ASEAN: Các thách thức của “Mùa Thượng đỉnh”
Gia Cát Tường
22-10-2021
Sự lo lắng của ASEAN tăng lên trên cả ba chiều kích – bị cuốn vào cuộc xung đột ở Myanmar, buộc phải “chọn phe” và có thể bị gạt sang bên rìa. Vai trò trung tâm của ASEAN dường như không còn phù hợp với các thách thức cấp bách của thời đại.
Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bắt đầu “Mùa Thượng đỉnh” vào các ngày 26, 27 và 28/10, đối mặt với một loạt các trắc nghiệm lịch sử. “Mùa thượng đỉnh” lần thứ 38 và 39 năm nay của ASEAN phải xử lý hàng loạt các vấn đề gay cấn. Trong một bài viết đăng trên mạng của Tổ chức “Asia Society” (AS) ngày 18/10/2021, Giám đốc Điều hành của AS tại Úc Richard Maude đã chỉ ra một số thách thức lớn mà ASEAN phải hứng chịu, ngay cả sau khi kết thúc các Hội nghị.
Dưới đây chỉ tóm lược hai di sản nặng nề nhất: Khủng hoảng Myanmar gây ra cho ASEAN sẽ kéo dài và vai trò trung tâm của ASEAN sẽ bị suy giảm tiếp (1).
Gánh nặng Myanmar vẫn hiển hiện
Ngày 16/10/2021, chính quyền quân sự Myanmar đã đổ lỗi cho Liên hiệp Châu Âu (EU) và Mỹ về việc bị ASEAN tẩy chay và bị trục xuất khỏi Thượng đỉnh ASEAN cuối tháng. Sau khi các nước Đông Nam Á công bố quyết định không mời lãnh đạo quân sự tham dự Hội Nghị Thượng đỉnh trực tuyến, Chính quyền Naypyidaw ngay lập tức đã gay gắt lên án việc ASEAN không tôn trọng truyền thống đồng thuận và nguyên tắc không can thiệp, đồng thời “tố cáo” ASEAN đã chịu tuân theo sức ép từ EU và Hoa Kỳ.
Trên trang Facebook của mình, Bộ Ngoại giao Myanmar dưới sự kiểm soát của chính quyền quân sự cho rằng, quyết định của ngoại trưởng 9 nước trong khối ngày 15/10 đã được đưa ra mà không có sự đồng thuận và đi ngược lại các mục tiêu của ASEAN và các nguyên tắc của Hiến chương ASEAN.
Trong một thông báo của Chủ tịch đương nhiệm ASEAN là Brunei, cũng vào ngày 16/10, cuộc họp khẩn cấp của các Ngoại trưởng ASEAN hôm 15/10 đã quyết định sẽ mời một “đại diện phi chính trị” từ Myanmar đến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của khối. Tuyên bố của khối không nêu đích danh Thống tướng Min Aung Hlaing hoặc đại diện “phi chính trị” sẽ được mời thay thế ông nhưng ghi nhận quan điểm gay gắt của chính quyền quân sự Myanmar.
Đối với giới phân tích, động thái hiếm hoi của ASEAN hôm 15/10 là một bước ngoặt lớn trong nỗ lực của Hiệp Hội Đông Nam Á nhằm đối phó với thành viên Myanmar, đã không thực hiện những lời hứa với toàn khối. Trên mạng Twitter, Aaron Connelly, một nhà phân tích Đông Nam Á thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nhận định, động thái tẩy chay của ASEAN là một “bước đột phá thực sự đối với ASEAN và các lực lượng chống tập đoàn quân sự Myanmar” (2).
Theo chuyên gia này, ASEAN đã khôi phục uy tín của nền ngoại giao ASEAN và tước đi cơ hội để tập đoàn quân sự Myanmar phô trương mình như một chính quyền hợp pháp. Tập đoàn này nuôi ý đồ lợi dụng các giao thiệp với ASEAN để làm nản lòng phong trào phản kháng trong nước. Nhiều nhà phân tích hoan nghênh quyết định chưa từng có tiền lệ của ASEAN, cho rằng đó có thể là một bước ngoặt trong có gắng gây áp lực lên tướng Min Aung Hlaing và tập đoàn quân sự Myanmar.
Cuộc họp các nhà lãnh đạo ASEAN hồi tháng 4 đã nhất trí về “Đồng thuận 5 điểm” để đối phó với khủng hoảng: chấm dứt ngay lập tức bạo lực, đối thoại giữa tất cả các bên để tìm kiếm một giải pháp hòa bình, bổ nhiệm một đặc phái viên của chủ tịch ASEAN để giúp làm trung gian cho cuộc đối thoại như vậy, chuyến thăm của đặc phái viên và cung cấp hỗ trợ nhân đạo.
Đến đầu tháng 8, ASEAN vẫn chưa thể đạt được đồng thuận về việc cử ứng cử viên nào làm đặc phái viên, khi Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei Erywan Yusof được bổ nhiệm. Vào tháng 9, ASEAN đã tài trợ vật tư và thiết bị y tế trị giá 1,1 triệu USD cho Hiệp hội Chữ thập đỏ Myanmar, đợt hỗ trợ nhân đạo đầu tiên đã được lên kế hoạch.
Nhưng chính quyền Napydow đã ngăn chặn bất kỳ tiến độ nào đối với các yếu tố thực chất hơn của bản kế hoạch năm điểm, bao gồm cả việc đặt ra các điều kiện không thể chấp nhận được đối với chuyến thăm của Erywan. Sự thất vọng với lập trường cứng rắn của chính quyền quân phiệt đã bùng lên tại một cuộc họp khẩn cấp của các ngoại trưởng ASEAN vào ngày 15/10 tuần qua.
Đối mặt với viễn cảnh không lấy gì làm thoải mái trong các giao tiếp giữa lãnh đạo cuộc đảo chính Min Aung Hlaing với các Nguyên thủ ASEAN và Nguyên thủ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại các Thượng đỉnh, ASEAN đã đưa ra một quyết định được cho là mạnh mẽ nhất trong lịch sử từ trước tới nay của khối này. Đây là bước đi hiếm hoi và quan trọng của 9 nước trong khối.
Ngược lại, phản ứng nhanh chóng và gay gắt của tập đoàn quân sự, những cáo buộc không mấy thuyết phục của tập đoàn này rằng, hành động của khối trái với các nguyên tắc của Hiến chương ASEAN và làm suy yếu “sự thống nhất” của khối vào thời điểm cạnh tranh chiến lược, cho thấy vấn đề Myanmar sẽ con đeo đẳng ASEAN dài dài (3).
“Vai trò trung tâm” của ASEAN suy giảm
Sự lo ngại của ASEAN về “vai trò trung tâm” đối với hợp tác và đối thoại kinh tế, chính trị và an ninh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang gia tăng khi cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng khốc liệt. Quan hệ đối tác mới với AUKUS là một lời nhắc nhở hiển nhiên – từ một số nước, đặc biệt là Indonesia và Malaysia – tuy không hẳn là thoải mái trong kỷ nguyên tới. AUKUS vừa ra đời nhưng đã vang vọng khắp mọi nơi. Đông Nam Á hiểu rằng quan hệ đối tác mới này chỉ là một phần của những động lực lớn hơn nhiều.
Các liên minh của Hoa Kỳ với Úc và Nhật Bản ngày càng được củng cố như những bức tường thành chống lại sự xâm lược của Trung Quốc. Bộ Tứ thông qua cả quyền lực cứng lẫn mềm tìm kiếm sự cân bằng với Bắc Kinh và xây dựng một trật tự khu vực đa cực an toàn cho các nền dân chủ. Sự lo lắng của ASEAN ngày càng tăng trên cả ba chiều kích – bị cuốn vào cuộc xung đột ở Myanmar, buộc phải “chọn phe” và có thể bị gạt sang một bên. “Vai trò trung tâm” của ASEAN rõ ràng không còn phù hợp với các thách thức cấp bách của thời đại.
Tuy nhiên, ASEAN chưa từng được xây dựng để quản lý cuộc cạnh tranh giữa các đại cường và cũng không có ý định làm điều này. Thay vào đó, nhiệm vụ đối với ASEAN là tìm kiếm sự chung sống hiệu quả với các “tiểu đa phương” mới như AUKUS, QUAD (Bộ Tứ) và các tập hợp khác. Nhiệm vụ này là cần thiết và khả thi. Các cấu trúc đa tầng này đều nhận ra tầm quan trọng của một ASEAN vững mạnh.
Về phần mình, ASEAN phải chấp nhận thực tế là các nước Bộ Tứ có quyền được đưa ra lựa chọn riêng khi đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền của họ và đáp lại những lo ngại chính đáng về chính sách đối ngoại chiến lang và hiện đại hóa quân sự trên quy mô lớn của Trung Quốc. Điều này dẫn đến Đông Nam Á sẽ là một vùng khó khăn hơn, căng thẳng nhiều hơn. ASEAN không có lựa chọn nào khác ngoài việc thích ứng để “chịu trận” (4).
Một số nước trong ASEAN âm thầm ủng hộ các nỗ lực duy trì sự cân bằng quân sự trong khu vực. Một số khác, phản ứng theo bản năng, đổ lỗi cho tất cả mọi người, trừ Trung Quốc, vì đã làm xáo trộn hòa bình. Những nước này thậm chí còn né tránh cả việc đưa ra những lời chỉ trích công khai đối với Bắc Kinh. Đây không phải là vấn đề do “chọn phe” gây ra.
ASEAN từng kêu gọi, như Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đã tuyên bố trước đây, hãy để cho Hoa Kỳ và Trung Quốc tự quản lý lấy cạnh tranh của họ một cách có trách nhiệm và hãy để các cường quốc bên ngoài tham gia vào khu vực “dựa trên giá trị của chúng ta, thay vì bắt chúng ta nhìn nhận mọi việc qua lăng kính của cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung”.
ASEAN muốn thuyết phục Chính quyền Biden lắng nghe mình. QUAD vẫn tìm cách đáp ứng lời kêu gọi của khu vực, với trọng tâm là đóng góp vào các hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là trong việc chống lại đại dịch và cung cấp vắc xin.Các quốc gia thuộc nhóm QUAD đã có những đóng góp đáng kể cho các dự án và sáng kiến được thực hiện dưới ngọn cờ ASEAN, như cơ sở hạ tầng, thành phố thông minh và quản lý sông Mekong.
Một số quốc gia có thể chứng minh thêm uy tín của khối bằng cách hành động nhiều hơn nữa để mang lại sức sống cho “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (AOIP), một sáng kiến do Indonesia dẫn đầu nhằm củng cố các hành vi chuẩn mực vì hòa bình khu vực và khuyến khích hợp tác trong phát triển bền vững và kết nối.
Thách thức của ASEAN ở Myanmar thúc đẩy khối này phải sớm tìm ra “phương thức mới” để đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai. ASEAN đã đưa ra nhiều sáng kiến về phương thức mới, đặc biệt là ý tưởng xây dựng mô hình “ASEAN trừ X” (5). Mô hình này từng được áp dụng trong lĩnh vực kinh tế, nay có thể mở rộng để cho phép một nhóm nhỏ các nước hành động trong một cuộc khủng hoảng lớn như Myanmar.
Tại đấy, xung đột đẫm máu và đau khổ vẫn tiếp tục đổ lên đầu dân chúng. Hội đồng Quản lý Nhà nước (SAC) không hề quan tâm đến đối thoại thực sự cũng như bất kỳ “giải pháp” nào mà không chiều theo các quy tắc tập đoàn tiếm quyền. Quân đội tin rằng phe đối lập suy sụp, trong khi Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) của phái bị lật đổ đã tuyên bố một cuộc “Chiến tranh Nhân dân” chống lại chế độ quân phiệt. Còn đâu không gian cho các bên để thỏa hiệp?
________
Ghi chú:
(1) https://asiasociety.org/australia/testing-times-asean-indo-pacific-leaders-meet
(3) https://www.brookings.edu/blog/order-from-chaos/2021/08/27/myanmars-crisis-tests-asean/
(4) https://foreignpolicy.com/2021/10/19/asean-aukus-china-us-rivalry/
(5) https://www.justsecurity.org/76126/beyond-the-coup-in-myanmar-the-asean-way-must-change/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét