Cách cai trị của Putin dựa trên di sản bạo lực Châu Á [1]
Tác giả: Jörg Himmelreich, NZZ 30-8-2022
Biên dịch và chú giải: Tôn Thất Thông
Giới thiệu: Rất nhiều nhà phân tích phương Tây ngạc nhiên về sự bùng nổ chiến tranh ở Ukraine. Có lẽ vì họ quen phân tích theo lo-gic đúng hoặc sai, lợi ích hoặc rủi ro. GS Jörg Himmelreich của đại học Paris dùng cách tiếp cận khác, đứng trên quan điểm lịch sử để truy tìm nguyên nhân phát sinh bạo lực tại Nga nói chung. Cách tiếp cận này có lẽ có ích cho chính trị gia thế giới khi đối đầu với những xung đột lớn trong tương lai, thí dụ như đối đầu với Trung Quốc chẳng hạn. (Xin xem thêm chú giải ở cuối bài, được đánh số bằng [x]).
Adolphe Yvon: “Trận chiến Kulikovo” – Tại đây các tiểu công quốc Nga đã giành chiến thắng trước Mông Cổ, góp phần đáng kể vào việc đuổi họ ra khỏi đất nước.
Nga thuộc về phương Tây hay thuộc về châu Á là một câu hỏi muôn thuở gây tranh cãi trong giới trí thức Nga. Sau khi Liên Xô sụp đổ, người ta tin rằng, đất nước này có thể tìm thấy một vị trí trong ngôi nhà chung châu Âu. Nhưng cuộc xâm lược Ukraine làm dấy lên những nghi ngờ cơ bản.
Hình ảnh nước Nga dưới mắt nhìn của người châu Âu, đặc biệt là của người Đức mang dấu ấn của một sự hiểu lầm tai hại. Nó đã ảnh hưởng rất lớn lên tư duy khiến mọi người ngạc nhiên trước cuộc xâm lược Ukraine của Putin và cách hành xử tàn bạo của Nga trong cuộc chiến. Trong một thời gian dài trước đây, người ta tin rằng Nga cuối cùng sẽ trở thành một phần của ngôi nhà chung châu Âu trải dài từ Lisbon cực Tây đến Vladivostok ở Viễn Đông. Mikhail Gorbachev đã có một giấc mơ đẹp đẽ về điều này vào cuối thập niên 1980.
Phần đông trí thức Nga từ thế kỷ 19, với ảnh hưởng của trào lưu khai sáng châu Âu, dường như muốn tìm kiếm cho dân tộc Nga một bản sắc mới. Nhưng điều này không gây ảnh hưởng nào đến các nền chính trị chuyên quyền trong Đế chế Nga hoàng, cũng hầu như không có ảnh hưởng gì trong thời đại Liên Xô, và ngay cả sau khi nó sụp đổ để trở thành Liên bang Nga dưới thời Yeltsin và Putin.
Sự thống trị khủng khiếp của người Mông Cổ
Trên nhiều khía cạnh, văn hóa chính trị của Nga không có tính chất châu Âu, mà là châu Á – sau khi chịu ảnh hưởng của cuộc xâm lược của bộ tộc du mục Mông Cổ. Vào những năm 1237/38 và 1239/41, quân Mông Cổ xâm lược vùng đất vốn dĩ lúc đó là các công quốc yếu kém của vùng đất gọi là Kyivan Rus [2] bao gồm cả Tây Nga hôm nay. Họ tàn phá làng mạc và thị trấn, biến Kyiv thành đống đổ nát và tàn sát mọi thứ họ gặp trên đường tiến quân. Biên niên sử của Nga đã kể chi tiết về sự dã man tàn bạo đó.
Nhiều đặc điểm của chế độ cai trị của người Mông Cổ vẫn còn ảnh hưởng đến văn hóa và chính trị nước Nga cho đến ngày nay. Người Mông Cổ không quan tâm đến đất đai được mở rộng, mà họ chỉ quan tâm đến tiền bạc, cống phẩm và những người đàn ông để phục vụ quân đội. Không có gì để tranh cãi rằng, Hãn Mông Cổ là người cai trị đầu tiên đối với Kyivan Rus, vốn dĩ trước đó đã được chia thành các tiểu công quốc. Các công tước phải cống nạp cho Hãn Mông Cổ. Điều này buộc các công tước phải bóp nghẹt người dân của họ một cách tàn nhẫn, bởi vì công tước nào cống nạp quá ít sẽ bị loại bỏ. Ngược lại, với các khoản cống nạp càng cao, họ càng giành được sự ưu ái của các Hãn Mông Cổ.
Gia tộc Nevsky từ công quốc Moscow, lúc đó vẫn chưa có sức mạnh đáng kể, đã hành động khéo léo nhất trong các bạo chúa này. Họ đã thành công trong việc trở thành người thu gom cống vật duy nhất thay mặt cho Hãn Mông Cổ, đẩy các tiểu công quốc khác vào hàng thứ yếu và từ đó giành được quyền lực đối với tất cả những nhóm khác trong dài hạn và xây công quốc Moscow trở nên hùng mạnh.
Sự hiểu biết về quyền lực của các tiểu công tước Nga tập trung phần lớn vào kinh tế. Đối với họ, công quốc là tài sản riêng của họ. Họ có thể khai thác, lạm dụng hoặc phá hủy con người và đất đai theo ý muốn. Trong khi mối quan hệ của công tước với dân chúng đã lỏng lẻo, sự cô lập của ông càng trở nên trầm trọng hơn bởi hệ thống triều cống tàn nhẫn trong thời kỳ lệ thuộc vào ngoại bang Mông Cổ.
Trong hoàn cảnh này, ý thức về trách nhiệm chính trị hầu như không thể phát triển, vì quyền lực chỉ phục vụ cho việc tích lũy tài sản tư nhân. Nếu người dân nổi dậy, họ chỉ cần dùng quân Mông Cổ để đe dọa. Đây là cách họ có được sự phục tùng vô điều kiện. Cuộc sống ở Nga trở nên tàn bạo dưới ách thống trị kéo dài của người Mông Cổ. Án tử hình chẳng hạn, vốn chưa được biết đến trong thời kỳ Kyivan Rus, được du nhập vào đây bởi người Mông Cổ.
Bản thân các công tước nhận thức sâu sắc rằng, quyền lực chính trị chủ yếu là sự vơ vét tài sản công để làm của riêng. Điều đó về cơ bản khác với cách hiểu về chế độ cai trị của người châu Âu thời Trung cổ và còn kéo dài cho đến ngày nay. Ở Tây Âu có một sự khác biệt nghiêm ngặt giữa tài sản cá nhân và quyền lực, giữa thái ấp [3] và đế chế.
Dưới sự thống trị của người Mông Cổ, truyền thống cai trị ở Nga về nhà nước quyền lực tuyệt đối nổi lên: nhà nước đại diện cho bạo lực và sự độc đoán, nó giành giật mọi thứ có thể giành được, và mọi người phục tùng nó vì nếu nổi loạn, họ sẽ không thể sống sót. Sự tương đồng với chế độ tham lam và sa đọa hiện nay của Putin thật rõ ràng; cai trị bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi đã là một phần thuộc hệ thống cai trị của Nga trong nhiều thế kỷ.
Khái niệm của Marx về “Chủ nghĩa chuyên chế châu Á” [4]
Trong các tác phẩm của mình, Karl Marx đã đặt ra thuật ngữ “phương thức sản xuất châu Á” để lý giải chế độ chính trị chuyên quyền và kinh tế kiểm soát đặc biệt của Nga. Với điều này, ông đã kết hợp trật tự tập trung chính trị của một “chế độ chuyên chế Châu Á” để thống trị toàn bộ đời sống kinh tế ở Nga.
Về điều này, từ xưa Herodotus [5] đã coi văn hóa cai trị của các vị thần Ba Tư [6] – những vị thần thích sự lộng lẫy và phô trương – là một trật tự chính trị xa lạ với người Hy Lạp. Việc nói về “chủ nghĩa chuyên quyền châu Á” như một thứ gì đó vô cùng xa lạ đối với văn hóa chính trị châu Âu cũng thường xuyên được tìm thấy sau này trong lịch sử triết học chính trị từ Machiavelli đến Hegel. Aristotle tin rằng người châu Á chịu đựng sự cai trị chuyên quyền tốt hơn người châu Âu.
Marx lần theo dấu vết của “chủ nghĩa chuyên chế châu Á” ở Nga và tìm thấy nguồn gốc của nó ở thời kỳ thống trị của người Mông Cổ: “Vết bùn đẫm máu của chế độ nô lệ Mông Cổ, chứ không phải vinh quang thô lỗ của những thế kỷ dưới thời đại Norman [7], là cái nôi của Moscow, và nước Nga hiện đại là một biến thể của công quốc Moscow thuộc Mông Cổ này”, ông viết như thế trong “Những tiết lộ về lịch sử ngoại giao trong thế kỷ 18» từ năm 1856/57.
Nhà khoa học xã hội và cộng sản người Đức đã chạy trốn khỏi Đức Quốc xã để đến Hoa Kỳ, Karl August Wittfogel (1896–1988) cho rằng, chính trị nước Nga cũng giống như một “chế độ chuyên quyền châu Á” [8]. Cũng theo ông, nó có đặc điểm là phần lớn ruộng đất thuộc về nhà nước, giai cấp thống trị không đầu tư của cải vào tư liệu sản xuất mà tự làm giàu thông qua bộ máy nhà nước. Không có trung tâm quyền lực nào ngoài nhà chuyên chế và hành chính – không có giới quý tộc tự tin, không có thành phố tự trị và không có nhà thờ độc lập như chúng đã tồn tại ở châu Âu để làm đối trọng quyền lực với hoàng đế và vua chúa.
“Chủ nghĩa chuyên quyền châu Á” của Nga vẫn còn nguyên vẹn trong suốt quá trình lịch sử của lòng tự tin của giới tư sản. Ở đó, không có trào lưu phục hưng (Renaissance), cũng không có một cuộc cải cách tôn giáo (Reformation) nào, và văn hóa lý tính của thời đại Khai sáng Châu Âu chỉ lan đến những bộ phận nhỏ của giới tinh hoa đô thị. Không có sự phát triển của lòng tự tin cá nhân và không có ý thức tự do tư sản, nước Nga chưa bao giờ kiến tạo được một xã hội dân sự mạnh mẽ.
Giới sử học Liên Xô phủ nhận di sản châu Á lên dân tộc Nga, vì đối với họ, điều đó thật xấu hổ. Nó mâu thuẫn quá mức với lý tưởng toàn cầu của cộng sản Liên Xô về cuộc giải phóng công nhân và nông dân trong cuộc cách mạng vô sản thế giới. Mặt khác, bản thân Stalin vẫn tự hào mô tả mình là “người Gruzia châu Á”. Nhà khoa học chính trị người Nga Sergei Karaganov, người thân cận với Điện Kremlin, viết: “Nga là một quốc gia có nền văn hóa châu Âu, nhưng về mặt xã hội và chính trị là người thừa kế của đế chế Thành Cát Tư Hãn”.
Phong trào Á-Âu, một nhóm chính trị gồm những trí thức đặc biệt ở Liên Xô trong thập niên 1920, thậm chí còn ca ngợi di sản từ sự thống trị của Mông Cổ, mà theo triết gia Trubetskoy [9], đã tạo tiền đề cho Liên Xô theo đuổi “sứ mệnh Á-Âu” để trở thành địa vị lãnh đạo đối với toàn bộ khu vực Á-Âu. Ngày nay, viễn kiến Á-Âu này vẫn được quảng bá bởi triết gia cực hữu Alexander Dugin, người nổi tiếng là người ảnh hưởng lên tư tưởng của Putin. Ông cung cấp cho Putin lý luận về tính chính danh của văn hóa lịch sử cho việc sử dụng bạo lực để tạo trật tự mới trong khu vực Á-Âu trên lãnh thổ của đế chế Nga trước đây, điều mà Putin đang muốn đạt đến ở Ukraine hiện nay.
Thiếu sót lịch sử
Một số nhà sử học phương Tây chuyên về Đông Âu thích hạ thấp vai trò của di sản Mông Cổ về một “chế độ chuyên quyền châu Á” của Nga để làm sáng tỏ một cách mạnh mẽ hơn những mầm mống mong manh của phương pháp tiếp cận dân chủ trong lịch sử Nga. Thí dụ như, việc dựng nên trách nhiệm chính trị tạm thời của tiểu công tước Novgorod, người được người Mông Cổ tha thứ, để chống lại các tiểu quốc Boyars vào thế kỷ 13, hoặc như cuộc cách mạng năm 1905, hoặc cuộc cải cách của Stolypin từ 1906 đến 1911, hoặc Perestroika của Gorbachev. Tuy nhiên, những giai đoạn tự do này chỉ thoáng qua như những giây phút lịch sử ngắn ngủi trong quá trình phát triển lâu dài của lịch sử Nga nói chung. Những trào lưu đó khó có thể thành công về lâu dài.
Với sự thiết lập các trọng điểm này, niềm mong mỏi phổ biến rộng rãi trong các diễn đàn lịch sử-chính trị công cộng có thể được thỏa mãn rằng, một ngày nào đó Nga sẽ trở thành một phần của ngôi nhà chung châu Âu theo một hình thức dân chủ nào đó. Ảo tưởng này có thể vẫn được chia sẻ bởi nhiều trí thức và văn nghệ sĩ Nga can đảm đang sống lưu vong, nhưng họ chỉ đại diện cho một lực lượng mỏng manh về mặt số lượng.
Đại đa số dân chúng Nga không quen thuộc với văn hóa chính trị của phương Tây – một phần do nền tảng lịch sử của nó, nhưng phần khác cũng vì những tuyên truyền thường trực về ý thức hệ của các phương tiện truyền thông do Điện Kremlin kiểm soát. Điều đó khiến Putin trở nên vô địch, không thể bị thách thức trong nội bộ. Chế độ độc tài tàn bạo của Putin được xây dựng trên di sản bạo lực châu Á trong chế độ cai trị của Nga. Do đó, gần như chắc chắn rằng, ông ta sẽ tiếp tục tồn tại.
Thật đáng nghi ngờ khi cho rằng, thực sự có một vị trí cho Nga trong ngôi nhà châu Âu. Nhưng dù sao trong những năm tới, ngôi nhà này phải được bảo vệ khỏi những hoang tưởng vĩ cuồng về một vị trí siêu cường trong tư tưởng những kẻ nắm quyền ở Moscow. Một trật tự hòa bình của châu Âu chỉ có thể thực hiện bằng cách đối đầu với Nga. Phương Tây không thể cô lập hoàn toàn một đất nước đã tự biến mình thành kẻ thù qua hành động xâm lược Ukraine, nhưng việc ngăn chặn ý thức hệ một cách dứt khoát và răn đe bằng quân sự cuối cùng đã được chứng minh là một chính sách hòa bình thành công triệt để trong Chiến tranh Lạnh.
Nguồn tiếng Đức: https://www.nzz.ch/feuilleton/russlands-asiatisches-erbe-ld.1699074 (Putins Herrschaft baut auf einem asiatischen Gewalterbe, das seine Zeit überleben wird – der Traum vom gemeinsamen europäischen Haus ist eine Illusion).
Jörg Himmelreich là giáo sư khoa học chính trị và giảng dạy tại École Supérieure de Commerce de Paris (ESCP) ở Paris và Berlin.
Xem thêm các bài viết và dịch của Tôn Thất Thông
Ghi chú của người dịch:
Vì từ ngữ Việt Nam chưa thống nhất, xin độc giả để ý vài ghi chú sau đây:
[1] dịch từ bản gốc tiếng Đức là Asiatische Gewalterbe (Asian heritage of violence). Đúng ra, phải dịch là Di sản bạo lực theo phong cách châu Á cổ.
[2] Kyivan Rus: Vào cuối thế kỷ thứ 9, các chiến binh và thương nhân Norman ở Bắc Âu, có tên là người Rus, đã thành lập một liên đoàn thống trị ở trung lưu sông Dnipró với trung tâm là Kyiv. Liên đoàn đó tự lấy tên là Rus, hay Kyivan Rus, tức là Rus có trung tâm ở Kyiv, bao gồm vùng đất rộng lớn hiên nay là Belarus, Ukraine và Tây nước Nga kéo dài đến Moscow.
[3] Thái ấp được tạm dịch từ Dominium. Đó là vùng cai trị bao gồm đất đai và tất cả tư hữu được cai trị bởi một quan chức cao cấp hoặc người có thế lực được công tước hoặc vua bảo trợ.
[4] Dịch từ Asiatische Despotie (Asian Despotism).
[5] Herodotus là sử gia nổi tiếng Hy Lạp sống vào thế kỷ 5 trước CN. Herodotus được người đời sau tôn vinh là Người tổ phụ của ngành sử học.
[6] Ba Tư dưới mắt các sử gia cổ là thuộc về cận đông (Oriental), hoặc có thể gọi là Tây Á.
[7] Xem ghi chú [2] về Kyivan Rus
[8] Chính xác hơn, thuật ngữ mà sử gia Karl August Wittfogel dùng là Chủ nghĩa chuyên chế phương Đông(Orientalische Despotie – Oriental Despotism) là một khái niệm được ông hồi sinh trong thế kỷ 20, vốn dĩ đã có từ thời Aristotle và Montesquieu, và cũng được hình thành trong các lý thuyết xã hội của Karl Marx khi luận bàn về đề tài phương thức sản xuất châu Á.
[9] Trubetskoy là văn sĩ và triết gia nổi tiếng của Liên Xô trong tiền bán thế kỷ 20.
J.H.
Nguồn: diendankhaiphong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét