Nữ hoàng Elizabeth II: 1926-2022 (Phần 1)
Tác giả: Adrian Higgins
Cù Tuấn, dịch
9-9-2022
Tóm tắt: Nữ hoàng Anh là một nhân vật kiên định và khiến người khác yên tâm, và bà đã giúp lãnh đạo đất nước của mình vượt qua một thời kỳ thay đổi triệt để vào nửa sau của thế kỷ 20.
Nữ hoàng Elizabeth II, vị quân vương dường như bất tử, người đã trở thành ngọn hải đăng sáng chói nhưng bí ẩn đại diện cho sự liên tục ở Vương quốc Anh trong hơn bảy thập kỷ cai trị, đã qua đời vào ngày 8 tháng 9 tại Lâu đài Balmoral, điền trang của bà ở Cao nguyên Scotland, thọ 96 tuổi.
Cái chết của bà đã được Điện Buckingham thông báo nhưng không tiết lộ nguyên nhân.
Trong triều đại của mình, bắt đầu vào tháng 2 năm 1952 sau cái chết của người cha, Vua George VI, Elizabeth đã đóng vai trò là một nhân vật kiên định và khiến người khác yên tâm ở nước Anh cũng như trên toàn thế giới khi bà giúp lãnh đạo đất nước của mình trải qua một thời kỳ thay đổi sâu sắc về quyền lực địa chính trị và bản sắc dân tộc.
Các thiết kế của tem bưu chính và tiền giấy đã thay đổi qua nhiều thập kỷ, nhưng tất cả đều mô tả vị nữ hoàng này khá giống nhau, chỉ già đi. Bài quốc ca của Anh hiện nay chuyển thành “Chúa cứu giúp nhà vua”, nhưng hầu hết người Anh chỉ biết đến phiên bản khác, dành cho nữ hoàng.
Con trai và là người thừa kế của bà, Charles, đã tóm tắt sức mạnh của sự trường tồn của bà trong một bộ phim tài liệu truyền hình hiếm hoi được phát sóng vào năm 2012 để đánh dấu năm thứ 60 của bà trên cương vị nữ hoàng. “Có lẽ trong tiềm thức,” Charles nói, “mọi người cảm thấy được khích lệ, cảm thấy yên tâm bởi một điều gì đó luôn ở đó.”
Hoạt động theo hiến pháp quan trọng cuối cùng của bà diễn ra vào ngày 7/9 vừa qua, khi bà chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Boris Johnson và yêu cầu người kế nhiệm Liz Truss thành lập một chính phủ mới.
Trong chế độ quân chủ có niên đại ít nhất là thế kỷ 10 với Vua Athelstan, thời kỳ trị vì của Elizabeth là lâu nhất. Năm 2015, bà đã phá kỷ lục từng được cho là không thể phá vỡ, khi vượt qua 63 năm cai trị của bà cố của bà, Nữ hoàng Victoria. Trong khi Victoria rút lui khỏi nhiệm vụ hoàng gia của mình sau cái chết sớm của chồng, Hoàng tử Albert, thì Nữ hoàng Elizabeth – với phong thái bề ngoài nghiêm khắc, tâm thế sắt đá và chiếc túi xách chỉn chu – vẫn tham gia thực hiện các nhiệm vụ hoàng gia của bà trong phần lớn cuộc đời, và đúng với lời cam kết bà đã hứa vào sinh nhật thứ 21 của mình.
Khi đó mới chỉ là một nàng công chúa có gương mặt tươi tắn đang đi du lịch cùng cha mẹ ở Nam Phi, bà đã nói trước thính giả của cả Đế quốc Anh trên toàn cầu: “Tôi xin tuyên bố trước các bạn rằng cả đời tôi, dù dài hay ngắn, sẽ cống hiến hết mình để phục vụ các bạn, và sẽ phục vụ gia đình hoàng gia vĩ đại của chúng ta mà tất cả chúng ta đều thuộc về”.
Thời gian phục vụ đó, so với các nhân vật hàng đầu khác, là đáng kinh ngạc – trải qua nhiệm kỳ của 15 thủ tướng Anh, 14 tổng thống Hoa Kỳ và 7 giáo hoàng. Là thống đốc tối cao của Giáo hội Anh, Elizabeth đã bổ nhiệm sáu tổng giám mục của Canterbury.
Bà cũng phải điều hướng thay đổi thái độ của công chúng đối với gia đình hoàng gia khi các phương tiện truyền thông ngày càng không được kiểm soát đã gây ra những rắc rối. Giai đoạn tồi tệ nhất xảy ra vào năm 1997 với cái chết trong một vụ tai nạn xe hơi của con dâu cũ của bà, Công nương Diana, và sự tức giận của công chúng trước việc không tỏ thái độ của Nữ hoàng trước tai nạn trên.
Đó là một trong số ít sai lầm, và cuộc khủng hoảng trên đã qua đi: Vào thời điểm kỷ niệm lễ Kim cương của bà vào năm 2012, Nữ hoàng Elizabeth là chủ đề của lễ hội tình yêu kéo dài bốn ngày bao gồm một đám rước trên sông Thames, ngang ngửa với một cuộc thi hoa hậu thời Trung cổ. Tỷ lệ chấp thuận của công chúng đối với bà ở mức 90 phần trăm. Tại một buổi lễ tại Nhà thờ St. Paul, Đức Tổng Giám mục Rowan Williams nói: “Chúng ta đang đánh dấu sáu thập kỷ với bằng chứng sống động rằng việc phục vụ người dân là có thật, và rằng đó là nơi mà hạnh phúc có thể được tìm thấy”.
Vào thời điểm lễ Bạch Kim của bà vào năm 2022, đánh dấu 70 năm bà làm nữ hoàng, lễ kỷ niệm tầm quốc gia đã thêm một chiều hướng khác, một sự công nhận chung rằng triều đại của bà gần như đã kết thúc và thuộc loại sẽ không bao giờ được lặp lại nữa nếu xét về độ dài, sự nổi tiếng và vị trí của nó trong một xã hội Anh đã thay đổi.
“Trong khi chúng ta ca ngợi sự trung thành mạnh mẽ của Elizabeth II với việc dùng cả cuộc đời để phục vụ người dân, chúng ta cũng nên thừa nhận rằng một phiên bản cổ xưa của chế độ quân chủ giờ đây phải rút lui vào lịch sử,” nhà báo và nhà quan sát hoàng gia Tina Brown viết trong cuốn sách năm 2022 của cô, “The Palace Papers.”
Không có gì ghi lại khoảnh khắc này rõ ràng hơn hình ảnh của Nữ hoàng trong đám tang của chồng, được tổ chức vào năm 2021 trong bối cảnh các hạn chế liên quan đến đại dịch coronavirus. Mặc đồ đen và che mặt bằng mặt nạ, bà dường như đơn độc nếu không muốn nói là bị cô lập lọt thỏm trong các băng ghế dài của Nhà nguyện St. George, Windsor.
Những tháng sau đó được đánh dấu với tình trạng sức khỏe ngày càng yếu của bà, một lần nhập viện hiếm gặp và nhiễm trùng vòi trứng, bà đã không thể thực hiện các nhiệm vụ công cộng lâu đời và quen thuộc đối với dân chúng Anh.
Ở tuổi 90, bà duy trì lịch sự kiện và tần suất xuất hiện nghiêm ngặt. Số lần xuất hiện là hơn 400 trong Năm Kim Cương (60 năm trị vì) của bà. Cuộc sống công cộng của bà được xác định do những nhiệm vụ này, một số có vẻ tầm thường, chẳng hạn như bố thí tượng trưng, một số nhiệm vụ khác tràn đầy sự phô trương và lễ nghi – chẳng hạn như việc khai mạc Quốc hội hoặc tổ chức bữa tối cấp nhà nước.
Đối với người ngoài, những sự kiện lặp lại như vậy có vẻ mang tính hình thức, nhưng về tần suất lặp lại của chúng, Charles nói, chúng “giúp neo giữ tất cả” trong một thế giới năng động và hơn thế nữa, đưa Nữ hoàng đến với cuộc sống của người dân Anh.
Vai trò của bà với tư cách là Nữ hoàng đã định hình cuộc đời của Elizabeth, nhưng sự cống hiến không ngừng nghỉ của bà cho công việc cũng đã góp phần định hình chế độ quân chủ. Không giống như chị gái và một số người con của bà, bao gồm cả Charles, bà giữ cho cuộc sống cá nhân của mình rất kín đáo và tránh bê bối riêng tư cũng như tranh cãi công khai. Viễn cảnh thoái vị – đã có những lời kêu gọi về một động thái như vậy khi cháu trai và người thừa kế thứ ba của bà, Hoàng tử George, chào đời vào năm 2013 – là xa lạ với một người không bám vào quyền lực mà tập trung vào nghĩa vụ như bà.
Dickie Arbiter, một cựu phát ngôn viên của hoàng gia, cho biết vào thời điểm đó rằng sự quên mình của Elizabeth sẽ ngăn cản điều đó: “bà đã thề sẽ phục vụ suốt đời không chỉ cho người dân, mà cho cả Chúa”.
Điều nghịch lý – và có thể là chiến công vĩ đại nhất – trong triều đại của Elizabeth là khả năng có thể tỏ ra nghiêm túc trong một thời gian dài mà không để lộ nội tâm của mình. “Trong tất cả các nhân vật của công chúng trên thế giới, bà là người kín đáo nhất”, nhà báo kỳ cựu người Anh Bill Deedes viết vào ngày sinh nhật lần thứ 80 của bà.
Nữ hoàng Elizabeth không bao giờ trả lời phỏng vấn, xuất bản nhật ký của mình hoặc gây ra xung đột giữa các đảng phái chính trị.
Trong cuốn sách “The Real Elizabeth”, nhà báo và nhà sử học Andrew Marr đã viết, “Quan điểm của bà về vai trò của mình, rằng bà là một biểu tượng, và những biểu tượng tốt hơn hết nên giữ im lặng. Phong cách quân chủ của Nữ hoàng đã chôn vùi nhiều ý thức về bản thân, như chúng ta hiểu ngày nay… Nữ hoàng vẫn làm những gì bà làm. Chỉ có một khoảng trống nhỏ (dù là một không gian thú vị) giữa Nữ hoàng Elizabeth II và một người phụ nữ đã sống trọn cuộc đời mình”.
Về cuối đời, khi bà cắt giảm các nghĩa vụ công cộng và đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng cá nhân, không gian đó dường như nhỏ hơn bao giờ hết. Vào năm 2020, cháu trai của bà, Hoàng tử Harry về cơ bản đã chạy trốn khỏi gia đình hoàng gia sau cuộc hôn nhân với nữ diễn viên người Mỹ Meghan Markle. Năm 2021, Elizabeth mất đi người bạn tâm giao gần như trọn đời của mình là Hoàng tử Philip sau 73 năm chung sống, và bà phải đối mặt với sự mất mặt của cậu con trai thứ hai, Hoàng tử Andrew, do bị cáo buộc có hành vi tình dục sai trái.
Tuy nhiên, trong phần lớn thời gian trị vì của mình, Nữ hoàng đã khéo léo tuân thủ vai trò của mình đến mức thần dân của bà “thực sự biết ít hơn nhiều về nữ hoàng so với những gì họ tưởng tượng,” nhà viết tiểu sử Robert Lacey cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2015 với The Washington Post. “Nhưng đối với tôi, điều đó có vẻ ít quan trọng hơn là mọi người lại cảm thấy họ biết bà rất rõ.”
Tuy nhiên, nếu không phải vì một vụ ly hôn từ Baltimore, thế giới sẽ khó có thể biết đến một người phụ nữ thường được bạn bè biết đến với biệt danh thời thơ ấu là Lilibet.
Được đẩy lên sân khấu chính
Elizabeth Alexandra Mary Windsor được sinh ra là một công chúa hoàng gia vào ngày 21 tháng 4 năm 1926, tại nhà ông bà ngoại của bà ở quận Mayfair của London. Mẹ của bà, cũng tên là Elizabeth, xuất thân từ tầng lớp quý tộc Scotland. Cha của bà, Albert, Công tước xứ York, là con trai thứ hai của Vua George V. Em gái của Công chúa Elizabeth, Margaret Rose, được sinh ra bốn năm sau đó.
Cuối cùng cả gia đình bà chuyển đến một dinh thự trên khu đất cao cấp Windsor từ London, nơi đặt tên cho triều đại của họ. Khi còn là một đứa trẻ, Elizabeth đã có một cuộc sống nhẹ nhàng với tư cách một gia đình hoàng gia nhỏ.
Anh trai của bố Elizabeth, Edward, kế vị vua cha của họ khi ông vua này qua đời vào đầu năm 1936. Nhưng khi đó, Edward (gia đình gọi là David) lại yêu một phụ nữ Mỹ Wallis Simpson, người sắp ly hôn – lần ly hôn thứ hai của bà – khiến Simpson hoàn toàn không thích hợp để trở thành hoàng hậu trong mắt chính quyền Anh, và cả Nhà thờ Anh.
Edward sau đó thoái vị – một quyết định gây sốc mà H.L. Mencken gọi là “câu chuyện vĩ đại nhất kể từ sau Vụ đóng đinh Christ” – và em trai của Edward – bố của Elizabeth – trở thành Vua George VI.
Đột nhiên, vào năm 10 tuổi, cha Elizabeth trở thành vua nước Anh và khả năng một ngày nào đó Elizabeth sẽ là Nữ hoàng.
Elizabeth đã được học lịch sử nước Anh, về cuộc sống của các quốc vương và mối quan hệ thắm thiết của họ với Nghị viện Anh, nhưng những bài học đó là không đủ cho công việc cả đời phục vụ công chúng sau này của bà. Elizabeth cũng được được dạy cách lái xe ngựa và cưỡi ngựa khi để 2 chân một bên, một kỹ năng cần thiết sau này khi bà tham gia lễ duyệt đội quân danh dự.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, kết thúc khi bà 19 tuổi, bà đã không chạy đến Canada để được an toàn, như một số người đã khuyên, mà ở lại nước Anh và gia nhập quân đội.
Sau đó, bà đã tìm thấy người bạn đời của mình, Hoàng tử Philip, cũng là chắt nhiều đời của Nữ hoàng Victoria và là con trai của một hoàng tử Hy Lạp lưu vong. Philip đã ghi dấu ấn của mình khi còn là một sĩ quan trẻ trong hải quân Anh dưới sự bảo trợ của người chú Louis Mountbatten.
Đám cưới của họ diễn ra vào ngày 20 tháng 11 năm 1947, trong bối cảnh tái thiết sau chiến tranh, đã tạo ra cái mà Winston Churchill gọi là “một điểm sáng trên con đường khó khăn mà chúng ta phải đi.” Đến bây giờ thì đám cưới này hầu như không được nhớ đến, nhưng cuộc hôn nhân như trong truyện cổ tích giữa một công chúa rạng rỡ và một sĩ quan hải quân tóc vàng bảnh bao khi đó đã vượt qua tầm cỡ các đám cưới hoàng gia sau này của Thái tử Charles và Diana Spencer vào năm 1981 và Hoàng tử William và Kate Middleton năm 2011.
Elizabeth có bốn người con, Thái tử Charles (1948), Công chúa Anne (1950), Hoàng tử Andrew (1960) và Hoàng tử Edward (1964), tất cả đều còn sống. Bà và chồng Philip đã mong muốn vua George VI sẽ trị vì lâu dài và có cơ hội có được cuộc sống khá bình thường như một gia đình hải quân, nhưng vào mùa đông năm 1952, nhà vua qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 56. Elizabeth chấp nhận vai trò và số phận của mình ngay cả khi bà có thể khao khát một cuộc sống hoàn toàn khác, tránh xa ánh đèn sân khấu.
Nữ hoàng mới tìm kiếm sự tự tin
Công chúa Elizabeth và chồng khi đó đang ở Kenya và trên đường tới Úc, thay cho người cha ốm yếu của bà thực hiện chuyến thăm chính thức nước này. Khi bà biết tin nhà vua qua đời, bà đã bay về nhà với tư cách là Nữ hoàng mới 25 tuổi, và được một dàn lãnh đạo trầm mặc, bao gồm cả Churchill, chào đón tại sân bay.
Sự kiện lên ngôi Nữ hoàng của bà vào năm sau đó đã cho công chúng Anh thấy một sự phô trương rất cần thiết về sự hào nhoáng và lạc quan – về một Thời đại Elizabeth mới – trong một đất nước đang phải chịu sự thắt lưng buộc bụng sau chiến tranh, sự chia rẽ chính trị và chia rẽ xã hội gay gắt, sự tan rã của đế chế gồm các thuộc địa và sự suy giảm ảnh hưởng toàn cầu của nước Anh.
Lễ đăng quang của Elizabeth diễn ra tại Tu viện Westminster vào ngày 2 tháng 6 năm 1953 – ngày mà tin tức nhà leo núi Edmund Hillary của New Zealand đã đặt biểu tượng nước Anh lên trên đỉnh Everest trong một cuộc thám hiểm do người Anh dẫn đầu đã lan tới London.
Trong hơn 400 năm, quốc vương nước Anh đã phải đóng vai trò nguyên thủ quốc gia trong khi nhường quyền lực chính trị cho Nghị viện Anh và duy trì tính trung lập đảng phái nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nhờ tuổi thọ và sự siêng năng của mình, Elizabeth có vai trò là cố vấn hậu trường quan trọng cho hàng loạt thủ tướng kế nhiệm, những người đi vào đi từ Phố Downing đến Cung điện Buckingham để gặp bà vào thứ ba hàng tuần.
Trong những phiên họp đó, bà đã đưa ra những lời khuyên bí mật cho nhà lãnh đạo chính trị, xuất phát từ quan điểm độc đáo của bà về đời sống quốc gia và kiến thức tổng hợp về các nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao nước ngoài. Việc các thủ tướng có nghe theo lời khuyên của bà hay không thì là chuyện khác – các phiên họp diễn ra rất kín đáo, như các cuộc trò chuyện trong tòa giải tội.
Lúc đầu, sức ảnh hưởng của Elizabeth bị hạn chế do thiếu kinh nghiệm: năm 1952, Churchill là một con sư tử già vẫn còn có những hoài niệm tốt đẹp với Nữ hoàng Victoria. Nhưng cùng với năm tháng trôi qua, Elizabeth đã chứng kiến các thủ tướng đến rồi đi, và dần dần bà có thể đưa ra một tầm nhìn dài hạn được tích lũy bằng trí nhớ tuyệt vời về những cái tên và sự kiện. Thái tử Charles nói trong bộ phim tài liệu năm 2012 của BBC: “Giờ vị thế đã đảo ngược. Sau một thời gian dài, Nữ hoàng đã có kinh nghiệm của Sir Winston.”
Nhìn chung, Elizabeth được biết đến là người có quan hệ chặt chẽ với một số thủ tướng nhiều hơn những thủ tướng khác. Vào đầu những năm 1970, Edward Heath chỉ “coi bà như một đối tác kinh doanh cần thiết,” Ben Pimlott viết tiểu sử về Elizabeth. Tệ hơn nữa, một Heath ủng hộ châu Âu đã công khai chống lại các lợi ích của Khối thịnh vượng chung, và từng ngăn cản Nữ hoàng tham dự một hội nghị của các nhà lãnh đạo ở Singapore.
Với tư cách là quốc vương của Khối thịnh vượng chung gồm 15 vương quốc và hơn 50 quốc gia, Elizabeth đã giữ cho nước Anh liên kết chặt chẽ với các lãnh thổ cũ của mình. Năm 1999, người Úc từ chối một cuộc trưng cầu dân ý để trở thành một nước cộng hòa trong một cuộc bỏ phiếu được coi là phản ánh lòng trung thành với Nữ hoàng Elizabeth hơn là với Vương quốc Anh.
Rất nhiều lời ong tiếng ve đã được nói về mối quan hệ được cho là lạnh nhạt giữa Elizabeth và Margaret Thatcher, người đã phủ nhận mọi xích mích không đáng có giữa hai người. Pimlott lập luận rằng phong cách lãnh tụ của Bà đầm Thép đã khiến cả hai khó xử. Thatcher sẽ căng thẳng khi ngồi trên mép ghế của mình, điều này tự nó đã khiến Nữ hoàng không thấy yên tâm. Ông viết: “Các cuộc gặp gỡ giữa 2 người không còn là những dịp thân mật, và trở thành những cuộc hội kiến ngắn ngủi và mang tính hình thức”.
Hai trong số những người tiền nhiệm của Thatcher, Anthony Eden và Harold Wilson, đã biến các cuộc gặp với Nữ hoàng trở thành các buổi trị liệu tâm lý và hào hứng tận dụng chúng.
Marr, nhà báo kiêm nhà sử học viết: “Wilson thích thú gặp gỡ các thành viên của Hoàng gia Anh bất kỳ lúc nào ông cảm thấy bị các bộ trưởng từ phe cánh tả và cánh hữu bao vây.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét