Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2022

Thấy gì từ việc Viện kiểm sát trả lại hồ sơ vụ án bà Nguyễn Phương Hằng

 

Thấy gì từ việc Viện kiểm sát trả lại hồ sơ vụ án bà Nguyễn Phương Hằng

Lê Ngọc Luân

7-9-2022

Động thái mới nhất là Viện kiểm sát (VKS) TP.HCM đã trả lại hồ sơ cho Cơ quan điều tra (CQĐT) với hai lý do:

i) Điều ra, làm rõ xem có bỏ lọt tội phạm của những người liên quan (vai trò đồng phạm);

ii) Xem xét nhập vụ án mà bà Hằng cũng đang bị CQĐT Bình Dương khởi tố cùng tội danh theo Điều 331 “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nuóc, tổ chức, cá nhân” để giải quyết triệt để. Sau đó mấy ngày, tin từ truyền thông báo chí là CQĐT Bình Dương đã ban hành Kết luận điều tra (KLĐT) chuyển hồ sơ qua VKS đề nghị truy tố.

Có vài vấn đề tôi muốn chia sẻ ở đây:

1) Trường hợp của bà Hằng quan điểm VKS TP.HCM là “bà Hằng phạm tội nhiều lần” (cả ở TP.HCM và Bình Dương) nên cần nhập vụ án để giải quyết. Nếu trường hợp này được thực hiện và CQĐT, VKS Bình Dương cùng quan điểm với VKS TP.HCM thì đây là điều rất “may mắn” cho bà Hằng (vì sao may mắn sẽ được chia sẻ bên dưới) vì giả sử nếu bà Hằng bị kết án (nhập hai vụ thành một) là có tội thì mức án cao nhất cũng chỉ là 7 năm. Trường hợp CQĐT, VKS Bình Dương không cùng quan điểm nhập vụ án thì vô cùng bất lợi cho bà Hằng vì lúc đó cả Toà TP.HCM và Toà Bình Dương sẽ xét xử độc lập và tuyên án sau đó sẽ tổng hợp hình phạt lại (ví dụ mỗi toà tuyên 7 năm cộng lại thành 14 năm hoặc mỗi toà tuyên 1 năm cộng lại thành 2 năm). Đương nhiên nếu toà tuyên bà Hằng không có tội thì không có năm nào và Cơ quan tố tụng phải xin lỗi bồi thường.

Hiện nay, tại Bình Dương CQĐT đã chuyển hồ sơ cho Viện và việc có nhập hay không phụ thuộc rất lớn vào quan điểm của VKS Bình Dương. Pháp luật Hình sự quy định cho quyền hạn của CQĐT cụm từ “có thể” nhập hoặc tách. Đây là lỗ hổng pháp lý rất lớn của BLHS cần nhanh chóng sửa đổi (theo quan điểm cá nhân) của cơ quan lập pháp vì việc quy định “có thể” sẽ phụ thuộc rất lớn vào quan điểm CQĐT nhưng lại liên quan đến số phận lao lý nghiệt ngã cho các bị can. Bởi nếu quan điểm của CQĐT nhập vụ án (bị can phạm tội nhiều lần ở các địa điểm khác nhau) thì kết quả rất có lợi cho bị can đó, không nhập thì các toà tuyên án và tổng hợp hình phạt sẽ vô cùng nặng nề. Do đó, cần phải sửa đổi quy định “nhập – tách” vụ án theo hướng trường hợp nào buộc phải nhập, trường hợp nào tách. Như vậy sẽ rõ ràng, minh bạch và cũng dễ dàng cho Cơ quan tố tụng.

Vai trò luật sư của bà Hằng trong giai đoạn này là cực lớn vì hồ sơ ở TP.HCM đã được chuyển về cho CQĐT, còn Bình Dương thì đang ở VKS tuy khó nhưng vẫn còn hi vọng để kiến nghị nhập (hồ sơ nếu qua toà rồi thì cực khó, không nói là hết hi vọng). Nếu luật sư của bà Hằng kiến nghị được việc nhập vụ án thì bà Hằng thật “may mắn” và tôi chúc cho đồng nghiệp (chưa biết là ai) làm được điều này cho Thân chủ.

2) Rất nhiều người hỏi tôi đánh giá như thế nào về Điều 331 BLHS (đồng ý hay không). Với cá nhân tôi (đứng ở góc độ người dân và là một luật sư) thì tôi cho rằng đợt sửa đổi Bộ luật hình sự (BLHS) tới cần bãi bỏ điều luật này, có rất nhiều lý do, ví dụ:

Quy định cấu thành tội phạm của Điều 331 nó rất mơ hồ, phụ thuộc rất nhiều ở ý chí chủ quan (các luật sư chuyên sâu hình sự, VKS, CQĐT, Thẩm phán có kinh nghiệm về án Hình sự, tôi nghĩ rằng họ có cùng quan điểm này – có thể tôi sai);

Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích cá nhân… thực ra có một số điều luật khác trong BLHS quy định rồi. Ví dụ ai đó lợi dụng mạng xã hội để bôi nhọ, vu khống… thì đã có các tội “làm nhục”; “vu khống”…

…vv…

Thực tế trải qua các thời kỳ có nhiều sửa, thay đổi BLHS, một số điều luật đã bị bãi bỏ khi không còn phù hợp về lý luận khoa học và thực tiễn phát triển của xã hội. Tuy nhiên, hiện tại Điều 331 vẫn đang có hiệu lực nên tất cả chúng ta phải cẩn trọng trong phát ngôn, hành động trên mạng xã hội để tránh rắc rối pháp lý.

3) Sự kiện bà Nguyễn Phương Hằng đã tạo ra một cuộc tranh luận cực lớn trên mạng xã hội, cơ quan báo đài một thời đã đưa rầm rộ, có nhiều quan điểm trái ngược khác nhau (anh em, cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp… cũng xảy ra mâu thuẫn vì sự kiện này). Có rất nhiều người phản đối kịch liệt và cũng rất nhiều người hô hào sẵn sàng bảo vệ bà Hằng dù có chết. Một số giá trị và ứng xử xã hội đã bị đảo lộn. Chúng ta ngẫm lại đoạn thời gian trước có đúng như tôi nói không? Tuy nhiên, khi bà Hằng bị khởi tố thì hầu như đa số (những người ủng hộ bà Hằng lại không thực hiện việc bảo vệ như đã từng tuyên bố hùng hồn hoặc họ chửi bới tục tỉu bất kỳ ai lên tiếng khác quan điểm bà Hằng). Và nay, những lời từ chính mình nói ra họ xem như chưa có chuyện gì. Vậy mỗi chúng ta có đúc rút ra cho bản thân bài học gì không?

Con người thật lạ kỳ nhưng nó không lạ nếu chúng ta ngẫm sâu sắc sẽ thấy hiện thực xã hội này đã, đang như thế nào.

P/S: Đứng góc độ cá nhân, bằng tấm lòng của mình tôi mong và cầu chúc cho bà Hằng mọi điều tốt đẹp nhất liên quan đến số phận pháp lý của bà. Tôi cũng mong các cơ quan tư pháp sẽ phán quyết chuẩn cả về pháp lý lẫn tình người trong vụ án này. Tất nhiên tôi không đồng ý những lời chửi bới tục tỉu của bà ấy và bất kỳ ai có lời lẽ sỉ nhục, bậy bạ dù bất cứ lý do gì. Mọi thứ phải rõ ràng, minh bạch, tri thức… thì may ra xã hội mới văn minh được. Nhưng e rằng là khó!

Lưu ý: Các Youtuber, Tiktoker,… nếu có sử dụng bài viết này để đưa tin thì hãy thông tin cho chính xác. Đừng cắt đoạn rồi giật tít câu quảng cáo mang tiếng LS Hoa Hồng lắm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét