Thủ thuật dẫn dắt dư luận của ông Hoàng Hải Vân
9-9-2022
Ông Hoàng Hải Vân, tức Huỳnh Kim Sánh, cựu Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Thanh Niên vừa có hai bài viết liên quan đến nhà văn Nguyên Ngọc. Trong các bài viết này, ông Sánh đã sử dụng rất nhiều thủ thuật viết lách, ngụy biện nhằm định hướng và dẫn dắt dư luận tấn công Nguyên Ngọc theo ý đồ không trong sáng của ông ta. Bài viết này chỉ ra những thủ thuật ngụy biện của ông Sánh.
1. Ở bài viết đầu tiên, ông Sánh hai lần nhắc đến việc ông ấy tôn trọng quyền tự do của người khác. Tuy nhiên, đó chỉ là động tác “xoa” ngay sau khi ông Sánh “đấm” những người đó mà thôi.
Thật vậy, ở lần thứ nhất, ông Sánh viết: “Nhân sinh nhựt lần thứ 90 của nhà văn Nguyên Ngọc, giới văn nghệ sĩ và trí thức dân chủ đã viết bài và đưa hình ảnh ca ngợi ông lên tận mây xanh, với tần suất dày đặc trên mạng xã hội. Ca ngợi ai, chê trách ai là quyền tự do của mỗi người, tôi không có ý kiến”.
Thủ thuật cài cắm câu chữ của ông Sánh, như “giới văn nghệ sĩ và trí thức dân chủ”, “ca ngợi ông lên tận mây xanh”, “tần suất dày đặc trên mạng xã hội” chính là cách mà ông Sánh thể hiện ý kiến, nhiều khả năng mang hàm ý rằng ông Sánh không thoải mái hay khó chịu với việc Nguyên Ngọc được ca ngợi. Thế nhưng, ông Sánh lại không đàng hoàng nói thẳng ra ý kiến đó, mà lại núp ngay vào câu tiếp theo, rằng ông Sánh “không có ý kiến” vì tôn trọng “quyền tự do của mỗi người”.
Tương tự, ông Sánh nói việc Nguyên Ngọc tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam là “một động thái khá ồn ào có chủ đích do chính ông chủ động tạo ra” rồi đánh giá rằng “chủ động tạo thành một sự kiện để thu hút công chúng không phải là hành vi của bậc chính nhân quân tử”. Đánh giá này chính là ý kiến cá nhân của ông Sánh, nhưng một lần nữa, ông Sánh lại dùng mệnh đề “đó là quyền tự do cá nhân” ở phần còn lại của câu để làm bình phong hòng núp vào.
Cũng cần nói thêm, chuyện ông Sánh cho rằng việc Nguyên Ngọc rời bỏ ĐCSVN là “một động thái khá ồn ào có chủ đích do chính ông chủ động tạo ra” hoàn toàn là suy diễn cá nhân của ông ta, nhưng ông Sánh lại viết như đó là một sự thật khách quan.
Khi nhận định về bài viết của Nguyên Ngọc phê phán Phùng Quán, ông Sánh tiếp tục định hướng, dẫn dắt dư luận ít nhất ba lần bằng những cụm từ gây cảm xúc mạnh, đó là “đánh một phát “chết tươi” nhà văn Phùng Quán”, “ông Nguyên Ngọc từng đánh họ chết tươi”, và “nhà văn Nguyên Ngọc đồ sát nhà văn Phùng Quán”. Việc sử dụng các cụm từ “đánh chết tươi”, “đồ sát” chính là cách ông Sánh thao túng cảm xúc của người đọc cho mục đích tấn công Nguyên Ngọc.
Ông Sánh còn viết rằng “Vì bài viết đó của ông Nguyên Ngọc (cùng với chiến dịch đồ sát không thương tiếc “bọn Nhân văn Giai phẩm”) mà Phùng Quán phải đi cải tạo lao động 10 năm và bị cấm viết tới 30 năm”. Điều này cũng hoàn toàn là suy diễn chủ quan của ông Sánh, và chắc chắn ông Sánh không có bằng chứng trực tiếp nào về việc Phùng Quán phải đi cải tạo và bị cấm viết vì bài viết của Nguyên Ngọc.
Cần nhớ rằng phong trào phê phán Nhân văn Giai Phẩm là “chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước” lúc bấy giờ, nghĩa là thủ phạm chính gây ra oan khiên cho Phùng Quán là những cá nhân cầm quyền, chỉ đạo chiến dịch đánh Nhân văn Giai phẩm thời điểm đó, chứ không phải Nguyên Ngọc. Ấy thế nhưng, ông Huỳnh Kim Sánh lại không dám đả động gì đến thủ phạm chính, mà chỉ dám nhắc đến “chiến dịch đồ sát không thương tiếc “bọn Nhân văn Giai phẩm”” và đặt trong ngoặc đơn như một nguyên nhân phụ bên cạnh thủ phạm chính là Nguyên Ngọc mà thôi.
Điều này cũng nhất quán với việc ngay sau đó, ông Sánh viết rằng “việc khôi phục danh dự và truy tặng giải thưởng cho “bọn Nhân văn Giai phẩm” này là kết quả của quá trình Đổi Mới và dân chủ hoá đất nước chứ hoàn toàn không phải do những người như ông Nguyên Ngọc từng đánh họ chết tươi biết sám hối”. Một lần nữa, ông Sánh không dám động đến những cá nhân nắm quyền lực đã chỉ đạo đánh Nhân văn Giai phẩm, mà tiếp tục tấn công Nguyên Ngọc và bợ đỡ chính quyền. Ông Sánh có lẽ không ngu dốt đến mức không hiểu được rằng “quá trình Đổi Mới và dân chủ hóa đất nước” không phải từ trên trời rơi xuống hay từ sự lãnh đạo anh minh, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà chính là nhờ một phần quan trọng ở những tiếng nói kiên trì đòi cải cách và thay đổi của những người như Nguyên Ngọc. Phùng Quán, Nguyên Ngọc cũng như tất cả văn nghệ sĩ, trí thức hai phe trong chiến dịch đánh Nhân văn Giai phẩm, xét cho cùng, đều là nạn nhân của những kẻ nắm quyền lực chính trị mà thôi.
Một điểm khác được ông Sánh đưa lên tiêu đề bài viết, đó là việc “sám hối” của Nguyên Ngọc. Ông Sánh viết về việc này hai lần, rằng Nguyên Ngọc “không hề có ý định sám hối” và “không chịu sám hối”. Cùng lắm thì ông Sánh chỉ có thể viết ông ta chưa thấy Nguyên Ngọc “sám hối” công khai. Tuy nhiên, ông Sánh đã cố tình dùng thủ thuật ngôn ngừ “không chịu sám hối” và “không hề có ý định sám hối” theo cách hoàn toàn không có bằng chứng để tấn công Nguyên Ngọc.
2. Sang bài viết thứ hai, ông Sánh tiếp tục sử dụng các thủ thuật định hướng, dẫn dắt dư luận bằng cách gom những người phản biện đàng hoàng, văn minh bài viết đầu tiên của ông ta cùng với những kẻ chửi bới ông ta vào cùng một nhóm, rồi gọi chung tất cả là “lực lượng dân chủ dưới ngọn cờ của ông Nguyên Ngọc”. Tiếp đó, ông Sánh chọn những kẻ chửi bới ông ta làm đại diện cho toàn bộ nhóm này. Đây là trò tháu cáy hết sức trẻ con và tầm thường. Thật vậy, việc gom chung những người chẳng liên quan gì đến nhau, thậm chí hoàn toàn đối lập nhau, vào cùng một nhóm đã là một hành động ngớ ngẩn. Dán nhãn và quy chụp nhóm đó là “lực lượng dân chủ dưới ngọn cờ của ông Nguyên Ngọc” còn ngớ ngẩn hơn. Nhưng đó chính là cách mà ông Sánh đã làm để dắt mũi độc giả.
Trong bài viết này, ông Sánh tiếp tục nhắc lại nhiều lần rằng ông ta “yêu tự do nên tôi tôn trọng tự do của người khác, tôn trọng những thái độ khác biệt với tôi” và “tôi tôn trọng những còm nêu ý kiến khác tôi nhưng với lời lẽ tử tế”. Tuy nhiên, ông Sánh không hề phản hồi những bài viết, bình luận văn minh phản biện ông ta, chẳng hạn như bài của Thái Hạo hay của bài của Thich Thanh Thang. Không những thế, ông Sánh còn liên tục chặn (block) bất cứ ai lên tiếng phản biện ông ta “với lời lẽ tử tế”.
Tôi không nghi ngờ gì về việc ngay sau khi thấy bài viết này, ông Sánh sẽ chặn tôi ngay lập tức mà lý do của nó hoàn toàn dễ hiểu: ông Sánh không cần hay không dám trao đổi, tranh luận nhằm làm rõ sự thật và tiếp cận chân lý, mà chỉ muốn dắt mũi độc giả của ông ta mà thôi.
Đó chính là thái độ “yêu tự do”, “tôn trọng khác biệt” mà ông Sánh nhắc đi nhắc lại cùng những thủ thuật viết lách, ngụy biện, tháu cáy ông ta đã sử dụng nhiều lần nhằm định hướng, dẫn dắt dư luận tấn công nhà văn Nguyên Ngọc theo cách rất không đàng hoàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét