Bài đăng nổi bật

Cờ trong tay Trần Cẩm Tú

  Cờ trong tay Trần Cẩm Tú.  Trước cáo buộc liên quan đến trợ lý nhận hối lộ hàng chục triệu usd, Vương Đình Huệ thẳng thừng chối không biết...

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Trăng Huyết(3)

Thượng nghị sĩ làu bàu cáu kỉnh:
- Bố có thể nằm trong giường dưỡng sốt vài ngày khi mình về lại Sài Gòn. Không có vấn đề chúng ta lãng phí ngày chót này.
Đưa mu bàn tay dụi mắt, ông nóng nảy đứng phắt dậy. Trong lúc đó, hai người Mọi đi dò dấu thú khi họ ngồi nghỉ, lúc này lật đật chạy trở về chỗ đất trống. Họ bắt đầu vừa líu lo nói với Devraux vừa đưa tay chỉ ngược lại hướng rừng cả hai mới từ trong đó chạy ra.
Trao đổi xong với người Mọi, Devraux nói:
- Chúng nó định vị được một bầy min và nghé đang ăn cỏ cách đây tám trăm thước. Lũ trâu rừng ấy có thể không xa lắm. Có lẽ chúng đang tìm các lùm cây im mát phía bờ sông bên này để tránh cái nóng. Chúng ta phải đi cẩn thận. Nếu trong khi tới gần, ta làm chúng giật mình thì sẽ không còn có loại thú vật nguy hiểm đó trong khu rừng này nữa.
- Xong ngay, tôi sẵn sàng rồi.
Thượng nghị sĩ nói, cầm súng và ưỡn thẳng người. Khi Chuck theo Devraux bước vào vùng cây cối rậm rạp, Nathaniel đi chậm lại, rút chai dẹt ra thêm lần nữa, tu một hơi dài. Rồi ông thận trọng đi theo ở cuối hàng, sau mấy người Mọi dò dấu thú.
Bên khúc sông hẹp chạy dài một rừng tre dày đặc với những thân tre cao vút, kêu răng rắc và đưa kẽo kẹt trong gió nhẹ khi đoàn người di chuyển hàng một, chầm chậm và thận trọng, dưới các tán lá rậm rạp phủ kín đầu trong cảnh tranh tối tranh sáng. Cứ đôi ba bước họ lại dừng chân, mắt nhìn chằm chặp vào vùng bóng tối phía trước. Khi tới một khoảng trống khác, Devraux dừng lại, đưa tay chỉ. Cách chừng hai trăm thước, họ thấy rõ một bầy trâu rừng với lũ nghé đang nhảy nhót, nô đùa bên mấy con trâu bố mẹ của chúng. Nathaniel thì thầm, giọng bàng hoàng:
- Bọn Mọi thiệt là lầm rồi! Có một con min đầu đàn, cổ bướu, già và to tướng ở ngay chính giữa các thê thiếp và con cái của hắn. Hắn là của tôi!
Không chờ người khác, ông lao mình từ trên bờ xuống nước, trượt chân rồi trườn người gượng dậy, lũi tới, bất kể rễ cây chĩa ra tua tủa và sỏi đá lởm chởm. Ông lội ngang sông, nhoài người lên bờ bên kia và chuồi mình vô đám cỏ thấp lè tè trên mép đồng cỏ. Mặt tỉnh bơ, Devraux ngó Chuck Sherman. Hắn nói cộc lốc:
- Gió mạnh từ chỗ này thổi tới. Rồi cậu sẽ thấy!
Đến khi cả đoàn sang tới bờ bên kia, thượng nghị sĩ đã ở đằng trước họ năm chục thước. Ông di động thiếu cảnh giác, ngực đè lên cỏ, chuẩn bị liều lĩnh đứng lên bắn từ khoảng cách hai trăm thước. Nhưng từ sau lưng đoàn người đi săn, cơn gió xoáy thổi ngược ra đằng trước. Con trâu khổng lồ thình lình đưa mõm lên về phía họ đánh hơi. Chỉ một chớp mắt, cả bầy trâu bỏ chạy về hướng cây cối rậm rạp, tìm chỗ núp.
Giận điên người, Nathaniel Sherman văng tiếng chửi thề, vừa lấy thế vừa bóp cò. Kết quả phát súng thứ nhất chỉ khiến đàn vẹt trong các bụi cây sau lưng ông thét lên thất thanh, vỗ cánh vọt lên trời. Lũ trâu tiếp tục chạy, không chút hề hấn. Người Mỹ lại lớn tiếng chửi tục rồi trụ hai chân cứng hơn, ông bắn nòng thứ hai — vẫn chẳng có con trâu nào lảo đảo. Thế nhưng khi con trai và Devraux tới bên ông, Nathaniel vẫn nheo mắt nhìn qua lỗ nhắm của khẩu súng đang đưa cao, ngắm bầy trâu đang chạy tán loạn vào rừng. Ông thì thầm xuống giọng:
- Con có tin không Chuck, phát thứ hai bố bắn trúng hắn.
Không đợi Chuck, ông sãi chân bước theo hướng bầy thú vừa bỏ chạy. Ra tới giữa bãi cỏ ông la lớn rồi quì xuống. Khi ông xoay người về phía họ, con trai ông và Jacques Devraux thấy các ngón tay ông lấp lánh máu. Nathaniel đứng lên, thở dồn dập:
- Bố đã nói với con là bố bắn trúng hắn! Hắn ở xa tới hai trăm thước và đang bỏ chạy, thế mà bố vẫn bắn trúng hắn! Lẹ lên Chuck. Chúng ta đi thu thập hắn.
Trên bãi cỏ, không khí lung linh chập chờn theo hơi nóng ban trưa. Devraux đặt bàn tay dè dặt lên vai người Mỹ:
- Vết máu nhạt. Con min không bị thương nặng. Nếu tiếp tục đi, ông sẽ khặc khừ, chịu không nổi cái nóng cực độ lúc mặt trời đứng bóng. Tốt nhất ta quay về trại, chờ khi mặt trời dịu, ta đi săn tiếp.
- Nếu hôm nay mưa nữa ta trễ giờ săn mất!
Devraux vừa nói vừa nhún vai:
- Vào giờ này người sung sức nhất đuổi theo con thú ấy còn bị nguy hiểm. Huống hồ với điều kiện hiện nay của ông... đó chắc chắn là chuyện điên khùng.
Mồ hôi tuôn thành dòng trên khuôn mặt thượng nghị sĩ. Mắt ông lờ đờ vì uống quá nhiều ki-ninh. Nhưng ông vẫn nằng nặc:
- Tôi quyết tâm lùng và diệt con vật đó, Jacques ạ. Tôi đã bắn trúng hắn, tôi sắp giết được hắn.
Người Pháp thản nhiên đáp lại, với thái độ dứt khoát:
- Thế thì kể từ lúc này, tôi hết chịu trách nhiệm về phần đi săn còn lại hôm nay.
Chỉa ngón tay cái vô ngực mình, Nathaniel Sherman cao giọng sôi máu:
- Vậy cũng tốt thôi, Jacques. Tới lượt tôi. Tôi sẽ tự mình chịu cái trách nhiệm khốn kiếp này.
Nhìn xuống vết máu dây lờ mờ trên cỏ, ông giận dữ sải chân vô rừng. Chuck theo cha bén gót. Sau một thoáng lưỡng lự Jacques Devraux với mấy người Mọi dò dấu thú cũng đi theo, giữ cách một quãng.
Trong nửa giờ, hai cha con lần theo những vệt bẫn có màu đo đỏ. Tới sau cùng, họ thấy chúng dần dần biến mất vào một cái trảng có những lùm tre gai dày đặc bọc kín.
- Chuck này, bố đoan chắc chúng ta đang tới khá gần hắn. Hắn núp trong một xó xỉnh nào đó quanh đây thôi. Và đang liếm vết thương của hắn.
Nathaniel lột mũ xuống. Trong khi lau khuôn mặt ròng ròng mồ hôi, ông bắt gặp có cái gì đó động đậy trong đám cỏ mọc lúp xúp lộn xộn. Chỉ tay vào lùm tre gai, ông hỏi con bằng giọng thì thào sôi nổi:
- Chuck, con có thấy cái đó không? Bố nghĩ mình đã tìm ra hắn.
Dù lùm tre gai dày đặc không thể nào nhìn rõ, Chuck vẫn thấy có một mảng bóng tối màu nâu đen nhúc nhích, không lầm lẫn vào đâu được. Cậu lập tức nâng súng lên.
- Khoan. Hắn của bố!
Bằng cử chỉ quyết liệt, ông hất nòng súng của con qua một bên. Mắt Nathaniel long lanh, hơi thở phì phò, cánh mũi phập phồng khi ông nâng súng lên, bắn thật lẹ vào mảng bóng tối đó, bắn liên tiếp cả hai nòng.
Vang lên tiếng bùm bụp của đầu đạn trúng mục tiêu. Rồi hai cha con nghe có tiếng thân xác nặng nề lăn lộn điên cuồng giữa lùm tre gai kín mít như bủa lưới. Sau vài giây, chấm dứùt mọi động đậy, cái trảng im lìm trở lại. Thượng nghị sĩ vừa toét miệng cười với con trai vừa nạp thêm hai viên đạn vào ổ súng:
- Chuck này, có phải bố đã nhiều lần nói với con rằng có quyết tâm là có tất cả, đúng không? Đi với bố vô ngó hắn!
Chuck lưỡng lự trong khi cha cậu bước loạng choạng về phía lùm tre gai dày đặc. Ngay lúc ấy, Devraux và mấy người Mọi vừa tới trảng. Khi người Pháp thấy hoạt cảnh đang diễn ra, hắn giận dữ thét lớn, quát thượng nghị sĩ đứng lại. Nhưng nếu Nathaniel có nghe ông cũng không thèm để vào tai. Chuck kêu lên khi cha bước tới một kẽ hở giữa lùm tre gai:
- Bố ơi! Chờ thêm chút nữa có phải tốt hơn không?
Thượng nghị sĩ dậm chân, ngoái lui:
- Này con, chính ta là người bắn con trâu đó. Con sợ thì cứ đứng đó chờ với với bọn Mọi.
Rồi không đợi nghe trả lời, ông bước lẹ vô lùm tre gai. Nhức nhối vì câu nói của cha, Chuck vọt qua chỗ đất trống, xông tới.
Bên trong lùm cây mịt mùng, Nathaniel sửng sốt thấy mình lập tức mặt đối mặt với một con trâu rừng đen thui và khổng lồ đang đứng thù lù một đống. Tính từ mặt đất lên vai, trâu cao hơn thước tám. Con thú mắt xanh, đồ sộ, đứng vượt quá đầu ông, đang lắc lư trên bốn chân. Chung quanh trâu, một vùng cỏ mọc lè tè vấy đầy máu, sát rạt và tan nát vì trâu lăn lộn. Vừa thấy Nathaniel, con vật hạ cặp sừng nhọn hoắt xuống. Một cặp sừng dài tới chín tấc, đang trong giai đoạn phát triển sung mãn nhất của chúng. Dù khi đặt chân vào lùm cây, thượng nghị sĩ đã kê sẵn súng trên vai trong tư thế sẵn sàng nhả đạn nhưng ông chưa kịp bóp cò trâu đã chồm lên người ông.
Cục xương u nằm giữa hai sừng trâu húc thật mạnh. Nathaniel mất thở. Ông gập người trên chiếc cổ trâu to tướng, úc núc các bắp thịt săn vồng như cái bướu. Ông treo thân trên đó một giây trước khi trượt người qua một bên. Trong khi người ông lạng xuống đất, con trâu rừng húc liên tiếp vào thân xác ông, hất người ông văng hết bên này qua bên kia cho tới khi trâu xóc được chiếc sừng dài vô mình ông.
Sừng xóc ngay chỗ nách, từ đó thọc lên móc thẳng vào khớp xương đòn gánh nơi bả vai trái và chầm chậm xoay thân mình Nathanel thành vị trí thẳng đứng, đeo dọc sừng sâu. Bấm hai chân sau, con trâu rừng khổng lồ rống lớn, lồng lên, câu bổng ông lên quá mặt đất, day qua day lại nhiều lần như lắc lắc một hình nộm làm bằng giẻ rách.
Khi Chuck chạy vào lùm tre gai cậu thấy cha như thể đang khom mình trên cái đầu cúi thấp của trâu trong tư thế hết sức bình lặng. Cảm giác được sự nguy hiểm mới, con vật điên cuồng quẩy mạnh sừng cho rớt cái gánh nặng móc trên đó. Trong hôn mê, thượng nghị sĩ thình lình bị hất tung lên từ giữa hai sừng trâu, nơi ông vừa nằm không nhúc nhích như nằm giữa hai gọng ná.
Chuck bình tĩnh nâng súng. Cậu bóp cò đúng lúc con trâu phóng tới phía cậu. Cậu đã nhắm cẩn thận ngay chính giữa hai mắt trâu nhưng vì nó chồm tới nên đường bắn bị lệch. Phát đạn thứ nhất chỉ làm xước lớp da bên ngoài cổ trâu. Trong khoảng cách một tầm tay, trâu cất đầu lên lao cặp sừng đẫm máu người cha vào thân thể người con khi Chuck bắn nòng súng thứ hai. Viên đạn bay đúng vào ngực trâu, làm nó bị thương trí mạng nhưng không chận nổi đà xung kích dữ dội đang lao tới và không gạt nổi hai vành trăng lưỡi liềm bằng xương thọc vào thân thể cậu với tất cả sức lực của cổ trâu mạnh bạo.
Chuck ngã xuống, bụng bị đâm thủng. Trong khi cậu quằn quại đau đớn dưới đất, con trâu húc cậu thêm cú nữa. Trong cú húc thứ hai, một chiếc sừng trâu thọc vô phổi Chuck nơi vùng cao phía bên trái lồng ngực. Mũi sừng nhọn hoắt đâm thấu trái tim cậu. Trong khi con vật rống lên, ngúc ngắc đầu trên cơ thể Chuck, cậu thấy sát ngay trước mặt mình những sợi lông xám quanh cái mõm đen sì và rộng.
Chuck cảm thấy cái nóng trong hơi thở đẫm máu và tanh tưởi của trâu. Từ bên dưới thân trâu, cậu có thể thấy da bụng trâu tái nhợt kỳ dị và màu hồng hồng giữa hai chân sau của trâu đang dang rộng. Và thấy bìu dái trâu với bọng dái đen sẩm săn lại, cậu nghĩ, đối với một con vật khổng lồ và có sức tàn sát như thế này, thì cái bọng ấy có vẻ nhỏ quá, không thích hợp chút nào, trông như thể một món đồ chơi.
Rồi Chuck nghe xa xa có tiếng nổ của một khẩu súng khác và cảm giác sức va chạm của những viên đạn rắn đặc ấy làm thân trâu rùng rùng. Nhưng ngay lúc đó, cái thân hình đen đủi to tướng của trâu sụm xuống, đè lên người cậu: trâu đã không còn sự sống sau phát súng thứ hai của cậu.
Kỳ lạ thay, cảm giác cuối cùng của cuộc đời Chuck không phải là cái đau đớn của những vết thương khủng khiếp do con min ấy gây ra. Trong khoảnh khắc sau chót, vết xước nóng bừng trên bắp chân trái, chỗ con bọ cạp đốt cậu tuần trước, hình như đang rực cháy một ngọn lửa mới mẻ và nhức buốt. Cậu cố nhấc bàn tay lên để sờ nó để xoa nó, nhưng bỗng dưng một trạng thái vô cùng mệt mỏi nhận chìm cậu xuống. Và bàn tay cậu chẳng bao giờ còn có thể với tới nơi nó định tới.
Dream Of The Wind
04-02-2010, 10:45 AM
TẬP I - Phần Thứ Hai - Hận Thù Của Triệu Cu-Li - 1929-1930
TẬP I - Phần II - 1 -
Những nền móng của kỷ nguyên thực dân — mà trong suốt thời gian đó các nước da trắng châu Âu thống trị những vùng đất bao la ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh — lần đầu tiên bị xói mòn chí tử trong một thập niên đầy náo động của thế kỷ hai mươi. Những cuộc cách mạng, ban đầu của Trung Hoa Quốc Dân Đảng lật đổ chế độ quân chủ Mãn Thanh năm 1911 để thiết lập nền cộng hòa dân quốc, rồi sau đó, của Đảng Cộng Sản Nga lật đổ Sa Hoàng năm 1917 mở đầu chế độ Cộng Sản toàn trị tại Liên bang Sô Viết; cuộc Thế giới Đại chiến 1914-1918 vừa làm các chính quyền ở châu Âu bị suy yếu trầm trọng vừa khiến dân chúng vùng thuộc địa nhận ra rằng các chủ nhân ông da trắng có vẻ bất khả chiến bại ấy cũng có thể tự hủy hoại tột độ một cách điên rồ.
Tình trạng bị xói mòn của hệ thống thực dân lại tăng nhanh hơn nữa do sự thành lập Cộng Sản Quốc Tế vào năm 1919. Tổ chức này được sử dụng cách riêng cho việc đánh bại chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới. Vào cuối thập niên 1920, các phái viên của Cộng Sản Quốc Tế Đệ Tam bắt đầu công tác bí mật tại những lãnh thổ thuộc địa của các nước tư bản đang dàn trải bao la và mong manh, để khai thác những bất mãn của nhân dân bản xứ.
Trên khắp lãnh thổ An Nam, bất mãn chính trị càng sâu sắc thêm sau ngày Hoàng đế Khải Định băng hà quá sớm vào tháng 11.1925. Ông từ trần lúc chỉ mới 43 tuổi; người Pháp nắm lấy cơ hội đó để gia tăng tột độ ảnh hưởng của họ. Người Pháp nhất quyết đòi buộc ngôi vua phải dành cho con trai của ông là Bảo Đại, lúc đó mới 12 tuổi, đang theo học ở Paris. Họ đưa tự quân thiếu niên ấy về nước để tiếp nhận ngôi vua, sau đó, lại sang Pháp tiếp tục sống ở Paris, để được dạy bảo thêm bảy năm nữa. Trong thời gian đó, tuy triều đình có quan Phụ chính nhưng Khâm sứ Pháp tại Huế đích thân tiếm đoạt những gì còn sót của vương quyền.
Khi còn sống, Khải Định không để lại được gì đáng kể cho quốc dân và hậu thế ngoài việc xây một lăng tẩm đồ sộ theo kiểu pha tạp Á-Âu. Ông chỉ là một quốc chủ bù nhìn và sang triều Bảo Đại cũng chẳng khác chút nào; hai vị vua ấy chỉ là công chức ăn lương của Pháp. Thực tế, kể từ ngày Paul Bert giữ chức Toàn quyền Đông Dương, nhà vua chỉ còn là người ký sắc dụ cho người Pháp thực hiện mọi ý muốn của họ. Trong khi đó, theo những điều khoản của hòa ước Patenôtre 1884 giữa Pháp và nhà Nguyễn, chỉ có Nam kỳ nằm dưới quyền thống trị trực tiếp của Pháp, còn Bắc kỳ và Trung kỳ theo chế độ Pháp bảo hộ, thuộc quyền của nam triều.
Tại Nam kỳ, việc cai trị làng xã do Hội đồng hương chính. Các thôn xã họp thành tổng; nhiều tổng họp thành tỉnh, do người Pháp làm tỉnh trưởng. Tuy thế, một số tổng quan trọng họp thành huyện với huyện quan là người Pháp, hoặc đôi khi người Việt. Tại Trung kỳ và Nam kỳ, tuy vẫn giữ hệ thống cũ với các quan tri huyện tri phủ và quan đầu tỉnh là tuần phủ hay tổng đốc người Việt nhưng mỗi tỉnh có một viên công sứ Pháp, là người hầu như nắm toàn quyền quyết định, kể cả binh quyền.
Người Pháp đặt ra các thứ thuế đinh (đánh trên mỗi đàn ông), điền, thổ trạch, muối, thuốc phiện, xuất nhập cảng, v.v. Họ trực tiêáp khai thác hệ thống ngân hàng, các công ti rượu, thuốc phiện, xi-măng, gỗ, đồn điền cao su, v.v. Năm 1890, tổng số diện tích đất Pháp khai thác trên toàn cõi Đông Dương là 11.390 mẫu tây, sang tới năm 1939, con số này lên tới một triệu mẫu, riêng ở Nam kỳ là 610.000 mẫu. Người dân quê An Nam hiền lành và cần cù không chịu đựng nổi cuộc sống cơ cực tại nông thôn, một cổ hai tròng Pháp và quan lại nam triều cùng cường hào ác bá thôn xã. Họ lâm vào hoàn cảnh dễ bị dụ dỗ hoặc cưỡng bách đi làm phu-phen hay cu-li ở các đồn điền; thường có ngày đi chẳng có ngày về, nhất là những người làm cu-li cho các đồn điền cao su đất đỏ vùng đông nam bộ, mỏ than Hòn-gay, thường bị hành hạ, đánh đập hoặc chịu ma thiêng nước độc, chết vô số. Ngược lại, so sánh với các vùng đất thuộc địa khác của Pháp trên thế giới, Đông Dương là chốn béo bở nhất, được Pháp khai thác triệt để và thu lợi ngon lành nhất.
Thảm trạng đó khích động tình cảm chống Pháp, đồng thời được cổ vũ bởi những thành công của Tôn Dật Tiên và Mao Trạch Đông bên nước Trung Hoa láng giềng, những người An Nam theo chủ nghĩa dân tộc và những người An Nam theo chủ nghĩa cộng sản bắt đầu tổ chức hàng ngũ mình chặt chẽ hơn. Cuộc Đại Khủng hoảng Kinh tế năm 1929 với việc lúa gạo bị sụt giá thê thảm làm cuộc sống gian khổ thêm, thậm chí nạn đói lan tràn tại nhiều vùng đất thuộc lãnh thổ Đông Dương, khiến tâm trạng nổi loạn ngày càng bén nhạy và sôi động hơn.
Hậu quả của những tác động mạnh mẽ và hỗ tương đó là các phong trào chống Pháp —trước đây vốn là phạm vi dành riêng cho giới sĩ phu An Nam thừa quyết tâm nhưng thiếu tổ chức chặt chẽ, được đánh dấu chấm dứt vào thời điểm 1926 với phong trào đòi ân xá cho Phan Bội Châu, và sự từ trần của Phan Châu Trinh tại Sài Gòn — nay vào lúc kết thúc thập niên 1920 này, bắt đầu khuấy động các tầng lớp trí thức trung lưu trong công sở, trường học và các tập thể quần chúng đang lao động cực nhọc trên ruộng lúa, trong hầm mỏ và đồn điền cao su.
Ngọn cờ đấu tranh giải phóng dân tộc từ tay giới nho sĩ cựu học trong các phong trào Cần vương, Văn thân, Duy tân, Đông du, Đông kinh nghĩa thục, Quang Phục, v.v. khép lại với sự kiện Phạm Hồng Thái của Tâm Tâm Xã ám sát hụt Toàn quyền Merlin tại Quảng Châu năm 1924, từ đó mở ra một giai đoạn mới. Ở Paris có Đảng Việt Nam Độc Lập do Nguyễn Thế Truyền, Phan văn Trường tổ chức trong giới sinh viên và anh em làm tàu biển. Hà Nội và Huế có Đảng Phục Việt, tiền thân của Tân Việt Cách Mạng Đảng với Lê Huân, Nguyễn Xuân Chữ, Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh... Bắc kỳ có Nam Đồng Thư Xã với Phạm Tuấn Tài, Nhượng Tống, Nguyễn Thái Học, hạt nhân trổ ra VN Quốc Dân Đảng, như một hành động cuối cùng chống Pháp bằng bạo động. Nam kỳ có Hội Kín Nguyễn An Ninh. Rồi ba chi phái cộng sản Quốc Tế Đệ Tam: tháng 6.1929, Đông Dương Cộng Sản Đảng; tháng 10, VN Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội biến thành An Nam Cộng Sản Đảng; và qua tháng 1.1930, một số đảng viên Tân Việt tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn.
- 1 -
Như mọi năm, đêm nào gió mùa bắc nam điên cuồng cũng tạt mưa như trút nước xuống những hàng cây cao su san sát nhau, mọc lên từ đất rừng nâu đỏ ở đồn điền Vị An, cách Sài Gòn một trăm cây số về hướng bắc. Trong bóng tối nửa khuya mịt mùng, những hàng cây rậm lá ấy đứng thẳng, im lìm và ướt sủng dưới trời mưa xối xả. Trên mỗi thân cây cao su, cách mặt đất chưa tới một thước, có móc một chiếc chén thiếc, cỡ khất thực, dùng để hứng thứ mủ trắng như sữa chầm chậm ứa ra, chảy xuống theo đường lằn chéo rạch sẵn.
Trên nền đất trong các gian lều vách bằng cót mỏng, mái dột nát, lợp lá cọ, cất thành từng dãy nhà lán dài song song nhau và nằm khuất trong đồn điền cao su Vị An rộng mênh mông, năm trăm cu-li An Nam — mà công việc chính và bất tận của họ là rạch rãnh trên thân cây cao su, cào rãnh và vét sạch mủ trong những chén thiếc nhỏ nhoi ấy, dưới ánh sáng xam xám từ lúc trời chưa rạng sáng — đang nằm co quắp hoặc ngồi co ro, cố nhắm mắt ngủ chập chờn giữa tiếng mưa sầm sập.
Đối với trí óc mụ mẫm vì lao khổ và nhiều mê tín của phu cạo mủ, chính những hàng cây cao su có vẻ xa lạ, dài dằng dặc, đứng tiếp liền nhau theo một khoảng cách đều đặn như các đoàn quân ma di hành qua khu rừng quí giá và hoang sơ của tổ tiên, đã kích động cho cơn bão hằng đêm ập tới, để đẩy những gian nan nghiệt ngã trong cuộc đời vùi dập của họ lên tới tột điểm khổ nạn.
Tại Làng Số Ba, khu vực qui định nơi ở của năm trăm cu-li, họ bị dồn chật ních trong từng nhà lán tới độ trong bọn họ có nhiều người phải ngồi ngủ gà ngủ gật. Ngô văn Đồng và Học, em trai cậu, nằm rúc người vào nhau trong bóng tối của nhà lán. Nước mưa dột thành dòng qua mái lá lợp không đủ độ dày, làm ướt sủng bộ quần áo sờn rách trên mình hai anh em. Gần bên chúng, một cu-li lớn tuổi nằm trên nền đất, chân co sát bụng, hai tay ôm chặt ngực, đang chịu cơn sốt rét, người run lẩy bẩy và miệng rên từng chặp theo tiếng răng đánh lập cập.
Dù chưa quá tuổi thiếu niên, vẻ ngoài của hai cậu bé An Nam đã trải qua những đổi thay khốc liệt trong bốn năm vừa qua, kể từ buổi chiều Joseph Sherman và Paul Devraux công kênh hai anh em chạy vào lều bạt nhà bếp của Ngô văn Lộc, cha của chúng và là người “bồi” trại săn của Jacques Devraux. Cơ thể của chúng cực kỳ thiếu dinh dưỡng, xương thịt còi cọc, da lốm đốm ghẻ lở. Mười tám tháng làm việc không ngừng giữa những lối đi đầy bóng lá âm u và bềnh bồng mầm sốt rét trong đồn điền cao su làm khuôn mặt hai anh em choắt lại, phờ phạc. Ban ngày, hai con mắt lõm và lờ đờ của chúng phản ánh sự khốn khổ bên trong con người, ngoài sức tưởng tượng so với hai cậu bé hồn nhiên cười nắc nẻ hồi năm 1925 trước đây.
Nhân lúc gió mưa tạm ngừng cơn gào thét, nhà lán tương đối im ắng, Học níu lấy Đồng, kề miệng sát bên tai anh, nói thật nhỏ, giọng thì thầm sợ hãi:
- Hình như anh ấy không còn rên. Anh có nghĩ là chết rồi không?
Trong bóng tối gần như đen đặc Đồng không thể nhìn rõ cử động nào của người phu cạo mủ ấy. Suốt mấy tiếng đồng hồ vừa qua, anh ta run rùng rùng, vừa rên vừa than thở, nhưng lúc này từ chỗ anh ta nằm không phát ra âm thanh nào. Nhận thấy mình mẩy Học đang bắt đầu co giật, Đồng ép sát thân thể trơ xương và cao hơn người An Nam bình thường của mình vô thật sát bụng em rồi vòng hai tay quàng chặt lưng em:
- Đừng nghĩ tới chuyện đó nữa. Chắc anh ấy ngủ say. Anh em mình cũng rán ngủ đôi chút!
Học cố nhắm mắt nhưng dạ dày lép kẹp và cồn cào của cậu lại nổi cơn sôi ruột quen thuộc khiến cậu không thể nào làm theo lời anh. Đã sáu giờ kể từ lúc hai anh em chia nhau suất cơm còm cỏi được nấu bằng gạo hẩm trong chiếc ca sắt móp méo đặt trên bếp lửa bên ngoài nhà lán như thường lệ. Giếng quá sâu, khó đào vì nhiều đá ngầm, nước rỉ không ngang mặt gàu lại đỏ ngầu. Hết thảy phu cao su đều dùng nước múc từ những con suối mằn mặn, đầy muỗi sốt rét, chảy lờ đờ qua đồn điền, để nấu ăn hoặc đun thật sôi mà uống. Hễ lần nào thấy mình hâm hấp nóng, Học tự hỏi phải chăng mình bắt đầu nhiễm sốt rét ác tính.
Không muốn Học sợ quá mất ngủ, từ đằng sau em, Đồng thầm lặng trườn mình trong bóng tối, đưa tay huơ, cho tới khi bàn tay quờ quạng của cậu chạm trúng mặt người bệnh. Da thịt ẩm ướt ấy lạnh ngắt tự bao giờ, nhờn nhợt nước mưa trộn với mồ hôi của cơn sốt cực điểm và chí tử. Bàn tay đang rờ rẩm của Đồng bỗng tự động rụt về, như có ý báo cho cậu biết rằng lần này hai anh em không thể tránh khỏi công việc đáng sợ là phải chôn cất xác chết. Trong thời gian cả hai ở đồn điền Vị An, tại Làng Số Ba này đã có tới hơn một trăm cu-li qua đời vì sốt rét, đói hoặc tự tử — nhưng chưa có người nào chết trong khi nằm ngủ kế bên chúng.
Dream Of The Wind
04-02-2010, 10:47 AM
Đột nhiên Đồng tự hỏi biết đâu sáng sớm ngày mai, chuyến đi vào rừng ngắn ngủi với thây ma này lại cho hai anh em thêm một cơ hội bỏ trốn. Nhưng lập tức cậu gạt hẳn ý nghĩ đó. Trước đây, Đồng và Học đã cố trốn hai lần và lần nào cũng bị đám người Mọi chất phác và quen thuộc địa hình, săn đuổi tới cùng. Túm được hai anh em, họ lột hết quần áo, trói quặt hai tay ra sau, tròng vào cổ mỗi đứa một sợi thừng bện thật chắc bằng dây rừng, rồi điệu về đồn điền. Mỗi lần bắt lại được một cu-li bỏ trốn, mấy người Mọi có tròng mắt trợn ngược và ưa la hét đó được gã Pháp quản đốc đồn điền thưởng công năm đồng bạc trắng.
Chiều đến, trước sự chứng kiến của toàn thể cu-li trong đồn điền, Đồng và Học bị một tốp “cai” dùng roi mây to tướng quất mạnh vào gan bàn chân, mỗi bên năm chục cái. Dù hai bàn chân sưng vù, chưa khô máu, ngay sáng hôm sau hai anh em vẫn phải làm việc, phải đạt chỉ tiêu chích mủ và cạo mủ. Chân nhảy cà nhắc từ cây cao su này tới cây cao su nọ, mãi hơn một tháng sau mới đi đứng bình thường như cũ. Sau đó, cố trốn lần thứ hai. Lại bị bắt, bị đánh đập lần nữa. Lần này tàn tệ hơn lần trước. Thậm chí còn bị tống vô xà lim nền đá trong đồn binh Ngả Ba Ông Đồn. Mỗi đứa bị nhốt riêng một buồng. Buồng này cách xa buồng kia trong bóng tối ngửa bàn tay không thấy. Lần đó, cả hai chịu mười bốn ngày biệt giam, chân đeo cùm sắt rất nặng, chỉ được nhai cơm khô. Suốt hai tuần lễ không một lần thấy ánh mặt trời.
- Anh Đồng này, liệu anh em mình có phải đi vào rừng chôn xác anh ấy không?
Giọng Học đứt quãng qua hai hàm răng cắn chặt, hơi thở nóng hổi bên vành tai Đồng, như thể đọc được ý nghĩ của anh. Người Học càng lúc càng rung mạnh làm Đồng e ngại có lẽ mình cũng bắt đầu lây cơn sốt.
- Đừng lo. Em còn nhỏ ai bắt đào huyệt. Rán ngủ một chút.
Cách nhà lán khoảng tám trăm thước, trong biệt thự dành cho quản đốc đồn điền, bản nhạc “Muskrat Ramble — Cuộc dạo chơi của chuột xạ”, do Louis Armstrong và Kid Ory hoà tấu, khi lào xào khi rít lên ken két như đang cố chống chỏi, đua chen với tiếng gầm thét của cơn mưa đầu mùa gió chướng để âm thanh của nó lọt vào tai người thưởng thức. Trên cửa ra vào và cửa sổ treo màn sa tanh cắt may thật khéo, vừa vặn khuôn cửa, lúc nào cũng buông kín mít như ngăn không để lũ muỗi sốt rét bay tới gần thân xác vạm vỡ và nặng chình chịch của Claude Duclos, một dân đảo Corse trạc tuổi bốn mươi.
Duclos đang nửa nằm nửa ngồi trong ghế mây dưới hơi gió mát rượi của quạt máy, tay mặt cầm ly whisky pha sô-đa ướp lạnh. Hắn lắng tai nghe nhạc jazz với vẻ mặt trầm ngâm, suy tính. Khi hết dĩa nhạc, hắn nhỏm người lên nốc cạn ly, không chừa một giọt, rồi gõ cành cạch chiếc ly không lên mặt bàn thấp có lót kính, kê bên cạnh.
Trong khi chờ hiệu lệnh ấy được đáp ứng, Duclos đứng dậy đi lờ quờ tới chiếc máy hát quay tay đặt trong cái kệ bằng gỗ sồi, trên đầu chạm trổ mấy cành nho, kê nơi góc phòng. Hắn nhấc cần mạ kền lên. Tay hơi lóng cóng, hắn thay cây kim mòn bằng một cây kim thép khác đã được cậu bồi mài thật sắc, đựng trong hộp thiếc nhỏ.
Khi Duclos bắt đầu cho máy hát chạy trở lại, cửa phòng mở ra, màn vén qua một bên và một thiếu nữ An Nam rất trẻ đi vào. Hắn xoay người lơ mơ ngắm. Cô gái bước tới bàn, cầm chiếc ly rỗng lên rồi đi ra ngay, không đưa mắt ngó hoặc liếc Duclos. Trên sàn nhà bóng lưỡng bằng gỗ thông, bàn chân trần của cô gái không gây một tiếng động, với bước đi uyển chuyển, đều đặn và nhịp nhàng của một người nhà quê quen gánh nước. Cô mặc kiểu y phục các “con gái” hầu hạ trong nhà người Pháp đều mặc y hệt nhau: váy dài màu đen, yếm trắng có hai sợi dây cột ra đằng sau, để lộ hoàn toàn hai vai, hai cánh tay và nguyên chiếc lưng trần trắng trẻo. Trên mái tóc đen tuyền, cô gắn một rẻo vải nhỏ cũng màu trắng. Người Duclos hơi lảo đảo, miệng ậm ừ chõi nhịp với âm thanh rổn rảng của dĩa nhạc. Hắn chờ tới khi cánh cửa đóng lại thật êm sau lưng cô gái mới loạng quạng lần về ghế ngồi.
Trong nhà bếp, “con gái” của Duclos bình thản pha thêm cho hắn một ly rượu dù đã thấy hắn hai chân đứng không vững. Vừa rồi, cử chỉ gõ mạnh ly trên bàn của hắn là hiệu lệnh cho cô phải tuyệt đối vâng lời. Lệnh ấy cũng có giá trị không kém lúc chạng vạng tối, hắn ra dấu tỏ ýù muốn cô ngủ lại với hắn suốt đêm nay.
Phần cô, cô hiểu rất rõ rằng việc người mẹ goá bụa và bốn anh em trai của mình được tiếp tục cho ở lâu hay mau trong dãy nhà chái dành cho bồi bếp, đằng sau lô đất trung tâm này, tùy vào việc cô an phận chiều theo, nhiều hay ít, mọi ý muốn của quản đốc đồn điền. Dù đã hết sức gạt sang một bên, thỉnh thoảng trong tâm trí cô vẫn hiện lên hoạt cảnh cưỡng bách và thô bạo sắp tới, khiến cô không che giấu nổi sự cau có bực bội đang vẽ thành lằn trên bộ mặt cam chịu.
Thông thường, trên giường của gã tây thuộc địa, thân hình cô vốn đã nhỏ bé lại càng co rút thảm hại dưới thể xác đồ sộ của Duclos dù đôi khi hắn tỏ ra cố gượng nhẹ. Hiếm khi hắn say nhưng cô có kinh nghiệm nhiều lần trước đây rằng tình trạng ngà ngà rượu sẽ biến cơn thèm khát nhục dục của hắn thành cuồng bạo. Cô đã rót cho Duclos năm sáu ly đầy ắp nhưng vẫn không thể biết tại sao hôm nay hắn uống quá nhiều rượu đến thế. Đột nhiên, hy vọng rằng biết đâu cơn say khướt sẽ làm hắn ríu mắt ngủ gục ngay trên ghế, không nhớ tới mình nữa, cô cho thêm thật nhiều whisky trước khi chế sô-đa vào ly.
Trong căn phòng chính của ngôi nhà, Duclos lại ưỡn người ra ghế, tự hỏi tại sao “con gái” pha rượu lâu đến thế. Hắn đưa mắt nhìn quanh, tia mắt vô tình đậu lại trên bức điện tín đánh từ Paris đang nằm lồ lộ ở góc bàn bên cạnh. Khịt khịt mũi cáu tiết, hắn với tay cầm lên. Rồi bằng giọng mũi khinh khỉnh, hắn gục gặc cằm đọc gằn từng tiếng:
- Các cổ đông yêu cầu giải thích tại sao tháng vừa qua số lượng sản phẩm xuất xưởng bị giảm. Thiết yếu là cần phải gia tăng sản xuất ngay lập tức để tới cuối năm hoàn thành chỉ tiêu dự trù.
Trong một chốc, Duclos hầm hầm ngó bức điện rồi nổi khùng, hắn vo mạnh, thành một cục tròn, ném vô góc nhà. Có phải bọn cổ đông khốn kiếp ấy chẳng bao giờ thoả mãn? Con số bình quân sản phẩm hàng tháng hiện nay cao hơn bao giờ hết. Kể từ lễ Giáng Sinh tới nay hắn đã cho xây thêm mười bể mới, lắp thêm một máy sấy khô, một nhà kho mới — và mọi sự đã đạt chỉ tiêu, bất chấp thực tế tháng nào cũng có hai chục tên “da vàng” ốm yếu lăn đùng ra chết vì sốt rét!
Lần đầu tiên, kết quả hàng chở đi chỉ mới sút giảm có một tí người ta đã muốn lấy máu của hắn! Họ đâu hiểu rằng hắn làm sao có thể bòn rút sản lượng ngày càng nhiều từ một lực lượng lao động bị bóc lột tận xương tủy qua việc họ chỉ chịu chi quá ít tiền nuôi nấng nó? Bộ họ không hiểu rằng ngay cả ngựa thồ cũng không thể kéo nặng nếu chẳng được cho uống nước và ăn rơm ăên cỏ đầy đủ? Máy móc cũng thế, nếu không được bảo trì tương xứng, nó phải hỏng thôi!
Duclos lại nguyền rủa các cổ đông rồi ngước mặt lên nhìn “con gái” An Nam vừa thầm lặng xuất hiện sát bên hắn. Khi đặt ly rượu mới pha xuống bàn sát bên khuỷu tay Duclos, cô tránh không nhìn chủ. Vẻ nhẫn nhục quen thuộc trên bộ mặt an phận của “con gái” làm hắn đột nhiên nổi khùng thêm. Nếu là đàn bà châu Aâu, có lẽ ít ra cũng đã vén môi, dù chỉ để mắng chửi hắn về việc uống quá nhiều rượu! Làm như thể tại cái xứ nhiệt đới An Nam khốn nạn này, rừng này, cái nóng này và những tên “da vàng” còm cỏi kia chưa đủ cho hắn chịu đựng! Cơn điên tiết cuồng nộ của hắn đối với các cổ đông ở chốn xa xôi nay đột nhiên và phi lý đổ ập xuống đầu người thiếu nữ câm nín.
Duclos chụp cánh tay cô gái. Cô đứng yên chịu đựng nắm tay khổng lồ kềm cứng của hắn nhưng vẫn giữ nguyên ánh mắt nhìn xuống sàn nhà. Trong cuồng nộ, hắn muốn bẻ cho gãy cổ tay mảnh mai có những đường gân xanh như cành sen ấy. Hắn bóp thật chặt cho tới khi người cô gái co rúm lại, nước mắt cô ứa ra. Rồi khi cơn thịnh nộ lên tới cực điểm, hắn bỗng hạ hoả, mỉm miệng cười.
Duclos một tay cầm ly rượu, một tay giật ngược chiếc yếm của “con gái” lên cho tới khi nó bị bứt tung quá đầu cô, phô trọn vẹn bộ ngực trần, nhỏ nhắn và trắng tươi. Hắn gật gật đầu ngó cô, tiếp tục mỉm cười. Rồi hất hàm ra hiệu về phía cửa, hắn xuống giọng bằng tiếng bản xứ:
- Mầy vô giường. Cởi sẵn váy ra!
Cô gái nhẫn nhục, lượm chiếc yếm đưa lên che ngực, đi như chạy ra khỏi phòng. Duclos tắt máy hát, tợp một hơi cạn ly rượu. Sau một tiếng khè đầy hơi men, hắn bước tới, cúi xuống lượm bức điện tín mạo phạm lên. Nhè nhẹ vuốt tờ giấy cho phẳng phiu, hắn lặng yên nhìn nó. Duclos lại ngồi xuống, đọc tới đọc lui không biết bao nhiêu lần. Vừa đọc hắn vừa gõ gõ ngón tay lên dĩa nhạc còn gắn trên máy hát, theo một nhịp điệu khích động, như thể đang đánh trống. Cuối cùng, hắn đứng thẳng người lên, vươn vai thở phào: xong, đã tìm ra giải pháp. Hắn gầm gừ thành tiếng:
- Được! Nếu Paris muốn bằng mọi giá tháng này sản lượng phải cao hơn, họ sẽ có! Cứ để cho họ học bài học tư bản chủ nghĩa theo một cách thức ác liệt nhất. Kể từ sáng mai, tụi “da vàng” bắt đầu làm việc mỗi ngày sớm hơn nửa giờ. Mỗi đứa phụ trách năm trăm cây thay vì ba trăm năm chục cây như hiện nay! Nếu bọn chúng có lăn đùng ra chết lẹ hơn cũng chẳng phải “lỗi tại tôi”!
Sãi chân bước ra khỏi phòng, Duclos nhăn mặt ngoái tay ra sau lưng giật mạnh cánh cửa, đóng rầm lại đằng sau. Vô tới phòng ngủ, hắn thấy cây đèn nhỏ đã được thắp sáng. Qua cảnh sắc lờ mờ bên kia lớp mùng chống muỗi, mắt lưới mỏng bằng vải tuyn, hắn có thể nhận ra hình dáng sẩm màu của cô gái nhà quê An Nam đang nằm chờ, trên người không một mảnh vải. Hắn vén mùng, đưa mắt đỏ ngầu nhìn xuống.
Cô gái nằm hơi nghiêng, một chân co lên, dùng bắp đùi che không để Duclos thấy chỗ bụng dưới. Đầu cô ngoảnh sang phía bên kia, tay gác lên che mặt. Vì cô nằm gần như ngửa nên đôi vú dàn ra trên lồng ngực, trông như ngực trẻ con. Chỉ hai đầu vú ánh lên phơn phớt hồng dưới ánh đèn mờ đục, vẫn nhỏng và căng dù cô đang e sợ. Hắn cũng căng phồng háo hức nên lóng cóng lắm mới cởi xong quần áo.
Cuối cùng, Duclos cũng hạ được tấm thân phốp pháp nhớp nháp mồ hôi và rất nặng của hắn xuống, phủ trùm lên cô gái. Lập tức, hắn lật đật đưa hai bàn tay thô nhám banh hai bắp đùi nhỏ bé của cô ra thật rộng. Rồi hắn lẹ làng nhập vào mình cô, không để ý tới tiếng rên đau đớn từng chặp vọng lên từ bên dưới bộ ngực đầy lông của hắn.
Mấy phút sau, trong tiếng đồng hồ kêu tích tắc thật chậm, Duclos cong người lên rồi rập xuống mạnh hơn, miệng kêu ư ử như một con vật, cho tới khi hắn trút vào cô thú tính của hắn. Xong, thể xác đồ sộ của hắn đổ sập xuống, ngã vật qua một bên. Lập tức, tiếng ngáy đầy men rượu của hắn cất vang, làm chìm lĩm tiếng khóc rấm rứt tủi hận của cô gái An Nam nhỏ bé
Dream Of The Wind
04-02-2010, 10:50 AM
TẬP I - Phần Thứ Hai - Hận Thù Của Triệu Cu-Li - 1929-1930
- 2 -
Trong trời còn lâu mới rạng sáng, chiếc áo choàng đen đủi tối tăm của đêm vẫn bọc kín rừng thẳm lẫn Làng Số Ba trong đồn điền cao su, bọn cai An Nam, những kẻ tiếp tay cho quản đốc đồn điền người Pháp và các nhân viên người Âu, đã bắt đầu khua kẻng rền lên trên khu nhà lán. Bên trong những dãy lều lụp xụp, nhèm nhẹp và đầy hơi người, cu-li lập tức duỗi hai chân cứng nhắc, vươn hai vai tê mỏi, lê thân ra khỏi manh chiếu ẩm ướt. Họ biết rõ chỉ chưa đầy một hai phút, bọn cai sẽ ập vào nhà lán, quật mạnh ba-toong xuống để đánh cho bật người lên những kẻ chậm chạp.
Chân vấp loạng choạng, Ngô văn Đồng lật đật kéo em đứng dậy khi Sáu Nam, thường thích được gọi văn vẻ là Đức Anh, gã cai mặt rỗ hoa, mắt còn một con, phụ trách dãy nhà lán của hai anh em, đang lạch bạch trờ tấm thân to béo cục mịch tới. Hắn là kẻ thuộc tầng lớp đặc quyền gồm những gã An Nam hung ác, trình độ trí tuệ thấp kém, may mắn được học hành đôi chút, thường phục vụ thực dân Pháp trong vai trò cai ngục, cai phu hoặc sen-đầm. Trong số bọn cai của đồn điền này, cai Đức Anh được Duclos đặc biệt chiếu cố vì tâm địa hắn tàn nhẫn và tính khí hắn thích những trò độc ác. Hợp với tinh thần nô dịch mà lúc nào cai Đức Anh cũng tìm cách chứng tỏ cho Duclos thấy, hắn dùng trò trừng trị người đồng chủng để biểu lộ lòng trung thành và thiện chí đối với quan tây oai vệ, đồng thời khẳng định quyền uy của hắn trên các cu-ly hèn mọn.
Khi cai Đức Anh đặt chân tới khu vực của Đồng và Học, trời mới bốn giờ sáng. Hách dịch, hắn trợn mắt dậm bước vô nền đất giữa nhà lán, đi thẳng tới chỗ hai anh em, quét đèn pin hết bên trái sang bên phải để tìm lý do vung lên ngọn roi mây to tướng hắn vẫn dùng làm ba-toong. Cai Đức Anh chưa đặt chân tới gần, đã nghe có tiếng tiếng sàn sạt rùng rợn của ngọn roi mây quất vào da vào thịt. Một cú. Hai cú. Đồng và Học nghe tiếng roi quật xuống nhưng không làm văng lên tiếng thét đau đớn van xin nào như thường lệ. Quật xuống thân xác người cu-li tới lần thứ ba, cai Đức Anh mới kịp nhận ra rằng con người bất hạnh nằm đó đã vượt qua tới bên kia những thống khổ, khốn khó và lao động sản xuất. Không dừng chân, không tỏ vẻ hối hận, hắn chĩa đèn pin vô mặt hai anh em. Hắn vung roi, quát lớn bằng giọng the thé nằng nặng lối phát âm miệt ngoài Huế:
- Đi lấy dây thừng, đòn gánh với xẻng, rồi sương cái xác hôi thúi này vô rừng giải quyết! Mau!
Với bộ mặt hung hiểm, cai Đức Anh thêm lần nữa hoa roi thành một vòng cung hăm dọa. Hai anh em Đồng và Học đi rồi; hắn rút trong túi áo sơ-mi ra cuốn sổ nhỏ. Gầm gừ ư ử trong cổ họng, hắn cáu kỉnh vạch vào sổ một dấu chữ thập, ngay phía dưới con số thứ tự của nhà lán.
Bên ngoài nhà lán, trong bóng tối, Đồng đứng lại, đẩy cậu em đang run lẩy bẩy vào vách nứa mỏng mảnh:
- Em núp lại chỗ này! Anh đi nhờ Già Trung phụ một tay. Nhớ lấy cả đồ nghề của anh với em. Nếu anh về không kịp, khi điểm danh nhớ lãnh đủ hai suất ki-ninh.
Cậu nhét vô tay em cục cơm nguội nhỏ bằng nắm tay bọc bằng lá cọ, được mỗi cu-li dành dụm từ đêm trước để sáng hôm sau có cái ăn lấy sức bắt đầu một ngày lao nhọc mới:
- Học ăn vắt cơm của anh cho khỏi sốt — sáng nay anh không đói.
Lặng lẽ gật đầu, Học ngó anh lao mình chạy đi lấy dụng cụ mai táng nơi khu nhà ở của bọn cai. Khi trở về, Đồng thấy người chết nằm co quắp, cứng đờ, không có chút sức nặng nào. Cũng như nhiều tá điền khác ở vùng châu thổ sông Hồng, anh buộc lòng phải lê bộ mặt hốc hác vào miền nam vì các trận bão mới đây liên tục càn quét phương bắc, làm đê vỡ, ruộng vườn ngập nước. Anh vào làm việc tại đồn điền cao su này chưa tới một tháng đã đầu hàng bệnh sốt rét. Phờ phạc kiệt sức vì công việc nặng nhọc và những đợt sốt ác tính, anh nói rất ít về bản thân và về gia đình mình bỏ lại ở ngoài kia.
Già Trung, một cu-li ký hợp đồng ba năm, tính người quen chịu đựng. Già đã quá kỳ hạn vẫn phải tiếp tục ở lại đồn điền vì không đủ tiền và không có quần áo lành lặn mặc về quê. Già rất thương Đồng và Học, sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi hai anh em cần tới.
Không hiểu Già Trung moi từ đâu ra một cút rượu đế trắng nấu bằng gạo. Ông phun rượu vào các khớp xương tay chân người chết rồi kéo chúng duỗi ra. Xong, ông cuốn xác vào manh chiếu lác, tài sản độc nhất của người phu cạo mũ vắn số. Dùng sợi thừng Đồng đem về, ông thắt hai thòng lọng tròng vào hai đầu cuộn chiếu. Phần dây còn lại, ông thắt thành một chiếc gióng để luồn cây đòn gánh vào đó. Cứ xong mỗi công đoạn, ông lại chắp tay vái người chết một vái. Ông làm các việc ấy một cách gọn gàng tươm tất, chứng tỏ ông đã quá quen với việc chôn cất.
Già Trung và Đồng mỗi người một đầu, gánh xác chết đi về phía bìa rừng cách đó tám trăm thước. Cai Đức Anh đi theo canh chừng. Con mắt độc nhãn của hắn long lanh sòng sọc. Tay hắn thỉnh thoảng hoa roi vun vút sau lưng hai cu-li, thúc cho họ bước nhanh hơn. Sau cùng, hắn quát lớn, vung roi thật mạnh để buộc hai cu-li phải đi sâu vô rừng:
- Sương nó vô trong nớ thiệt sâu, xa bìa rừng ít nhất một trăm thước!
Bầu trời rạng dần với những vệt sáng yếu ớt từ phương đông le lói rọi tới. Khi hai cu-li mới vào rừng được khoảng ba bốn chục thước, khuất tầm mắt của tên cai, Già Trung lập tức đứng lại, ra hiệu cho Đồng cầm xẻng đào đất:
- Lẹ lên! Giờ này lũ cọp đói bụng nhất!
Đồng đào như điên. Cậu dùng xẻng ì ạch hất lên những tảng đất ngấm nước mưa nặng trĩu. Phải mất hơn chục phút mới đào được một lỗ sâu chừng năm tấc. Khi Đồng ngừng một chút để quệt mồ hôi ngang lông mày, Già Trung đặt bàn tay báo động lên vai cậu: “Nghe!” Cả hai căng thẳng, đứng cứng người, lắng tai nghe ngóng rừng cây đang im lìm bọc kín bốn phía.
- Tao chắc chắn có nghe tiếng con gì kêu sột soạt.
Già Trung ngước đầu vễnh tai lên lâu hơn một chút rồi nhìn xuống lỗ huyệt:
- Đủ rồi! Mầy túm một đầu chiếu.
Đông tần ngần ngó xuống lòng huyệt chưa đủ sâu:
- Nhưng còn cạn quá...
Dưới lùm cây từ một chỗ khá xa đằng sau hai cu-li, có tiếng chân dậm mạnh, rồi tiếng gầm của cai Đức Anh vừa lớn vừa lắp bắp:
- Tau kêu… mi núm lấy! Mau.. lên!
Đồng làm theo lời gã cai. Cả hai thả hình hài xương xẩu và không còn sự sống xuống chỗ đất lõm như ổ gà. Già Trung tháo dây thừng, quấn vào hông để lát nữa nộp lại cho bọn cai. Xong, ông sửa lại manh chiếu ngay ngắn, đắp kín mặt người chết. Ôâng chấp tay vái lia lịa bốn vái, rồi dùng cả hai tay lùa đất phụ với Đồng, thật lẹ. Khi vùi xong, không hiểu sao một bàn chân của người chết lại bật lên, lòi ra trên mặt đất. Thấy vậy Đồng chụp xẻng định đào nữa. Già Trung túm vai Đồng, xoay hẳn người cậu về hướng Làng Số Ba:
- Đừng! Vậy thôi, đủ rồi! Mầy lương tâm quá! Nó còn tốt hơn, sâu gấp vạn những cái huyệt tao từng thấy trước đây. Mình không lập tức vọt cho lẹ thì xong ngay cuộc đời chung với nó!
Đồng ngoái nhìn lần cuối, người nổi gai ốc khi thấy bàn chân ấy như thể tách lìa khỏi xác chết, giơ lên kêu cứu trên mặt đất đỏ trong rừng. Cậu nhắm mắt khấn vái tổ tiên mình cùng tổ tiên người vừa quá vãng, khẩn cầu tha thứ. Rồi Đồng quay mình chạy thật lẹ, bắt cho kịp Già Trung.
Khi hai cu-li chạy hết tám trăm thước, về tới khu vực nhà lán, con cọp già âm thầm theo dõi họ từ lúc nãy trong chỗ tranh tối tranh sáng, lúc này trườn mình ra khỏi chỗ rình. Không một chút khó khăn, con thú ngoạm bàn chân đang chỉa lên trời, kéo xác người cu-li lên khỏi mặt đất rồi cả thú lẫn người biến mất trong vùng cỏ mọc cao ngang đầu gối. Ung dung nơi hang sâu, chẳng mấy chốc hai hàm răng mạnh bạo của cọp cắn nát vụn lồng ngực và đôi vai gầy còm của người phu cạo mủ bạc phước ấy, biến chúng thành một cục nhuyển nhừ, đẫm máu.
Dream Of The Wind
04-02-2010, 10:51 AM
TẬP I - Phần Thứ Hai - Hận Thù Của Triệu Cu-Li - 1929-1930
- 3 -
Đồng và Già Trung nhào vào hàng điểm danh bên ngoài khu nhà lán, đứng kèm hai bên Học, đúng lúc việc kiểm người và phát liều thuốc ki-ninh buổi sáng vừa chấm dứt. Học còn tái xanh nhưng người đã bớt run rẩy. Năm trăm phu cạo mủ Làng Số Ba xếp hàng ngang, thành mấy cụm phía trước các nhà lán, đứng câm lặng, lấm lét. Họ chỉ dám đưa mắt dò hỏi nhau với lòng thắc mắc tại sao sáng nay bị dựng đầu dậy quá sớm, hơn thường lệ nửa giờ. Và tại sao hình dáng vạm vỡ, đáng sợ của gã quản đốc đồn điền đã lù lù một đống ở đó, dưới cột đèn độc nhất trong khu vực nhà lán. Hơn nữa, hình như hắn đang nóng nảy chờ sớm kết thúc cuộc điểm danh tập thể.
Lưng và vai trầy trụa những vết roi vừa bị quất nhắc cho phu cạo mủ nhớ rằng sáng nay bọn cai và mấy tên phụ tá tây thuộc địa hung hãn khác thường. Phải chăng toàn thể cu-li cần được trừng trị vì đêm qua có xảy ra một âm mưu nổi loạn tập thể nào đó ở Dầu Tiếng? Hoặc có thêm mấy căn nhà ở của bọn cai trong một đồn điền nào đó ở Trảng Bom bị cu-li đốt? Nắm chặt cây mác, đồ nghề chích mủ, cái cù ngoéo bằng sắt, đồ nghề cạo mũ, và thùng đựng mủ của mình, ai nấy đềụ thấp thỏm chờ đợi, e ngại nhìn gã quản đốc đồn điền và ngó cây roi mây trong tay tên cai đứng gần hàng của mình.
Duclos leo lên chiếc thùng tô-nô gỗ lật sấp, kê riêng cho hắn, ngay chỗ bóng đèn rọi thẳng xuống. Dù trời chưa sáng hẳn, Duclos đã như thường lệ, đội chiếc mũ cối làm bằng ruột bần. Hai tay áo sơ-mi dày xăn cao quá cùi chỏ, phô lồ lộ hai bắp tay rắn chắc, rám nắng. Hắn mặc quần soóc, lòi hai bắp chân mọc đầy lông. Chân mang ủng đi rừng to như chân voi, với bít-tất dày và ngắn. Bụng hắn quấn thắt lưng da to bản. Ngang hông, đeo oai vệ con dao rừng dài như mã tấu, cán bằng xương, cắm gọn gàng trong bao.
Đứng trước toàn thể cu-li, bàn tay mặt của Duclos theo thường lệ, đặt lên chuôi dao, như thể đó là thanh kiếm nghi lễ. Hít một hơi thật sâu cho căng phồng thêm lồng ngực vốn đã to không kém thùng phuy, rồi vễnh mắt nhìn vào đám đông cu-li đang cúi đầu, Duclos rống lên bằng thứ tiếng Việt rất sõi:
- Tôi nói thêm lần nữa cho các ngươi hiểu. Hai chục năm trước đây, trên toàn cõi Đông Dương này, hoàn toàn không có một cây cao su nào. Biết chưa? Các ngươi nghe rõ không? Mười lăm năm trước, tại đây, nơi cái đồn điền tôi và các ngươi đang sống và làm việc hôm nay là rừng rú chưa ai khai phá, chỉ có voi, cọp và lũ thú hoang đi lại từng bầy từng lũ! Rồi người Pháp chúng tôi tới đây, vượt qua hai chục ngàn cây số đường biển. Các ngươi nghe rõ không? Chúng tôi làm đường sá, lập làng mạc, mang cây cao su vô đây, trồng cây cao su bạt ngàn, hết cây số này tới cây số khác trên đất đai bỏ hoang của các ngươi. Chúng tôi đã lập nên các khu vực thịnh vượng và văn minh kỹ nghệ trên vùng đất hoang đầy dẫy vi trùng sốt rét của các ngươi! Các ngươi nghe rõ không?
Ngừng một chút, hắn chống nạnh, ưỡn người lên theo tư thế nghênh chiến:
- Chúng tôi đã phải bỏ hết sức lực ra lao động suốt bao nhiêu năm trời mới thành công, mới có được chén mủ cao su đầu tiên, các ngươi nghe rõ không? Bão mạnh thổi gãy cây lớn, lửa rừng đốt rụi từng vạt, hạn hán tàn hại cây con — nhưng chúng tôi không bao giờ chịu thua, cứ thế chúng tôi gây giống!
Duclos ngưng nói, tiếp tục ngạo mạn rướn người lên cao hết cỡ:
- Ngày nay, đồn điền của chúng tôi đã thành một nơi tươi tốt nhất toàn cõi Viễn Đông! Các ngươi nghe rõ không?
Phu cạo mũ ngọ nguậy bứt rứt. Mắt họ tránh nhìn bộ mặt gườm gườm của gã Corse. Trong các cu-li, những người lớn tuổi nhất, từng nhiều lần nghe mãi câu chuyện kể công huênh hoang ấy, ïlinh cảm rằng cứ mỗi lần bị nghe là cuộc sống khốn khổ của họ sắp phải nếm thêm mùi vị khắc nghiệt mới.
- Tôi, Duclos, tôi chịu trách nhiệm quản lý đồn điền Vị An này. Tại đây, tôi không tha thứ cho bất cứ tên “da vàng” nào biếng nhác, lười chảy thây, làm ăn chẳng ra cái đống đế gì...
Cặp môi Duclos cong cớn đầy vẻ miệt thị khi hắn dùng cái lối gọi có tính sỉ nhục của tây thuộc địa: “jaunes, những tên da vàng”.
- Tháng vừa qua, sản phẩm của chúng tôi sụt hẳn vì sự lười biếng đê tiện của các ngươi. Các ngươi làm mất lòng hết thảy quí vị chủ nhân có cổ phần ở Paris. Họ muốn rằng năm 1929 này phải là năm sản xuất cao su nhiều hơn năm nào hết. Tôi và các ngươi chỉ còn chưa tới ba tháng nữa là hết năm. Các ngươi nghe rõ không? Vậy, chỉ tiêu chăm sóc cây hằng ngày của mỗi cu-li được tăng lên cho đúng với năng xuất lao động của các ngươi. Nghĩa là từ ba trăm năm chục cây hôm qua sẽ lên thành năm trăm cây kể từ hôm nay. Các ngươi nghe rõ không?
Dừng lại lần nữa, Duclos đưa mắt khiêu chiến nhìn lần lượt từng hàng người An Nam đang tái mặt, co rúm:
- Đó là lý do sáng nay các ngươi được đánh thức sớm. Tôi nhắc lại, kể từ hôm nay, các ngươi mỗi người phải giải quyết mỗi ngày năm trăm cây — người nào không đạt đủ con số đó sẽ bị trừng trị bằng cách trừ tiền lương, cho ăn đòn hoặc bị giải tới nhốt xà lim trong đồn Ngả Ba Ông Đồn, cùm bằng xích sắt. Các ngươi nghe rõ không?
Một thanh niên phụ tá người Pháp chuyên nuôi con ngựa trắng Duclos thường ngày cỡi dạo quanh đồn điền, bước ra theo tay vẫy của hắn. Anh ta giữ cho con vật đứng yên, chờ chủ leo lên, xong kính cẩn trao chủ dây cương. Giật cương quày đầu ngựa đối mặt với đội hình cu-li, Duclos rút cây ba-toong dài bằng gỗ trắc trong chiếc bao da gắn một bên yên. Hắn đứng thẳng người trên bàn đạp:
- Đi làm, lẹ lên! Hễ làm chưa đủ chỉ tiêu chớ vác mặt về cho tôi thấy.
Vừa gào lớn lệnh xuất phát, Duclos vừa thúc ngựa xông vào mấy cu-li đứng hàng đầu, làm họ hốt hoảng, quay lưng, chạy tán loạn về phía rừng cao su.
Vẫn chưa tới năm giờ sáng. Trong trời nhá nhem khó có thể phân biệt rõ cây nọ với cây kia, Đồng và Học thở hổn hển chạy dọc các hàng cây đứng san sát nhau trong lô cao su phân công cho hai anh em. Chân chạy liên tục từ cây này sang cây nọ, cứ cách vài phút chúng gọi lớn tên nhau để khích lệ và dò chừng người anh em đang làm tới đâu.
Dream Of The Wind
04-02-2010, 10:52 AM
Lần chích mủ thứ nhất ba trăm năm chục cây mất năm tiếng đồng hồ, phải làm xong trước mười giờ sáng. Cả hai chỉ dám bỏ ra chưa đầy một phút cho mỗi cây. Dùng cù ngoéo cạo sạch mủ khô, sửa ngay ngắn chén hứng mủ và ấn mũi mác rạch mấy đường lằn mới để ban ngày cây theo đó ứa nhựa ra. Hai anh em phải làm chừng ấy việc thật lẹ và kỹ. Nếu có một đường rạch chưa đủ độ sâu, bị tên cai An Nam hoặc nhân viên người Pháp nào đó kiểm tra phát hiện, cứ tính mỗi cây năm roi.
Đúng mười giờ, tiếng còi hụ chẻ không khí nóng bức bên trên đồn điền báo hiệu sắp bắt đầu việc lấy mủ. Vừa nghe còi hụ, hai anh em chạy hai cây số ngược trở lại chỗ bắt đầu các hàng cây của mình. Chúng lại lần nữa khởi sự lao từ cây này sang cây khác, trút sạch từng chén hứng mủ vào chiếc thùng mang theo. Thùng đầy, chúng xách thùng tới một trong nhiều trạm gom mủ. Từ chỗ đó, xe tải chở mủ về các nhà kho trung tâm.
Lúc Đồng và Học làm xong việc lấy mủ, trời vừa đứng bóng. Ánh mặt trời rọi thẳng đỉnh đầu và rừng cây cao su bốc hơi nghi ngút trong cái nóng ngột ngạt. Sau bảy giờ vất vả không ngừng, hai anh em mệt lả, vật mình xuống mặt đất đỏ dưới bóng cây cao su. Gần năm trăm cu-li khác trong đồn điền cũng chẳng hơn gì, đều nằm lịm như chết. Vừa cảm thấy đỡ mệt đôi chút, họ bật dậy, lật đật nấu nước uống và nhai vội nắm cơm để dành từ tối qua; vừa ăn vừa chiêu vài ngụm nước cho dễ nuốt.
Tiếp đó, thông thường từ một giờ trưa tới lúc mặt trời lặn, họ phát quang các bụi cây thấp hoặc làm cỏ quanh gốc cây cao su, nhưng với chỉ tiêu mới do Duclos đề ra sáng nay, họ phải chích mủ và lấy mủ thêm, gấp rưỡi số cây thường ngày, dưới cái nóng ban trưa ghê gớm dù vừa tiêu hao quá nhiều sinh lực. Sau đó mới tới việc phát quang, làm cỏ cả năm trăm gốc cây.
Học đang làm nửa chừng lại lên cơn sốt, phải ngồi nghỉ. Đồng chạy như điên giữa các hàng cây nối tiếp nhau như vô tận; vừa làm cây của mình vừa làm thay cho em. Cậu thà kiệt sức, miễn sao cứu Học khỏi một trận đòn không tránh khỏi nếu tại trạm gom mủ, bọn cai mặt mũi chàu quạu thọc thước đo vô thùng, thấy số mủ chưa ngang lằn mức qui định.
Sắp bảy giờ chiều, sau lưng hai anh em, mặt trời đang lặn. Hoàn tất con số chỉ tiêu mới, Đồng và Học kiệt sức, lê lết trở về khu vực nhà lán Làng Số Ba với bàn chân sưng vù, hai cánh tay gần như tê liệt.
Tới cổng, chúng thấy bọn cai đang lùa cu li tập họp trước các dãy nhà lán để chứng kiến cảnh chúng công khai trừng trị những kẻ không đạt chỉ tiêu mới. Cu-li phờ phạc, hoảng hốt va vấp nhau trong khi bọn cai quất bừa roi mây vào đầu vào vai họ để xếp họ đứng quây thành vòng tròn. Một nhóm chừng ba bốn chục người đứng tách riêng ngay chính giữa vòng tròn, đầu củ rủ, mắt cụp, hai tay buông xuôi tuyệt vọng.
Đồng ép sát vào người Học, vòng tay ôm lưng em che chở và đẩy em len sâu vô bên trong. Ở đó, ít ra hai anh em không thấy hoặc không bị roi mây quất trúng như những người ở mé ngoài. Duclos đứng dạng chân trên mình ngựa, hằm hằm ngó xuống. Khắp khu vực nhà lán im bặt khi hắn rút ba-toong ra khỏi bao da, vung lên thật cao, phát hiệu lệnh cho bọn cai ra tay.
Mẻ đầu tiên gồm năm cu-li. Họ bị đẩy nằm sấp mặt xuống mặt đất đỏ nhớp nháp. Bệ vệ chỉ huy đầu đàn là gã cai Sáu Nam, tức Đức Anh. Hắn hạ lệnh cho năm tên phụ việc lấy roi mây quất xuống gan mười bàn chân trần đang lật ngữa. Trước khi cùng quất một lượt, chúng hoa ngọn roi lên đầu thật đều, theo một động tác vũ đạo đẹp mắt, có tính toán sẵn và thành thạo lâu ngày. Đánh nhịp cho các đường roi đúng qui cách ấy là tiếng thở nghèn nghẹt và tiếng khóc tấm tức của kẻ bị đòn. Mỗi cu-li nạn nhân lãnh đủ năm chục roi, bất kể thiếu chỉ tiêu nhiều hay ít.
Cai Đức Anh bình thản đếm. Thỉnh thoảng hắn lấm lét liếc Duclos để đảm bảo mình thực hiện đúng ý của chủ. Tới lằn roi thứ năm chục, cai Đức Anh ra hiệu cho năm tên phụ việc dừng tay. Chúng lập tức buông roi, túm vai nạn nhân lôi dậy, bất chấp tiếng van nài xin nhẹ tay của họ.
Duclos lại vung cây ba-toong, thét lớn:
- “Nhanh như thỏ!” Bây giờ, chạy mau lên, vọt lẹ như thỏ rừng cho ta coi!
Bọn cai lấy đầu gậy chọc vào mông năm nạn nhân cho tới khi họ nhấc nổi bàn chân sưng vù và tươm máu lên, nhảy cà nhắc chung quanh vòng tròn gồm gần năm trăm phu cạo mũ đang đứng. Ai té xuống thì bị roi quất cho tới khi đứng dậy nhảy tiếp. Năm nạn nhân miệng rên rỉ không ngớt. Người này vừa gượng đứng lên kẻ khác đã té xuống, khi đổi chân nhảy lò cò, khi ngồi nhảy xổm sát đất, khi vừa bò vừa trườn. Trông họ giống một cách quái đản những con thỏ rừng đang vọt mình chạy. Trong khi họ chưa nhảy tới đích, mhóm nạn nhân kế tiếp bị đẩy úp mặt xuống đất làm mẻ thứ hai.
Cuộc trừng phạt đang tiếp diễn bỗng có tiếng động cơ gầm rú làm xôn xao hiện trường. Ba chiếc xe tải không mui chở đầy cu-li mới mộ lao nhanh vào khu vực nhà lán, tung bụi đỏ mù mịt. Theo sau đoàn xe, một chiếc Citroešn đen bóng loáng chạy thẳng tới, rồi dừng lại kế bên con ngựa của Duclos. Cai Đức Anh đưa mắt dò hỏi nhìn chủ, không biết nên tiếp tục hay tạm ngưng cuộc trừng phạt. Gã Corse đưa tay ra hiệu cứ thế tiếp tục, đồng thời hắn trợn mắt xua đám đông tránh qua một bên, để những kẻ sắp làm cu-li nhìn tận mắt những gì đang diễn ra.
Vì cao hơn người bình thường, Đồng có thể nhìn qua đầu đám đông, thấy rõ đoàn người mới tới. Trong chốc lát, Đồng giật mình khi bắt gặp hai bộ mặt quen thuộc từ hơn một năm nay cậu không thấy.
Một người Âu cao, vai còng, mặc vét-tông trắng và đội mũ nỉ, từ chiếc xe hơi bóng lộn bước xuống, chìa bàn tay trắng xanh ra bắt tay Duclos. Đồng nhận ra ngay gã chính là Auguste Lepine, giám đốc Sở Mộ phu Bản xứ. Mười tám tháng trước đây, gã cùng với một tên cai dụ dỗ cậu và em cậu rồi chở thẳng vô đồn điền này. Tuy lòng vẫn căm hận gã, Đồng chẳng cảm thấy hứng thú ngó gã thêm lần nữa.
Cái nhìn sửng sờ của Đồng gắn chặt lên bộ mặt quen thuộc thứ hai ngay chính giữa đám đông người An Nam đang nổi gai ốc trên chiếc xe tải thứ nhất khi đột ngột chứng kiến trận đòn công khai này. Bộ mặt ấy phờ phạc với hai con mắt tìm kiếm đã lâu lắm cậu không thấy: đó chính là bộ mặt của cha cậu!
Dream Of The Wind
04-02-2010, 10:54 AM
TẬP I - Phần Thứ Hai - Hận Thù Của Triệu Cu-Li - 1929-1930
- 4 -
Claude Duclos đưa mu bàn tay lên quệt bọt sâm-banh bám trên ria mép và thêm lần nữa rót đầy ly cho Auguste:
- Làm thế nào anh mộ được bọn chúng dài dài vậy? Tôi nghe thiên hạ đồn rằng anh cố ý phá cho đê miền bắc vỡ ra từng mảng và làm cho ngập lụt ruộng đồng ngoài đó để chở những tên “da vàng” đang đói lè lưỡi vô rừng cao su trong nam cho chúng tôi. Có đúng không đấy?
Bộ mặt gà mái của Lapine cau lại; khắp khuôn mặt ánh lên vẻ cười khinh khỉnh. Thay cho câu trả lời, gã lôi trong va-li ra một xấp ảnh bóng láng, đặt xuống bàn, rồi đẩy về phía tên Corse. Khi ly của cả hai không còn rượu, Duclos sốt ruột dộng cồm cộp chai sâm-banh rỗng lên mặt bàn. Cái nóng ngột ngạt làm hắn và gã mộ phu tươm mồ hôi dù có hơi gió nhè nhẹ từ quạt máy thổi ra. Xa xa vọng về tiếng sấm báo hiệu cơn bão đêm sẽ tới sớm hơn thường lệ. Lau trán bằng chiếc khăn tay ướt sủng mồ hôi, Duclos nhìn xuống xấp ảnh.
Một số bức ảnh cho thấy các gia đình An Nam mặc quần áo tươm tất, đứng cười tươi tắn trên lối vào các ngôi nhà khang trang được dựng trong khu vườn nhỏ có trồng hoa, cạnh những vạt cây cao su thẳng tắp. Trong mấy bức ảnh khác, những phu cao su trắng trẻo khỏe mạnh đang ung dung cạo mủ trong khi mấy người Pháp thân thiện, đội mũ cối trắng, đứng nhìn qua vai họ với vẻ mặt ân cần và độ lượng. Duclos vừa giở lướt từng bức vừa cười ác liệt:
- Tuyệt thật, ông bạn ạ. Quá tuyệt! Anh cho chúng nó chiêm ngưỡng ba cái thứ này, sau đó, anh phải dựng rào cản để lọc lựa hàng ngàn đứa đổ xô nhau tới dự tuyển, đúng không?
Gã mộ phu trả lời với giọng bị chạnh lòng:
- Không hoàn toàn dễ dàng như thế, Duclos. Mộ cho được phu cũng cực nhọc lắm. Năm ngoái, tôi chỉ có thể cung cấp cho các đồn điền ở Nam kỳ và Trung kỳ ba mươi lăm ngàn cu-li người bắc — và gởi bằng tàu thủy mười ngàn tên nữa đi Nouvelles-Calédonie.
Người Corse huýt dài một tiếng sáo ngưỡng mộ:
- Bốn vạn rưỡi con người ta! Có phải anh kiếm mỗi đứa mười lăm đồng không? Nghĩa là được suýt soát bảy trăm ngàn đồng bạc Đông Dương!
Hắn nhắm mắt tính nhẩm rồi mở lớn mắt, nhè nhẹ huýt sáo thêm lần nữa:
- Auguste này, khoảng bảy triệu phật-lăng đấy — trong một năm kiếm tới chừng ấy bạc, chẳng tệ chút nào!
Nói xong, Duclos mỉm cười đưa tay phác nhè nhẹ một cử chỉ đầy ngưỡng mộ. Rồi hắn sờ vào bộ vét-tông bằng vải lanh may cắt thật khéo, áo sơ-mi lụa mềm mại, và ngó xuống đôi giày thủ công của gã mộ phu:
- Auguste ạ, thật không ngạc nhiên thấy lúc này anh đủ sức chưng diện như một nhà đại quí tộc ăng-lê.
Lepine nói chua chát:
- Nếu mức hao hụt của các người tại mỗi đồn điền không lên cao như hiện nay, các người đâu cần tôi lúc nào cũng phải cung cấp cu-li mới. Nếu anh đối xử với bọn chúng khá hơn một tí, chắc chắn chúng không tự làm cho mình ra tàn tật, què chân gãy tay như bây giờ, để cố thoát cho khỏi nanh vuốt của anh vì thà đi ăn mày còn sướng hơn làm phu cạo mủ!
Gã liếc một xấp giấy khác:
- Con số người của anh chết sốt rét lại cao hơn lần trước. Tôi hỏi thật, anh khai như thế có phải để giấu diếm chuyện chúng nó hầu hết tự tử không đấy?
Duclos sửng sốt vì giọng điệu thù nghịch của Lepine. Hắn bực bội ngồi thẳng người lên trên ghế:
- Này Auguste, cái mốt thời thượng tự ý hủy hoại thân thể ấy đang bị triệt cho bằng hết. Lúc này chúng nó đã biết dù có làm cho mình què chân gãy tay nặng tới cỡ nào đi nữa, cũng bị chúng tôi tống thẳng vô xà lim ở Ngả Ba Ông Đồn ngay tức khắc. Hơn nữa, nếu có nhiều tên “da vàng” chết sốt rét ngay chính trên thổ ngơi quen thuộc của chúng, tôi cũng đành bó tay thôi.
Hắn vừa nói vừa nhún vai tỏ vẻ bất lực:
- Tôi bị bắt buộc phải đối xử khắc nghiệt với bọn chúng. Lũ cổ đông ở Paris cứ cũng muốn tăng sản lượng lên mãi. Bọn chúng đầu tư mười hai triệu phật lăng, đã kiếm lãi được sáu triệu rồi — vậy mà lúc nào cũng muốn lãi nhiều hơn nữa.
Lepine ngáp, đưa bàn tay mệt mỏi lên vuốt mặt rồi cười khẩy:
- Anh chỉ nói tới các cổ đông ở Paris, làm như thể bản thân anh chẳng có tí cổ phần nào trong đồn điền này. Có lẽ anh cảm thấy dễ chịu cho mình hơn khi tưởng tượng ra tất cả những việc anh làm ở đây đều do chỉ thị của một bọn ăn thịt người đang ở chốn xa xăm nào đó.
Với nụ cười bối rối Duclos chống chế:
- Auguste ạ, số cổ phần của tôi ít lắm, chẳng đáng kể vào đâu so với các cổ đông chính.
Trong một thoáng hắn nhìn nét mặt cứng trửng như vỏ cây cao su của gã mộ phu. Những hố lõm thâm quầng quanh hốc mắt và nước da khô như đang rạn, cho thấy một tình trạng nghiện á phiện lâu năm. Duclos đoán tính dễ nổi cáu của gã phát sinh từ tật ghiền ma túy ấy:
- Nhưng anh bạn thân ạ, tại sao chúng ta lại sống ở xứ thuộc địa để kéo dài cuộc đời khốn nạn như thế này nếu không phải vì chúng ta muốn cho mình vui thú một chút, đồng thời dành dụm ít nhiều cho tuổi già, đúng vậy không?
Cố làm gã khách vui lòng, tên Corse cầm ly sâm- banh lên, nâng về phía khách, mời gã cùng uống để tán thưởng ý kiến mình vừa phát biểu. Nhưng gã mộ phu vẫn lầm lì ngồi yên, không thèm để ý tới Duclos.
Ngay lúc đó, có tiếng sấm nổ ran trên mái ngói và cơn bão ập tới. Mưa bắt đầu đổ ào ạt bên ngoài ngôi nhà. Cả hai lắng nghe trong một lúc rồi Duclos bồn chồn đứng lên, đi tới máy hát dĩa. Đè tay lên cần dây cót, hắn nói:
- Auguste ạ, có lẽ chúng ta cần một chút nhạc jazz. Tôi thấy nó là cái duy nhất giữ cho “con nhện u sầu” không giăng tơ quanh tôi những lúc tôi ở một mình. Khi không có ai ở đây, tôi cố giữ mình đừng uống nhiều rượu quá. Nếu không có thứ nhạc jazz mình thích e rằng tôi không thể nào sống sót trong cái xứ nhiệt đới này. Anh muốn nghe loại nào? Tiếng kèn xắc-xô của Sidney Bechet nhé? Tôi có “Wild Cat Blues — Nỗi buồn ghê gớm của mèo hoang”, hay “Kansas City Man — Người đàn ông Thành phố Kansas”?
Lepine nhún vai hờ hửng. Quản đốc đồn điền đặt lên máy một dĩa hát do hắn tự chọn. Trong một lúc, hắn đứng chăm chú lắng nghe tiếng kèn xắc-xô đua chen với tiếng gầm rú của cơn bão ngoài trời. Rồi Duclos trở về ghế ngồi, cầm ly sâm-banh lên uống cạn. Hắn nói, nghiêng mình trịnh trọng về phía gã mộ phu:
- Này Auguste, cũng có một mốt thời thượng khác chúng tôi đang dập cho tắt ngúm tại đồn điền này, đó là chủ nghĩa Bôn-sê-vich. Anh có nghe nói tới tình trạng lộn xộn đang xảy ra ở đồn điền Michelin rộng lớn tại Phú Riềng với những “tên đỏ xách động” nguy hiểm không?
Nhạc jazz từ chiếc máy hát đĩa phát ra làm Lepine nổi quạu. Chân tay ngứa ngáy bứt rứt của kẻ hút á phiện bắt đầu làm gã nổi cơn thèm thuốc. Gã trả lời với giọng lạnh nhạt:
- Suốt tháng vừa qua tôi ở vùng đảo Thái Bình Dương, bận quan sát những đồn điền tại đó.
Tên Corse khịt khịt mũi khinh miệt:
- Cách đây hai tuần có một cuộc nổi loạn tập thể. Bọn cai phát hiện được một âm mưu tổ chức đình công bị xúi giục bởi tụi Bôn-sê-vich và các phần tử thuộc cái gì đó gọi là “Việt Nam Quốc Dân Đảng”. Kết quả, sáu thằng cu-li bị bị cùm bằng xích sắt. Tôi có thể nói với anh rằng bọn cai của tôi ở đây thính mũi lắm. Hơi nghi ngờ có tí lộn xộn nào là tôi tống cổ bọn xách động vô Ngả Ba Ông Đồn liền, treo ngược hai cái chân vàng khè lên cho bọn chúng mất đất bám trụ.
Nói xong, Duclos mỉm miệng cười gượng, hy vọng thuyết phục nổi Lepine chia sẻ lối khôi hài đen của hắn:
- Auguste ạ, trong chuyến hàng hôm nay anh có mang tên cộng sản Quốc Tế Đệ Tam nào tới nằm vùng ở đây không đấy?
Gã mộ phu quạu quọ trả lời:
- Duclos này, chỉ nội cái việc kiếm cho đủ số cu-li để đem vô đây cho anh cũng đủ nhức đầu rồi. Tôi không thể bảo đảm với anh rằng chúng có lý lịch sạch sẽ theo cái kiểu anh muốn.
Vừa lúc đó cửa mở ra và đi vào người “con gái” An Nam chân trần, trên tay mang chai sâm-banh ướp lạnh mới khui hiệu Perrier-Jouet. Cô từ tốn rót đầy ly của Duclos rồi thầm lặng lui về phía cửa. Khi nâng ly lên uống, Duclos ngó Lepine với tia nhìn đầy ý nghĩa, nhướng nhướng đôi lông mày của hắn về hướng cô gái vừa đi ra. Lepine hạ ánh mắt xuống:
Dream Of The Wind
04-02-2010, 10:55 AM
- Con đó châm dọc tẩu được chứ?
- Dứt khoát là được.
- Thế thì tôi chỉ đòi hỏi nó làm mỗi một việc đó thôi.
Gã mộ phu thận trọng nói ra lời ấy một cách đầy toan tính, mắt vẫn nhìn chăm chú bọt trong ly sâm-banh mình. Liền đó, gã thêm:
- Theo như tôi hiểu thật chính xác thì anh không giữ cậu “bồi” nào trong nhà mình, đúng không?
Trong một giây, Duclos có vẻ hoang mang. Khi hiểu ra chuyện, hắn nổi sùng, nói cộc lốc:
- Tôi cóc cần có thằng “bồi” nào trong nhà tôi. Đó không phải là một trong các thói xấu của tôi.
Giọng vẫn tự tin, gã mộ phu nói liền một mạch:
- Thật sao, Duclos, anh làm tôi ngạc nhiên đấy. Cũng đáng để mình cân nhắc chuyện lúc này ai chủ động việc cung cấp cu-li cho các người. Tôi có khuynh hướng ưu tiên nhớ tới lời thỉnh cầu của đồn điền nào mà mỗi lần tôi ghé qua, người ta biết lo liệu cung ứng cho tôi sự tiếp đãi chu đáo nhất.
Đôi mắt của Duclos hơi khép lại khi hắn ghi nhận ý nghĩa hăm dọa không chút che đậy trong lời vừa nói của gã mộ phu. Rồi hắn rặn ra trên môi một tiếng cười:
- Tôi là người của bá tánh mà, ông bạn Auguste! Tôi bảo đảm rằng chúng tôi có thể tìm ra một sinh vật trẻ trung và xinh đẹp cho anh.
Cách đó khoảng tám trăm thước, ngay mé bên kia của đồn điền, trong khu vực có vòng rào vây kín và lênh láng nước mưa, Đồng với Học vẫn không nín nổi tiếng khóc khi hai anh em đeo sát cha trong bóng tối nhà lán mái dột vách thưa. Nằm quấn vào nhau trên nền đất ướt nhẹp, Ngô văn Lộc và hai con sung sướng ủ ấm nhau trong một lúc thật lâu, không ai nói với ai lời nào. Đồng mở lớn mắt lên nhìn nhưng trong bóng tối cậu chỉ thấy lờ mờ đôi nét quen thuộc trên khuôn mặt cha. Sau cùng, cậu lên tiếng, nói trong nước mắt:
- Làm sao cha tìm ra chúng con vậy cha?
- Việt Nam Quốc Dân Đảng giúp cho cha lần theo dấu vết của các con.
- Đảng đó là cái gì vậy cha?
- Đó là một hội kín có tổ chức trên cả nước, khắp nam trung bắc. Đảng đó mới được thành lập bởi những người còn trẻ và học giỏi, yêu nước và yêu dân tộc. Nó hoạt động để giải phóng đồng bào đất nước thoát khỏi sự đô hộ của thực dân Pháp!
Ngô văn Lộc dừng một chút rồi nói tiếp với giọng có phần trách móc:
- Nói cho cha biết, tại làm sao hai đứa con lại tới đây làm phu cạo mủ?
Hai anh em nhích sát vào nhau hơn. Rồi Đồng lúng búng kể:
- Sau khi bỏ nhà trốn đi, chúng con ra tới Đà Nẵng. Ở ngoài đó, chúng con gặp thằng Tây mộ phu, cái thằng hồi chiều tới đây theo đoàn xe tải chở cha đó. Hắn với một tên cai An Nam lừa phỉnh chúng con. Hắn cho hai đứa con, mỗi đứa ba đồng, nói đó là tiền ứng trước để làm việc trong một đồn điền cao su phía trên Quảng Nam. Bọn nó nói chúng con chỉ làm việc mỗi ngày sáu giờ, lãnh tới tám hào một ngày. Lại còn hứa cho nhà ở đàng hoàng, ăn uống đầy đủ. Mộ xong, bọn nó chất chúng con lên xe tải chở trâu bò chở tuốt vô đây. Ai tìm cách bỏ trốn thì bị đánh đập thê thảm.
Nhớ lại những gian nan vừa qua, giọng Đồng đẫm nước mắt:
- Hai đứa con đã ra sức trốn hai lần nhưng lần nào cũng bị bắt lại, rồi bị đánh đập, bị biệt giam. Chúng con còn cố viết cho cha mấy bức thư — nhưng bị bọn cai tịch thu hết, đem đốt...
Chung quanh ba cha con, các cu-li bị trừng phạt hồi chiều lúc này rên rỉ và âm ỉ khóc trong giấc ngủ. Những người khác ngáy như cưa gỗ trong khi nước mưa dội ào ào không ngớt lên mái lá cọ mỏng manh trên đầu họ.
- Tại sao trước đó các con rủ rê nhau bỏ cha bỏ mẹ, trốn khỏi trại săn?
Hai anh em tần ngần ngó nhau rồi nhỏm dậy. Chúng lùi người ra khỏi mép chiếu, ngồi bó gối trên nền nhà ướt đẩm, không trả lời. Người cha lại hỏi, với giọng nhẹ nhàng hơn:
- Tại sao, Đồng, con làm như vậy là có ý gì vậy?
Sau một hồi lâu im lặng Đồng mới chịu mở miệng:
- Cha ơi, chúng con xấu hổ chịu không xiết.
- Xấu hổ? Mà con xấu hổ chuyện gì vậy?
Trong giọng nói của Ngô văn Lộc có chút nghẹn ngào như gợi cho thấy anh có thể mường tượng câu trả lời ra sao, và anh đang sợ. Câu trả lời của Đồng gần như thì thào, nghe như hụt hơi:
- Xấu hổ về chuyện xảy ra đó... Chúng con quá tủi quá đau, vừa hận vừa tức việc mẹ đã làm... cả cha cũng biết việc đó mà.
Lộc nức lên thành tiếng than chua xót:
- Thiệt tình! Lúc đó cha nghĩ hai đứa con còn quá nhỏ dại, không thể nào hiểu nổi chuyện của người lớn! Cha định để sau này sẽ tìm cách giải thích.
Nói tới đây giọng anh trở thành rên rỉ:
- Nhưng bây giờ thì trễ quá rồi!
Học hốt hoảng nhào tới, bíu cánh tay cha:
- Tại sao cha nói là trễ quá rồi?
- Bởi vì lúc này, cha chỉ còn biết van vái hương hồn ông bà tổ tiên thấu hiểu cho cha, tha tội cho cha thôi…
Sự tuyệt vọng trong giọng nói của cha bất chợt truyền qua hai anh em một nỗi chua xót và cay đắng. Đồng hỏi:
- Cha nói vậy nghĩa là làm sao? Mẹ của chúng con đâu? Tại sao cha để mẹ ở nhà một mình mà tới đây?
Trong bóng tối, Ngô văn Lộc trườn người qua nắm thật chặt tay của hai con trai trong lòng bàn tay mình:
- Mẹ các con không còn ở trên đời này nữa!
- Có phải cha nói mẹ chúng con chết rồi? — hai anh em kinh hoàng hỏi lại.
- Phải. Mẹ các con chết hai tháng nay rồi. Chết trong nhà tù.
- Tại sao mẹ chết, lại chết trong nhà tù?
Lộc do dự rồi hít vào một hơi thật sâu:
- Cha với mẹ thu lượm tin tức cho nhiều hội kín cách mạng về những công tác mật thằng Devraux làm cho Liêm Phóng Tây. Cha thường theo hắn qua Tàu qua Xiêm để lái xe cho hắn khi hắn đi điều tra các hoạt động của những nhà cách mạng lưu vong của chúng ta. Tới khi Việt Nam Quốc Dân Đảng thành lập hai năm trước đây, cha với mẹ bí mật gia nhập Kỳ bộ miền nam và được phân công tiếp tục do thám thằng Devraux...
Giọng người cha xúc động nức lên rồi lắng xuống thành tiếng thì thầm:
- Đó là lý do tại sao mẹ các con buộc lòng cứ phải làm cái việc đó — để cho thằng Devraux không nghi ngờ gì cả. Mẹ rất chán ghét việc đó! Cha cũng oán hận việc đó! Nó không thường xảy ra, nhưng hễ nó xảy ra thì cha với mẹ đều cố không nghĩ ngợi không thắc mắc về việc đó nữa — để chỉ đinh ninh một điều rằng mình đang hết lòng đấu tranh cho độc lập tự do của đồng bào đất nước.
Học dụi mặt vào vai anh, bắt đầu khóc thầm lặng. Trong một lúc thật lâu, bên trong nhà lán chỉ còn nghe nhịp điệu điên cuồng của cơn bão và tiếng rên rỉ của những con người mệt lả chung quanh ba cha con. Rồi Đồng nghẹn ngào hỏi:
- Nhưng cha ở đâu mà để cho người ta bắt được mẹ?
- Lúc đó cha có việc phải đi xa vài ngày. Trong khi cha không ở nhàø, mẹ thấy có mấy tờ giấy trên bàn làm việc của thằng Devraux. Mẹ lấy đem giấu nơi nhà ở của mình vì nghĩ mấy tờ giấy đó có thể có ích cho đảng, nhưng chẳng may bị thằng Devraux tìm ra. Hắn bắt mẹ các con nhốt vô tù. Đảng báo động cho cha đừng về lại nhà đó nữa.
Lộc ngừng nói và thêm lần nữa, nghiến chặt hai hàm răng, hít mạnh để nuốt cơn xúc động:
- Một tháng sau, cha nghe tin mẹ từ trần. Bọn Tây nói mẹ các con chẳng may qua đời vì trúng gió mà chết! Nhưng một thằng cai tù ăn tiền kể cho cha biết mẹ bị tra khảo tới chết! Bọn Tây rất e sợ Việt Nam Quốc Dân Đảng và các tổ chức chống Pháp nên chúng dùng điện tra khảo bất cứ người tình nghi nào chúng bắt được.
- Chính hắn, thằng Devraux, chính hắn giết mẹ tôi!
Đồng nghiến răng, gằn từng tiếng trong cổ họng và kéo đứa em đang khóc rấm rứt vào sát người mình hơn. Hai anh em ôm lấy nhau, cùng lịm người trong côi cút, đau đớn và thương tiếc. Đồng thời hai hàm răng siết lại như cắn chặt cơn thù hận, không để tiếng khóc thoát ra ngoài lồng ngực.
Một lúc sau, cánh cửa đầu kia nhà lán bật mở và tiếng gào thét của cơn bão thình lình ập vào. Ánh đèn pin quét lui quét tới trên các thân hình cu-li đang nằm co quắp ngủ. Trong tấm vải nhựa che mưa sủng nước màu đen, hình dáng đồ sộ của Duclos lần mò đi dọc giữa nhà lán. Luồng ánh sáng chửng lại trên hai anh em Đồng và Học. Sau một chút lưỡng lự, Duclos cúi xuống, túm cánh tay Học. Hắn gần như nhấc bổng cậu bé đang khóc thút thít lên sát đầu gối mình:
- Nào lẹ lên, cậu bé đẹp trai dễ thương, mầy đi với tao! Đây không phải lúc ngủ. Có chỗ cho mầy làm việc thêm tối nay.
Trên hiên nhà của quản đốc đồn điền, Auguste đứng dưới mái hiên ngắm mưa bằng hai con mắt lim dim say á phiện. Khi thấy Duclos băng ngang khu nhà ở, soãi bước trở về, tay lôi theo một cậu bé An Nam, gã mộ phu âm trầm mỉm cười với mình, đầu gật gù. Rồi gã vội vàng bước trở vô phòng ngủ, bắt đầu lần tay lên hàng nút áo sơ mi lụa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét