Macron tái đắc cử trong cuộc bầu Tổng thống 2022 ở Pháp
Vũ Ngọc Yên
26-4-2022
Gần 48,7 triệu cử tri Pháp được kêu gọi đi bỏ phiếu vòng 2 vào Chủ Nhật 24-4-2022 để bầu ra người lãnh đạo đất nước trong 5 năm tới. Theo kết quả chính thức của cuộc bầu cử, Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron, 44 tuổi của Đảng Cộng hoà Tiến lên (La Republik en Marche-LREM) đã tái đắc cử với 58,55% (18.779.641 phiếu bầu) trong khi ứng cử viên cánh hữu đối nghịch Marine Le Pen, 53 tuổi, Tập hợp Quốc gia (Rassemblement National-RN) nhận được 41,45% (13.297.760 phiếu bầu).
Trong cuộc bầu lần này, Macron đã nhận được số phiếu bầu ít hơn so với cuộc bầu cử Tổng thống cách đây 5 năm (66,1%). Le Pen nhận được nhiều phiếu bầu hơn, nhưng không đủ để vượt qua Macron. Tỷ lệ cử tri không đi bầu khoảng 28%, chiếm gần một phần ba tổng số cử tri đã không bỏ phiếu vì họ không thể xác định được sự chọn lựa giữa Marine Le Pen và Emmanuel Macron. Ngoài ra còn có 8% bỏ phiếu trắng “vote blanc“ để phản đối.
Trước ngày bầu cử, nhiều đảng phái và tổ chức kêu gọi ngăn cản chiến thắng của Le Pen và bỏ phiếu cho Macron trong vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Nhiều cử tri đã hành xử theo lời kêu gọi – ngay cả khi họ thật sự không hài lòng với các chính sách của Macron.Không chỉ vì thái độ chống châu Âu của Le Pen, cuộc bầu cử cũng được quốc tế quan sát một cách đầy lo ngại, đặc biệt tại Brussels và Berlin. Một số chính trị gia hàng đầu của châu Âu đã gián tiếp kêu gọi bầu Macron. Trong một bài viết đăng trên báo Le Monde, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và những người đồng cấp từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, Pedro Sánchez và António Costa đã ngầm kêu gọi công dân Pháp bỏ phiếu cho Emmanuel Macron: “Các công dân Pháp đang phải đối mặt với một sự lựa chọn quan trọng – cho nước Pháp và cho mỗi người trong chúng ta ở châu Âu. Đây là sự lựa chọn giữa một ứng cử viên dân chủ, người biết rằng sức mạnh của Pháp đang tăng lên trong một Liên minh châu Âu độc lập và hùng mạnh. Và một ứng cử viên cực hữu công khai thể hiện tình liên kết với những kẻ đang tấn công tự do và dân chủ của chúng ta“.
Phản ứng sau kết quả bầu cử
Cuộc bầu cử được công luận nhận xét không chỉ là một cuộc bỏ phiếu định mệnh cho EU, mà còn quyết định về phương hướng chính trị cho cả Pháp. Cử tri Pháp cũng sẽ phải chọn lựa giữa hai mô hình xã hội và hai đề xuất chính trị rất tương phản.
Nếu ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen trở thành tổng thống, không chỉ Pháp sẽ là một quốc gia khác, mà châu Âu cũng sẽ là một lục địa khác. Le Pen muốn lợi ích quốc gia hơn lợi ích của châu Âu và Pháp rời khỏi cơ cấu chỉ huy quân sự của NATO. Le Pen muốn đàm phán lại các hiệp ước châu Âu và bảo vệ lợi ích của Pháp trước các hiệp ước châu Âu. Le Pen muốn đặt luật quốc gia lên trên luật châu Âu, đàm phán lại khu vực giao lưu tự do Schengen và chấm dứt tất cả các dự án vũ trang với Đức.
Về nội chính, Le Pen hướng tới chính sách cứng rắn chống người nhập cư và hạn chế phúc lợi xã hội dành cho người nước ngoài. Le Pen hứa với cử tri của mình, rằng sẽ giảm thuế giá trị gia tăng VAT đối với điện, khí đốt và dầu sưởi từ 20% xuống 5,5%.
Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron, chủ trương đấu tranh cho dự án châu Âu tự chủ, độc lập thông qua tăng cường đối tác Pháp – Đức để thúc đẩy dự án này tiến lên. Macron muốn định vị lục địa châu Âu như một cường quốc địa chính trị so với Mỹ và Trung Quốc. Về nội chính Macron muốn sẽ thực hiện nhiều cải cách, tăng tuổi hưu từ 62 lên 65 và coi việc bảo vệ môi trường là mối ưu tiên đối với một chính phủ tương lai.
Với sự thắng cử, Macron đã cứu nước Pháp và châu Âu tránh được một trận động đất chính trị.
Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng Liên minh Âu châu (EU) cảm thấy nhẹ nhõm về việc Macron tái đắc cử khi viết trên Twitter “Chúng tôi có thể trông đợi vào Pháp trong 5 năm nữa.Trong thời điểm hỗn loạn này, chúng ta cần một châu Âu mạnh mẽ và một nước Pháp can dự hoàn toàn cho một Liên minh châu Âu có chủ quyền và chiến lược hơn“. Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban EU cũng chúc mừng Macron tái đắc cử: “Tôi rất vui khi có thể tiếp tục sự hợp tác tốt đẹp của chúng ta và cùng nhau, chúng ta sẽ thúc đây phát triển Pháp và châu Âu“.
Trong bài phát biểu mừng thắng cử đọc trước những người ủng hộ tụ tập trong công viên Champ-de-Mars gần tháp Eiffel, Macron nói: “Những năm tới chắc chắn sẽ khó khăn,nhưng sẽ trở nên lịch sử và chúng ta cùng nhau viết những trang sử này cho các thế hệ mới. Cử tri đã quyết định cho một dự án nhân bản, cộng hoà, xã hội và sinh thái dựa trên lao động và sáng tạo. Một dự án nhằm giải phóng sức mạnh học thuật, văn hóa và kinh doanh của chúng ta. Chúng ta phải đề ra yêu cầu cao và nhiều ước vọng. Chúng ta có quá nhiều việc phải làm và cuộc chiến ở Ukraine hiện nay nhắc nhở rằng chúng ta đang ở trong thời kỳ bi thảm mà Pháp phải tìm con đường cho chính mình“.
Macron hứa sẽ không bỏ rơi bất kỳ ai phía sau: “Chúng ta cũng phải nhân từ và tôn trọng lẫn nhau bởi vì đất nước của chúng ta đang chìm sâu trong sự nghi ngờ và chia rẽ. Chúng ta phải mạnh mẽ lên“. Macron nói sẽ lưu tâm giải quyết những bất bình của các cử tri bỏ phiếu cho đối thủ của ông, cũng như của nhnữg người không đi bầu.
Phản ứng ban đầu về kết quả bầu cử, Le Pen đã tỏ ra gay gắt khi phát biểu trước những người ủng hộ: “Cuộc đấu tranh vẫn chưa kết thúc. Vì bây giờ cuộc vận động bầu cử quốc hội mới bắt đầu. Tập hợp Quốc gia mở cửa chào đón tất cả những những ai muốn đoàn kết chống lại Macron“. Theo bà, kết quả bầu cử đã minh chứng cho “một sự bất tín nhiệm lớn của nhân dân Pháp đối với những người nắm quyền ở Pháp và châu Âu“. Le Pen hứa sẽ không kết thúc sự nghiệp chính trị của mình: “Tôi sẽ tiếp tục dấn thân cho nước Pháp và người Pháp bằng nghị lực, lòng kiên nhẫn và tình cảm mà mọi người biết từ tôi“.
Về kết quả cục bầu cử, ứng cử viên Tổng thống cánh tả Jean-Luc Mélenchon nói: “Le Pen và Macron thậm chí không đại diện cho một phần ba số cử tri đã đăng ký”. Tuy nhiên, Mélenchon mô tả, thất bại của Le Pen là “tin rất tốt cho sự đoàn kết của nhân dân“.
Mélenchon muốn trở thành thủ tướng trong cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến vào tháng Sáu năm nay. Ông kêu gọi cử tri không bầu Macron “chọn một con đường khác“, hãy bỏ phiếu cho các ứng viên phe tả. Bản thân ông sẽ sẵn sàng thách thức Macron với tư cách là người đứng đầu một chính phủ đối lập.
Những thách thức cho MacronEmmanuel Macron hiện phải tìm cách thống nhất đất nước này, vốn đang bị phân hoá một cách kỳ lạ sau 5 năm kể từ chiến thắng của ông vào tháng 5/2017. Nó được chia thành ba khối chính trị, trong đó, bên cạnh đảng cầm quyền Tập hợp Cộng hoà tiến lên LREM trung tâm, còn có hai đảng ở rìa trái và phải – cánh hữu Tập hợp Quốc gia (RN) của Marine Le Pen và chính đảng Nước Pháp bất khuất (La France insoumise – LFI) của Jean-Luc Melenchon.
Còn có một khối thứ tư bao gồm 28% cử tri đã không đi bầu và 9% cử tri bỏ phiếu trắng “vote blanc”, một lá phiếu đã cố tình làm vô hiệu. Về mặt số lượng và so với kết quả của cuộc bỏ phiếu vòng một thì khối này sẽ là đảng mạnh nhất của Pháp, của những người không còn tin vào sự cạnh tranh dân chủ.
Macron, Tổng thống mới cũng là người đương nhiệm đã ý thức được đa số người dân vẫn còn bất mãn với đường lối cầm quyền của ông trong nhiệm kỳ qua. Ông hứa vào buổi tối kết thúc ngày bầu cử: “Kể từ hôm nay, tôi sẽ không còn là ứng cử viên của một phe nữa mà là ứng cử viên của tất cả người Pháp”.
Muốn trở thành Tổng thống của toàn thể nhân dân Pháp, cho đến nay điều này thật không đơn giản đối với Macron. Ông vốn bị nhiều cử tri nhận xét là Tổng thống của giới giàu, đại gia và thượng lưu tư sản – Những người không phải lo sợ về cuộc sống như tầng lớp lao động.
Macron đã công bố một cách thức quản lý mới để lôi kéo người dân tham gia nhiều hơn vào các dự án và kế hoạch cải cách trong các lãnh vực giáo dục, y tế. Ông hứa sẽ cải cách hệ thống chính trị và áp dụng luật bầu cử theo tỷ lệ. Để phong phú bối cảnh chính trị, Macron có thể bổ nhiệm một thủ tướng và các thành viên trong nội các đến từ một chính đảng khác. Công luận phỏng đoán, Macron sẽ phải làm điều gì đó để bù đắp công bằng cho 42% cử tri cánh tả LFI của Mélenchon, đã dồn phiếu cho Macron ở vòng chung kết.
Macron đã mê hoặc nhân dân 5 năm trước với lời hứa thay đổi chính trị, giờ phải chứng minh cho người Pháp rằng ông hiểu lá phiếu của họ và quyết tâm thực hiện một cách nghiêm túc. Đây là nhiệm kỳ cuối cùng của Macron theo quy định của Hiến pháp. Nhưng nhiệm kỳ này sẽ quyết định, liệu Macron có thể phục hồi sự đoàn kết và phục hưng nước Pháp được không? Hay liệu Macron có phải là người mở đường cho những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu lên nắm quyền trong 5 năm tới?
Macron có thể trở thành một Tổng thống sẽ làm nên lịch sử. Điều mà Macron mơ ước. Trong bài phát biểu ngắn của mình, để cám ơn cử tri, ông nói về một dự án cộng hòa, xã hội và hứa hẹn sự tiến bộ cho giới trẻ Pháp: “Những năm tới chắc chắn sẽ khó khăn, nhưng chúng sẽ mang tính lịch sử và chúng ta cùng nhau viết chúng cho các thế hệ mới“.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét