"Dấu chân" Trung Quốc dọc dòng Mekong
Kiều Mai thực hiện
Sông Mekong là một trong những con sông lớn nhất thế giới, chạy dài hơn 4.000 km từ cao nguyên Tây Tạng tới Đồng bằng sông Cửu Long, trải rộng qua sáu quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Một điều đáng chú ý là trong khi một nửa chiều dài sông Mekong nằm ở Trung Quốc, phần lưu vực của sông tại nước này chỉ chiếm 1/5 tổng diện tích lưu vực sông. Khi rời khỏi Trung Quốc, sông Mekong đã kiến tạo một phần đáng kể diện tích lãnh thổ các nước hạ lưu, ngoại trừ Myanmar.
Trong hai thập kỷ qua và đặc biệt kể từ năm 2016, ảnh hưởng của các đập thủy điện tại khu vực thượng nguồn, cùng với sự sụt giảm lượng mưa trong mùa mưa, đã làm giảm lợi ích của các đợt lũ. Trong đó, các đập thủy điện lớn trên dòng chính tại Trung Quốc được xem là một phần nguyên nhân chính khi ảnh hưởng tới dòng chảy tự nhiên của dòng sông.
Sự bành trướng của Trung Quốc trong các dự án dọc sông Mekong
Những năm đầu 1990, Trung Quốc bắt đầu đặt dấu ấn trong quá trình phát triển chuỗi đập thủy điện trên sông Mekong khi hoàn thành đập đầu tiên có tên Mạn Loan (Manwan) vào năm 1993. Sau đó, số lượng đập thủy điện gia tăng đáng kể, đặc biệt trong những năm 2010, bao gồm cả những đập có quy mô lớn hàng đầu thế giới.
Sau Mạn Loan và Đại Triều Sơn (Dachaoshan), Trung Quốc tiếp tục hoàn thành đập Cảnh Hồng (Jinghong) – con đập gần với vùng hạ lưu nhất. Đây cũng là con đập kiểm soát việc quản lý nước của toàn bộ 11 đập thủy điện mà Trung Quốc xây dựng trên dòng chính sông Mekong thuộc lãnh thổ nước này.
11 đập thủy điện được xây dựng trên dòng chính sông Mekong tại Trung Quốc. Nguồn dữ liệu: Trung tâm nghiên cứu Stimson.
Các công ty Trung Quốc - trong đó có nhiều công ty thuộc sở hữu nhà nước - đã xây dựng hơn 130 đập thủy điện trên diện tích sông Mekong tại Trung Quốc. Hai trong số 11 đập trên dòng chính thuộc tốp 25 đập thủy điện lớn nhất thế giới về công suất, bao gồm đập Tiểu Loan (Xiaowan) - 4.200 MW, và đập Nọa Trác Độ (Nuozhadu) - 5.850 MW.
Theo dữ liệu từ Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ, 11 đập thủy điện trên có tổng thể tích trữ hơn 47 tỷ mét khối nước, và có thể tạo ra hơn 21.000 MW điện.
Vào mùa khô trên sông Mekong, các đập này xả nước để sản xuất và truyền tải điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng từ khu vực Tây Nam Trung Quốc đến vùng duyên hải công nghiệp. Để chuẩn bị cho mùa khô tiếp theo, các đập này nạp nước vào các hồ chứa trong mùa mưa, và điều này gây thiệt hại đáng kể cho các quốc gia ở hạ lưu vốn dựa vào nguồn tài nguyên tự nhiên của các cơn lũ.
Campuchia và Việt Nam từng bày tỏ lo ngại về việc lượng phù sa có thể mắc kẹt tại các đập của Trung Quốc - yếu tố rất quan trọng đối với sinh tồn của sản xuất nông nghiệp và nghề cá trong hệ thống biển hồ Campuchia (Tonle Sap) và Đồng bằng sông Cửu Long.
Các đập dọc dòng chính sông Mekong, 2022. Nguồn: Trung tâm nghiên cứu Stimson.
Ủy hội sông Mekong (MRC) trong báo cáo hồi đầu năm nay nhận định, các hồ chứa tại khu vực thượng nguồn sông Mekong không phải là động lực chính dẫn tới dòng chảy thấp ở vùng hạ lưu, mà còn là sự kết hợp cùng với khí hậu xấu đi và lượng mưa bất thường.
Theo dữ liệu, hai hồ chứa lớn nhất là Xiaowan và Nuozhadu năm 2019 thậm chí còn giữ lại lượng nước ít hơn so với năm 2020 và 2021 – những năm khô hạn nhất của vùng hạ lưu. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là mặc dù lượng nước được giữ lại không thay đổi nhiều giữa các năm, tỷ trọng trong tổng thể dòng chảy lại có sự dao động đáng kể.
Ví dụ, vào năm 2018, tổng lưu lượng nước đến thủy điện Stung Treng tại Campuchia vào mùa mưa sẽ cao hơn 5% nếu không có các đập Xiaowan và Nuozhadu. Nhưng lượng nước này sẽ cao hơn tới 9,3% vào năm 2020 - năm khô hạn bất thường, nếu như không có sự xuất hiện của hai đập lớn của Trung Quốc.
Điều này sẽ gây lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách, vì các dòng lũ trên sông Mekong cần đủ lượng nước có thể thể tích tụ được để thúc đẩy quá trình đảo ngược Tonle Sap và sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Nọa Trác Độ (Nuozhadu) là đập thủy điện có công suất lớn nhất trên dòng chính sông Mekong tính đến thời điểm hiện tại. Ảnh: Guillaume Lacombe/Cirad/Flickr.
Càng về thượng nguồn, tác động càng gia tăng, đặc biệt tại các vị trí gần các đập lớn, và rõ ràng hơn trong những năm có dòng chảy tự nhiên thấp, theo phân tích từ Trung tâm nghiên cứu Stimson.
Dữ liệu cũng cho biết thêm, trong số 10 đợt hạn hán gần nhất ở khu vực hạ lưu sông Mekong, có tới 8 đợt diễn ra sau khi Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện.
Không chỉ xây dựng các đập lớn trên lãnh thổ, Trung Quốc còn tham gia tài trợ nhiều dự án khác tại các nước láng giềng. Dữ liệu quan sát từ Stimson cho thấy Trung Quốc là nhà tài trợ/cho vay lớn nhất, và là tổng thầu xây dựng lớn nhất tính theo tổng công suất trong các dự án thủy điện dọc sông Mekong.
Công suất (MW) theo nhà tài trợ/cho vay. Nguồn dữ liệu: Stimson.
Tính toán của Trung Quốc đằng sau các đập thủy điện khổng lồ
Trả lời phỏng vấn TheLEADER, ông Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ, nhận định việc phát triển các đập thủy điện trên dòng chính của sông Mekong là một phần trong kế hoạch xây dựng đập trên các con sông ở phía Tây Nam Trung Quốc để khai thác thủy điện. Vì vậy, kinh tế là động lực đầu tiên của Trung Quốc.
Trong bối cảnh mới khi thế giới gia tăng tiếng nói và hành động tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0, Bắc Kinh xem các dự án này như các dự án năng lượng sạch nhằm bù đắp lượng khí thải từ than.
Tuy nhiên, Trung Quốc tỏ ra khá "hờ hững" với các tác động môi trường đối với vùng hạ nguồn gây ra bởi các dự án đập thủy điện tại nước này.
"Phản hồi từ Trung Quốc về các cáo buộc liên quan đến sông Mekong phần nhiều cho thấy sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin về tác động của các đập thủy điện đến vùng hạ lưu, hơn là cho thấy một âm mưu địa chính trị nào đó nhằm đưa các nước hạ nguồn vào phạm vi ảnh hưởng", ông Brian Eyler nhận định.
"Vấn đề ở đây là sự bất công lớn gây ra bởi việc thiếu hiểu biết, thiếu đánh giá về tác động của các đập thủy điện, lớn hơn thứ gọi là âm mưu địa chính trị nhằm mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực".
Người phát ngôn đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan trong phát biểu liên quan đến những báo cáo nhắm vào nước này hồi tháng 7/2019 khẳng định dòng chảy của sông Lan Thương (tên gọi của sông Mekong tại Trung Quốc) “chỉ chiếm 13,5% lượng nước chảy từ cửa sông Mekong”, và “các đập thủy điện xả nước vào mùa khô, trữ nước vào mùa mưa, có thể giúp điều chỉnh mực nước sông”, mang lại các tác động tích cực.
Mekong Butterfly, nhóm dân sự của Thái Lan chuyên nghiên cứu tác động của những con đập được xây dựng dọc sông Mekong, cho rằng, Trung Quốc cần kiểm chứng lại các hiểu biết, thông tin về sông Mekong.
"Trung Quốc cho rằng bản thân là một quốc gia lớn, nằm ở đầu nguồn sông Mekong, bắt đầu xây dựng các đập thủy điện vì lợi ích riêng mà không hề tiến hành bất kỳ quá trình tham vấn, hay sự tham gia của những người dân ở khu vực hạ lưu sông. Hành động như vậy không thể được coi là một động thái mang tính xây dựng vì lợi ích của người dân, hoặc vì sự hợp tác hài hòa trong khu vực", tổ chức này nhấn mạnh.
Một số ý kiến cũng không loại trừ yếu tố chính trịđằng sau các con đập chạy dọc sông Mekong tại Trung Quốc.
Ông Brian Eyler cho rằng, Lào đã tiến thẳng vào phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc, khi lựa chọn các công ty xây dựng của Trung Quốc và Thái Lan để phát triển hầu hết các đập thủy điện tại đây. Cách Bắc Kinh hình thành các đập như chứng tỏ với Lào rằng quốc gia này cũng có thể làm điều tương tự với tham vọng không cần kiềm chế.
Với Campuchia, tình thế có thể sẽ khác khi nghề cá tại quốc gia này bị ảnh hưởng bởi dòng chảy sông Mekong đang thay đổi. Hiện vẫn chưa rõ các tác động cụ thể, và Trung Quốc có thể giành được sự ảnh hưởng sâu rộng ở Campuchia mà không cần tới sự tác động từ những con đập ở thượng nguồn.
Các đợt lũ lụt vào mùa mưa giúp đảo ngược dòng chảy của sông Tonle Sap, giúp nơi đây trở thành một trong những ngư trường trong đất liền lớn nhất thế giới. Sản lượng cá đánh bắt tại hồ Tonle Sap cung cấp tới 70% lượng protein tiêu thụ của người dân Campuchia. Ảnh: Brian Eyler.
Với Thái Lan và Việt Nam, rất ít bằng chứng cho thấy việc xây dựng chuỗi đập trên thượng nguồn sông Mekong thuyết phục được hai quốc gia này.
"Tôi nghĩ rằng vấn đề ở đây là sự bất công lớn gây ra bởi việc thiếu hiểu biết, thiếu đánh giá về tác động của các đập thủy điện, lớn hơn thứ gọi là âm mưu địa chính trị nhằm mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực", ông nhấn mạnh thêm.
Brahma Chellaney, tác giả cuốn "Water: Asia's New Battleground" từng đánh giá trên Nikkei, rằng thông qua việc xây dựng nhiều đập và nhiều hạ tầng phân phối nguồn nước ở vùng biên giới, Trung Quốc đang tạo ra một cơ sở rộng lớn tại thượng nguồn, giúp quốc gia này có thể vũ khí hóa nguồn nước. Hoạt động xây đập của Bắc Kinh được nhận định gây hại cho nhiều mối quan hệ tại khu vực châu Á.
Trung Quốc cũng từng đưa ra lời hứa giải phóng nước từ các con đập nhiều hơn cho các quốc gia bị hạn hán nhưng rõ ràng, lời đề nghị này chỉ càng cho thấy rõ sự phụ thuộc của các nước hạ nguồn vào thiện chí của người láng giềng khổng lồ.
Trước nguy cơ các vấn đề về nước trở nên nghiêm trọng hơn trên khắp châu Á, lục địa này phải đối mặt với sự lựa chọn rõ ràng, hoặc là đi theo con đường hiện tại – có thể dẫn tới suy thoái môi trường nhiều hơn và thậm chí chiến tranh nước, hoặc là thay đổi cơ bản thông qua hợp tác dựa vào các quy tắc.
Tuy nhiên, con đường thứ hai rõ ràng không thể hiện hữu nếu không có sự hợp tác của Trung Quốc và cho đến nay, nước này vẫn từ chối tham gia vào các thỏa thuận chia sẻ nguồn nước với các nước láng giềng.
Chia sẻ dữ liệu – nút thắt trong xung đột nước tại khu vực
Theo ông Brian Eyler, không chỉ chọn cách phớt lờ các vấn đề sinh thái và tài nguyên thiên nhiên đang bị đe dọa ở hạ nguồn sông Mekong, Bắc Kinh còn tán thành quan điểm về việc các đập thủy điện thượng nguồn giúp kiểm soát lũ lụt và giảm hạn hán dù thiếu nhiều bằng chứng.
Phát biểu từ đại diện phía Trung Quốc cũng mâu thuẫn với các quan điểm chính thức từ MRC. Do đó, nếu cần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa MRC và Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC), thì cuộc đụng độ này sẽ cần được giải quyết theo cách tốt hơn, hoặc có thể là sẽ tệ đi.
Trung Quốc tuyên bố các dữ liệu về hoạt động đập của nước này được bảo vệ như một bí mật quốc gia, và áp dụng cho cả những con đập được xây dựng trên các dòng sông xuyên biên giới của nước này.
Thiếu hụt các dữ liệu này khiến các quốc gia hạ nguồn khó có thể quy trách nhiệm đầy đủ cho Bắc Kinh liên quan đến tình trạng nghề cá bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lũ lụt đổ về đột ngột, hay các quá trình sinh thái quan trọng ở những khu vực đồng bằng phía dưới bị hủy hoại nghiêm trọng.
Các nước ở hạ nguồn cũng không thể lập kế hoạch phù hợp cho các hoạt động vận hành trương lai nếu Trung Quốc không công bố dữ liệu, ông phân tích.
Đập Tiểu Loan (Xiaowan) trên dòng chính sông Mekong tại Trung Quốc là một trong số 25 đập thủy điện lớn nhất thế giới tính theo công suất. Ảnh: Guillaume Lacombe/Cirad/Flickr.
Dự án Giám sát các đập trên sông Mekong (MDM) do Mỹ tài trợ được công bố hồi 2020 đã phát triển một số phương pháp nhằm cải thiện tính minh bạch về hoạt động của các đập thủy điện tại Trung Quốc, cũng như một số khác ở Lào, Campuchia và Việt Nam. Động thái này đã gia tăng đáng kể trách nhiệm giải trình thông tin trong khu vực.
Đơn cử, ngay trước khi dự án này ra mắt, MLC do Trung Quốc và 5 nước sông Mekong cùng khởi xướng và xây dựng, đã ra mắt cổng thông tin trực tuyến báo cáo về mực nước sông bên dưới đập trên dòng chính tại tỉnh Vân Nam theo từng giờ.
"Đây là điều chưa từng xảy ra trước đây, và chúng tôi tin rằng những hành động trước khi ra mắt MDM là chất xúc tác cho sự thay đổi tích cực tại Trung Quốc", ông Brian Eyler cho biết thêm.
Kể từ đó, Trung Quốc đã cam kết chia sẻ dữ liệu nhiều hơn dù thực tế chưa mang lại nhiều kết quả, và đã bắt đầu đồng bộ hóa một số phương pháp dữ liệu với cách của Ủy hội sông Mekong.
Năm 1966, Trung Quốc đồng ý trở thành đối tác đối thoại của MRC, chỉ một năm sau khi tổ chức này chính thức thành lập, nhưng cho đến nay, vẫn chưa tham gia với tư cách thành viên đầy đủ.
Tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao MLC lần thứ 7 mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết, Trung Quốc sẽ luôn theo đuổi chính sách ngoại giao láng giềng thân thiện, chân thành, cùng có lợi, đề cao lợi ích chung và bao trùm, đặt tình hữu nghị lên hàng đầu, và chia sẻ lợi ích hợp tác với các nước Mekong.
Sinh kế của hàng chục triệu người dân đang bị đe dọa bởi các sự thay đổi trên dòng sông Mekong.
Trong thời gian tới, ông Brian Eyler nhấn mạnh, cần có một thỏa thuận quốc tế về chia sẻ tài nguyên nước, và bằng cách thiết lập các cơ chế sự báo, cảnh báo sớm trên toàn khu vực.
Cùng với đó, các cơ chế giúp bù đắp tổn thất cho các nhà phát triển thủy điện tại Trung Quốc cũng sẽ giúp các nước hạ lưu sông Mekong tiết kiệm hàng tỷ USD từ việc giảm thiểu thiệt hại.
Một lựa chọn khó khăn nhưng công bằng hơn là thiết lập yêu cầu về dòng chảy tối thiểu trong cả năm cho mỗi đập thủy điện trên sông Mekong, bao gồm cả khu vực phụ lưu, nhằm đảm bảo, hỗ trợ nhịp chảy tự nhiên của sông.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng cách tiếp cận này đi kèm với một mức giá rất cao, và có thể gây thêm rủi ro cho các tài nguyên nhiên nhiên.
K.M.
Nguồn: The Leader
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét