Ghi chép những ngày Ukraine (Phần 7)
25-4-2022
Tiếp theo Phần 1 — Phần 2 — Phần 3 — Phần 4— Phần 5 và Phần 6
Ngày 21.4
Ông anh khả kính ngoài Hà Nội gọi vào, bảo chú có rảnh không, anh em nói chuyện chút. Mình bảo, em rảnh, chơi suốt ngày, đầy thì giờ, chỉ thiếu mỗi tiền.
Ông kể, em ạ, đọc báo cũng như theo dõi dư luận xã hội, thấy buồn lắm. Có rất nhiều người Việt ta, từ tầng lớp cầm quyền cao nhất tới những hạng bình dân, họ công khai hoặc ngấm ngầm ủng hộ bọn Nga, tức là ủng hộ bọn xâm lược, bọn phát xít, bọn đểu giả lừa dối, bọn giết người. Chúng nhiếc móc chê bai cuộc chiến đấu của đất nước, nhân dân, con người Ukraine. Chúng dửng dưng trước cảnh quân Nga tàn phá đất nước Ukraine, chúng không một chút rung động trước cảnh nhà tan cửa nát, dân chúng vô tội bị giết…
Vậy thì chúng hãy thử hình dung, nếu cảnh đổ nát tàn phá ấy, dân chúng bị giết thê thảm ấy, không phải ở Ukraine mà ở quê hương đất nước mình, là những nhà hát lớn, phủ chủ tịch, cầu Nhật Tân, cầu Bãi Cháy, khu Văn Miếu, những dãy nhà cao tầng, khu đô thị mới hiện đại… bị ăn bom, tên lửa của quân Nga, liệu có chịu được không, hay lại tớn lên xắn váy quai cồng mà rủa xả, mà chửi bọn độc ác vô lương tâm phi nghĩa. Thói đâu có thói của mình thì đau xót, của thiên hạ thì không đáng đồng xu. Vậy nhưng mở miệng ra là cao giọng lương tâm, chính nghĩa.
Ngày 23.4
Càng gần cuối tháng 4, cái tháng gắn liền với câu nói của ông Võ Văn Kiệt, nếu có một triệu người vui thì cũng có một triệu người buồn, người ta lại xả ký ức về chiến tranh. Đang nóng rẫy cuộc chiến tranh ở Ukraine nên chiến tranh Việt Nam lại càng được nhớ tới, khơi dậy. Bên thắng cuộc tất nhiên làm rùm beng nhất, trên tivi, đài phát thanh, báo chí đủ loại, cả trên những con đường, công viên căng băng-rôn khẩu hiệu đỏ lòe. Trên mạng xã hội cũng nhiều chả kém.
Anh Nguyễn Thiện, một tên tuổi khá nổi tiếng, từng là người đề xướng phong trào vận động “Dân ta phải biết sử ta” trong thanh niên và sinh viên học sinh, anh viết trên phây búc đề nghị nhà nước cần dứt khoát bỏ từ “ngụy” khi nói về chính thể và quân đội Việt Nam cộng hòa. Anh bảo, cứ quanh năm suốt tháng bị nghe báo đài và cán bộ nhắc đến từ “ngụy” này, mỗi khi tới dịp “lễ lớn” 30.4 lại càng tần suất dày đặc, càng thêm khó chịu. Ăn mày quá khứ là một chuyện, nhưng cứ đào sâu mãi hố ngăn cách như thế, chia bên thắng cuộc – thua cuộc như thế, thì muôn đời người xứ này chia rẽ, không bao giờ hòa hợp dân tộc nổi.
Lại nhớ, vừa rồi cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Nguyễn Đình Bin có bài rất hay nhân kỷ niệm vụ đảo Gạc Ma bị mất vào tay quân Trung Quốc, trong đó ông Bin đề nghị nhà nước cần công nhận liệt sĩ cho tất cả những người lính đã hy sinh bảo vệ, gìn giữ biển đảo, chủ quyền tổ quốc, dù họ ở bên nào, cộng sản hay cộng hòa, cụ thể là những binh lính Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh khi chiến đấu bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Đọc bài ông Bin, ông hàng xóm nhà tôi bảo, người như ổng hiếm lắm.
Hiếm, ông Bin nhưng lại còn rất nhiều người hăng hái xẻng cuốc khư khư giành việc đào hố ngăn cách. Thứ tư duy kể công bám chặt trong đầu thế hệ đã trải qua chiến tranh. Trên phây búc của anh Hòa Quang Ngọ, anh tải một bài viết nói về thi sĩ Nguyễn Bính và ước mơ hòa bình, khát vọng không có chiến tranh mà Nguyễn Bính từng thể hiện trong thơ, cũng như trong những tâm sự với bạn bè. Một người, có nhẽ lớn tuổi, vai trên, là cô giáo hoặc bạn cũ anh Ngọ vào còm: “Nếu không thống nhất đất nước, sao Việt Nam có được vị thế như hôm nay. Chuyện tầm phào vớ vẩn”.
Sau đó cô còm thêm “Sự hy sinh của bao liệt sĩ, trong đó có anh trai cô là vô ích sao em?”… Rồi lại thêm mấy ông có nhẽ cùng thấm nhuần tư tưởng bên thắng cuộc, trong đó có một ông tên Thắng, vào còm với giọng điệu không khác gì an ninh, tuyên giáo, mắng anh Ngọ bị suy thoái, ăn phải bả của bọn tư bản đế quốc. Nghe họ phê phán, cứ như lý luận của tổng bí thư đảng cầm quyền chứ không phải của những người có hiểu biết.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét