Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Nho giáo và sự phát triển của Việt Nam (Phần 1)

Nho giáo và sự phát triển của Việt Nam (Phần 1)

Trần Khuê
Nghiên cứu và Tranh Luận
08:14' PM - Thứ ba, 24/06/2014
Bước vào giai đoạn mở cửa, nhìn ra thế giới ta thấy rồng lớn, rồng nhỏ bay tới tấp, chúng ta cũng ao ước đất nước sẽ hoá rồng và bạn bè trên thế giới cũng chúc chúng ta mau chóng thành rồng và sớm cất cánh. Đó là nguyện vọng chính đáng và những lời cầu chúc tốt lành.
Nhưng làm thế nào để thành công thì vấn đề quả là nan giải. Chỉ có điều đáng kinh ngạc là giáo sư Lé on Vandermeersch và một số vị học giả uy tín đầy mình tự nhiên lại phát kiến ra rằng: đại long Nhật Bản và các tiểu long Singapore, HongKong, Đài loan, Hàn Quốc cất cánh chính là nhờ văn hoá Khổng giáo. Lại đáng kinh ngạc hơn nữa khi một loạt các vị học giả ở nước ta chưa kịp hiểu nếp tẻ ra sao cũng tri hô lên rằng văn hoá Khổng giáo thật là tuyệt diệu và đoạn tuyệt với văn hoá Khổng giáo thật là dại dột, nhất là trong gần một thế kỷ qua bỏ dùng kiểu chữ vuông càng là một tai hoạ (87) cho dân tộc và đất nước.
Khổng Tử đã từng dạy “Ôn cố tri tân”. Và chính các bậc hậu nho cũng luôn nhắc nhở điều này. Thế nhưng không hiểu các vị học giả hiện nay lại hình như quên mất cái “cổ” (cái gốc cũ) của đạo Nho, làm như đây là một học thuyết vạn năng có thể biến lạc hậu thành tiên tiến, biến trì trệ thành phát triển.
Cái lõi của văn hoá Khổng giáo
Người ta thường ca ngợi Khổng giáo về mặt thiết lập mối quan hệ giữa con người với con người trên cơ sở thương yêu nhau nhưng lại quên mất rằng chữ “nhân” mà Khổng Tử đặt ra là của riêng giới thống trị mà ngài đã gọi là quân tử; và ngài cho rằng những kẻ bị trị tiểu nhân là những kẻ không biết gì là nhân. Ngay chữ “nghĩa” của ngài cũng là cái gì hợp với quân tử, còn kẻ tiểu nhân không có phần nào trong đó. Đối với ngài, lũ tiểu nhân và lũ đàn bà là khó dạy. Ngài cho rằng hai loại này không thể dạy được mà chỉ có thể sai khiến chúng mà thôi.
Xét cho cùng chỉ có chữ “lễ” thì ngài tỏ ra rộng rãi và bọn tiểu nhân thực sự được hưởng những quy định này. Và các vua chúa trước kia ở phương Đông đã tận dụng chữ lễ này để đảm bảo tôn ti trật tự và củng cố vương quyền.
Thực chất, “lễ” của Khổng Tử là một loại “pháp” và “pháp” này lại quy định ngặt nghèo đến từng chi tiết trong sinh hoạt: ăn mặc, đi đứng, nói năng…Như thế là lễ bao gồm cả đạo đức và luật pháp (ước chi dĩ lễ). Cũng đừng nhầm với một chữ “lễ” khác chỉ là những quy ước dành riêng cho các bậc sĩ đại phu “lễ bất hạ thứ dân, hình bất thượng đại phu”.
Thực ra, những câu nói cửa miệng của ngài luôn luôn biến đổi nghĩa nhưng bọn thống trị đương thời cũng như ở các đời sau chỉ sử dụng nghĩa nào có lợi cho họ mà thôi…
Người ta có thể tìm thấy khía cạnh này khá ôn hoà, êm ái của chữ “lễ” nhưng thực chất nó là một thứ trói buộc bọn tiểu nhân bị trị. Nhiều người thời nay bàn về chữ lễ hình như chỉ giới hạn ở mức độ giao tiếp ứng xử, nghĩa là chỉ có nên hay không nên,c hứ không phải là phải hay bắt buộc phải.
Để tang không đúng phép sẽ bị buộc tội hẳn hoi chứ không phải chỉ bị chê cười. Thử giở một số điều trong Minh Mệnh chính yếu là khắc rõ. Đàn bà lăng mạ chồng là bị tội, chồng lăng mạ vợ không sao.
Cũng phải công bằng mà xét thì Khổng Tử có cái hay là ông đã quy định trách nhiệm cho kẻ quân tử, chỉ những người chịu trách nhiệm cai trị, quản lý xã hội Sự quy định trạc nhiệm cai trị, quản lý xã hội. Sự quy định trách nhiệm này là đúng đắn và có ý nghĩa vĩnh hằng. Chỉ có điều, thực tế lịch sử đã xác nhận là chẳng ai làm được theo đúng lời dạy của ngài cả. Các vị hoàng đế Trung Quốc đối với nhân dân Trung Quốc ra sao thì đã rõ rồi. Các vị thứ dân Trung Quốc ra sao thì đã rõ rồi. Các vị thứ dân Trung Quôs chấp nhận chữ lễ như thế nào thì càng rõ. Chữ nhân ở Trung Hoa xưa cũng như chữ bác ái của châu Âu hiện nay mãi mãi là một thứ viễn tưởng không bao giờ với tới được.
Cả một xã hội Trung Hoa lấy trung hiếu làm giềng mối, chẳng lẽ một Hoa lục 2.500 năm thấm nhuần văn hoá Khổng giáo mà đành trì trệ ngưng đọng chịu nhường bước cho Hong Kong và Đài Loan sao? Và bản thân Hoa đảo Đài Loan trước khi thành con rồng cũng đã từng có hàng già nửa thế kỷ ở Hoa lục tụng “Tử viết” rồi.
Còn khi nhìn về đại thể thì chữ nhân chư bao giờ được thực thi ở Trung Quốc. Người ta chôn sống nhau một lúc hàng chục vạn người, đốt phá cung A Phòng hằng ba tháng ròng. Cho đến nay chưa ai bác bỏ được lời luận tội của văn hào Lỗ Tấn coi đạo lý Khổng Mạnh là thứ đạo lý ăn thịt người. Tất nhiên cũng có thời kỳ người ta sống hoà ái với nhau nhưng hình như đó chỉ là đợt nghỉ sức để chuẩn bị cho cuộc chém giết dữ dội hơn.
Việt Nam ta vào thời Lê, Nguyễn cứ suy mạt dần đi như Trung Quốc cũng là chuyện mọi người đã rõ, khỏi bàn nhiều. Triều Tiên cũng tương tự. Chỉ có Nhật Bản là trường hợp riêng. Xin đừng quên Nhật Bản chủ yếu tiếp thu Vương Dương Minh chứ không phải Trình Chu. Chữ nhân của Khổng Tử hầu như hoàn toàn xa lạ với quý tộc và quân phiệt Nhật Bản. Nhật Bản trở thành cường thịnh, thành cường quốc rồi thành quân phiệt phát- xít, chẳng thấy ai quy công cho Khổng giáo; thế mà khi họ tạo nên những chuyện thần kỳ về kinh tế lại qui công cho Khổng giáo. E cũng có một sự thiếu nhất quán nào đây trong tư duy nghiên cứu.
Nếu nói đến sự đóng góp của văn hoá Khổng giáo thì phải nói rằng nó rất thích hợp với các xã hội kinh tế tiểu nông. Khi kinh tế khép kín và tự cấp tự túc, ăn bữa nay lo bữa mai, vắt mũi không đủ đút miệng, đời sống phụ thuộc vào thiên nhiên thì cứ việc an phận thủ thường , thuận theo “mệnh trời” mà sống. Xã hội lép dài trì trệ và bất biến như thế bao nhiêu ngàn năm thì tất nhiên văn hoá Khổng giáo tồn tại bấy nhiêu ngàn năm, có gì đáng ngạc nhiên. Còn thần bí hay không, không phải là vấn đề quan trọng. Do điều kiện sản xuất lạc hậu của châu Á, người nông dân chỉ có thể mê tín chứ ít có tín ngưỡng, họ không quan tâm đến giáo lý và tín điều.

Việt Nam nói riêng và các nước châu Á nói chung du nhập đủ thứ đạo, nhưng người ta cũng chẳng sống chết với bất cứ cái nào; vì đối với họ, cái ăn là phải lo trước hết (có thực mới vực được đạo; dĩ thực vi tiên).
Không phải như giáo sư Phan Ngọc nói: nước Khổng giáo thì có khả năng dung hợp tất cả mọi tôn giáo. Thực ra đó là khả năng dung hợp của tất cả các nước nông nghiệp lạc hậu. Bên cạnh cái ăn cần hơn tất cả các thứ đạo thì đạo nào hứa hão nhiều hơnt hì họ tin theo nhiều hơn. Họ có bị ru ngủ nhưng khả năng bừng tỉnh vẫn là khả năng thương trực. Nói cho chính xác thì chính những giai cấp thống trị ở những nước theo Khổng giáo lại có óc kỳ thị tôn giáo rất nặng nề. Cứ xem việc các nho sĩ Trung Hoa và Việt Nam đả kích Phật giáo thì đủ rõ. Chuyện vua Nhật Bản và vua Việt Nam đàn áp Thiên chúa giáo ở thế kỷ trước càng là những minh chứng không thể bác bỏ.
Khi các tầng lớp thống trị còn ở trạng thái tham lam và ngu tối thì dù ở phương Đông hay phương Tây cũng đều rất giống nhau về mặt kỹ thị: tôn giáo, màu da,sắc tộc..
Khả năng dung hoá của Việt Nam
Phải nói ngay về sự nhầm lẫn của nhiều học giả cứ thích trích dẫn và gán ghép. Họ trích Luận ngữ, Mạnh Tử, đủ thứ, và theo họ thì nhờ có cái đó mà Việt Nam mới biết sống, biết lễ nghĩa và phát triển. Nhưng chẳng lẽ khi người ta du nhập chữ nhân của Khổng Tử, nhân dân ta mới biết thương yêu nhau chăng? Chẳng lẽ khi tụng “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” thì chúng ta mới biết đến cãi lẽ sống ấy. Họ quên rằng cả nghìn năm Bắc thuộc và những nghìn năm trước Bắc thuộc, Việt Nam đâu chịu khuất phục kẻ thù hai chân và bốn chân. Các vị hủ nho và vua quan thống trị tụng đọc hàng ngày đủ thứ kinh sách tín điều nhưng có bao giờ làm theo. Lại những câu đẹp đẽ của đức Thánh Khổng như” Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” đã treo đó 2.500 năm nhưng dân tộc ngài đâu có thực hiện. Còn bọn vua chúa thống trị Trung Hoa lại càng không để ý tới những giáo điều kiểu đó. Vì thế mới có chuyện “liền năm chính phạt, hằng đánh hằng thua”.
Ngay sử gia Ngô Sĩ Liên cũng nhầm lẫn khi ca tụng Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp và lại công nhận nhờ bọn ngoại lai đó đến, dân ta mới biết Thi, Thư, Lễ, Nhạc…Ngô Sĩ Liên quên mất rằng chúng ta đã từng có pháp độ kỷ cương riêng của mình và chỉ mất dần đi ở cuối đời Trần và mất thật sự ở thời Lê Thánh Tông, rồi mất hẳn ở thời các vua nhà Nguyễn. Đáng tiếc, một số nhà nghiên cứu ở Trung Quốc hiện nay cũng cứ vin vào sự nhầm lẫn của Ngô Sĩ Liên mà xuyên tạc lịch sử (88) (về vấn đề này xin trao đổi vào dịp khác). May mắn chúng ta vẫn có được một nền văn hoá dân gian xuyên suốt lịch sử và chảy ngầm trong các làng xã Việt Nam. Nó luôn giữ được sự trong trẻo của bản sắc dân tộc và chống lại được sự ô nhiễm ngoại nhập.
Tất nhiên không phải mọi thứ thuộc về văn hoá làng xã đều tốt đẹp cả nhưng ở đó nó vẫn bảo tồn được những cái gì thực sự là Việt Nam. Trong suốt trường kỳ lịch sử, nó vẫn là những pháo đài chống trả có hiệu quả mọi cuộc xâm lăng văn hoá của nước ngoài. Tất nhiên không tránh khỏi trì trệ, bảo thủ, lạc hậu. Và khi nói người Việt Nam tiếp thu Khổng giáo một cách dễ dàng thì phải hiểu đó là người Việt Nam ở cấp triều đình, điển hình là các vua Lê, vua Nguyễn. Còn người Việt ở cấp làng xã thì có khả năng tiếp nhận tất cả Phật, Lão, Khổng, Giê-su và có khả năng đồng hoá phù hợp với thể trạng của mình.
Chỉ một bài ca dao ngắn sau đây đủ biết khả năng đó là mạnh mẽ biết chừng nào:
Mình về em chẳng cho về
Em nắm vạt áo em đề câu thơ
Câu thơ ba chữ rành rành
Chữ trung chữ hiếu chữ tình là ba
Chữ trung thì để phần cha
Chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình.
Dứt khoát đây không phải là sáng tác của nho sĩ bác học hoặc nho sĩ bình dân.
Còn đến như: “Yêu nhau chẳng quản chiếu giường, một tàu lá chuối che sương cũng tình” thì quả là vượt lên trên mọi thứ nghi lễ, kỷ cương nghiêm ngặt nhất của Khổng giáo Bắc phương.
Ngược dòng lịch sử một chút, ta thấy ở đầu thiên niên kỷ thứ hai, pháp độ kỷ cương và những người thi hành pháp độ ở triểu Lý còn đằm thắm nhân ái xiết bao. Cứ nghe lời phán của vua Lý Thánh Tông thì đủ thấy là Khổng giáo chưa thấm vào Việt Nam, hoặc nói khác đi, Khổng giáo chưa hề khống chế được tinh thần Đại Việt và đủ hiểu tình thương của các vua Lý đối với dân thường, kể cả kẻ phạm tội:
Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn, còn rét thế này; nghĩ đến người bị tù giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu và cấp cho cơm ăn ngày hai bữa”. (Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, tr.271)
Lòng nhân ái và khoan dung của Việt Nam là như thế! Tinh thần đó càng sáng rõ ở thời Trần. Không phải ngẫu nhiên mà Trần Dụ Tông có thể tự hào khi so sánh cái nhân ái của Trần Thái Tông với cái tàn bạo của Đường Thái Tông:
Đường, Việt hai vua hiệu Thái tông
Đường xưng Trinh Quán; Việt: Nguyên Phong
Kiến Thành bị giết, An Sinh sống
Miếu hiệu tuy đồng, đức chẳng đồng.
Xét như thế thì cái nhân ái theo tinh thần Đại Việt này là sản phẩm riêng của dòng dõi Lạc Việt phương Nam. Vì nếu không có cái nhân ái và bất khuất Việt Nam thì làm sao có được khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khởi nghĩa Bà Triệu. Ít nhất cũng phải công nhận điều này: vào đầu thiên niên kỷ thứ 1, Trung Quốc phương Bắc theo văn hoá Khổng giáo thì phụ nữ là thấp hèn, trong khi đó Lạc Việt phương Nam theo văn hoá đạo Mẫu thì phụ nữ là cao quý.
Khổng giáo mà thâm nhập vào ta được phải nói đó là công lao của các vua đầu triều Lê, mà một trong những người kiên quyết nhất là Lê Thánh Tông. Ông vua vốn được lịch sử ca tụng là minh quân này đã thẳng tay giết thầy học của mình là Thái tử thiếu bảo Hình bộ thượng thư kiêm Đô ngự trử Trần Phong. Ông thầy này đã can vua không nên rập khuôn theo quan hệiu nhà Minh. Nhờ có lời lên án của Lê Thánh Tông mà ta hiểu được tinh thần của Trần Phong trong việc bảo vệ kỷ cương, điển chế Đại Việt:
Nay phong làm bề tôi của ta lại thường mang tấm lòng bất trung, bảo rằng ta đặt quan hiệu theo nhà Minh là làm trái thông chết của quốc triề. Cái bụng trái đạo làm tôi của hắn đã rõ lắm rồi. Phong đã bội phản, ai buộc được tay ta mà không thể giết nó” (Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, tr. 469)
Sau Lê Thánh Tông thì công lao bảo vệ văn hoá Khổng giáo phải kể đến các chúa Trịnh, điển hình là Trịnh Tạc. Chúa đã ban 47 điều giáo hoá để tiêu diệt bằng được văn học dân gian phi Khổng giáo:
Ngũ kinh chư sử xưa nay
Với chư tử tập này rày văn chương
Dạy bàn có ích đạo thường
Mới nên san bản bốn phương thông hành.
Kỳ như Thích, Đạo phi kinh
Lời tà mới lạ tập tành chuyện ngoa
Cùng là chuyện cũ nôm na
Hết thơ tập ấy lại ca khúc này
Tiếng dâm dễ khiến người say
Cho in cho bán hại ngay thói thuần.
Công lao lớn nhất trong việc khẳng định vị trí độc tôn của Khổng giáo là thuộc về các vua triều Nguyễn. Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam kỷ cương luật pháp được thống nhất và thi hành một cách chặt chẽ, triệt để như thế. Có thể coi đó là một xã hội Nho giáo điển hình ở phương Đông. Các thiết chế chính trị, kinh tế, giáo dục, luật pháp đều rập theo khuôn mẫu Nho giáo Trung Quốc: bên kia thi cử thế nào, bên này thi cử thế nấy; bên kia Đại Thanh nhất thống chí, Bên này Đại Nam nhất thống chí. Bên kia Cương mục, bên này cũng Cương mục. Thậm chí bộ luật nhà Thanh của Càn Long thì bên này sao y bản chính.
Một xã hội đầy ắp lễ nghĩa, kỷ cương như thế mà lạ thay lại không phát triển, nhân dân từ Bắc chí Nam lại không chấp nhận. Chính sử nhà Nguyễn đã ghi tới hơn 400 cuộc khởi nghãi chỉ trong mấy triều vua từ Minh Mệnh đến hết đời Tự Đức.
Xin hỏi giáo sư Phan Ngọc và những vị muốn cổ vũ cho Khổng giáo hiện nay: Những thể chế và kỷ cương Khổng giáo mà các vua nhà Nguyễn thi hành ở Việt Nam đã đạt độ bão hoà chưa? Và thế là tốt đẹp hay không tốt đẹp? Kỷ cương như thế là nhân ái hay tàn bạo? Phát triển hay trì trệ? Vì lẽ gì mà người ta lại mau quên những điều đã rõ như ban ngày? Cũng nên nhắc lại ý kiến cảu các vua nhà Trần:
Nhà nước đã có phép tắc riêng, Nam Bắc khác nhau; nếu nghe kế của bọn học trò mặt trắng tìm đường tiến thân thì sinh loạn ngay.” (Trần Minh Tông).
Triều trước dựng nước có luật pháp, chế độ riêng không theo quy chế của nhà Tống là vì Nam Bắc nước nào làm chủ nước đó không phải bắt chước nhau. Khoảng năm Đại Tự (Dụ Tông 1338- 1369) bọn học trò mặt trắng không được dùng, không hiểu ý nghĩa sâu xa của việc lập pháp, đem phép cũ của tổ tông thay đổi theo tục phương Bắc cả, như về y phục, âm nhạc…thật không kể xiết…” (Trần Nghệ Tông)
Hồ Quý Ly thực là người kiệt xuất trong lĩnh vực tư tưởng. Chính ông là người đầu tiên ở Việt Nam lên tiếng phê phán Khổng Tử. Tiếc rằng sách Minh đạo của ông đã bị nhà Minh cướp đi nên người đời sau không còn thấy được nguyên vẹn tư tưởng sáng suốt và đầy dân tộc tính của ông. Nhưng, chỉ qia một lời chê trách của Ngô Sĩ Liên cũng đủ thấy tầm vóc tư tưởng của ông lớn lao và đáng phục dường nào. Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy những nhà nho đương thời ra sức phỉ báng những đầu óc sáng suốt như Hồ Quý Ly và ca tụng loại người chuyên nhai bã tư tưởng của phương Bắc.
Và khi nhà Mạc lập ra một triều đình trong đó có các đình thần được tự do tranh luận, thậm chí phê phán đến cả tể tướng và nhà vua thì quả là hết sức không bình thường. Cho nên khi những con người thông tuệ và có ý thức dân tộc sâu sắc như Nguyễn Trãi mà bị chặt đầu, như Ngô Thì Nhậm bị đánh chết ở Văn miếu thì sau này những Bùi Viện, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ phải ôm hận cũng là điều bình thường ở xã hội Khổng Nho, chẳng có gì phải bàn nhiều.
Xin đừng bao giờ quy ý thức yêu nước, một vốn rất quý của dân tộc, cho Nho giáo. Ngay những kẻ nho học thực sự của đất nước Trung Quốc cũng rất coi nhẹ quốc gia. Họ coi trọng gia đình, dòng họ,nghĩa là coi trọng huyết thống chứ không coi trọng cộng đồng dân tộc. Để trả thù cho gia đình thì dù nước có mất về tay ngoại bang cũng chẳng sao. Trường hợp Ngũ Tử Tư là điển hình. Còn đất Trung Nguyên Hoa Hạ thì rợ nào vào cai trị cũng đều được coi là chính thống cả. Vua quan và nho sĩ của chúng ta cũng bắt chước như thế. Bên kia coi Nguyên triều và Thanh triều là chính thống thì bên này cũng coi Sĩ Nhiếp là chính thống, được sử gia chép riêng thành kỷ, trong khi đó lại đưa nhà Hồ, nhà Mạc ra ngoài (phụ chép). Thậm chí cũng coi bọn giặc ngoại xâm Phú- lang- sa là chính thống (do đó mới gọi là Tân trào).
Nho giáo ở nước ta còn bảo hoàng hơn Nho giáo Trung Quốc hẳn một bậc, coi nhiều triều đại trong nước là nguỵ triều, nhuận triều không thèm chép thành kỷ như: Hồ, Mạc ,Tây Sơn… Đặc biệt sử quán triều Nguyễn còn coi quân xâm lược Trung Quốc là chính thống và coi những người Việt Nam chống xâm lược là nguỵ.
Học giả Trúc Khê đã vạch trần sự ngu muội mất gốc này:
Cách ghép sử xưa có khuôn phép từ kinh Xuân Thu không thể cẩu thả, mỗi ý mỗi lời đều ngụ ý thưởng phạt khen chê. Song nhà làm sử cương mục (tức sử quán triều Nguyễn) do lòng yêu ghét sai lầm, mê đắm về nghĩa vua tôi trên dưới làm ngòi bút sai lạc. Nguyên lối chép sử xưa: Khi giặc vào quấy nhiễu nước mình thì gọi là nhập khẩu hay lai xâm, giặc kéo đến đau thì gọi là phạm. Còn quân nhà vua đánh kẻ có tội thì gọi là phạt. Sử quán nhà Nguyễn chép việc nhà Minh xâm lược: Thu cửu nguyệt, Minh khiển đại tướng quân Chu Năng, phó tướng Trương Phụ, Mộc Thạnh đẳng binh xuất binh phạt Hồ Hán Thương (Mùa thu tháng 9, nhà Minh sai đại tướng quân Chu Năng, phó tướng là bọn Trương Phụ, Mộc Thạnh đem binh đánh (kẻ có tội) Hồ Hán Thương)”.
Xem thế mới biết, các nhi sĩ sử gia phần đông ý thức về quốc gia dân tộc rất thấp. Nếu cứ lấy đạo cương thường làm chủ và căn cứ trên mặt sử sách thì biên cương của các hoàng đế Trung Hoa phải xuống tận Hà Tiên chứ đâu có dừng ở Nam Quan.
Cho nên việc rước quân Minh, quân Thanh, quân Pháp, quân Xiêm đối với Nho giáo chẳng có gì sai đạo lý. Và chuyện hoàng đế Gia Long phỉ báng hoàng đế Quang Trung và trân trọng hoàng đế Lê Chiêu Thống cũng là hoàn toàn làm đúng theo văn hoá Khổng giáo, đạo lý Nho giáo (đừng nhầm coi đây là đạo đức dân tộc).
Nói về văn hoá Khổng giáo thì Việt Nam ta vẫn coi "ngữ luân” là đặc sắc và “ngũ thường” là rèn luyện, nhưng mức độ như thế nào cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam thì còn ít người quan tâm phân tích. Cứ thấy hiện tượng nào không hợp với giao điều liền kêy lên là trái luân thường hoặc bại hoại luân thường mà không hề xét cụ thể nguyên nhân phải trái ra sao.
Cứ thấy xã hội có gì “hư hỏng”, “xuống cấp” thì lại đổ tại gia đình mà không cần phải đắn đo gì cả, họ đổ tội ngay cho phụ nữ: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, nghĩa là người ta cứ căn cứ vào cái chuẩn của Khổng giáo. Thước đo này trải hàng ngàn năm tưởng đã lỗi thời nhưng đến nay lại được mang ra “tân trang” để dùng lại.
Một điều rất thú vị là mấy vị đại nho đời Thanh như Đàm Tự Đồng, Nhan Nguyên,Khanh Hữu Vi, Lương Khải Siêu đã từng phê phán khá kịch liệt mặt tiêu cực của ngũ luân. Đàm Tự Đồng đã nhắc một ý rất quyết liệt của Khang Hữu Vi: “Trong ngũ luân, ông chỉ muốn giữ đạo bằng hữu vì có tính cách bình đẳng còn bốn đạo kia đều là đạo áp bức cả. Thuyết quân quân thần thần phụ phụ tử tử của Khổng chỉ đúng một cách tương đối trong thời Xuân Thu mà thôi, nay phải “bỏ” (Trích Trung Quốc triếu học sử giản yếu, Giản Chi dịch).
Trước đây vào thập kỷ 3, Trần Trọng Kim đã từng giương lại ngọn cờ Nho giáo bạc phếch và trước năm 1975 Phủ quốc vụ khanh của chính quyền Sài Gòn cũng ra sức in lại Tứ Thư, Ngũ Kinh, Minh tâm bửu giám, thậm chí cả đến Thọ Mai gia lễ và Nhị thấp tứ hiếu…nhưng thử hỏi có cứu vãn và làm cho xã hội tốt đẹp thêm được chút nào không? Vậy mà đến nay, sau 20 năm giải phóng, người ta lại lôi ra in lại nguyên văn những thứ đó mà không hề có ý kiến nhận xét hay phê phán.
Theo chúng tôi, chúng ta chưa bao giờ xem nhẹ nhân, nghĩa, lễ, trí ,tín (ngũ thường) cũng như nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm; chỉ có điều là tất cả những cái đó đã phát huy hết tính năng của nó chưa. Khi bước vào công nghiệp hoá và hiện đại hoá,; rõ ràng phải mở rộng nội hàm và ngoại diên của những khái niệm này sao cho thích hợp (cũng cần nhắc lại rằng nhân nghĩa lễ trí tín, đay là kiểu Ta chứ không phải kiểu quân tử Tàu). Cần nhớ rằng Việt Nam ta có khả năng tiếp nhận tất cả, dung hoá tất cả nhưng không hề tiếp thu “trọn gói” bất cứ một hệ thốg giáo lý nào. Đó là về phương diện toàn thể dânt ộc, còn đứng về phương diện bộ phận thì một tầng lớp hay một nhóm xã hội nào đó vẫn có thể có sự nhầm lẫn hoặc ngu muội nên đã tiếp nhận những giáo điều không thích hợp, thậm chỉ cả phần rác rưởi, cặn bã. Không được coi một nhóm xã hội, dù đó là nhóm thống trị cầm quyền, là toàn bộ dân tộc. Ngay bộ phận được coi là tầng lớp trí thức bác học của dân tộc tức là hơn 2.000 vị trạng nguyên và tiến sĩ thì hầu hết các bậc đại nho này chỉ sử dụng trí nhớ mà ít sử dụng trí tuệ. Ngay những người được coi là uyên bác bậc nhất như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú…cũng chủ yếu là sử dụng trí nhớ. Tại sao có thể nói như thế? Vì nếu chỉ cần khoảng 10% số đó biết sử dụng trí tuệ thì đất nước này đã có biết bao phát kiến, phát minh khoa học. Biết bao đời qua nguwofi ta thi nhau ca tụng những nhân vật nhớ nhiều và nhớ dai. Các vị hoàng đế đầu triều Nguyễn càng tỏ ra xuất sắc trong việc khuyến khách kẻ sĩ Đại nam đi theo hướng này. Cho đến nay di hoạ vẫn là chưa hết. Mấy chục năm qua, chúng ta vẫn tổ chức một nhà trường của ký ức chứ chưa phải là một nhà trường của tư duy và “mặt mạnh” của giới nghiên cứu KHXH hiên nay vẫn là sao chép và miêu tả (có lẽ xuất sắc nhất là giới nghiên cứu triết học và giới sử học).
Nhưng phải công bằng mà nhận định rằng đứng về phương diện toàn bộ dân tộc, do giàu tính năng động và sức đề kháng văn hoá nên nó luôn luôn biết loại trừ “dị vật”. Tiêu biểu cho tính năng động và sự đề kháng văn hoá này là bộ phận trí thức cấp tiến nhất trong từng thời kỳ lịch sử. Đây chính là hằng số trí tuệ quyết định sự tồn tại và phát triển của dân tộc.
(*) Tạp chí thông tin lý luận số 10-1994 đã trích đăng phần thứ ba công trình này với nhan đề "Chớ nhầm lẫn về sự cất cánh của 5 con rồng!".
(87) Hà Ngọc Đình- Việt Nam Nho học đích tuyền bá hoà ảnh hưởng. La Trường Sơn- Việt Nam khoa cử tam giáo khảo cứu vấn đề sơ thám. (Tạp chí Đông Nam Á tung hoành Quảng Tây, tháng 12-1993)
(88) Hoàng Tranh: Trung Việt quan hệ sử nghiên cứu tập cảo. Nxb Nhân dân Quảng Tây. 1992
Nghiên cứu và Tranh Luận
Ý kiến của bạn
Mã kiểm tra:Không phân biệt chữ hoa/thường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét