Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã làm méo mó thị trường
Tử Long
(VNTB) – Quỹ bình ổn giá xăng dầu hoạt động theo cách thức “tiền của người dân ứng trước vào quỹ và trả lại vào kỳ điều hành sau”.
Ai quản lý quỹ này?
Quỹ bình ổn giá xăng dầu được lập tại doanh nghiệp khi được Bộ Công Thương cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm trích lập, chi sử dụng, báo cáo, công khai về Quỹ bình ổn giá xăng dầu và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm lựa chọn, mở tài khoản theo dõi riêng về Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (ngân hàng); có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) và công bố thông tin theo quy định.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể là 300 đồng/lít đối với các loại xăng, các loại dầu diesel, dầu hỏa và 300 đồng/kg đối với các loại dầu mazut ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa và được xác định là một yếu tố cấu thành giá cơ sở và giá bán của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu là Quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.
Có nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu?
Tính từ đầu tháng 7 đến kỳ điều hành ngày hôm qua, việc trích lập quỹ bình ổn liên tục đã phần nào ngăn lại đà giảm giá xăng trong nước chưa chạm đến ngưỡng 20.000 đồng/lít, bằng với mức giá ở thời điểm cuối năm 2021.
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng, thực tế quỹ bình ổn không cần thiết khi giá xăng, dầu vận hành theo cơ chế thị trường. Ông Bảo cho hay doanh nghiệp cũng không được lợi gì từ quỹ bình ổn giá, nếu doanh nghiệp nào sử dụng âm thì sẽ nợ đọng ngân hàng. Đây là điều mà các doanh nghiệp đầu mối không hề mong muốn.
Có thể thấy, từ góc độ quản lý về vĩ mô của nhà nước, quỹ là công cụ kiểm soát tăng giá. Tuy nhiên, từ góc độ doanh nghiệp và người dùng, quỹ không cần thiết bởi cả hai đối tượng này đều không được lợi. Người dùng thì “ứng tiền trước để và được trả lại khi giá biến động” theo kiểu “mỡ nó rán nó”. Còn với doanh nghiệp, việc duy trì quỹ khiến doanh nghiệp phải bố trí thêm nhân sự trong hệ thống để theo dõi hoạt động của quỹ.
“Xuất phát từ góc độ của người tiêu dùng, người tiêu dùng phải ứng tiền ra trước cho doanh nghiệp, rồi sau đó bù lại cho người tiêu dùng thì hỏi rằng có lợi ở đâu? Quỹ bình ổn xăng dầu dương có nghĩa là đã thu trước tiền của dân, còn lúc nào quỹ âm thì doanh nghiệp đầu mối kêu như vạc. Điều này rất dễ xảy ra tình trạng hỗn loạn thị trường, không có xăng dầu để bán” – một thương nhân xăng dầu ý kiến.
Cũng theo vị thương nhân trên, việc duy trì quỹ bình ổn xăng dầu sẽ triệt tiêu cơ hội kinh doanh của thương nhân phân phối. Bởi, những thương nhân phân phối xăng dầu không thể phán đoán được doanh nghiệp đầu mối sẽ sử dụng quỹ như thế nào, cho nên doanh nghiệp trung gian không dám mua.
“Tôi lấy ví dụ, ngày hôm nay, chúng tôi mua xăng dầu vào, nhưng ngày mai doanh nghiệp đầu mối lại sử dụng quỹ bình ổn, điều này gây ra thiệt thòi cho chúng tôi”, thương nhân này cho hay.
Méo mó của quỹ bình ổn xăng dầu?
Như phân tích ở trên thì với quỹ bình ổn giá xăng dầu, về nguyên tắc, nhà nước không phải chi tiền nhưng vẫn điều tiết và giữ giá xăng dầu biến động theo đồ thị hình răng cưa thay vì “lên đỉnh, xuống vực” gây sốc cho người tiêu dùng và nền kinh tế.
Thế nhưng, dù hoạt động theo nguyên tắc “lấy nó nuôi nó”, nhưng cơ chế lại không rõ ràng khiến cho nguyên tắc này bị méo mó.
Số là khi trích quỹ, người mua xăng, dầu diesel, dầu hỏa hay dầu mazut đều rót tiền gộp vào chung “chiếc bình” bình ổn giá. Đến khi cần bình ổn, cơ quan điều hành giá sẽ trích theo mục tiêu mà họ muốn điều hành, chẳng hạn ưu tiên bình ổn giá dầu…
Giả sử, khi muốn kìm giá dầu nhiều hơn, vì dầu phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa và sản xuất nên được ưu tiên hơn, cơ quan điều hành sẽ xả quỹ nhiều hơn mức mà người mua dầu đã đóng góp vào quỹ. Trường hợp này xảy ra là thiệt cho người mua xăng vì đã dùng xăng “bù chéo” cho dầu.
Và thực tế trên cho thấy đó chẳng khác gì một loại thuế “không tên” mà người mua xăng phải chịu. Vì thế, đôi lúc người dùng xăng có cảm giác giá lên nhanh xuống chậm là thế.
Ngoài ra việc sử dụng quỹ bình ổn theo cách trên đã làm méo mó giá xăng dầu, không đi theo đúng bản chất kinh tế thị trường.
Hệ lụy của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Những cựu quan chức từng làm công việc quản lý nhà nước trong lãnh vực điều hành xăng dầu, có nhận xét rằng, khi xăng dầu được vận hành theo thị trường “không có định hướng xã hội chủ nghĩa”, thì nên bỏ quỹ bình ổn vì các quốc gia khác trên thế giới cũng không có.
Song nếu xăng dầu vẫn được vận hành theo thị trường có định hướng chính trị, thì nên giữ quỹ này, nhưng cần sòng phẳng lúc “xả quỹ”, tránh việc “bù chéo” như phân tích ở trên.
Ngày 31-8, giá dầu thô WTI của Mỹ giao dịch quanh mức 92,2 USD/thùng, dầu Brent chuẩn toàn cầu ở ngưỡng 98,5 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch khuya 30-8, giá dầu thô Brent giao tháng 10 giảm 5,78 USD, tương đương 5,5%, xuống mức 99,31 USD/thùng. Trong phiên, hợp đồng này đã có lúc chạm mức thấp nhất là 97,55 USD/thùng. Hợp đồng giao tháng 11 được giao dịch ở mức 97,84 USD/thùng, giảm 4,9%. Trong khi đó, dầu thô WTI của Mỹ cũng lùi 5,37 USD, tương đương 5,5%, xuống mức 91,64 USD/thùng.
Dù giá dầu thế giới đi xuống nhưng giá bán lẻ trong nước có giảm hay không luôn là một dấu hỏi lơ lửng của người dân và doanh nghiệp. Điều này hoàn toàn trái ngược với việc nếu giá dầu thế giới tăng thì giá bán lẻ đến tay người dân luôn luôn đi lên.
Chính việc sử dụng quỹ bình ổn giá cộng thêm cơ chế điều hành theo chu kỳ 10 ngày mới điều chỉnh 1 lần khiến giá xăng dầu tại Việt Nam luôn lạc nhịp với thế giới.
T.L.
VNTB gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét