Giải tán Hội tướng lĩnh Đức Thọ và tiền lệ xấu cho Xã hội dân sự
29-8-2022
Việc UBND huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh phải thu hồi quyết định thành lập hội tướng lĩnh có thể khiến nhiều người hỉ hả. Vì nói gì nói, việc thành lập hội này nó khá là phản cảm, có vẻ cục bộ địa phương và hãnh tiến đúng kiểu anh em miền giữa. Điều này khiến cho dư luận cả mấy lề đều không đồng tình. Lý do chính là: Ghét cái thái độ của anh em tướng lĩnh quê Đức Thọ!
Ở một góc nhìn khác thì người ta cũng có quyền có tự hào về quê hương “điạ linh nhân kiệt” có tới 48 tướng lĩnh là con em quê hương và 8 tướng lĩnh là con rể (44 tướng quân đội, 12 tướng công an), trong đó có 2 Đại tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là con rể của huyện Đức Thọ (Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Ngô Xuân Lịch); Một Thượng tướng (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Trọng Việt).
Mình đã đi soi lại luật lệ trong việc lập hội này cùng với văn bản báo cáo của tỉnh uỷ Hà Tĩnh và nhận thấy việc hủy QĐ thành lập Hội tướng lĩnh này lý do chủ yếu là bởi sức ép của dư luận cảm tính.
Việc lập hội này chỉ thiếu một chi tiết khá vặt vãnh. Đó là thiếu lý lịch tư pháp của chủ tịch hội, cái này không khó khăn gì cả, có thể do sơ suất nên thiếu thôi. Bổ sung cái này cũng không khó khăn gì, nhưng người ta lại quyết định huỷ QĐ thành lập, khả năng lớn là không dám lập lại kể cả khi bổ sung hồ sơ!
Trong CV giải trình của tỉnh ủy Hà Tĩnh có thêm lý do là vi phạm những điều đảng viên không được làm. Mình cũng đã tìm hiểu 19 điều này thì thấy nó khá mơ hồ, CÓ VẺ NHƯ may ra là vi phạm điều 2 và/hoặc điều 7, nhưng không hề chắc chắn.
Kể cả có vi phạm đi nữa thì đó là quy định của đảng, không thể dùng nó để hủy QĐ của bên chính quyền (UBND huyện). Cho dù 100% tướng là đảng viên.
Tóm lại là việc lập hội tướng lĩnh này chỉ có một thiếu sót rất nhỏ, hoàn toàn có thể bổ sung hồ sơ để tồn tại hoặc tái lập khi đã bổ sung hồ sơ.
Việc gây sức ép để dẹp hội này có thể thoã mãn tâm lý ghét sự hợm hĩnh, ghét Quân đội, Công an (của 2 lề) một cách hoàn toàn cảm tính. Nhưng đây là tiền lệ rất xấu vì nó gây cản trở cho sự hình thành xã hội dân sự mà việc lập hội (bất kỳ) là một phần quan trọng của nó.
Nên nhớ là với nghị định 45/2010, nghị định 33/2012 và các thông tư hướng dẫn về việc lập hội, chính là căn cứ pháp lý để lập hội bất kỳ. Nhưng thực tế hiện nay rất khó để hội nào thuần tuý dân sự được ra đời. Cái hội tướng lĩnh này bị bóp chết yểu bản chất là do nó chính là dạng dân sự tự phát gần như hội đồng hương. Hiện nay hội đồng hương cũng không được lập nữa.
Mấy năm trước có mấy anh em Kiến trúc sư muốn lập Hội KTS trẻ, định đối trọng với Hội KTS già, nhưng cũng bị tuýt còi, phải đổi thành Câu lạc bộ.
Chúng ta phải hiểu rằng nếu hội tướng lĩnh này được tồn tại thì người dân mới có thể lập hội chó cảnh, hội tiểu tam, hội phi công trẻ… Và như thế mới là sự phát triển của xã hội dân sự. Còn chuyện mấy ông tướng lập hội kiểu này đâu có ảnh hưởng gì đến xã hội, đến ngân sách, đến thuần phong mỹ tục, tại sao lại phản đối họ chỉ vì ngứa mắt?
Gần 50 tướng về hưu còn chả lập nổi cái hội nho nhỏ (cấp huyện) để vui thú điền viên và thoả mãn tâm lý tự tôn (mục đích phi chính trị) thì nguời dân thường sẽ không có cửa gì hết.
Nhìn Công văn của tỉnh uỷ Hà Tĩnh là thấy mức độ nghiêm trọng của vụ việc, toàn báo cáo cơ quan Trung ương dù hội cấp huyện! Chả hiểu sao có gửi Bộ Quốc phòng mà quên mất Bộ Công an (dù có cả tướng Công an tham gia hội).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét