Kinh tế Nga: Đòn cấm vận bắt đầu “ngấm tới xương”
25 tháng 3, 2022
Một siêu thị trống rỗng hàng hóa, Moscow, ngày 23 Tháng Ba (ảnh: Vlad Karkov/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)
Theo ghi nhận tổng hợp mới nhất (cập nhật ngày 25 Tháng Ba 2022), chi phí sinh hoạt ở Nga bắt đầu tăng ào ạt. Các số liệu chính thức cho thấy giá một số mặt hàng chủ lực cho sinh hoạt – chẳng hạn đường – đã tăng tới 14% trong tuần qua. Ngày 23 Tháng Ba, Bộ Kinh tế Nga cho biết lạm phát hàng năm đã tăng 14.5% trong tuần kết thúc vào ngày 18 Tháng Ba – mức cao nhất kể từ cuối năm 2015.
Hàng tiêu dùng tăng phi mã
Cơ quan Thống kê Nhà nước Liên bang Nga cho biết giá đường tăng tới 37.1% ở một số địa phương. Đường, thường được sử dụng để bảo quản thực phẩm hoặc nấu rượu, là mặt hàng tăng giá mạnh nhất. Củ hành là loại tăng mạnh thứ hai trong tuần, tăng 13.7% trên cả nước và 40.4% ở một số khu vực. Tã lót đắt hơn 4.4%. Giá trà đen tăng 4% và giấy vệ sinh tăng 3%… Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng gấp đôi lãi suất, lên 20% vào Tháng Ba, trong nỗ lực ngăn đồng tiền trượt giá không phanh… Phó Thủ tướng Viktoria Abramchenko trấn an: Nước Nga vẫn “hoàn toàn tự cung về đường và kiều mạch” và người dân “không cần phải hoảng sợ. Có đủ cho tất cả”. Tuy nhiên, thực tế bi thảm hơn những gì Viktoria Abramchenko nói, đối với một quốc gia được Ngân hàng Thế giới xếp hạng có nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới.
Hóa ra Nga không mạnh như được tưởng. Họ gần như không thể tự cung tự cấp gì cho ra hồn. Mọi thứ đều nhập. Wall Street Journal cho biết, công nghiệp xe hơi Nga đang thoi thóp vì thiếu phụ tùng nước ngoài. Nhiều năm nay, cái gọi là công nghiệp hàng không của một quốc gia có tàu vũ trụ vẫn phải nhập động cơ và nhiều bộ phận quan trọng khác từ các nhà cung cấp nước ngoài. Thậm chí thức ăn cho vật nuôi và thuốc tây cũng nhập. Sự phụ thuộc của Nga vào nhập khẩu trong thực tế đã trở nên tồi tệ ngay cả trước khi xảy ra cuộc chiến Ukraine. Năm 2021, khoảng 81% nhà sản xuất cho biết họ không thể tìm thấy hàng nội địa để có thể hoàn thiện qui trình sản xuất-chế tạo sản phẩm của họ. Hơn một nửa công ty Nga cho biết họ không hài lòng với chất lượng sản phẩm “cây nhà lá vườn”.
Kinh tế Nga yếu hơn được tưởng
Năm 2020, nhập khẩu chiếm 75% doanh số hàng tiêu dùng không thuộc nhóm thực phẩm (nonfood consumer goods) trên thị trường bán lẻ Nga, theo một nghiên cứu của Trường Kinh tế Cao cấp ở Moscow. Trong một số lĩnh vực, tỷ lệ này thậm chí cao hơn, lên tới 86% đối với thiết bị viễn thông. Nhập khẩu chiếm khoảng 1/5 GDP vào năm 2020, so với 16% ở Trung Quốc và cao hơn so với các nền kinh tế lớn khác như Ấn Độ và Brazil. Các nhà sản xuất xe hơi Nga bị ảnh hưởng nặng nề do thiếu các linh kiện nhập khẩu, đặc biệt chip. Một lĩnh vực đang chịu rủi ro cao khác nữa là ngành năng lượng. Ít người có thể hình dung rằng Nga phụ thuộc vào công nghệ phương Tây cho các mỏ dầu và khí đốt của họ.
Ngay cả những dự án qui mô mà Kremlin từng khoe là bằng chứng cho thấy tính tự cung tự cấp của công nghiệp Nga cũng phụ thuộc nhiều vào hàng ngoại. Dự án khủng Sukhoi Superjet 100, ra mắt năm 2007, là một nỗ lực hồi sinh lĩnh vực chế tạo máy bay dân dụng. Tuy nhiên, khoảng một nửa chi phí các bộ phận được sử dụng để chế tạo Superjet lại đến từ thiết bị nhập khẩu. Bây giờ, với “án” cấm vận, Sukhoi Superjet 100 coi như xếp xó. Hãng hàng không vũ trụ Pháp Safran SA – đơn vị sản xuất động cơ, thiết bị hạ cánh và vỏ động cơ của máy bay phản lực cho Sukhoi Superjet 100 – không thể làm ăn ở Nga vì lệnh trừng phạt của phương Tây. Phiên bản dự kiến của máy bay Sukhoi được làm gần như hoàn toàn bằng các bộ phận nội địa sẽ không được sản xuất hàng loạt cho đến năm 2024.
Truyền hình Nga chiếu cảnh Putin trong một phiên họp về các giải pháp đối phó cấm vận (ảnh: Igor Golovniov/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)
Nga thật ra đã nỗ lực xây dựng một nền kinh tế tự chủ. Từ 2015-2020, chính phủ Nga đã phân bổ hơn 2.9 nghìn tỷ rúp (khoảng $27 tỷ) cho chương trình thay thế nhập khẩu, tương đương 1.4% ngân sách chi tiêu trong giai đoạn trên. Tuy nhiên, chính sách này vẫn không thúc đẩy nổi nền kinh tế Nga, một phần do phải hứng chịu tác động kép từ các lệnh trừng phạt (sau vụ thôn tính Crimea năm 2014) và giá dầu liên tục giảm. Và nguyên do nữa là hàng nội địa có chất lượng quá kém. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội chậm hơn mức trung bình thế giới kể từ năm 2014 và người Nga đã bắt đầu “nghèo hơn” so với trước sự kiện sáp nhập Crimea. Lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm đã đẩy giá lên cao, khiến người tiêu dùng thiệt hại 445 tỷ rúp (tương đương $4.1 tỷ) mỗi năm.
Một sức mạnh dựa trên xương sống nước ngoài
Một trong những ngành bị thiệt hại nặng nhất là công nghiệp kỹ thuật cao. Nhiều năm qua, Nga vẫn dựa vào công nghệ nước ngoài để thiết kế chip. Năm 2020 – theo Wall Street Journal, Nga nhập các thiết bị bán dẫn trị giá khoảng $440 triệu, trong đó có diode và transistor; và khoảng $1.25 tỷ cho bo mạch tích hợp (chủ yếu mua của Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. và Samsung Electronics Co.).
Giới giám đốc điều hành công nghiệp bán dẫn phương Tây khi khảo sát thực trạng công nghiệp Nga cho biết công nghệ chế tạo chip của Nga kém TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing) hơn 15 năm. Nhà sản xuất chip hàng đầu của Nga, Mikron, là công ty nội địa duy nhất có khả năng sản xuất hàng loạt chất bán dẫn với vi mạch 65 nanomet, một công nghệ có từ năm 2006. Bộ vi xử lý Baikal mới nhất (được sử dụng rộng rãi trong nhiều máy tính và máy chủ do Nga sản xuất) – của công ty thiết kế chip Baikal Electronics JSC (Nga) – cũng do TSMC chế tạo. Và một số bộ vi xử lý Elbrus mới nhất, được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ SPARC ở Moscow, cũng được sản xuất bởi TSMC.
Công nghiệp chip điêu đứng dẫn đến ảnh hưởng tức thì đến công nghiệp vũ khí của Nga. Nó cũng ảnh hưởng đến “công nghiệp” trí thông minh nhân tạo, dịch vụ internet 5G tốc độ cao và công nghệ robot. James Lewis, Phó chủ tịch cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Washington DC) cho biết, Nga khó có thể tận dụng “nguồn” chip “móc” ra từ các thiết bị tiêu dùng như điện thoại thông minh để tái sử dụng cho vũ khí. Trung Quốc có thể giúp cung cấp tụ điện và bóng bán dẫn nhưng chính công nghiệp sản xuất chip Trung Quốc cũng không thể sản xuất hàng loạt những con chip “xịn” bằng Đài Loan, Hàn Quốc hoặc Mỹ… Nói cách khác, một khi bị cắt khỏi chuỗi cung ứng quốc tế, Nga chẳng khác gì bị rút ống thở.
Hàng tấn vàng của Nga có thể trở thành những “viên gạch” mang tính “biểu trưng” (ảnh: Alexander Manzyuk/Anadolu Agency via Getty Images)
Liệu có thể bán vàng để “cầm cự”?
Không dễ. Ngày 24 Tháng Ba, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết, bất kỳ giao dịch nào liên quan đến vàng của Ngân hàng Trung ương Nga đều có thể bị áp dụng các biện pháp trừng phạt hiện hành, nhằm hạn chế khả năng huy động tiền của Nga. Moscow hiện có hơn 2,000 tấn vàng, trị giá khoảng $140 tỷ; lớn thứ năm thế giới. Theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga, vàng chiếm khoảng 1/5 dự trữ ngoại hối của nước này, bao gồm euro, đôla Mỹ và nhân dân tệ Trung Quốc. Dù lệnh phong tỏa vàng Nga trên thị trường quốc tế chưa chính thức ban hành nhưng chắc sẽ không lâu nữa. Nếu được áp dụng, Nga không thể bán vàng trên thị trường quốc tế và điều này chẳng khác gì cái thòng lọng siết cổ Putin có thêm một nút thắt mạnh hơn và chặt hơn.
M.A.
Nguồn: saigonnhonews.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét