Án văn
10-9-2022
Vụ ông Hoàng Hải Vân hoặc hồ đồ, hoặc có dụng ý xấu, lôi móc từ “đống rác cũ” cái bài nhà văn Nguyên Ngọc viết từ năm 24 tuổi (1956) phê bình nhà văn Phùng Quán, mà ông Vân gọi là “đánh”, “đánh một cú chết tươi”, tôi thấy rất buồn cười.
Thời tao loạn văn nghệ sau 1954 ở miền Bắc, cả vạn người, từ cụ Hồ tới đứa dân quèn, bị đảng xúi xông lên đánh Nhân văn Giai phẩm, đánh Phùng Quán cùng nhiều người tử tế khác, cứ gì một mình ông Ngọc, mà quy tội, kết tội cho ông Ngọc, cho anh lính nhà văn mới 24 tuổi. Đó là cách quy chụp hồ đồ, nếu không muốn nói là rất tiểu nhân, tầm thường, nhẽ ra không đáng bàn.
Nhân vụ này, tôi trích lại một phần trong loạt bài “Án văn” mà tôi viết đã lâu để góp thêm chút hiểu về Nhân văn Giai phẩm.
Thời tôi sống ở quê Hải Phòng, từ lúc trẻ thơ học trong nhà trường tới khi lặn ngụp mưu sinh trong cõi đời, tôi đã nghe, đã chứng kiến nhiều án văn, có những vụ cho đến bây giờ vẫn là dấu hỏi lớn của lịch sử. Có những vụ, văn chương vốn dĩ vô tình nhưng qua bàn tay kẻ thủ ác đã vùi dập, giết hàng loạt người lương thiện, trong đó có những con người đẹp đẽ, tài hoa bậc nhất thời đại. Vụ Nhân văn Giai phẩm là ví dụ điển hình.
Ai muốn biết bản chất vụ án văn Nhân văn Giai phẩm, chả cần tìm đâu xa, chỉ cần vào đọc địa chỉ Facebook của nhà văn Thái Kế Toại (bút danh Lê Hoài Nguyên) là rõ. Ông Toại là công an văn hóa, hàm đại tá, công tác tại A25 (cục chuyên về văn hóa tư tưởng của Bộ Công an), được giao thụ lý hồ sơ vụ án văn này. Nhưng càng tìm hiểu, đi vào góc khuất, khám phá ra những điều mà nhà cai trị cố tình che giấu, ông Toại càng thấy đó là tấn bi kịch văn nghệ kinh hoàng, oan sai, oan trái, không chỉ tàn hại một thế hệ văn nghệ đầy công tích trong chiến tranh chống Pháp mà còn phủ cái bóng thảm khốc đen tối của nó ám ảnh cả nền văn nghệ dân tộc suốt thời gian dài về sau, thậm chí tới tận bây giờ.
Những số phận đại bi kịch như Phan Khôi, Trương Tửu, Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Đào Duy Anh, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Nguyễn Bính, Hữu Loan, Trần Duy, Văn Cao, Cao Xuân Huy, Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc, Nguyễn Sáng, Phùng Cung… đã thành mồi ngon cho chiếc máy chém khát máu trí thức của bộ máy cai trị cộng sản. Dính án, nói theo kiểu Nam Cao, cuộc đời họ cứ mòn đi, mục đi, không có lối thoát, kể cả trong nhà tù đằng đẵng 15 năm như Nguyễn Hữu Đang, hay được tại ngoại như Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Đức Thảo…
Nghĩ lẩn mẩn, nếu những con người tinh hoa ấy không bị dòng thác cách mạng tàn bạo kia vùi dập xuống tận bùn đen thì số phận dân tộc này chắc chắn sẽ khác rất nhiều. Dù mãi về sau, “người ta” cũng âm thầm sửa sai, lặng lẽ phục hồi danh dự, ban phát đền bù cho người này người nọ nhưng đó cũng chẳng qua là động tác vớt vát cứu vãn uy thế của nhà cầm quyền chứ cũng chả phải phục thiện, ăn năn hối lỗi gì. Họ có bao giờ biết sám hối, ăn năn. Điều dễ nhận thấy nhất là cho đến bây giờ, chính quyền chưa hề chính thức lên tiếng xin lỗi về vụ Nhân văn Giai phẩm, cũng như chưa hề có cuộc xin lỗi đầy đủ những nạn nhân của cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất mà họ đã tiến hành, cuộc đánh tư sản trong cải tạo công thương, cuộc bắt bớ đày ải cán bộ trong xét lại chống đảng, cuộc ngăn cấm bắt bớ đẩy dân vào vực thẳm trong ngăn sông cấm chợ… Chưa bao giờ!
Tôi được biết tới vụ Nhân văn giai phẩm khi đã hơn 10 tuổi, lúc miền Bắc bước vào cuộc chiến tranh chống lại máy bay Mỹ. Không biết ai đã cho thày tôi cuốn tạp chí (bị mất bìa nên tôi cũng không nhớ là tạp chí gì), số tổng kết cuộc đấu tranh chống lại nhóm phá hoại Nhân văn Giai phẩm. Đọc những bài của Tố Hữu, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Công Hoan, Như Phong, Nguyễn Khải, Hồ Phương, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… bốc lên mùi binh khí binh đao, sắt máu, tanh tưởi, hận thù, giờ nhớ lại vẫn rùng mình.
Ngay lúc này đây, trên tay tôi là cuốn “Phấn đấu vì một nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa” của ông Tố Hữu, trùm văn nghệ cách mạng, một trong những thủ phạm chính của vụ Nhân văn Giai phẩm. Trong bài “Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân văn Giai phẩm trên mặt trận văn nghệ”, ông Lành có viết: “Lật bộ áo Nhân văn – Giai phẩm thối tha, người ta đã thấy cả một ổ phản động toàn những mật thám, gián điệp, lưu manh, trốt-kít, địa chủ, tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm” (trang 84, sách đã dẫn, NXB Sự Thật, 1982).
Còn ông Nguyễn Công Hoan chửi cụ Phan Khôi “Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi/Thọ mi mi chúc chớ phiền ai/Văn chương, đù mẹ thằng cha bạc/Tiết tháo, tiên sư cái mẽ ngoài/Lô gích, trước cam làm kiếp chó/Nhân văn, nay lại hít gì voi/Sống lâu thêm tuổi cho thêm nhục/Thêm nhục cơm trời chẳng biết toi” (Bài này có trong cuốn tạp chí mất bìa, đọc xong mấy anh em tôi thích quá, thấy chửi đã quá, khổ, hồi ấy trẻ con nào có biết gì).
Trời ạ, cùng bạn văn chương với nhau mà gọi nhau là thằng khốn kiếp, chửi đù mẹ người ta. Mà người chửi vốn không phải là người tệ, người bị chửi cũng là những con người công lao hãn mã, tử tế, nhân cách cao vòi vọi. Cái chính thể mới đã “có công” gây ra cuộc hí trường, biến đổi tệ hại, bi kịch máu và nước mắt như vậy.
Nếu đúng như ông Tố Hữu và những đồng chí của ông kết án những “gián điệp, lưu manh, gái điếm” của phong trào Nhân văn giai phẩm thì có lẽ nhà cai trị đã hoàn toàn sai lầm khi phục hồi cho họ, thậm chí còn trao cả Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước cho những “lưu manh, gái điếm” này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét