tri nhận của người Việt về thời gian cũng giống như không gian.
      2.      Lui là vị từ biểu thị sự di chuyển theo hướng ngược với hướng trước mặt của đối tượng; hoặc rời xa mục tiêu trên trục không gian và/hoặc thời gian (vốn đã được tiền giả định), từ đó có thể dẫn đến hệ quả là đối tượng đang được đề cập không còn tồn tại (có thời hạn) ở vị trí hoặc tình trạng ban đầu nữa.
Ví dụ:
(14) Máy bay đang ném bom, mọi người hãy lui vào hầm. (vd của Nguyễn Đức Tồn)
(15) Biết thằng bạn thân của mình cũng thích cô ấy, Nam đành rút lui.
(16) Quân ta đã đánh lui các đợt tấn công của địch.
(17) Cơn sốt đã lui. (vd của TĐ Hoàng Phê)
     Ở (14), “mọi người lui vào hầm” nghĩa là không còn ai đang làm việc hay đi trên đường; ở (15), “Nam rútlui” nghĩa là Nam không còn chinh phục hay tán tỉnh “cô ấy”; ở (16), “địch” không còn hoặc phải dừng tấn công; ở (17), không còn sốt nữa.
     Như vậy, nếu nói hướng “trở về nơi xuất phát” thì có lẽ không đủ khái quát. Hơn nữa, ở câu (14) khó có thể hình dung “hầm” là nơi xuất phát, và ở câu (17) không rõ điểm xuất phát là ở đâu (ở chỗ “chưa sốt” chăng?).
    Khả năng kết hợp của lui gần giống như lùi:
(18) lui lại, lui về (phía sau)
(19) lui bước, lui gót, lui xe, lui quân
(20) đi lui, bước lui, chạy lui, thụt lui, thối lui, rút lui
(21) đẩy lui, đánh lui
     Theo suy nghĩ của chúng tôi, lui là một dạng mở rộng hay đúng hơn là dạng phát triển ngữ nghĩa của lùi; trong đó nét nghĩa hệ quả (“đối tượng đang được đề cập không còn tồn tại ở tình trạng hoặc vị trí ban đầu nữa”) có thể xem là nét khu biệt quan yếu.
     So sánh một vài biểu hiện lui vàlùi.
(22) Bây đâu! Lui (ra)! (→ Rời khỏi vị trí hiện đương, không còn có mặt trong phòng nữa)
(23) Bọn bây lùi ra! (→ Bước vài bước về phía sau, vẫn còn hiện diện trong phòng)
(24) Nguyễn Trãi lui về Côn Sơn vui thú điền viên. (→ Không có mặt ở Thăng Long/chốn quan trường)
(25) Nguyễn Trãi không lùi bước trước cái xấu. (→ Tiếp tục đấu tranh chống cái xấu)
(26) Anh phải lùi bước trước khó khăn. (→ Tạm dừng hoạt động, sau đó có thể sẽ tiếp tục)
(27) Bọn cung nữ đã lui bước. Lúc này nàng mới lấy thư ra đọc. (→ “Luibước” và “lui gót” đều có nghĩa tương tự: không còn hiện diện tại vị trí đang nói đến)
(28) Tiểu đoàn 3 bị tổn thất nặng nên được lệnh lui về tuyến sau để củng cố lực lượng. (→ Không còn ở vị trí có chiến sự)
(29) Nghe lệnh xung phong, cả trung đội nhảy khỏi giao thông hào, tràn lên. Chỉ ít phút sau, vấp phải hỏa lực quá mạnh của địch, trung đội phải lùilại, chờ cơ hội. (→ Tạm dừng tấn công, nhưng vẫn trong tình trạng chiến đấu, ở khu vực giao tranh)
(30) Tiểu đội 2 đẩy lui được một đại đội địch. (→ Địch có thể tạm dừng tấn công hoặc rút đi)
(31) Tiểu đội 2 đẩy lùi được một đại đội địch. (→ Địch tạm dừng tấn công, nhưng có thể mở cuộc tấn công mới nagy sau đó)
(32) Chúng ta cần phối hợp lực lượng đẩy lùi tệ nạn xã hội. (→ Làm cho tệ nạn XH dừng bước, nhưng nó vẫn còn đó và sẽ có thể tiếp tục phát triển)
“Đi lui”, “bước lui”, “chạy lui” trên thực tế khó nghĩ ra một ngữ cảnh thông thường để sử dụng cho (sự di chuyển của) người, trừ trường hợp nằm trong sự đối ứng “đi tới đi lui”, “bước tới bước lui”, “chạy tới chạylui” với nghĩa là di chuyển liên tục. Trong khi đó, người ta có thể, “đi lùi”, “bước lùi” (nhưng khó “chạy lùi”); tuy nhiên, bỏ vị từ di chuyển đứng trước thì vẫn tự nhiên hơn. (Với xe thì không có sự khác biệt đáng kể giữa “chạy lui” và “chạy lùi”). “Lui quân”: hành quân theo hướng ngược với hướng chiến trường, và không còn hiện diện ở vị trí đang nói đến nữa.
     “Thụt lùi” thì có nghĩa tương tự như “lùi lại”; còn “thụt lui”, “thối lui” thì có thể có nghĩa gần với “rút lui” (không còn hiện diện nữa). Trong từ vựng tiếng Việt không có “thối lùi”, “rút lùi”, “tụt lui” (nhưng có “tụt lùi” với nghĩa là rớt lại phía sau so những kẻ đồng hành hoặc so với tốc độ trước đó, nhưng vẫn tiếp tục tiến lên).
     Riêng trường hợp (21) cần chú ý.
     Về ngữ nghĩa, như đã nói ở trên, có thể giải thích: hành động “đánh” của “quân ta” dẫn đến kết quả là “địch” lui. Tuy nhiên, về ngữ pháp thì không đơn giản như vậy.
Có thể có hai cách giải thích về lui.
(i)            Lui là phụ ngữ chỉ hướng của vị từ đi trước. Cách giải thích này đơn giản và “bảo lưu” được ý nghĩa từ vựng của lui như đã miêu tả ở trên. Nhưng có một vấn đề: về ngữ nghĩa, nó không phản ánh được cách hiểu lui là kết quả mà đối tượng (“địch”) nhận được, không khác gì “bại” trong “Quân ta đánh bại quân địch”;
(ii)          Lui là phụ ngữ biểu thị kết quả của vị từ đi trước. Cách giải thích này sẽ đặt “đánh lui”, “đẩy lui” trong chuỗi vị từ thường được gọi là gây khiến (causative) như “giết chết”, “bẻ gãy”, “đánh đổ”, “đập tan”, “đánh tan”, “uốn cong”, v.v.. Chúng tôi nghiêng về cách giải thích thứ hai này.
    Nguyễn Đức Tồn (Từ đồng nghĩa tiếng Việt, Nxb KHXH, 2006, H.) có 3 ý kiến “mới” so với Từ điển Hoàng Phê: lui khác lùi ở chỗ: (1) “phải/bị buộc di chuyển ngược trở lại phía sau, hướng về nơi xuất phát do không thể nào tiếp tục tiến lên được nữa”; (2) “ngoài trường hợp di chuyển ngược lại trong không giantheo bất cứ tư thế nào còn có thể chỉ cả hành động trừu tượng hoặc hành động được diễn ra không phải trong không gian”; và (3) “trừu tượng, khái quát hơn”. (tr. 255-258)
      Cả 3 điểm, ông không phân tích chứng minh mà chỉ nêu cảm nhận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét