Nhà máy Gang thép Thái Nguyên và chuyện ‘bồi dưỡng cán bộ’
Trân Văn
3-8-2022
Tính đến 2013, công quỹ đã chi… 4.400 tỉ cho dự án, trong đó đã thanh toán cho nhà thầu 95% chi phí theo thỏa thuận nhưng dự án vẫn bị bỏ hoang từ đó đến nay vì bất đồng giữa chủ đầu tư với nhà thầu phía Trung Quốc.
Cuối tuần vừa rồi, hệ thống truyền thông chính thức đồng loạt tường thuật về sự kiện ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng Việt Nam – đến khảo sát “Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên Giai đoạn 2”.
Dự án vừa đề cập khởi công năm 2007, ban đầu dự trù sẽ chi 3.800 tỉ, sau đó được chính phủ cho phép thay đổi mức đầu tư, tổng vốn đầu tư được nâng lên thêm 4.300 tỉ nữa thành… 8.100 tỉ.
Tính đến 2013, công quỹ đã chi… 4.400 tỉ cho dự án, trong đó đã thanh toán cho nhà thầu 95% chi phí theo thỏa thuận nhưng dự án vẫn bị bỏ hoang từ đó đến nay vì bất đồng giữa chủ đầu tư với nhà thầu phía Trung Quốc.
Tranh chấp giữa chủ đầu tư với nhà thầu phía Trung Quốc thuộc loại tranh chấp không thể giải quyết tại tòa án hay trọng tài quốc tế vì khi đàm phán, ký kết hợp đồng, đại diện phía Việt Nam mắc đủ thứ sơ suất, lỗi lầm nên giờ… 4.400 tỉ trở thành nơi… nuôi cỏ và chứa những thiết bị… rỉ sét. Không chỉ có thế, “Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên Giai đoạn 2” khiến 4.000 người thất nghiệp, ảnh hưởng đến cuộc sống của 20.000 người phụ thuộc vào 4.000 người này suốt 15 năm vừa qua.
Giống như các tiền nhiệm, ông Chính tìm đến Thái Nguyên khảo sát “Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên Giai đoạn 2” chỉ để bày tỏ sự “sốt ruột” và “xót ruột” rồi yêu cầu các viên chức hữu trách… “suy nghĩ giải pháp” (1).
***
Cũng vào cuối tuần vừa rồi, hệ thống truyền thông chính thức đồng loạt giới thiệu “Kết luận 39” của Bộ Chính trị về việc thực hiện tiếp… “chủ trương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài”.
Theo đó, trong 15 năm vừa qua, việc thực hiện “Đề án 165” nhằm “đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước đã đạt được kết quả tích cực, hoàn thành mục tiêu đề ra”.
Qua “Kết luận 39”, Bộ Chính trị quyết định “tiếp tục tổ chức bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước cho đến 2030”. Cụ thể: Từ nay đến năm 2025, mỗi năm, cử 400 cán bộ đi bồi dưỡng ở ngoại quốc, bao gồm 250 được cử đi bồi dưỡng ngắn hạn, 120 được cử đi bồi dưỡng ngoại ngữ, 40 được cử đi bồi dưỡng trung hạn. Từ 2026 đến 2030, mỗi năm cử 500 cán bộ đi bồi dưỡng ở ngoại quốc, bao gồm 300 theo kiểu ngắn hạn, 150 cử bồi dưỡng về ngoại ngữ, 50 bồi dưỡng theo kiểu trung hạn.
Nhìn một cách tổng quát, “Kết luận 39” của Bộ Chính trị rất cụ thể về thời hạn thực hiện “chủ trương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” cũng như số lượng cán bộ được cử đi bồi dưỡng hàng năm theo từng kiểu bồi dưỡng nhưng có hai điểm vốn là lõi của việc cử cán bộ lãnh đạo, quản lý ra nước ngoài bồi dưỡng thì Bộ Chính trị lại lờ đi: Chi phí cho việc thực hiện “Kết luận 39” là bao nhiêu và lấy gì cũng như những ai phải chịu trách nhiệm về hiệu quả?
Dựa vào đâu mà Bộ Chính trị cho rằng, trong vòng… “hai tuần” (đối với bồi dưỡng ngắn hạn), hoặc… “ba tháng” (đối với bồi dưỡng trung hạn), những cán bộ được cử đi bồi dưỡng tại ngoại quốc có thêm hiểu biết và có thể nâng cao “kỹ năng lãnh đạo, quản lý” trong việc “tổ chức bộ máy nhà nước, quốc phòng, an ninh và đối ngoại”, thực thi “chính sách phát triển bền vững, kinh tế, khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, cũng như “xây dựng pháp luật và hoạt động tư pháp” (2)?
***
“Kết luận 39” của Bộ Chính trị xác định, đối tượng được tuyển chọn để cử đi “bồi dưỡng” ở ngoại quốc phải là: “Cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Cán bộ lãnh đạo cấp tổng cục, cục, vụ của các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương. Ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương”. Có một ngoại lệ về đối tượng cho các khóa “bồi dưỡng” trung hạn, có thể mở rộng đến “cán bộ lãnh đạo cấp sở và tương đương trở lên ở địa phương”.
Chưa thể kết luận về kết quả của… “Kết luận 39” nhưng từ thực tế như đã biết và đang thấy, có thể kết luận về “Đề án 165”. Sau 15 năm thực hiện chủ trương “đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước”, đội ngũ “Cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Cán bộ lãnh đạo cấp tổng cục, cục, vụ của các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương. Ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương” đã tạo ra vô số chủ trương, kế hoạch, dự án mà kết quả giống như… “Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái NguyênGiai đoạn 2” và cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền chưa biết giải quyết thế nào ngoài việc tiếp tục hô những khẩu hiệu kiểu như ông Chính vừa hô: “Phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, xây dựng và phát triển một nền công nghiệp hiện đại, trong đó có các ngành công nghiệp nền tảng như luyện kim”!
Sau vô số kế hoạch, dự án kiểu như “Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên Giai đoạn 2”,Bộ Chính trị quả là dũng cảm khi cho rằng… “Đề án 165 đã đạt được kết quả tích cực, hoàn thành mục tiêu đề ra” và công bố… “Kết luận 39”!
Chú thích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét