Nguồn thu nhập của các đại học VN và Úc
Nguyễn Văn Tuấn
Báo Tuổi Trẻ chạy một loạt bài về "Tự chủ đại học và học phí", trong đó có câu hỏi nguồn thu đại học đến từ đâu [1], với vài thông tin đáng ngạc nhiên.
Đáng ngạc nhiên là vì ở Việt Nam ngày nay, nguồn thu chánh của các đại học là học phí. Điều này rất ngạc nhiên đối với tôi, bởi vì làm như vậy là dồn gánh nặng tài chánh sang sinh viên. Vai trò của chánh phủ ở đâu?
Còn ở Úc thì sao? Tôi nghĩ ở Úc các đại học có vai trò giống như là một 'nhà thầu' đào tạo chuyên gia, và 'chủ thầu' là chánh phủ liên bang. Theo mô hình này, đại học thu nhận càng nhiều sinh viên thì được chánh phủ trả tiền càng nhiều. Chẳng hạn như năm 2020, số tiền mà chánh phủ liên bang trả cho đại học đào tạo là 12.1 tỉ đôla, chiếm 35% tổng thu nhập của các đại học Úc.
Ở Úc, học phí từ sinh viên ngoại quốc năm 2020 là 9.2 tỉ đôla, chiếm gần 27% tổng số thu nhập của đại học. Còn sinh viên nội địa chỉ đóng góp 6 tỉ đôla, tức 17% tổng số thu nhập của đại học.
Vậy còn các nguồn khác thì sao? Các đại học Úc có thu nhập từ đầu tư tài sản, đầu tư chứng khoán, nghiên cứu khoa học, tư vấn cho kĩ nghệ, v.v. Nhưng các nguồn này cũng chỉ chiếm 15% tổng thu nhập của đại học. Tóm lại, thu nhập của đại học Úc chủ yếu vẫn là từ chánh phủ liên bang và du học sinh (xem biểu đồ).
Nhưng ở Việt Nam, sinh viên lại là nguồn thu nhập chánh, nhưng tôi không rõ là bao nhiêu. Tại sao chánh phủ không tài trợ cho đại học nếu họ muốn có một nguồn chuyên gia chất lượng cao? Tại sao đẩy gánh nặng về cho sinh viên?
_____
[1] https://tuoitre.vn/tu-chu-dai-hoc-va-hoc-phi-nguon-thu...
N.V.T.
Nguồn: FB Nguyễn Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét