Bảo tàng Huế tái hiện sai sự kiện Vua Bảo Đại thoái vị? Cách mạng tháng Tám
TS Cù Huy Hà Vũ
Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ California, Hoa Kỳ
Cựu hoàng Bảo Đại, ảnh chụp năm 1992. ẢNH: REUTER RAYMOND/SYGMA VIA GETTY IMAGES
Từ 2014, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế có phòng tái hiện cảnh Vua Bảo Đại thoái vị, trao ấn và kiếm, các biểu tượng của vương quyền, cho phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH).
Phái đoàn gồm Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Tuyên truyền, Cù Huy Cận, Bộ trưởng không bộ, thân phụ người viết bài này khi đó mới 26 tuổi, và Nguyễn Lương Bằng, theo Bảo tàng.
Đáng tiếc là cảnh tái hiện sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất này của Việt Nam – chuyển giao quyền lực từ chế độ quân chủ sang chính thể Cộng hòa cùng lúc với giành lại Độc lập cho dân tộc Việt Nam – lại sai nghiêm trọng so với lịch sử ở rất nhiều chi tiết mà tôi sẽ chỉ ra sau đây.
Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế tái hiện vua Bảo Đại trao ấn và kiếm cho đại diện Chính phủ CMLT VNDCCH tại lễ thoái vị ngày 30/8/1945. ẢNH: VOV
Ấn và kiếm
Cảnh tái hiện cho thấy ấn có núm tròn, giống núm con dấu của các cơ quan hành chính Việt Nam hiện nay và thanh kiếm thì thẳng, hoàn toàn khác với ấn và kiếm tại lễ thoái vị của Vua Bảo Đại được lưu trữ qua ảnh và văn bản.
Một bức ảnh chụp Trần Huy Liệu đang nhận thanh kiếm từ Bảo Đại cho thấy thanh kiếm cong, với chuôi màu trắng có quai.
Vua Bảo Đại thoái vị trước đại diện Chính phủ CMLT VNDCCH ngày 30/8/1945 tại Huế. Nhìn ảnh thấy chiều cao của vua Bảo Đại khác hẳn cảnh 'tái hiện' trong Bảo tàng tại Huế. ẢNH: BẢO TÀNG LỊCH SỬ THỪA THIÊN - HUẾ
Thanh kiếm trong bức ảnh này giống hệt thanh kiếm trong buổi lễ trao lại ấn và kiếm cho Bảo Đại trong cương vị Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam do quân Pháp tổ chức tại Hà Nội ngày 8/3/1952.
Cũng cần nhắc lại vì sao có sự kiện trao lại cặp ấn, kiếm cho Bảo Đại.
Nhằm đối phó với ảnh hưởng chính trị không ngừng tăng của Chính phủ VNDCCH cũng như tranh thủ viện trợ quân sự của Mỹ trong bối cảnh Pháp ngày càng đuối sức trong cuộc tái chiếm Việt Nam, Pháp tìm tới “giải pháp Bảo Đại”. Ngày 8/3/1949, tại Paris, Tổng thống Pháp Vincent Auriol ký với cựu hoàng Bảo Đại Hiệp định Élysée thành lập Quốc gia Việt Nam nằm trong Liên hiệp Pháp.
Ngày 28/2/1952, khi đào một ngôi nhà ở làng Nghĩa Đô để lấy gạch xây đồn bốt, quân Pháp đã tìm thấy một một thanh kiếm và một chiếc ấn chôn dưới đó.
Theo báo cáo ngày 28/2/1952 của Quận trưởng Quảng Bá - Yên Thái gửi Đại lý Hành chính Hoàn Long, Văn phòng Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam tại Đà Lạt (3), “thanh kiếm vỏ bằng vàng trạm (chạm) chuôi bằng ngọc thạch” và “quả ấn bằng vàng nuột (vàng ròng), tay nạm (núm) là một con rồng”.
“Có lẽ ấn và kiếm này là Bảo vật trong khi Đức quốc trưởng Bảo Đại thoái vị đã trao cho Việt Minh mà đến khi họ rút lui khỏi làng Nghĩa Đô đem chôn dấu vào móng tường nhà này”.
Mười ngày sau, ngày 8/3/1952, tròn ba năm sau Hiệp định Élysée, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Tướng François de Linarès, Tư lệnh quân Pháp tại Đông Dương, tổ chức long trọng lễ trao lại cặp ấn, kiếm cho Bảo Đại trong cương vị Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam. Đặc uỷ viên Văn phòng Quốc trưởng tại Hà Nội là Lê Thanh Cảnh tiếp nhận hai quốc bảo này.
Ngự lâm quân nâng ấn và kiếm do quân Pháp tìm thấy và trao lại cho Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam Bảo Đại tại Hà Nội ngày 8/3/1952. ẢNH: VIETNAMNET
Năm 1996, bà Mộng Điệp, thứ phi của Bảo Đại, kể cho nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân: “Chính tay tôi đã lau chùi cặp ấn kiếm khi ông Lê Thanh Cảnh đi tàu bay từ Hà Nội đem lên Ban Mê Thuột giao cho tôi. Cái kiếm bị gãy làm đôi. Tôi nhờ hai người hầu cận là anh Tứ Lang và anh Thừa Tể đi hàn lại. Hai anh đem cái kiếm đi hàn rồi nhờ người ta mài để không còn thấy dấu vết gãy. Còn cái ấn bằng vàng, chính tay tôi cân nặng 12,9 kg. Cái núm ấn hình con rồng. Con rồng uốn cong và ngóc đầu lên. Con rồng không được sắc sảo lắm, có đính hai hạt ngọc đỏ, trông giống như con rắn”.
Bà Mộng Điệp kể tiếp: “Sau đó ông Bảo Đại về, tôi nói: “Ấn kiếm Ngài đã trao cho phái đoàn ông Trần Huy Liệu, không hiểu sao lại rơi vào tay người Pháp. Vừa rồi họ gọi trả lại cho Ngài”. Ông Bảo Đại đến giật cái khăn đỏ ra và bảo: “Ờ! Đúng rồi... Ngày xưa những thứ nầy ra đi nó cứu mạng anh. Bây giờ tự nhiên nó lại về có lẽ mình sắp chết rồi!”. Tôi nói: ”Sao lại chết? Đáng lẽ Ngài mừng mới phải?”. Ông nói đùa với tôi: “Mừng vì nó gần 13 ký lô vàng chứ gì? Bởi thế em mới cho người canh gác cẩn thận!”
Vẫn theo bà thứ phi này, năm 1953 chiến tranh trở nên ác liệt, Bảo Đại cử bà mang hai quốc bảo ấy sang Pháp để giao lại cho Hoàng hậu Nam Phương và Hoàng tử Bảo Long. Như thế, hai bảo vật này đang ở Pháp.
Dung mạo và chiều cao của những “người trong cuộc”
Cần nói thêm rằng khác với các bảo tàng tượng sáp ở Singapore, Anh Quốc... dung mạo của các bức tượng thể hiện Bảo Đại, Trần Huy Liệu, Cù Huy Cận và Nguyễn Lương Bằng không có lấy một nét của các nhân vật này, và chiều cao cũng sai.
Đầu tiên là chiều cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi hỏi cha tôi, Cù Huy Cận, người từng làm việc cận kề với nhà lãnh đạo VNDCCH suốt 10 năm trong tư cách Bộ trưởng và Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ, thì ông nói: “Bác Hồ cao khoảng 1m69, cao hơn người Việt Nam trung bình ở thế kỷ 20. Bố chỉ cao 1m62”.
Tôi tin cha tôi bởi ông từng ước lượng khá chính xác trọng lượng ấn mà Bảo Đại trao tại lễ thoái vị. Ông nói ấn nặng “gần 10 kg”, khá sát với trọng lượng thực của ấn là 10 kg 5345 (280 lạng, 9 tiền (chỉ), 2 phân vàng ròng). Trong khi đó, Trần Huy Liệu cho rằng ấn nặng 7 kg. Còn theo Mộng Điệp, như trên đã dẫn, ấn nặng tới 12,9 kg.
Cựu hoàng Bảo Đại được cho là cao 1,82m. Trong bức ảnh Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến ra mắt tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, nước VNDCCH, 2/3/1946, ngài Vĩnh Thụy, tức cựu hoàng Bảo Đại, Cố vấn tối cao của Chính phủ, thứ sáu từ phải sang, ngay bên trái Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho thấy ông cao hơn vị Chủ tịch.
Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến ra mắt tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa 1 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2/03/1946. ẢNH: QUỐC HỘI VIỆT NAM
Trong bức ảnh Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới đây, Trần Huy Liệu đứng ngay bên tay trái Hồ Chí Minh. Nếu Hồ Chí Minh cao khoảng 1m69 thì Trần Huy Liệu có lẽ chỉ cao khoảng 1m57.
Chính phủ CMLT VNDCCH ra mắt quốc dân tại Hà Nội ngày 2/9/1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng thứ nhất, thứ ba từ phải sang; Bộ trưởng không bộ Cù Huy Cận, hàng trên cùng, thứ nhất từ phải sang. ẢNH: CÙ HUY HÀ VŨ
Về phần Nguyễn Lương Bằng, căn cứ bức ảnh chụp cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới đây thì ông cao khoảng 1m65.
Hai ông Hồ Chí Minh và Nguyễn Lương Bằng. ẢNH: CÔNG AN NHÂN DÂN
Do đó, tượng Bảo Đại thấp hơn tượng của Trần Huy Liệu, Cù Huy Cận và Nguyễn Lương Bằng là đánh tráo thực tế.
Y phục của phái đoàn Chính phủ cách mạng
Cảnh tái hiện cho thấy tượng Trần Huy Liệu mặc âu phục trắng, tượng Cù Huy Cận mặc âu phục màu đen và tượng được cho là Nguyễn Lương Bằng mặc âu phục vàng nhạt. Thế nhưng bức ảnh chụp Bảo Đại trao ấn, kiếm cho phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời VNDCCH (đã dẫn ở trên) cho thấy tất cả thành viên phái đoàn đều mặc âu phục trắng.
Tài liệu của cụ Tôn Thất Tương, 'Tôn Nhơn Tộc Sử liệu Hậu duệ hiếu biên' cũng xác nhận y phục của phái đoàn Chính phủ màu trắng:
“Buổi chiều ngày hoàng thượng tuyên chiếu thoái vị, tôi thấy:
- Hoàng thượng đứng chính giữa lầu Ngọ Môn, bận áo vàng, đầu chít khăn vàng, đi hài vàng rất nghi phong.
- Tầng cấp trước nền lầu thấp xuống một bậc và bên trái là hai ông Cù Huy Cận và Trần Huy Liệu, bận toàn y phục trắng. Cũng tầng cấp ấy bên phải là ông Bộ trưởng của Hoàng thượng tên Nguyễn Duy Quang đứng, cũng bận âu phục trắng”.
Bộ trưởng Cù Huy Cận ôm cặp?
Cảnh tái hiện cho thấy tượng được cho là Cù Huy Cận ôm một cái cặp tài liệu. Thế nhưng chi tiết này không thể có trong thực tế.
Trước hết, trong một quốc lễ các nhân vật chính thức không bao giờ mang cặp. Nếu có, thì là do thư ký hoặc trợ lý mang.
Tiếp theo, với sứ mệnh tiếp nhận thoái vị của Bảo Đại bao gồm nhận ấn và kiếm từ ông vua Việt Nam cuối cùng này, không có lý nào Cù Huy Cận lại đến buổi lễ với tay không được rảnh rỗi.
Vai trò của Nguyễn Lương Bằng
Cuối cùng, tôi muốn làm rõ vai trò của Nguyễn Lương Bằng, sau này là phó Chủ tịch nước CHXHCNVN, trong sự kiện lịch sử năm 1945.
Theo Phạm Khắc Hòe viết trong hồi ký 'Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc', Tổng lý Ngự tiền văn phòng của Bảo Đại, Trần Huy Liệu công bố trước đồng bào Thừa Thiên - Huế danh sách thành viên Chính phủ cách mạng lâm thời VNDCCH trong đó không có Nguyễn Lương Bằng.
Sau này, khi tôi thắc mắc vì sao Nguyễn Lương Bằng không phải là thành viên Chính phủ nhưng lại có mặt trong phái đoàn Chính phủ thì cha tôi, Cù Huy Cận, nói: “Đại diện cho Chính phủ cách mạng lâm thời VNDCCH tiếp nhận thoái vị của Bảo Đại là Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận. Do Chính phủ cách mạng thành lập mới được một ngày, ngày 28/8, nên Việt Minh địa phương, lực lượng đã giành chính quyền tại chỗ trong Cách mạng tháng 8, nơi biết, nơi không. Ngay cả khi đã biết, nhiều cán bộ Việt Minh vẫn hoài nghi, không biết đây có phải là chính phủ của 'ta' hay không vì chưa từng hoạt động cùng hoặc nghe tới tên của các thành viên Chính phủ. Vì thế, ông Nguyễn Lương Bằng, ủy viên thường vụ trung ương Đảng (Đảng cộng sản Đông Dương) đồng thời là Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh, tham gia phái đoàn chính phủ cốt để xác nhận chính phủ này là của 'ta' với Việt Minh ở những địa phương có trong lộ trình của phái đoàn và qua đó, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho phái đoàn trong việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình...”.
Trong hồi ký 'Con rồng Việt Nam', Bảo Đại kể lại rằng ông gửi cho “Ủy ban nhân dân cứu quốc” ở Hà Nội một bức điện tuyên bố sẵn sàng thoái vị, Hà Nội cử vào Huế “hai phái viên” là Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận để tiếp nhận sự thoái vị của ông.
Bà Nguyễn Thị Thập, đại biểu Xứ ủy Nam Kỳ Giải phóng của Đảng cộng sản Đông Dương (sau này là Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, phó Chủ tịch Quốc Hội nước CHXHCNVN) ra Bắc để tham dự Quốc dân Đại hội Tân trào, xác nhận trong trong hồi ký “Từ đất Tiền Giang”:
“Hôm chúng tôi về là ngày 27/8/1945, đúng vào ngày lịch sử: anh Trần Huy Liệu - Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền của Chính phủ lâm thời và anh Cù Huy Cận - Bộ trưởng vào Huế làm lễ thoái vị cho Bảo Đại. Đáng lẽ hai anh khởi hành từ 7 giờ 30, nhưng các anh còn bận một số việc chậm lại, nên xe của chúng tôi đi trước”.
Đâu là giải pháp?
Cảnh tái hiện Vua Bảo Đại chuyển giao quyền lực cho chính phủ VNDCCH với quá nhiều điểm sai là hủy hoại thay vì tôn vinh sự kiện chính trị vĩ đại này.
Do đó, làm lại tượng Bảo Đại, Trần Huy Liệu, Cù Huy Cận và Nguyễn Lương Bằng cùng ấn, kiếm sao cho giống với thực tế là chuyện rất cần thiết.
Trên tinh thần đó, tượng sáp, mà Bảo tàng Images of Singapore là một ví dụ, có thể là một giải pháp. Tại bảo tàng này, các tượng sáp tái hiện cảnh quân Anh tiếp nhận đầu hàng của quân Nhật ở Singapore có kích cỡ, dung mạo và trang phục giống y như thật, sống động đến nỗi khách tham quan không khỏi ngỡ mình là chứng nhân của cảnh lịch sử đang diễn ra trước mắt.
C.H.H.V.
---
Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, nguyên là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống tại California, Hoa Kỳ.
Nguồn: BBC Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét