Chiến tranh Ukraine thay đổi thế giới, có thể mãi mãi
Đàn Chim Việt (Theo AP)
Ngày 16 tháng 7 năm 1945: Một đám mây hình nấm khổng lồ bùng sáng ở vùng sa mạc New Mexico, báo hiệu bình minh của kỷ nguyên hạt nhân.
Ngày 20 tháng 7 năm 1969: Neil Armstrong, đại diện của loài người, đặt chân xuống Mặt trăng.
Ngày 24 tháng 2 năm 2022: Tổng thống Nga Vladimir Putin gây rối trật tự thế giới – nhất là ở châu Âu sau 77 năm hòa bình hầu như không bị gián đoạn – bằng cách xâm lược Ukraine, làm xáo trộn nguồn cung cấp thực phẩm mà Ukraine sản xuất cho nhiều người trong số 8 tỷ người trên hành tinh.
Sáng sớm 31.07.22 tên lửa Nga đã bắn trúng nhà riêng của ông Alexey Vadatursky, tại thành phố Mykolaiv. Quả tên lửa rơi vào khu vực phòng ngủ, đã cướp đi mạng sống của hai vợ chồng ông.
Ông Alexey Vadatursky, 74 tuổi, là anh hùng của Ukraine, chủ sở hữu công ty kinh doanh ngũ cốc "Nibulon" lớn nhất Ukraine (xuất khẩu sản phẩm đi 38 nước, vốn đầu tư vào kinh tế Ukraine 2,3 tỷ USD), đồng thời là phó chủ tịch của Hiệp hội ngũ cốc Ukraine.
Vadatursky chiếm vị trí thứ 24 trong bảng xếp hạng những người giàu của Ukraine. Forbes ước tính tài sản của ông vào khoảng 430 triệu USD.
Ông nhiều lần nhận được danh hiệu công dân danh dự của Mykolaiv vì những đóng góp của ông cho sự phát triển của ngành nông nghiệp và khu vực. Ông cũng đóng góp nhiều cho lĩnh vực đóng tàu và quân đội Ukraine.
Đây là một tổn thất lớn đối với vùng Mykolaiv và toàn thể Ukraine.
Ông Podolyak, cố vấn Chánh văn phòng Tổng Thống Ukraine, nói rằng tên lửa bay thẳng vào phòng ngủ và đây là một vụ giết người có tính toán chứ không phải là một vụ tai nạn. "Vadatursky đã được xác định là một mục tiêu cụ thể." - Podolyak tuyên bố.
Luật tổng động viên của Ukraine bắt buộc nam giới 60 tuổi ở lại giữ nước. Với tuổi 74 và khối tài sản lớn như vậy, vợ chồng ông có thể đến bất cứ nơi an toàn và giầu có nào trên thế giới để sống an nhàn và vương giả; nhưng ông bà đã chọn ở lại quê hương. Họ đã chết như những người anh hùng.
(Status của Xuan Khan, có biên tập lại)
Phản ứng của bà Natali Sevriukova sau khi chung cư của bà ở Kyiv trúng đạn rocket của Nga ngày 25 tháng 2 năm 2022. (Ảnh AP/Emilio Morenatti)
Tất cả đều là những bước ngoặt trong lịch sử thế giới, những dấu nhấn sẽ được giảng dạy ở trường học trong nhiều thập niên tới. Tất cả đã thay đổi không chỉ cuộc sống mà còn thay đổi hướng đi của nhân loại, với những tác động gây ra trên khắp các lục địa trong những ngày sắp đến.
Cuộc xâm lược của Nga, những giết chóc và tàn sát, đã nhanh chóng thêm Mariupol, Bucha và những cái tên Ukraine khác vào danh sách dài các thành phố và thị trấn của châu Âu có liên quan đến sự tàn bạo của chiến tranh: Dresden, Srebrenica, vụ thảm sát của Đức Quốc xã ở Oradour-sur-Glane của Pháp, chỉ xin kể một vài ví dụ.
Và sau gần nửa năm giao tranh, với hàng chục ngàn người chết và bị thương ở cả hai bên, đứng trước sự gián đoạn lớn về nguồn cung cấp năng lượng, lương thực và sự ổn định tài chính, thế giới không còn như trước nữa.
Các tiếng còi báo động với tần suất thường xuyên ở các thành phố của Ukraine khôngnghe thấy ở Paris hay Berlin, nhưng các thế hệ người châu Âu chưa từng biết thế nào là chiến tranh đã bị đánh thức một cách tàn bạo về cả giá trị và sự mong manh của hòa bình.
Chiến tranh tái diễn ở châu Âu và nhu cầu chọn phe – để bảo vệ bản thân và đứng về cái đúng chống lại cái sai – cũng đã thay đổi bức tranh địa chính trị của thế giới và bang giao giữa các quốc gia.
Một số nước bây giờ hầu như không nói chuyện với Nga. Một số đã kết hợp lại với nhau. Những nước khác, đặc biệt là ở châu Phi, muốn tránh bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp giữa Nga và phương Tây. Một số không muốn gây rủi ro cho nguồn cung cấp thực phẩm, năng lượng, an ninh và thu nhập. Nga và các quốc gia phương Tây đang nỗ lực vận động với những nước bàng quan – đặc biệt là ở châu Phi – để họ đứng về phía mình.
Cuộc chiến ở Ukraine cũng là một tấm gương suy gẫm cho nhân loại, có nên tiếp tục sống trên lằn ranh của sự cuồng loạn, hay nên lùi lại vài bước, ngay cả khi đang có tiến bộ.
Trong thực tế đã có nhiều tiến bộ, ví dụ vắc-xin cấp tốc chống lại đại dịch toàn cầu COVID-19 và các giải pháp về biến đổi khí hậu, trước khi tổng thống đầy quyền lực của Nga định thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình là buộc đám người Ukraine muốn độc lập, định nghiêng về phương Tây phải quay trở lại quỹ đạo của Điện Kremlin, giống như thời Liên Xô, khi ông ta còn là một sĩ quan tình báo của KGB.
Nhờ lập trường hầu như thống nhất chống lại cuộc xâm lược, NATO đã tìm thấy lý do mới để tồn tại. Chỉ mới ba năm trước đây – trước khi có hai cú sốc COVID-19 và cuộc chiến Ukraine – con tàu chở liên minh quân sự lớn nhất thế giới có nguy cơ trôi vào bờ nước cạn.
Lúc bấy giờ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết NATO đang “chết não.” Và sau đó, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, vốn không có nhiều kiên nhẫn đối với liên minh vốn là nền tảng trong chính sách an ninh của Hoa Kỳ trong hơn nửa thế kỷ qua, than phiền rằng Hoa Kỳ đã lãnh quá nhiều gánh nặng quốc phòng một cách bất công trong khi các thành viên NATO khác gánh quá ít.
Giờ đây, NATO đang tập hợp ngày càng nhiều vũ khí hạng nặng để Ukraine sử dụng trên tiền tuyến và ném bom không ngừng vào các chiến hào, gợi nhớ mọi người những hình ảnh khủng khiếp về Thế chiến thứ nhất.
Chiến tranh Ukraine cũng làm Phần Lan và Thụy Điển khẩn trương suy nghĩ lại, thái độ phi liên kết của họ quá nhiều rủi ro, tại sao ta không nắm lấy chiếc dù NATO chống lại bất cứ điều gì Putin có thể làm tiếp theo. Với hai thành viên mới, NATO và châu Âu sẽ có thay đổi vĩnh viễn, hoặc ít nhất là trong tương lai gần.
Xa hơn nữa, ở châu Á, Trung Quốc đang xem xét kỹ lưỡng chiến dịch của Nga để tìm ra những bài học quân sự có thể áp dụng với Đài Loan. Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia châu Á khát năng lượng khác đang làm đầy kho bạc của Điện Kremlin và giảm hiệu lực các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách càng ngày càng mua nhiều dầu của Nga.
Còn bản thân nước Nga thì sao? Liệu cuộc chiến tranh này có đưa nước Nga “trở về thời kỳ đồ đá” hay không. Sau 6 tháng giao tranh, Nga chỉ còn nhát ma bằng kho vũ khí hạt nhân chưa sử dụng mà thôi, còn mấy cái thứ xe tăng tàu bay tàu bò coi như mớ đồng nát, sau chiến tranh chắc chẳng nước nào dám mua. Nếu đúng vậy thì Nga sẽ gia nhập hàng ngũ phe “thế giới đệ tam”?
Còn sinh mạng chính trị của Putin thì sao, liệu hồi kết sẽ có những bất ngờ không?
Tại Ukraine, rất lâu trước khi xảy ra cuộc xâm lược, nhiều người đã cảm thấy rằng đất nước của họ đang tham gia vào một cuộc chiến sống còn chống lại nhà lãnh đạo Điện Kremlin. Kể từ năm 2014, hàng nghìn người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh với phe ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine.
Nét mặt của những người Ukraine đã chết vì cuộc xung đột đó toát ra từ một tượng đài ở thủ đô Kyiv, mang chứng tích thầm lặng cho những gì mà đên bây giờ các thủ đô phương Tây mới chịu công nhận: Putin không thể và không nên tin tưởng.
Giá lương thực, năng lượng và tất cả mọi thứ tăng vọt – gây ra nhức nhối trên khắp các lục địa và phần lớn bắt nguồn từ chiến tranh Ukraine làm gián đoạn nguồn cung cấp – là một sự thay đổi khác, mặc dù có lẽ ít lâu dài hơn. Lạm phát cao, một nỗi đau quen thuộc và đáng lo ngại đối với những người từng trải qua các cú sốc năng lượng của những năm 1970, đã trở lại như một câu chuyện hằng ngày trong gia đình. Một số nhà kinh tế cảnh báo thế giới có thể gặp “stagflation”, một kết hợp độc hại của lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế sụt giảm.
Chuyện gì kế tiếp sẽ xảy ra?
Trong lúc cuộc chiến chưa có hồi kết, có quá nhiều câu hỏi bắt đầu bằng “Nếu như mà…” hoặc “Phải chi mà…” khiến cho khó có được một phỏng đoán chắc chắn. Nhưng qua mỗi ngày có thêm tiếng súng, số người chết và các ảnh hưởng chiến tranh trên toàn cầu càng tăng thêm, và hòa bình thì lùi xa hơn.
Nhân loại bây giờ đã quen với quả bom nguyên tử của năm 1945, học cách sống chung với nó. Phi thuyền có người lái đã trở thành thông lệ, không còn là tin nóng như cuộc đổ bộ xuống Mặt Trăng 1969. Tất cả những gì chúng ta có thể hy vọng là chiến tranh ở châu Âu sẽ không giống như vậy.
Nguồn: Đàn Chim Việt Online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét