Tại sao Bắc Kinh cấm phim đam mỹ?
Trịnh Bình An
31-3-2022
Đầu tháng Giêng 2022, nhà cầm quyền Hoa Lục đã ra lệnh chính thức cấm chiếu các phim thể loại “đam mỹ“.
Phim đam mỹ là loại phim phiêu lưu, tình cảm, không chứa đựng những tư tưởng cải cách, đấu tranh, đòi tự do, dân chủ…, tức là những điều tối kỵ đối với Đảng Cộng Sản, vậy vì lý do gì khiến Bắc Kinh lại ra tay ngăn cấm dù biết rằng sẽ thất thu bạc tỉ tiền thuế từ những bộ phim này?
Trước khi tìm hiểu thêm, xin được nhắc tới đôi điều về thể loại phim đam mỹ. “Đam” nghĩa là mê đắm (như trong đam mê), “Mỹ” là đẹp đẽ (như trong mỹ lệ). Nhưng khi dùng cho tiểu thuyết, phim ảnh, hai chữ “đam mỹ” hàm ý tình yêu giữa người nam và người nam. (Tiếng Anh là “Danmei“: The male same-sex romance genre of “boys’ love“).
Trong năm 2021, hãng phim Netflix của Hoa Kỳ đã cùng một lúc phổ biến 4 bộ phim đam mỹ: Trần Tình Lệnh (The Untamed), Sơn Hà Lệnh (Word of Honor), Âm Dương Sư: Tình Nhã Tập (The Yin-Yang Master: Dream of Eternity), và Thiên Bảo Phục Yêu Lục (The Legend of Exorcism).
Những bộ phim này đều có chung một số ưu điểm: Kịch bản hấp dẫn, cảnh quan lộng lẫy, dàn diễn viên trẻ, đẹp, giỏi diễn xuất (riêng Thiên Bảo Phục Yêu Lục là phim hoạt họa). Nội dung cả 4 bộ phim đều xoay quanh mối tình lãng mạn giữa hai nhân vật nam chính.
Nhưng tại sao chỉ là “lãng mạn“? Bởi vì trong phim hoàn toàn không có những cảnh ướt át, mùi mẫn như hôn hít, vuốt ve, làm tình… điều vẫn thấy nhan nhản trong các phim đồng tính nam. Ở đây, tình yêu chỉ được thể hiện qua ánh mắt tha thiết, lời nói ân cần. Yêu là quan tâm lẫn nhau, thông cảm với nhau, hy sinh mạng sống cho nhau. Những cảnh thân mật nhất chỉ có nắm tay khi trị thương, đỡ nhau khi bất tỉnh, choàng vai khi… khinh công.
Nhưng nếu đã “thụ thụ bất thân” (1) đến như thế, tại sao Bắc Kinh phải nhảy dựng lên?
Trước khi trả lời câu hỏi này, tưởng cũng nên nhắc lại quan niệm “Tri Kỷ” trong văn hóa Trung Hoa. Hai chữ tri kỷ dùng để chỉ một người bạn rất thân, thân đến mức có thể thông cảm và hết lòng với mình. Những đôi tri kỷ trong sử Tàu được nhắc tới nhiều nhất là Bá Nha-Tử Kỳ và Quản Trọng-Bảo Thúc Nha. Còn bộ ba anh em kết nghĩa Lưu Bị-Quan Vũ-Trương Phi là tình “huynh đệ-chiến hữu“, chiến đấu bên nhau, sống chết cùng nhau. Thế nhưng những cặp tri kỷ ấy, ai nấy đều có gia đình riêng, có vợ con, thậm chí còn có nhiều vợ.
Còn khi hai người nam yêu nhau tới mức trở thành tình nhân thì không gọi “Tri Kỷ” nữa mà là “Đoạn Tụ“.
“Đoạn” là chặt đứt, “Tụ” là tay áo. Hai chữ ấy có nguồn gốc từ điển tích “Chặt tay áo“: Đổng Hiền được vua Hán Ai Đế yêu thương, nằm gối vào tay áo vua mà ngủ. Khi vua dậy trước, không nỡ đánh thức, bèn cắt luôn tay áo mà đứng lên.
Văn hóa Trung Hoa ca ngợi tình tri kỷ như thứ tình cao quý giữa người và người, nếu là nam và nữ thì nữ là “hồng nhan tri kỷ” của nam. Tri kỷ cũng có nguyên tắc của tri kỷ. Một trong những nguyên tắc chính yếu là phải “đạm“, tức không bày tỏ lộ liễu, như câu “Quân tử chi giao đạm nhược thủy” (2). Tình của của người quân tử lạt như nước, nước nhờ lạt mà không ngán.
Một câu khác (tương truyền của thừa tướng Gia Cát Lượng) còn nói rõ thêm: “Ôn bất phiền hoa – Hàn bất cải diệp” – Ấm không nở hoa, lạnh không thay lá – Ý nói trong giao tình nên giữ thái độ bình thản, không vồ vập khi thích nhau nhưng cũng không hắt hủi khi hết thích nhau.
Nước Việt ta truyền tụng tình bạn tri kỷ giữa hai thi hào Nguyễn Khuyến và Dương Khuê. Khi cụ Nghè Dương ra đi, cụ Tam Nguyên Yên Đổ viết bài thơ khóc bạn, khóc thương người đi nhưng cũng khóc thương chính mình, vì mất tri kỷ đồng nghĩa mất đi người có thể chia sẻ với ta những điều tinh tế nhất.
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa.
Giường kia treo những hững hờ
Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.
Tình tri kỷ còn là thứ tình bạn chỉ có được ở những bậc hào hoa nhất, phong lưu nhất, những con người không màng tiền tài, danh lợi. Bài hát “Si Tình Mộ“, trong phim Âm Dương Sư, đề cao tình cảm cao quý ấy với hai câu thơ: “Bất cầu anh hùng vạn thế danh – Đãn cầu tri kỷ đồng lộ hành” (3)- Cần chi danh tiếng anh hùng/ Những mong tri kỷ đi chung một đường.
Người đàn ông phương Tây cũng cảm nhận những tình bạn sâu sắc giữa họ với nhau, nhất là trên chiến trường. Tác phẩm “All Quiet on The Western Front” (Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh) của Erich M. Remarque có đoạn miêu tả thứ cảm tình lạ lùng mà thâm trọng ấy.
“Now I hear muffled voices. To judge by the tone that might be Kat talking… These voices, these quiet words, these footsteps in the trench behind me recall me at a bound from the terrible loneliness and fear of death by which I had been almost destroyed. They are more to me than life, these voices, they are more than motherliness and more than fear; they are the strongest, most comforting thing there is anywhere: they are the voices of my comrades. I am no longer a shuddering speck of existence, alone in the darkness – I belong to them and they to me; we all share the same fear and the same life, we are nearer than lovers, in a simpler, a harder way; I could bury my face in them, in these voices, these words that have saved me and will stand by me.”
(Tôi chợt nghe thấy tiếng ai đó nói nho nhỏ. Nghe ra như giọng của Kat… Những tiếng nói, những lời nho nhỏ, những bước chân trong chiến hào ở sau lưng, đã kéo giật tôi ra khỏi nỗi cô đơn và nỗi sợ chết kinh hoàng suýt nữa quất tôi đổ sụm. Những tiếng nói ấy, với tôi, còn hơn cả sự sống, hơn cả tình mẫu tử, hơn cả nỗi sợ hãi; Chúng là thứ mạnh mẽ nhất, ủi an nhất: Chúng là tiếng đồng đội của tôi. Tôi không còn là một một đốm sáng thoi thóp lập lòe, lẻ loi trong bóng tối – tôi thuộc về họ và họ thuộc về tôi. Tất cả chúng tôi đều có chung nỗi sợ hãi và có chung cuộc sống. Chúng tôi gần gụi nhau hơn cả tình nhân, thật dễ dàng mà cũng thật khó khăn. Tôi có thể vùi mặt vào họ, vào những tiếng nói của họ, những tiếng nói ấy đã cứu lấy tôi và sẽ đứng bên tôi).
Tình “huynh đệ chi binh” cũng khiến độc giả chúng ta say mê theo dõi từng bước chân của bốn chàng lính Ngự Lâm của Alexandre Dumas. Dù xuất thân rất khác, tính tình cũng rất khác, Athos, Porthos, Aramis và d’Artagnan vẫn gắn bó với nhau trong những điệp vụ gian nan, kéo dài từ tác phẩm “Les Trois Mousquetaires” (Ba Chàng Ngự Lâm Quân) tới tác phẩm “Vingt Ans Après” (Hai Mươi Năm Sau).
Và nếu không dựa vào tình tri kỷ thì Conan Doyle sẽ khó lòng viết nên những trang trinh thám mãi mãi mê hoặc lòng người giữa chàng thám tử tài hoa Sherlock Holmes và người bạn của anh – Dr. Watson. Khi Watson bị trúng đạn, chứng kiến biểu cảm của Holmes, lòng ông tràn đầy xúc động:
It was worth a wound; it was worth many wounds; to know the depth of loyalty and love which lay behind that cold mask. The clear, hard eyes were dimmed for a moment, and the firm lips were shaking. For the one and only time I caught a glimpse of a great heart as well as of a great brain. All my years of humble but single-minded service culminated in that moment of revelation.
(Vết thương thật đáng giá; cho dù nhiều vết thương hơn nữa vẫn thật đáng giá. Nhờ nó, mới thấy ẩn sau lớp mặt nạ lạnh lùng kia là thăm thẳm tình thâm nghĩa trọng. Chỉ một thoáng qua thôi, nhưng tôi thấy đôi mắt vốn dửng dưng kia bỗng chợt tối lại, đôi môi nghiêm nghị kia chợt khẽ run lên. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi được thấy một trái tim vĩ đại và một khối óc vĩ đại. Tất cả những năm tháng âm thầm tận tụy của tôi, cuối cùng, cũng đã viên mãn chỉ trong cái khoảnh khắc diệu kỳ ấy.)
Trên đây, là một vài ví dụ cho tình tri kỷ của những thời trước kia. Dù Đông hay Tây, phái nam thường thích tụ họp, quây quần với nhau. Đó có thể là vết tích của người tiền sử chăng, khi đàn ông giữ nhiệm vụ săn bắt, họ phải cùng nhau đối đầu với những loài dã thú to khỏe và hung dữ.
Và bây giờ, xin được trở về với chủ đề phim đam mỹ. Hai bộ phim truyền hình nhiều tập Trần Tình Lệnh và Sơn Hà Lệnh đều được chuyển thể từ tiểu thuyết kiếm hiệp đam mỹ. Hai nhân vật nam chính trong truyện đều thuộc loại “đoạn tụ“, tiếng Anh là “gay man“, tiếng Việt là “đàn ông cong“, trái với “đàn ông thẳng – straight man“. Thế nhưng, để qua được kiểm duyệt, phim được sửa đổi để chỉ còn là tình tri kỷ, các cặp tình nhân nam-nam đều bị đặt trong cái thế “tình trong như đã mặt ngoài còn e” (4).
Thế mà Bắc Kinh vẫn lo sợ! Nói cho ngay, có lý do để lo sợ. Ít nhất vì 3 lý do sau đây:
Thứ Nhất, cho tới nay, Trung Cộng vẫn giữ thái độ lình xình với giới đồng tính: “Không cấm đoán cũng không cho phép“. Sự thành công vượt bực của Trần Tình Lệnh và Sơn Hà Lệnhkéo theo cả một chuỗi những bộ phim đam mỹ khác đang rục rịch ra lò. Điều đó sẽ khiến xã hội có thiện cảm nhiều hơn với giới đồng tính. Và đó chính là bệ phóng cho những đòi hỏi mạnh mẽ hơn về quyền đồng tính. Thế nhưng, Đảng Cộng Sản vốn rất ghét bị áp lực bởi người dân. Không nên quên Bắc Kinh đã sẵn sàng nã súng vào chính đồng bào mình trong biến cố đẫm máu Thiên An Môn 1989, dù đó chỉ là một đoàn thanh niên sinh viên tay không tấc sắt, biểu tình ôn hòa.
Thứ Hai, các phim đam mỹ góp phần làm thay đổi “gu” thẩm mỹ về nam giới của giới trẻ Hoa Lục ngày nay. Từ thời Mao Trạch Đông, các tranh cổ động Trung Cộng đều mô tả “Con người Xã Hội Chủ Nghĩa” qua hình ảnh những nông dân, công nhân to khỏe vạm vỡ với nét mặt rạng rỡ tươi vui. Thế nhưng, khi Hoa Lục “mèo trắng, mèo đen“(5) mở cửa, các tư tưởng bên ngoài đã tràn vào và làm lung lay các giáo điều cộng sản.
Bắt đầu từ những cuốn truyện tranh Nhật Bản (6).
Có lẽ vì người châu Á vốn thấp lùn, mũi tẹt, mắt hí, nên các nhân vật truyện tranh thường được vẽ với thân hình dong dỏng cao, sóng mũi thẳng và cặp mắt to, ngay cả người nam cũng xinh đẹp một cách thanh tú. Thế nhưng, ước mơ thoát khỏi kiếp “em sinh ra trời bắt xấu” chỉ thành sự thật khi giải phẫu thẩm mỹ trở nên tân tiến hơn, rẻ tiền hơn. Thanh thiếu niên Hàn Quốc đua nhau đi cắt mắt, sửa mũi, gọt cằm… tới mức các nam, nữ diễn viên người nào người nấy đều trông hao hao giống nhau, ai cũng mắt to, cũng cằm nhọn V-line, tới mức nhìn cứ ngỡ tất cả đều là anh chị em!
Xứ sở tỷ dân nào chịu thua kém xứ sở kim chi. Để theo kịp “đợt sống mới“, các diễn viên màn bạc cũng được tuyển chọn theo tiêu chuẩn mới. Các nam anh hùng không còn mang dáng “đường đường một đấng anh hào” mà nay phải “chân dài, ngực mỏng, da trắng, mặt gầy, môi nhỏ“. Thế nhưng, các “nam thần, soái ca” mảnh mai, ẻo lả ấy không hề làm giảm sút khí chất, phong độ của các nhân vật trong truyện và phim, thậm chí họ còn làm nổi bật hơn tài mạo siêu việt bởi vì ai nấy đều sở hữu “võ công cái thế, nội lực kinh người“.
Thế nhưng, đứng ở góc nhìn trần trụi của giới cầm quyền cộng sản, những chàng “trai đẹp” ấy làm sao có thể cầm súng ra trận theo “tiếng gọi tổ quốc“. Chưa kể, rất nhiều người trong số họ lại là con trai độc nhất trong gia đình, từ nhỏ đã được cưng chiều rất mực. Liệu Bắc Kinh sẽ có được một đoàn quân hùng hậu với những “cậu ấm“? Trào lưu “mỹ nhân hóa” nam thanh niên trở thành mối nguy cơ làm mất đi sức mạnh cơ bắp của quân đội. Quân đội mà yếu thì Trung Cộng còn hung hăng đe dọa được ai?
Và lý do Thứ Ba, cũng tiềm ẩn nguy cơ không kém hai lý do trên, đó là các hội kín. Cộng đồng LGBT (Lesbian, Gay, Bisexual, vàTransgender) ở Hoa Lục vốn đã có những tụ điểm ở một số thành phố tương đối cởi mở. Trên thực tế, không dễ dàng phân biệt ai là đồng tính. Một người đàn ông vai u thịt bắp vẫn có thể là “nữ” trong mối tư tình. Những câu lạc bộ, hội kín ấy biết đâu chừng cũng là những “ổ chứa phản động“? Không nên quên Pháp Luân Công chỉ là một giáo phái tu học “chân, thiện, nhẫn” vậy mà đã khiến cho Bắc Kinh lo sợ tới mức phải dùng mọi cách “đuổi tận, giết tuyệt” vô cùng tàn độc.
Những hội đoàn có tính chất “nghĩa huynh – nghĩa đệ” khiến Bắc Kinh liên tưởng tới “108 Hảo Hán Lương Sơn Bạc” đã từng làm rung chuyển triều đình phong kiến. Nhóm huynh đệ ấy đã thất bại ở Thủy Hử, nhưng tại thế kỷ 21 này – khi Tự Do là ngọn gió bất khả đảo chiều, những con người ấy rất có khả năng sẽ làm tiêu ma chế độ “phong kiến đỏ“, dù cho nó có giảo quyệt và tàn nhẫn hơn những triều đại xưa gấp chục lần hơn.
Với 3 lý do vừa kể trên, không khó để hiểu tại sao nhà cầm quyền Trung Cộng đã hạ lệnh ngăn cấm vô thời hạn những bộ phim điện ảnh thể loại “đồng tính nam” cho dù đó chỉ là tình tri kỷ hay tình huynh đệ.
Về thị trường điện ảnh châu Á mà nói, khi khán giả đã chán ngấy các thể loại ngôn tình sướt mướt, cung đấu trí trá, tiên hiệp viển vông… việc họ quay ra say mê tình bạn tri kỷ ấm áp “sống chết có nhau, không rời không bỏ ” là điều dễ hiểu.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu giới điện ảnh Hoa Lục có bó tay chịu thua hay không?
Kịch bản cho một mối giao tình nam-nam không thể bỏ qua 2 yếu tố: thiện tâm và dũng khí.
Bởi, dù vẻ ngoài mềm mỏng, những nhân vật chính đều vẫn là những anh hùng, tình yêu của họ không thể chỉ nhìn vào mắt nhau mà phải cùng nhìn về một hướng: trừ gian, diệt ác. Mà, chỉ anh hùng mới có tri kỷ, không có tình bạn giữa kẻ cướp.
Và, đó có thể là lý do Thứ Tư khiến Bắc Kinh căm ghét các chàng trai vừa trẻ, vừa đẹp, lại còn tự do, phóng khoáng… trong các phim “đam mỹ“. Bởi, Đảng Cộng Sản không cần tới anh hùng, vì Đảng Cộng Sản chỉ là một bọn cướp.
_______
Ghi chú:
(1) “Nam nữ thụ thụ bất thân“: Nam nữ không được tiếp xúc thân thiết. Câu này được trích trong sách “Li Lậu Thượng” của Mạnh Tử. Vốn có hai vế, nhưng vế thứ hai thường bị bỏ sót. Nguyên văn: “Nam nữ thụ thụ bất thân, lễ dã; Tẩu nịch viên chi dĩ thủ, quyền dã” (Giữa nam và nữ không nên trực tiếp trao nhận vật phẩm bằng tay, đó là lễ nghi; Nhưng nếu chị dâu rơi xuống sông thì (em chồng) dùng tay để cứu, đó lại là thích ứng). Chữ “Quyền“, bộ Mộc, chỉ sự thích ứng, tuy trái với đạo thường nhưng hợp với lẽ phải. Bài viết dùng thành ngữ này để chỉ sự cứng nhắc trong văn hóa Trung Hoa.
(2) Nguyên câu văn trong “Trang Tử Nam Hoa Kinh“: “Quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ” (Quân tử đối xử với nhau nhạt như nước lã, tiểu nhân thì lại ngọt như rượu nếp).
(3) Nguyên đoạn là: “Bất cầu anh hùng vạn thế danh. Đãn cầu tri kỷ đồng lộ hành. Tâm như băng tuyết khiên như điệp. Thị phi đối thác vô bằng tá“. (Chẳng cần được tiếng anh hùng ngàn năm. Chỉ mong có tri kỷ đi cùng đường. Trái tim như băng tuyết, đôi vai như cánh bướm (lạnh với các ham muốn, nhẹ với các mưu cầu). Thị phi đúng sai không can dự vào).
(4) “Người quốc sắc kẻ thiên tài – Tình trong như đã mặt ngoài còn e“. Tả dáng vẻ thẹn thùng của Kim Trọng và Thúy Kiều khi gặp gỡ lần đầu tiên. Trích “Đoạn Trường Tân Thanh” của Nguyễn Du.
(5) Nguyên văn câu nói của Đặng Tiểu Bình: “Bất quản hắc miêu bạch miêu, năng tróc lão thử đích tựu thị hảo miêu” (Bất kể là mèo trắng hay mèo đen, miễn bắt được chuột thì đều là mèo tốt). Từng bị Mao Trạch Đông coi là tư tưởng “gió nghịch chiều“, dẫn đường đến chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, câu này có xuất xứ từ bộ tiểu thuyết “Liêu Trai Chí Dị” – Truyện “Khu Quái” – của Bồ Tùng Linh. Đời nhà Thanh, tú tài họ Từ không muốn phục vụ triều đình, bèn bỏ đi học đạo thuật để giúp người trừ ma quỷ. Có một đại quan triều đình mời ông ta đến trừ ma quỷ, hầu hạ đãi đằng cơm ngon rượu ngon nhưng tuyệt không mở miệng nói gì đến chuyện trừ ma quỷ. Đến tối có một con quái vật đầu người mình thú hiện đến ăn cơm thừa canh cặn. Từ tú tài sợ mất hồn hét loạn lên làm con quái thú cũng hoảng hồn chạy mất, từ sau không xuất hiện nữa. Người đời cảm thán rằng: “Hoàng ly hắc ly đắc thử giả hùng” (Dù chồn vàng hay chồn đen, cứ bắt được chuột là thành anh hùng).
(6) Nhật Bản gọi truyện tranh là Manga. Hàn Quốc là Manhwa. Trung Hoa là Manhua. Cả ba loại truyện đều có phong cách vẽ tương tự như nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét