Báo quốc doanh!
26-10-2021
Hôm trước có báo Thanh Niên “xuất khẩu bất động sản” thì nay có báo Tuổi Trẻ “Tăng ni, phật tử cung nghinh Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ về cõi niết bàn“!?
Cái tựa trên 10 chữ đã sai nghiêm trọng về diễn đạt và thuật ngữ Phật giáo. Nếu tăng ni, Phật tử mà cung nghinh ông hòa thượng về cõi niết bàn hẳn là họ đang đứng đó (cái cõi niết bàn á) để đón ông. Nếu vậy cái cõi niết bàn đó đông vui phải biết! Mà làm gì có cõi niết bàn?
Bởi niết bàn trong Phật giáo không phải là một cõi thiên đường như Thiên chúa giáo, mà đó là một trạng thái tâm linh hoàn toàn vắng lặng, thanh tịnh, không còn bất cứ khởi niệm nào khi một cá nhân đã diệt tham ái và chấm dứt phiền não, khổ đau.
Ông Đoàn Trung Còn (1908–1988), pháp danh Hồng Tai, hay Tỳ kheo Thích Hồng Tại, là một cư sĩ Phật giáo và học giả Phật học có tiếng tại Việt Nam Cộng Hòa, giải thích: Niết bàn là “cảnh trí của nhà tu hành dứt sạch các phiền não và tự biết rằng mình chẳng còn luyến ái”!
Do tính chất ngôn ngữ của con người chỉ có thể mô tả cái chúng ta thấy, ta biết trong thế giới này nên thuật ngữ niết bàn rất khó diễn đạt cho rõ ràng.
Tương truyền có người hỏi Thích Ca: Sau khi chết, người giác ngộ sẽ đi về đâu? Phật sai người ấy lượm củi khô, nhóm lửa. Càng nhiều củi, lửa càng cháy mạnh, khi không bỏ thêm củi nữa thì đám lửa lụi tàn dần. Phật hỏi: “Lửa đi về đâu?”, “Không! Nó chỉ tắt”.
Củi như một ví dụ là nhiên liệu của cõi tham ái này. Khi chúng ta vẫn còn tham sống, tức là bỏ thêm củi vào lửa, năng lượng đó làm ta luân hồi trong vô minh. Không còn củi, không còn tham sân si, không còn cả ước muốn thành Phật, đó là vô ngã. Hết củi, lửa tắt. Mọi phiền não chấm dứt, cứu cánh thanh tịnh. Hành giả vẫn còn tại thế gian nhưng đã chứng ngộ niết bàn thì gọi hữu dư niết bàn và khi thân xác hoại diệt là vô dư niết bàn.
Còn sự chứng ngộ đó an lạc ra sao, thanh tịnh thế nào, chỉ người chứng ngộ mới hiểu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét