Tin vui: nghiên cứu mới về dương tính giả trong tầm soát ung thư
Nguyễn Văn Tuấn
Hình ảnh từ UCDavis.
Cuối tuần trước hiện tình thế sự nổi trôi, tôi loay hoay tìm một câu chuyện vui để báo cho các bạn, thì may quá nhận được tin vui từ BS Thảo Quyên, một học viên cũ và cũng là thành viên trong nhóm nghiên cứu ung thư của chúng tôi ở Việt Nam. Bài báo quan trọng và đầu tiên của em ấy mới được công bố trên tập san uy tín JAMA Network Open [1]. Đây là một nghiên cứu quan trọng và được báo chí thế giới chú ý [2-3].
Theo kết quả nghiên cứu này thì trong thời gian 10 năm, chừng 50% phụ nữ tham gia chương trình tầm soát ung thư vú có ít nhứt 1 kết quả dương tính giả. "Dương tính giả" có nghĩa là kết quả xét nghiệm dương tính nhưng người phụ nữ không bị ung thư. Kết quả cũng chỉ ra rằng dùng công nghệ hiện đại hơn (như 3D tomosynthesis) có thể giảm tỉ lệ dương tính giả so với công nghệ cũ (2D), nhưng không nhiều. Nói cách khác, phương pháp / công nghệ xét nghiệm không đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tỉ lệ dương tính giả.
Đây là một kết quả quan trọng được đúc kết từ một nghiên cứu rất lớn ở Mĩ. Nghiên cứu có hơn 900,000 người tuổi 40-79, trong thời gian 2005-2018 tại 126 trung tâm tầm soát trên nước Mĩ. Các bạn thử tưởng tượng: để có vài con số trên, người ta phải theo dõi hàng triệu phụ nữ trong vòng 10 năm trời! Rất công phu. Rất tốn kém. Do đó, kết quả nghiên cứu trở thành "tâm điểm" của giới chuyên ngành và báo chí.
Nhân đây cũng xin nói thêm về tác giả. BS Thảo Quyên là em gái của BS Hồ Hoàng Phương [4]. Thảo Quyên học PhD ở trong nước và từng tham gia nhóm nghiên cứu ung thư của chúng tôi ở VN. Chúng tôi hay nói đùa (sau lưng) rằng Thảo Quyên là một người rất "máu" về nghiên cứu y khoa và biết mình muốn làm cái gì. Thành ra, khi em ấy tham gia nhóm là được BS Lan 'trọng dụng' ngay. Khổ nỗi là chỉ một thời gian thì em ấy đã "bay xa". Nhóm chúng tôi mất một người, nhưng em ấy có cơ hội tốt hơn.
Em ấy bay sang Mĩ. Thật ra, Quyên lúc nào cũng nói với tôi là tìm cơ hội làm postdoc ở Mĩ. Rồi qua một cơ duyên trong hội nghị quốc tế và qua giới thiệu của tôi, em ấy đã đặt chân đến UC Davis và làm nghiên cứu cho một nhóm nghiên cứu nổi tiếng. Khi đặt chân đến Mĩ đúng mùa đại dịch thì em ấy được giao cho project này. Khi nhìn qua dữ liệu thì tôi rất ớn, nên đề nghị em ấy dùng R để trả lời câu hỏi nghiên cứu. Nói chung là không dễ vì đòi hỏi phải có máy tính tốt và "mày mò" một thời gian mới có kết quả như thế này.
Tôi nghĩ trong quá trình nghiên cứu và công bố bài báo, Thảo Quyên đã 'trưởng thành' trong khoa học. Em ấy đã biết văn hoá khoa học, cách cư xử (give-and-take) với đồng nghiệp trong nhóm, đạo đức công bố khoa học như thế nào. Đó là những gì em ấy khó có thể có được trong môi trường trong nước. Bài báo này là một minh chứng rằng em ấy đã thành công bước đầu trong quá trình học postdoc. JAMA Open là tập san Mở, nhưng có ảnh hưởng khá cao. Tại sao tôi biết? Tại vì tôi là chuyên gia bình duyệt cho họ nên có những thông tin trong. Tôi rất vui là bài báo của Thảo Quyên được công bố trên JAMA Open vì đó là một 'viên gạch' quan trọng trong sự nghiệp. Xin có lời chúc mừng BS Thảo Quyên!
PS: Báo chí VN nên phỏng vấn BS Quyên để biết thêm chi tiết về nghiên cứu này vì nó có liên quan đến tình hình tầm soát ung thư ở Việt Nam.
N.V.T.
[1] https://jamanetwork.com/.../jamanetwo.../fullarticle/2790521
[2] https://www.sciencedaily.com/rel.../2022/03/220325122711.htm
[3] https://www.medpagetoday.com/hematolog.../breastcancer/97885
[4] Không rõ có họ hàng gì với Hồ Chí Minh? Chắc không.
Nguồn: FB Nguyễn Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét