“Nhân - Quả” vốn không chỉ là khái niệm đời thường, mà còn là một phạm trù triết học phổ biến. Mọi tôn giáo đều đề cập đến khái niệm này, đặc biệt là đạo Phật. Nhiều nhà triết học lỗi lạc đã có những nhận định xác đáng về thuyết nhân quả, bởi đó là khái niệm nền tảng của mọi ý thức hệ. Nó được phân tích và giảng giải dưới nhiều góc độ, cũng như dạng ngôn ngữ khác nhau. Hiểu một cách khái quát thì có ý nghĩa là “Gieo nhân nào gặt quả nấy”. Hành động làm ra sẽ là kết quả mà ta nhận được, và cứ như vậy luân hồi. Bản thân chúng ta chính là một tấm gương phản chiếu mọi hành động, như khi soi bóng trước đài gương vậy.
Căn cứ vào việc làm mà người ta có thể thấy được “nguyên nhân” cũng như “kết quả” của nó. Nguyên nhân nào thúc đẩy hành động? Khi làm như vậy thì kết quả sẽ ra sao? Và chính cái kết quả đó lại là nguyên nhân khiến cho người ta tiếp tục hành động.
Tương tự như vậy, cách hành xử của một nhà nước đối với người dân phản ánh mức độ phục vụ công của họ. Nhà nước càng tôn trọng và tận tình phục vụ người dân thì mức độ dân chủ càng cao. Đó là thái độ làm việc của bộ máy công quyền, nhân viên công lực, và người lãnh đạo nhà nước. Xã hội dân chủ thì thái độ của người lãnh đạo bao giờ cũng gần gũi chan hoà, và quan tâm tới người dân. Điều này được suy ra từ nguyên tắc dân chủ: người sao ta vậy, có gì khác nhau? Quan chức xã hội chỉ là một chức danh do người dân thuê mướn, xuất thân đều bình đẳng như nhau, chẳng qua anh thay mặt chúng tôi làm công việc đó mà thôi. Vì vậy mà anh phải hoàn thành nhiệm vụ theo hợp đồng. Nếu hết hạn hợp đồng hoặc không có năng lực thì phải kết thúc công việc để chúng tôi thuê người khác. Ngược lại, nếu nhà nước càng thiếu tinh thần tôn trọng và phục vụ người dân thì càng gần với khái niệm độc tài hơn.
Muốn biết người thì hãy đặt vào vị trí của mình. Đặc trưng của các chế độ độc tài là sự khép kín, vi phạm nhân quyền và tôn sùng lãnh tụ. Vì thế cho nên, những nhà nước độc tài rất sợ bị mất quyền lực, mà không dám trao nó về tay nhân dân. Vì khi cầm quyền, họ bóc lột và đàn áp người dân thậm tệ, cho nên sợ khi nhân dân có quyền lực thì cũng sẽ đối xử với mình như thế. Đó chính là luật nhân quả và báo ứng. Vì vậy mà họ điên cuồng bảo vệ chế độ độc tài, dù vẫn biết rằng đó là chuyện bất khả thi.
Một chính phủ sẵn sàng từ chức và từ bỏ quyền lực (theo quy định của pháp luật), thì nhà nước đó càng dân chủ và thượng tôn pháp luật. Một nhà nước mà thường ngày đối xử và phục vụ người dân tốt thì họ có lo gì khi bị mất quyền lực? Vì nếu có thay đổi thì người ta cũng sẽ đối xử với họ như vậy. . Đó là cách hành xử dân chủ và văn minh. Vì thế mà ở những nước dân chủ phát triển, người ta thích làm dân hơn làm quan chức. Vì người dân thì có quyền đòi hỏi ở quan chức (người làm thuê cho mình), trong khi quan chức lại phải gánh chịu nhiều trách nhiệm xã hội.
Chế độ dân chủ, thì tự do của nhà nước và người dân là tỉ lệ thuận với nhau. Nhà nước càng tôn trọng nhân quyền thì uy tín của họ càng được vững chắc. Ngược lại, nếu họ có hành động hay chính sách gì tổn hại đến người dân thì sẽ bị phản đối, vị thế của nhà nước vì vậy mà cũng bị lung lay. Chế độ độc tài thì ngược lại, tự do của nhà nước lại tỉ lệ nghịch với người dân. Có nghĩa là nhân quyền của người dân càng ít, thì quyền lực của nhà nước càng nhiều và bền vững. Chính vì lẽ đó mà họ không ngừng vi phạm và cướp đi các quyền căn bản của con người.
Tôi thấy cái biểu tượng trên lá quốc kỳ của đất nước Hàn Quốc có ý nghĩa thật là sâu xa. Biểu tượng có hình một vòng tròn âm dương đều nhau. Đó vốn là quan điểm triết học Á Đông, coi vũ trụ được cấu tạo bởi hai thành tố âm và dương. Vì thế mà nó thể hiện cho khát vọng thịnh vượng, hoà hợp trong một chỉnh thể thống nhất. Theo quan điểm tiến bộ ngày nay, thì đó chính là sự bình đẳng và cân bằng, nền tảng của tư tưởng dân chủ.
Muốn người khác đối xử với mình thế nào thì hãy đối xử với người ta như vậy. Nếu anh làm mất tự do của người khác thì chính anh cũng không có tự do. Anh chỉ được tôn trọng khi biết tôn trọng nhân quyền của người khác. Đó là đạo lý mà ai cũng dễ nhìn thấy vậy.
Nhân dân chính là nơi phản hồi hành động của Chính Phủ. Điều đó cũng giống như việc người ta ném một quả bóng vào bức tường, hoặc hét lên trước vách núi. Ném quả bóng càng mạnh thì lực nẩy lại càng lớn. Tương tự, âm thanh mà người ta phát ra to bao nhiêu thì tiếng dội lại từ vách núi càng lớn bấy nhiêu. Đó chính là Nghiệp Duyên in bóng trước Đài vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét