Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2021

Sài Gòn ngày đầu tiên giảm giãn cách

 

Sài Gòn ngày đầu tiên giảm giãn cách

Đỗ Duy Ngọc

1-10-2021

Dòng người đông nghẹt dời Sài Gòn ngay khi giảm giãn cách. Ảnh: Soha

Suốt thời gian thành phố này bị cách ly rồi phong toả, ai cũng mong đến ngày mở cửa. Thời gian cứ trôi đi với những bi thương. Tháng 7, tháng 8 rồi tháng 9, mọi người mong bao giờ cho đến tháng mười. Và hôm nay đây, tháng mười đến rồi đây, mọi chuyện vẫn chưa yên.

Mở đầu cơn đại dịch, làn sóng người với hàng trăm chiếc xe gắn máy mang theo cả gia đình với một nhúm gia tài gom góp được quay đầu xe về hướng Bắc làm một cuộc trở về. Hành trình cả ngàn cây số không khiến cho họ lo sợ bằng chuỗi ngày ở lại để chết vì đói vì dịch bệnh. Và hôm nay, khi mở đầu cho ngày giảm giãn cách cũng hàng ngàn người bỏ thành phố chạy ngược về miền Tây sau gần 5 tháng quắt quay với đói nghèo và bế tắc. 

Đêm 30.9 và rạng sáng 1.10, hàng dòng người ùn lại ở Long An trong tuyệt vọng. Họ không được đi tiếp về nhà, họ không còn lối thoát. Cả một thời gian dài đại dịch họ cố bám trụ thành phố trong đắng cay và túng bấn. Và cũng như những người quay đầu xe về phương Bắc trước kia, họ chỉ muốn về quê, được sống với cha mẹ, anh em, người thân với ruộng vườn ao cá. Có thể nghèo nhưng không đến nỗi thiếu ăn, có thể chưa kiếm được việc làm nhưng không sống trong nỗi lo âu và bế tắc.

Khuya 30.9, tại quốc lộ 1 (khu vực thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM) giáp ranh tỉnh Long An, rất đông người dân đi xe máy tự phát về quê vẫn đang vạ vật, chờ đợi với hi vọng được cho qua. Đến khuya, dù đã qua ngày 1.10, vẫn còn hàng trăm người dân tập trung tại chốt kiểm soát trên Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh, TP.HCM) mong được qua chốt để về quê ở các tỉnh miền Tây.

Mặc dù chính quyền địa phương và công an đã giải thích, thuyết phục người dân về lại nơi cư trú nhưng người dân vẫn không chịu giải tán, có lúc hỗn loạn tưởng như có thể đưa đến bạo loạn, dân chỉ mong muốn được sang phía địa bàn Long An để đi tiếp.

Đêm dừng lại ở chốt chặn, tiếng khóc của trẻ con, nỗi buồn của người lớn, tiếng loa của đội cảnh sát đặc nhiệm, công an hoà lẫn tiếng thét uất ức của đám người tạo thành một âm thanh hỗn loạn. May đêm qua trời không mưa. Tất cả đều bất lực. Người trở về bất lực vì bị ngăn chận bít nẻo về. Chính quyền bất lực vì không tìm ra giải pháp. Đã mấy tháng trôi đi, lãnh đạo không có một kế hoạch gì cho tình trạng này. Người dân đã nhẫn nại đợi chờ trong hoang mang, và chỉ cần giờ giảm giãn cách điểm là họ lên đường, điều đó chứng tỏ họ đã đến mức cuối cùng của sự chịu đựng.

Ở đợt di tản lần thứ nhất, chính quyền đành bất lực vì không thể ngăn chận làn sóng người quyết chí trở về trong những nỗi khó khăn chực chờ của con đường vạn dặm. Và giờ đây cũng là sự thất bại của nhà nước khi chặn người về mà không có một giải pháp rõ ràng. Điều đó cho thấy chính quyền đã không có một sách lược, một tầm nhìn trước những biến cố và cứ mãi thi hành một kiểu quen thuộc từ xưa đến nay là quản không được thì cấm.

Trở về nhà, về quê khi còn phương sống ở thành phố là một nhu cầu cấp bách và cũng là một trong những quyền của một công dân trong đất nước đã được hiến pháp, luật pháp quy định. Đã đành là trong mùa dịch, chấp nhận hạn chế đi lại. Nhưng khi đã giảm giãn cách, xoá cách ly, chính quyền phải nghĩ đến giải pháp cho những người muốn về quê. Không thể cấm và cũng không nên ngăn họ lại, họ có quyền được trở về nhà sau những tháng chịu đựng đói cơm, thiếu thuốc vì thất nghiệp.

Nhiều người ngủ trên giường nệm, trong phòng máy lạnh, cơm ngày ba bữa, không bị thiếu ăn, không có nỗi lo âu vì nghèo túng lên án họ là những người vô ý thức, truyền dịch đi khắp nơi. Cũng có những người ngồi cào phím bảo họ nghe xúi giục của những lực lượng phản động gây xáo trộn xã hội.

Xin thưa với quý ông bà, các người không ở trong hoàn cảnh của họ thì nếu không thông cảm thì cũng đừng nên cất tiếng dạy đời. Chẳng có ai xúi giục họ cả, chính lẽ sinh tồn, chính vì cuộc sống khiến họ giữa đêm phải cùng vợ dại, con thơ chấp nhận lên đường trở về trong gió và sương đêm. Chính vì không muốn phải chết nên họ phải tìm một sinh lộ.

Lỗi là lỗi ở chính quyền, là các chính sách của nhà nước. Một chính phủ không lo được đời sống tối thiểu cho nhân dân trong cơn nguy khốn chứng tỏ chính phủ ấy bất tài. Một nhà nước không làm cho dân yên tâm trước những biến cố chứng tỏ nhà nước ấy bất lực. Những người lãnh đạo không nghĩ ra được cách để giải quyết để an dân chứng minh họ là người thiếu tầm nhìn.

Dân chỉ là nạn nhân của sự bất lực, bất tài đó. Không trách dân được. Tổ chức cho dân trở về có trật tự trong vòng kiểm soát. Mỗi địa phương chọn một vài địa điểm tập trung cho người trở về, chọn lọc dịch bệnh và cho phép họ sum họp với gia đình. Chuyện này đâu khó, chẳng qua vì thiếu óc tổ chức, chỉ biết làm theo chỉ thị, chỉ biết cấm và cấm. Xã hội, thể chế này chỉ biết giải pháp tốt nhất là cấm khi không quản được.

Ngàn người muốn về gần chục tỉnh, hàng trăm huyện xã, thì việc tổ chức cho họ trong trật tự không là chuyện khó. Chẳng qua chính quyền không muốn làm cũng như không dám làm. Và những người dân trở thành những kẻ bị từ chối, trở thành kẻ lưu vong trên chính đất nước mình.

Theo dõi tin tức từ mấy hôm nay, kế hoạch giảm giãn cách của thành phố cũng không làm cho người dân hài lòng như mong đợi. Suốt cả thời gian dài giãn cách, cách ly rồi phong toả, con số người nhiễm dịch và tử vong càng lúc càng cao mặc cho chính sách càng ngày càng siết chặt, mọi sinh hoạt và những tự do tối thiểu của con người bị ngăn chận. Điều đó chứng tỏ những biện pháp, chính sách đó không mang lại hiệu quả mà chỉ có những hậu quả bi đát. Số người bệnh và người chết cao nhất trên cả nước.

Tỷ lệ tử vong trên số người nhiễm bệnh cũng cao nhất nhì thế giới. Và cuối cùng là chọn cách sống chung với virus. Thế nhưng những kế hoạch, giải pháp giảm giãn cách đưa ra không vì cuộc sống của dân, không vì đã kiểm soát được dịch bệnh mà vì áp lực kinh tế.

Người dân chưa được tự do đi lại sau thời gian dài bị tù hãm. Những sinh hoạt hàng quán vẫn chưa được buôn bán bình thường. Những ngôi chợ vẫn chưa được mở lại. Người đi đường sẽ bị chận lại xét giấy và bị phạt tiền. Thế thì có khác chi thời giãn cách? Ông Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng sức chịu đựng của xã hội đã đến giới hạn, nền kinh tế bị tổn thương rất nhiều, cần được phục hồi sớm. Thế nhưng chính quyền chỉ đưa ra nhiều giải pháp cho kinh tế mà bỏ quên giải quyết vấn đề sức chịu đựng của xã hội.

Trong chương trình livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” đêm 30.9, Phó Chủ tịch thành phố cho biết rằng, từ ngày 1.10, người dân được di chuyển trong nội, ngoại thành nhưng phải có lý do chính đáng, những trường hợp không nêu được lý do vẫn bị xử lý. Thế thì có khác chi thời giãn cách? Ông nói rằng,  với việc lưu thông từ 1.10 sau khi các chốt kiểm soát được gỡ bỏ, không cần giấy đi đường, ông Hoan cho biết người dân có thể đi lại bình thường trong nội, ngoại TP.HCM (không di chuyển ra địa bàn tỉnh khác).

Nhưng ông lại bảo rằng người dân trong quá trình lưu thông cần chuẩn bị mã QR khai báo di chuyển tại ứng dụng VNEID và lịch sử tiêm chủng vaccine hoặc là F0 đã khỏi bệnh đủ điều kiện lưu thông. Thế thì sao lại bảo là đi lại bình thường không cần giấy. Đủ thứ loại giấy đấy chứ. Mà trong thực tế, những cái thứ mã khai báo, ứng dụng và giấy chứng nhận chích vaccine vẫn đang rối rắm tùm lum, sai sót đủ thứ thì lấy cái gì để chứng minh đây?

Ông cũng cho rằng, thành phố sẽ áp dụng chỉ thị mới để thích ứng, an toàn trong môi trường có dịch và tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh, lao động. Sẽ cố gắng mở cửa từng bước, an toàn, nới lỏng đến đâu, an toàn đến đó. “Không thể phòng chống dịch đi trước, sản xuất kinh tế đi sau hay ngược lại”. Có nghĩa là ưu tiên vì kinh tế trước, chuyện đời sống, sinh hoạt của dân tính sau vậy.

Sáng nay đường phố Sài Gòn đã nhộn nhịp hơn, không còn cái không khí vắng lặng của thời gian trước nhưng người dân vẫn nơm nớp lo. Lo vì thật sự dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát tốt. Con số tử vong tuy có giảm nhưng số người nhiễm vẫn còn cao. Hơn nữa, theo thiếu tá Phan Phạm Anh Tài, Đội CSGT Công an Q.3 cho biết lực lượng CSGT tham gia vào 5 tổ tuần tra, 1 tổ hình sự đặc nhiệm, 1 tổ tuần tra 363.

Theo đó, các lực lượng sẽ tuần tra lưu động trên đường, yêu cầu dừng xe, kiểm tra ngẫu nhiên người tham gia giao thông về thẻ xanh, chứng nhận tiêm ngừa hoặc giấy chứng nhận là F0 đã điều trị xong trong 180 ngày. Nếu không đủ các giấy tờ ấy và không có lý do chính đáng sẽ bị phạt. Vậy thì chạy ra đường trong tâm lý không an tâm chút nào. Thôi đành chờ lúc nào ổn rồi ra đường thôi. Ráng chờ thêm chút nữa.

Cũng theo tin các báo, lực lượng quân đội tăng viện sẽ tiếp tục ở lại thành phố và các tỉnh phía Nam sau ngày 1.10 khi lệnh giãn cách được nới lỏng để hỗ trợ các địa phương này trong công tác phòng chống dịch, cho đến khi việc tiêm vaccine được bao phủ. Từ ngày 23.8, Bộ Quốc phòng đã huy động khoảng 35.000 dân quân tự vệ cùng hàng ngàn quân chủ lực vào tham gia chống dịch ở thành phố với dự định kiểm soát dịch bệnh trong 15 ngày. Lực lượng này tham gia các chốt kiểm soát, khám bệnh cho người dân. Có thời gian ngắn quân đội đảm nhiệm toàn bộ việc chuyển hàng đến nhà người dân thay cho đội ngũ shipper bị cấm hoạt động, nhưng sau đó đã phải hủy bỏ vì không hiệu quả.

Được biết, lực lượng này sẽ rút khi số F0 giảm, bệnh nhân trong các bệnh viện không còn nhiều người nguy kịch, y tế địa phương có thể đảm nhiệm công việc theo dõi và đảm nhiệm được các trường hợp cách ly chữa tại nhà, lúc đó quân đội sẽ giảm và rút về. Có thể là phải hết tháng 11.2021. Điều này chứng tỏ tình hình vẫn còn căng, không phải giảm giãn cách là dịch bệnh không còn mà người dân nên cảnh giác. Nếu chủ quan, dịch lại bùng lần nữa thì sẽ còn lắm cảnh bi thương.

Theo tôi, cách giảm giãn cách phải song hành giữa phục hồi kinh tế và sinh hoạt bình thường của nhân dân. Tất cả nên đơn giản hoá mọi thủ tục, không nên lắm lời dài dòng về các chỉ thị. Tất cả nên ngắn gọn để ai đọc cũng hiểu, nhớ và làm theo được.

Trước hết là ổn định và sắp xếp lại nhân lực, thiết bị tại các bệnh viện. Hiện nay số người nằm viện vì virus không còn cao như trước. Do đó phân bổ và tập trung cho các bệnh nhân mang những căn bệnh khác vì lâu nay họ đã bị bỏ quên và cũng đã có lắm người chết vì không được cứu chữa kịp thời.

Cho phép xe cộ lưu thông từ các tỉnh để bệnh nhân tuyến tỉnh có thể tái khám và chữa bệnh bình thường, bệnh viện ổn định trở lại với công việc bình thường của nó. Gỡ bỏ các dây giăng, kẽm gai, thông thoáng ngõ hẻm, con phố. Đưa dân phòng về lại công việc đúng của họ. Các chốt kiểm soát ngoại thành và cửa ngõ thành phố nên dành cho công an và quân đội đảm trách. Sắp xếp và tổ chức cho người có nguyện vọng về quê được đi về hợp pháp và trật tự. Cho phép và tạo điều kiện cho những người công nhân trở lại thành phố để làm việc bởi tình trạng thiếu công nhân trầm trọng khi nhà máy mở cửa.

Không nên phân biệt vùng xanh, vàng, cam đỏ nữa khi chúng ta chấp nhận sống chung với virus. Và cũng vì thế, cũng không còn phân biệt thẻ xanh với thẻ vàng. Thành phố đã công bố tỷ lệ tiêm chủng vaccine mũi 1 là gần như 100% rồi thì còn xét thẻ vaccine làm gì. Công nhân, nhà máy, hãng xưởng được mở cửa và người đi làm cũng không nên chọc ngoáy hàng ngày, hàng tuần nữa. Chỉ xét nghiệm với các đối tượng nguy cơ và khu vực có thể là ổ nhiễm. Chấm dứt ngay việc xét nghiệm toàn diện và thần tốc. Đưa lực lượng này về các bệnh viện để chăm sóc người bệnh tốt hơn, giảm tỷ lệ tử vong.

Cho phép chợ truyền thống và các hàng quán mở cửa buôn bán bình thường trong vòng kiểm soát với tỷ lệ người tham gia có ấn định. Sinh hoạt chợ là hồn phách của một vùng đất, thiếu nó thành phố chẳng còn sinh khí. Cho phép tự do đi lại vì ai cũng đã có ít nhất một mũi rồi, nhưng không cho phép đi đến những tỉnh thành đang có bùng phát dịch. Hãy xem bệnh cúm virus này như là một bệnh truyền nhiễm.

Ngày trước, bệnh dịch hạch, dịch tả, lao phổi, cúm mùa, đậu mùa, thương hàn, sốt rét cũng giết hàng triệu người, nhưng rồi nó cũng trở thành căn bệnh truyền nhiễm bình thường. Do vậy, cũng nên đơn giản hoá tránh căng thẳng và tâm lý hoảng loạn trong dân. Bình thường hoá cuộc sống trước tiên là phải bình thường hoá căn bệnh.

Đỉnh dịch đã qua rồi, người chết nhiều vì lỗi của các biện pháp và chỉ thị chưa đúng và không hợp thời điểm chứ không phải do cơn bệnh. Chúng ta thiếu chuẩn bị nên không có cách để đối phó, gây hậu quả nghiêm trọng. Những người đã chết không có cách gì để sống lại được, nên cũng không nên ngồi để trách móc hay nguyền rủa. Cách tốt nhất bây giờ là ý thức được nguyên nhân để sửa chữa tránh được những thiệt hại tiếp theo.

Sau mấy tháng dài chịu đựng, mong đợi ngày hôm nay. Nhưng rồi thấy cũng chẳng lấy làm gì phấn khởi. Những dự tính, những mong muốn định thực hiện trong ngày đầu tiên mở cửa cũng không làm được. Thôi đành chờ ngày tốt hơn với những chỉ thị hợp lý hơn vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét