Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

Chiến tranh Lạnh mới, bên nào mạnh?

 


Chiến tranh Lạnh mới, bên nào mạnh?

25/03/2022

Ngô Nhân Dụng

TT Joe Biden (trái) đến Âu Chậu dự thượng đỉnh về vấn đề Ukraine, 24 tháng Ba.

TT Joe Biden (trái) đến Âu Chậu dự thượng đỉnh về vấn đề Ukraine, 24 tháng Ba.

Mỹ và các nước Âu châu trong khối NATO đã kết hợp, tạo thế đối nghịch. Australia, Canada, và New Zealand vốn liên minh với Anh, Mỹ. Các nước Á Đông, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan đứng cùng với Mỹ.

Chiến tranh Lạnh mới đã bắt đầu trên mặt trận kinh tế, trước khi cuộc chiến Ukraine kết thúc. Một bên, Nga có ít nhất 7 đồng minh. Kazakhstan, Belarus đóng vai chư hầu Nga. Trung Cộng không chống lại cuộc xâm lăng Ukraine của Nga, kéo thêm Cambodia và Lào. Syria đứng hẳn về phía Nga, đang gửi quân qua giúp Putin. Đại sứ Bắc Hàn Sin Hong Chol gặp thứ trưởng ngoại giao Nga Igor Morgulov, có thể gửi lính sang Ukraine cho Putin.

Bên kia, Mỹ và các nước Âu châu trong khối NATO đã kết hợp, tạo thế đối nghịch. Australia, Canada, và New Zealand vốn liên minh với Anh, Mỹ. Các nước Á Đông, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan đứng cùng với Mỹ.

Nga với một nền kinh tế chỉ bằng hơn một nửa Anh hay Pháp, đã bị cô lập hóa. Trung Cộng sẽ bị phong tỏa kinh tế dần dần nếu tiếp tục liên kết với Nga. Nhưng thế giới đã chia thành hai phe rõ rệt, Mỹ và đồng minh đang chiếm lợi thế. Trong Tổng Sản Lượng (GDP) cả thế giới, khoảng $92 ngàn tỷ mỹ kim, Trung Quốc chiếm 18%. Cộng thêm Nga và mấy nước phụ thuộc sẽ lên được 20%. Riêng nước Mỹ đã chiếm 24% GDP cả thế giới, cùng với các đồng minh sẽ lên 59%. Thế chênh lệch này khó thay đổi từ nay đến cuối thế kỷ.

Sức mạnh kinh tế của Nga nằm dưới mặt đất, với những quặng mỏ khổng lồ. Nga tùy thuộc Tây phương ngay trong việc khai thác quặng mỏ. Muốn biến khí đốt thành chất lỏng để xuất cảng, Nga dựa vào kỹ thuật của các công ty Pháp, Na Uy, và Italy. Nga cung cấp khí đốt, dầu lửa, kền (nickel) và palladium, một chất cần thiết để trừ khói độc từ xe hơi thải ra, sẽ bớt quan trọng khi mọi người dùng xe chạy điện.

Trung Quốc nhờ đông dân đã đóng vai nhà máy sản xuất đủ thứ hàng hóa cho thế giới từ ba chục năm nay nhưng hai bên sản xuất và tiêu thụ tùy thuộc lẫn nhau. Thế cân bằng này không thay đổi chờ đến khi dân số Trung Quốc giảm, số người làm việc sẽ giảm xuống rất nhanh. Công nghiệp thế giới đang thay thế sức người bằng robots và sản xuất tự động hóa, Trung Quốc sẽ mất một lợi thế.

Đối nghịch với Nga và Trung Quốc là những nước mạnh nhất về kinh tế tri thức.

Nga và Trung Cộng yếu nhất trong ngành điện tử và tin học, là nền tảng của tương lai kinh tế. Hai nước bị Mỹ và đồng minh vượt xa trong việc sử dụng chất bán dẫn và sản xuất các chíp dùng trong máy vi tính, trong các ứng dụng vào internet. Nga và Trung Cộng đi chậm khoảng 15 năm, mà khi đuổi kịp thì các nước kia đã vượt xa hơn rồi.

Việc sản xuất chíp đi qua nhiều giai đoạn rất phức tạp. Các công ty Nvidia, Intel, Qualcomm, AMD ở Mỹ và ARM của Anh quốc dẫn đầu trong nghề thiết kế chíp (chip design) tân tiến nhất. Công việc sản xuất chíp nằm trong tay các công ty Intel ở Mỹ, TSMC ở Đài Loan và Samsung ở Nam Hàn. Các công ty Applied Materials và Lam Research ở Mỹ, ASML ở Hòa Lan và Tokyo Electron của Nhật đứng đầu trong việc cung cấp kỹ thuật và bộ phận.

Vũ khí và hệ thống thông tin trong quân đội đều cần đến chất bán dẫn. TSMC của Đài Loan (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co.) sản xuất hơn một nửa số chíp dùng trên thế giới, rồi tới Samsung của Nam Hàn đứng đầu về các chíp lưu giữ (memory-chip). Cả hai công ty đều đã ngưng bán hàng cho Nga; vì sẽ không được phép mua các thiết kế và các bộ phận của Mỹ, nếu không tuân hành lệnh phong tỏa.

Các công ty Nga như Elbrus và Baikal chế các máy vi tính (computers) và máy chủ (servers), đều dùng những chíp mới do TSMC và Samsung cung cấp. Công ty Nga lớn nhất, Mikron Group, chỉ có thể chế tạo những chíp kích thước 65 nano-mét, trong khi các công ty Mỹ, Nhật, Đài Loan, Nam Hàn sản xuất những loại chíp tinh vi từ 6 đến 9 nano-mét (một phần tỷ của một mét).

Trung Quốc mạnh hơn Nga trong ngành chất bán dẫn, đứng hàng đầu là công ty quốc doanh SMIC (Semiconductor Manufacturing International Co.). Nhưng SMIC cũng cần mua bộ phận từ TSMC của Đài Loan, mà TSMC bị cấm không được bán các kỹ thuật mới cho Trung Cộng nếu dùng để giúp Nga.

Trên lý thuyết Trung Cộng có thể giúp Nga chế tạo chíp mới, nhưng muốn lập cơ sở sản xuất cần ít nhất một năm. Hơn nữa, bất cứ nước nào muốn sản xuất các chất bán dẫn tân tiến đều phải mua các khí cụ của ASML, mà chính công ty Hòa Lan này cũng bị cấm bán cho Nga, vì họ dùng các kỹ thuật sáng chế ở Mỹ. Các công ty Trung Cộng muốn giúp Nga sản xuất chíp với các kỹ thuật cũ cũng sẽ bị cấm vận, từ nay không được mua và sử dụng các kỹ thuật mới của Mỹ, Nhật, Nam Hàn, Đài Loan và Âu châu nữa.

Nga là một siêu cường nhờ năng lượng chứa dưới mặt đất, Đài Loan, Nam Hàn là những siêu cường trong công nghiệp chất bán dẫn, dựa trên bộ óc con người. Các nước có thể mua dầu, khí từ nơi này hoặc nơi khác, như Đức, Pháp đang muốn chấm dứt không lệ thuộc vào Nga nữa. Muốn thay thế nguồn cung cấp chất bán dẫn khó hơn nhiều. Đó là một điểm đặc biệt trong cuộc tranh hùng kinh tế giữa hai khối tự do và độc tài.

Sức mạnh quân sự của một nước tùy thuộc vào khả năng kinh tế. Các công ty Trung Cộng đi sau Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn và Âu châu trong việc sản xuất các máy vi tính mới. Hậu quả là Trung Cộng và Nga sẽ chậm trễ trong các ngành cần dùng những chíp cao cấp nhất, như internet thế hệ thứ 5 (5G) và máy móc tự động (robotics). Phát triển kinh tế tùy thuộc vào khả năng đầu tư liên tục trong hoạt động nghiên cứu. Trung Quốc và Nga có khoảng 2.5 triệu các nhà nghiên cứu khoa học, Mỹ và các nước đồng minh có 5.2 triệu người. Năm 2019 Nga và Trung Cộng đầu tư tổng cộng $570 tỷ mỹ kim vào việc nghiên cứu, R&D. Mỹ và khối tự do đầu tư $1.5 ngàn tỷ, theo thống kê của OECD, tổ chức cộng tác và phát triển.

Trung Cộng đang nỗ lực đào tạo nhân tài, số sinh viên tốt nghiệp cử nhân về khoa học và kỹ thuật nhiều bằng tất cả các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản và Nam Hàn cộng lại. Đó là một lực lượng chủ yếu giúp các công nghiệp sản xuất ở Trung Quốc, trong khi các kỹ sư ra trường ở Mỹ không thích làm trong các cơ xưởng.

Nhưng các nước tự do dân chủ chiếm một ưu điểm là thu hút được nhân tài từ khắp thế giới. Một cuộc nghiên cứu của một đại học Bắc Kinh cho biết trong số các chuyên viên cao cấp Trung Hoa về Trí khôn Nhân tạo (artificial intelligence), hơn một nửa, 56% đang làm việc ở Mỹ, chỉ có 34% làm việc ở Trung Quốc, theo nhật báo The Wall Street Journal ngày 18 tháng Ba, 2022. Lý do vì “môi trường nghiên cứu khoa học ở Mỹ thoải mái và kích động tìm tòi … đã lôi cuốn các tài năng về khoa học, kỹ thuật.” Sống tự do và có cơ hội làm giàu là động cơ thúc đẩy các doanh nhân trong những ngành kỹ thuật. Nước Mỹ có đầy đủ hai thứ đó, bên Trung Quốc, bên Nga thì không.

Khối tự do dân chủ phải phối hợp để vận dụng các ưu điểm của mình trong cuộc chiến tranh lạnh mới. Mỹ, Âu châu, và các nước Á Đông đang tiến về hướng đó. Trước đây, khi chính phủ Mỹ dùng các biện pháp cấm bán kỹ thuật mới cho Trung Quốc, phải ép buộc Đài Loan mới chịu theo. Nhưng bây giờ Đài Loan nhanh chóng tuân thủ các biện pháp cấm vận nền kinh tế Nga nhân vụ xâm lăng Ukraine.

Khối tự do cho thấy họ có thể đoàn kết trong hành động cụ thể. Mỹ và Liên hiệp Âu châu đã giải quyết các xung khắc về trợ cấp các công ty Boeing và Airbus và đồng ý một chính sách trong ngành sản xuất máy bay cùng áp dụng đối với các “nền kinh tế chỉ huy,” tức là Nga và Trung Cộng.

Các nước Đức và Italy đã đưa ra các điều kiện nghiêm ngặt đối với các cuộc đầu tư vào Trung Quốc để ngăn ngừa việc chuyển giao kỹ thuật cho họ. Nhật Bản đã ban hành đạo luật an toàn kinh tế, không đầu tư vào các ngành kỹ thuật cao ở nước ngoài, nhắm vào Trung Quốc. Nhiều công ty kỹ thuật đã giảm hoạt động ở lục địa Trung Hoa, chuyển sang các nước khác. TSMC của Đài Loan đã mở các nhà máy ở Nhật Bản và Arizona bên Mỹ. Intel lập các nhà máy chất bán dẫn mới ở Pháp, Đức, Italy và ở Ohio.

Cựu thủ tướng Australia, ông Kevin Rudd mới lên tiếng kêu gọi chính phủ Mỹ quay trở lại với TPP, thỏa ước hợp tác Á châu Thái Bình Dương và tiến đến các thỏa ước tương tự với các nước Âu châu.

Thỏa ước TTP ra đời thời Tổng thống Obama trong kế hoạch chuyển trục về Á châu; nhắm cô lập Trung Cộng, một nước không được mời tham dự. Khi Tổng thống Trump rút ra, 11 nước còn lại vẫn tiếp tục giao kết. Tổng thống Joe Biden không tỏ ý quan tâm đến đề nghị này. Ông đã tăng cường các hợp tác quân sự với các đồng minh ở Âu và Á châu nhưng không đưa ra một mặt trận liên kết kinh tế. Trong khi đó, Tập Cận Bình tìm cách mở rộng ảnh hưởng kinh tế qua kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ và đã ngỏ ý muốn tham dự thỏa ước TTP mới nhưng bị 11 nước từ chối.

Chính phủ Biden cần lắng nghe lời khuyên của ông Kevin Rudd, rằng lợi thế chiến lược của nước Mỹ là nhờ “thương mại tự do, mở cửa cho các nguồn vốn lưu chuyển.” Theo nhật báo Wall Street Journal ngày 19 tháng 3 năm 2022, ông Rudd nhấn mạnh, “Nếu các nước dân chủ tự do theo một chiến lược trước sau như một, chúng ta sẽ có một lợi thế khổng lồ trên những mặt trận tài chánh, kinh tế và kỹ thuật tân tiến.” Phe tự do sẽ thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét