Gặp gỡ tại Nghi Tàm (Phần 2)
Nguyễn Thế Hùng
29-10-2021
Tiếp theo Phần 1
Sau buổi gặp gỡ tại Nghi Tàm ngày 6-10-2021, mấy anh em chúng tôi lại gặp nhau lần 2. Sự bức xúc về các cuộc tháo chạy của hàng ngàn người bằng xe máy, xe đạp, thậm chí cả bằng chân trần nữa khỏi Sài Gòn vẫn thôi thúc chúng tôi. Như TS Trần Đình Thiên đã nói, ai không đau khổ về cuộc “di tản mới” này có lẽ không còn là người Việt nữa.
Lần trước GS Vương đã nhấn mạnh “chỉ có an cư mới lạc nghiệp”, mới tránh được các cuộc tháo chạy, như định mệnh của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Ông nhấn mạnh vào các vấn đề:
– An cư lạc nghiệp- những khái niệm và điều kiện cho an cư lạc nghiệp.
– Những kinh nghiệp thất bai: Các khu công nghiệp (KCN), các dây chuyền công nghệ tự động cao, các khu nhà trọ xập xệ, mỗi phòng mười mấy mét vuông, các lớp mẫu giáo lùa gió,… những hình ảnh này không phải đều không phải là nông thôn mới an cư lạc nghiệp.
– Các cơ hội còn lại: Quy hoạch phát triển nông thôn, xây dựng các làng công nghiệp hóa quy mô nhỏ, giảm tải cho các thành phố lớn (megacities).
Anh có xem bóng đá không?
Lần này bạn Đại mời được TS. Đặng Kim Sơn, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp. TS Sơn hôm nay là diễn giả chính. Ông vóc người nhỏ mà thanh mảnh, mái tóc đã bạc nhiều, nhưng dáng vẻ rất nhanh nhẹn. Khi ông bước vào, Đại sứ Đinh Hoàng Thắng hồ hởi chào và hỏi sao ông học trường Trỗi mà hiền thế, không gấu như tôi tưởng. TS Sơn chỉ một bạn gần đấy nói, anh này cũng trường Trỗi mà cũng hiền khô.
TS Đặng Kim Sơn là con trai một vị tướng nổi tiếng ở Điện Biên Phủ, tướng Đặng Kim Giang. Ông là một nhà nghiên cứu lão luyện trong nông nghiệp, là người luôn có những suy nghĩ về nông dân, về thân phận của họ và ước mơ “mưu cầu hạnh phúc” của nông dân.
Ông kể vào khoảng những năm 1990, một lần đi dự hội nghị ở Brazil. Khi bước vào phòng họp, mọi người hoan hô ầm ầm, ông quay phải quay trái nhìn xem họ hoan hô ai, không có ai ngoài ông. Và ông thực sự lúng túng. Họ hỏi “anh có xem bóng đá không?”
Ông bảo có. Vậy nếu một ngày nào đó, mà đội Việt Nam thắng đội Brazil thì có đáng được hoan hô không? Ông bảo không thể tin đội Việt Nam có thể thắng đội bóng hàng đầu thế giới. Họ bảo các anh đang thắng, thắng đậm đấy. Các anh chỉ quen uống trà ngàn năm nay, chưa bao giờ trồng cafe, mà mới mấy năm các anh đã trở thành nhà xuất khẩu cafe hàng đầu thế giới rồi.
Lời khen ấy như cứa vào tim ông. Sao nhỉ? Nông dân Việt Nam làm được nhiều cafe, nhiều tiêu, nhiều điều,… lại cả cá, tôm, lúa, chè… mà vẫn khổ, vẫn phải “chạy vô-nhào ra” các KCN và chưa bao giờ có thể tự tin bước lên một đẳng cấp mới. Cũng như đội tuyển bóng đá Việt Nam đã thắng vài trận nhưng vẫn là đội bóng đẳng cấp dưới.
Các anh có máy chiếu không?
Khi bắt đầu buổi thuyết trình, TS Sơn hỏi “các anh có máy chiếu không?” Thật không may hôm đó máy chiếu hỏng. Loay hoay mãi không sửa được, đành dùng một máy tính có màn hình lớn để ông trình bày. Ông bảo không có máy chiếu ông không thể trình bày được, vì bài nói của ông phải có số liệu.
Ông nhấn mạnh, khi chúng ta chỉ trích người điều hành yếu kém, nhưng bản thân mình lại phản biện cảm tính, thiếu số liệu thì lỗi lại ở chúng ta. Và ông đã làm điều ngược lại, từng câu nói, từng góc nhìn của ông đều được dẫn chứng bởi các số liệu từ những nguồn nghiên cứu, điều tra khoa học tin cậy. Những con số thực sự đã biết nói, đôi khi còn khiến người nghe phải tự phủ nhận lại những quan điểm trước đây của chính mình khi nhìn vào số liệu, bảng biểu.
Một phần những số liệu này cũng đã được ông xuất bản trong cuốn sách mới đây mà ông làm chủ biên “Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam”. Bài của ông khá dài, khá nhiều số liệu và chúng tôi sẽ cố gắng tóm tắt tinh thần chính (về số liệu cụ thể thì những ai quan tâm có thể liên hệ với tác giả để trao đổi chi tiết hơn). Logic trình bày của ông bắt đầu từ thực trạng, sau đó tìm nguyên nhân, và đề xuất giải pháp. Ông có so sánh với những nước xung quanh, để nhìn rõ hơn mô hình cần xây dựng ở Việt Nam.
Nói về thực trạng hiện tại ở Việt Nam, ông lại bắt đầu từ góc nhìn khá xa mà sau đó mới thấy gần gũi và sắc bén. Để bước vào sân chơi của nước có thu nhập trung bình cao thì Nhật Bản đã phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 8.5% trong 11 năm, Hàn Quốc 9.5% trong 14 năm và Trung Quốc 10% trong 15 năm liên tục. Với Việt nam, đã 4 kỳ kế hoạch liên tiếp, các chỉ số tăng trưởng luôn đạt thấp hơn những mục tiêu đề ra.
Muốn tăng tốc, Việt Nam đang áp dụng mô hình ưu tiên đầu tư vào các nhóm ngành chính có tốc độ tăng trưởng cao. Dù là nước nông nghiệp “rừng vàng biển bạc” nhưng đầu tư toàn xã hội vào Nông lâm thủy sản suốt 20 năm (1995-2015) lại thấp hơn rất nhiều so với ưu tiên đầu tư cho các khu vực Công nghiệp-Xây dựng và Dịch vụ bởi hai mảng này có khả năng đem lại tỉ lệ tăng trưởng cao.
Chúng ta đôi khi chỉ nhìn thấy giải cứu nông sản (dưa hấu, xoài, cam,…) mà ít nói tới giải cứu công nghiệp, giải cứu xây dựng. Thực tế thì chính khu vực kinh tế đô thị cũng là nơi có nhiều sản phẩm dư thừa do chênh lệch cán cân đầu tư, do thị trường trong nước có sức mua yếu vì đa số cư dân sống ở nông thôn chỉ có mức thu nhập bằng nửa số nhỏ hơn dân cư đô thị.
Sự chênh lệch thu nhập của lao động tại thành thị cao hơn ở nông thôn đã tạo ra một làn sóng dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị, theo đúng quy luật giá cả của tài nguyên. Sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị càng lớn dần khi một bên nhiều việc làm, điều kiện sống tốt, quá tải dân số, sản xuất dư thừa với một bên là thu nhập thấp, điều kiện sống kém, thiếu nhân lực và sức mua kém.
Chúng ta đã cố gắng nhiều trong các chương trình nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp nhưng nhìn vào những con số thống kê mới thấy tuy nông thôn được phát triển nhưng thành phố lại tiến nhanh hơn rất nhiều. Và ông đã đưa ra những con số, cứ khô khan phần trăm, chấm phẩy nhưng lại làm rõ nguyên nhân của những dòng dịch chuyển ngầm của tảng băng mà ta đang mới nhìn thấy phần nổi các con số cụ thể về sự khác nhau giữa nông thôn và thành thị.
Đó là người thanh niên nam và nữ ở nông thôn đều có chiều cao, cân nặng kém hơn ở đô thị; trình độ học vấn, năng lực tay nghề, năng suất lao động của lao động nông thôn thấp hơn đô thị; tỉ lệ chết non, suy dinh dưỡng của trẻ em nông thôn cao hơn đô thị; tỉ lệ đói nghèo, thu nhập trung bình, tiền để dành thành thị cao gấp 2 lần nông thôn. Một thống kê đáng kinh ngạc là tỉ lệ tự tự ở Tây Nam Bộ cao nhất nước.
Hai hàng rào đối với người di cư
Dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị là qui luật nhưng lại bị “hai hàng rào cản” chia thành hai dòng người: Trình độ chuyên môn khác nhau mở cho “lao động chính thức” được đóng bảo hiểm, được tuyển dụng, có công đoàn bảo vệ ra khỏi nông thôn nhưng đưa dòng lao động yếu thế sang “phi chính thức”, làm chui không hợp đồng, không bảo hiểm và không tham gia bất cứ nghiệp đoàn nào.
Cả hai dòng người này ra khỏi nông thôn, lại bị hàng rào “khả năng cung ứng dịch vụ tại đô thị” chặn lại. Vì đô thị không đủ chỗ ở, giao thông ùn ứ, trường học, bệnh viện quá tải,… và việc làm chính thức hạn hẹp nên chỉ những người may mắn có việc làm tại chỗ hoặc nhập được hộ khẩu, còn số đông trở thành “lao động di cư” sống trong các khu nhà trọ, không được hưởng đầy đủ các dịch vụ như trường học, bệnh viện, văn hóa,… chấp nhận làm “công dân hạng hai”, không có cơ hội định cư trên mảnh đất họ đổ mồ hôi xây dựng.
Như vậy, lực lượng thanh niên thoát khỏi nghề nông may mắn nhất là vào được các KCN, cơ quan, doanh nghiệp có lương mỗi tháng vài triệu, chịu đựng làm việc tăng ca, chấp nhận trạng thái “di cư”, ở trong các khu trọ tồi tàn chấp nhận bị loại thải ở tuổi 35 – 45. Còn đa số lao động làm mọi nghề “phi chính thức” xe ôm, cửu vạn, thợ xây, ô sin,… không được bảo vệ, không có tương lai. Không được “an cư” nơi đất mới nên cái nghiệp họ đang hành không thể gọi là “lạc nghiệp”.
Tại sao người lao động lại phải đánh đổi bằng mọi giá để vượt qua các rào cản kia nhằm tìm bằng được việc làm cho mình? Hỏi đã là trả lời, chính họ đã không tìm thấy cơ hội việc làm cho mình trong mảng nông nghiệp không được đầu tư tại quê hương mình. Các dòng đầu tư công nghiệp và chế tạo, các dòng vốn FDI tập trung vào khu vực lân cận trong 11 tỉnh phía bắc (đóng góp 30% ngân sách) và 6 tỉnh phía nam (đóng góp 42% ngân sách).
Nền kinh tế đất nước như một đoàn tàu có hai đầu (đẩy và kéo) là Sài Gòn và Hà Nội (kèm một số tỉnh ĐBSH và ĐNB) còn các toa là những tỉnh thành khác thì thụ động, đóng góp âm (thu 43% nhưng chi 71%) vào lực đẩy phát triển. Mô hình tăng trưởng kinh tế này tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường nếu những biến cố tương tự như Covid-19 xảy ra trong tương lai.
Bệnh viện 5 sao, trường học 5 sao, nhà vườn 5 sao ở nông thôn
Giải pháp nào cho thực trạng trên? Nguyên nhân nằm ở chênh lệch cán cân đầu tư thì giải pháp liệu có đơn giản là phân bổ đều đầu tư, hay còn gọi là phân bổ kinh tế như một số người thích dùng từ này? Chưa kể sự chạy đua đầu tư giữa các địa phương lại bị đánh đổi bằng những cái giá về môi trường, tài nguyên và năng lượng. Những hệ lụy lại bị trả giá ở nhiều thế hệ sau.
Ông Sơn đưa ra mô hình phát triển bao trùm, hai tập hợp nông thôn và thành thị giao thoa chung nhau để biến cả nước là thị trường, sức mua là toàn dân.
Tổ chức lại một số dịch chuyển mới để tạo cơ hội đem đô thị về nông thôn. Phát triển cả nông thôn và đô thị gắn kết nhau về cảnh quan, môi trường, cơ sở hạ tầng, dịch vụ (như xây dựng hệ thống giao thông, các khu đô thị thấp tầng có sân vườn, bệnh viện, trường học cao cấp), tăng đầu tư công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp, phát triển sinh kế phi nông nghiệp ở nông thôn, xì hơi bớt “quả bom” 40% lao động nông thôn không có việc làm.
Với tốc độ đô thị hóa đạt 3,2%/năm thì sau 2035-40 tỉ lệ đô thị hóa sẽ đạt 50%. Khi sự chênh lệch mức sống nông thôn và thành thị được thu hẹp, thì mỗi người nông dân sẽ có cơ hội phát triển trên chính mảnh đất nơi mình sinh ra và đất nước toàn dụng lao động. Đó là mô hình giao thoa đô thị-nông thôn mà những nước có một số điều kiện khởi đầu như Viêt Nam đã phát triển thành công như Hàn Quốc, Đài Loan, Israel.
Ông cũng phân tích kĩ hơn cơ hội “cửa sổ vàng” về dân số. Cái cửa sổ này sẽ mở ra cho mỗi nước có 1 lần trong quá trình phát triển trong vài chục năm. Các nền kinh tế đi trước đã tận dụng cơ hội vàng về lao động kịp thời bằng toàn dụng lao động và nay dân họ bắt đầu già thì đã kịp giầu. Còn Việt Nam chúng ta, cửa sổ vàng về lao động đã mở, có lẽ đã được nửa thời gian, chúng ta chưa giầu và sắp già. Có thể chúng ta sẽ mất cơ hội và một người trẻ sẽ phải lao động nuôi vài người già, quỹ bảo hiểm sẽ vỡ, cả ở quy mô gia đình và quy mô quốc gia.
Chắc hẳn giải pháp nào cũng không bao giờ có kết quả nếu thiếu sự trao đổi, nhận thức cùng nhau để đi tới những hành động chung. Nếu cả xã hội, từ người lãnh đạo, đến các chuyên gia, và cả người nông dân nữa, đều nhận thức được về cơ hội, về giải pháp, thì có thể giải phóng một năng lượng to lớn, dẫn đến những thay đổi lớn. Ông mong muốn mỗi người ở vị trí của mình sẽ đóng góp công sức, dù nhỏ cho công cuộc chung này.
Sau đó, TS Phạm Gia Minh nói về bèo hoa dâu và những tiềm năng của nó trong nông nghiệp như có thể làm phân bón, làm thức ăn chăn nuôi, cải tạo môi trường. Bèo hoa dâu có năng lực hấp thụ và chuyển hóa CO2 gấp 3 lần các loại cây khác. Theo ông bèo hoa dâu là một tác nhân quan trọng của cuộc cách mạng nông nghiệp mới.
Cuối cùng TS Nguyễn Ngọc Chu nhận xét rằng Đặng Kim Sơn đã đưa ra lời giải cho một mô hình kinh tế mới, không chỉ an cư lạc nghiệp, mà cho một bài toán tổng thể làm sao phát triển đất nước hài hòa hơn, hạnh phúc hơn. Đó là giải pháp giao thoa đô thị và nông thôn thành một miền phát triển đồng nhất, cung cấp việc làm toàn dụng cho hơn 30 triệu lao động phi chính thức. Họ sẽ trở thành những người lao động chính thức, đầy sáng tạo. Nhưng ông cũng bảo ngay cả minh quân (nếu có), có chấp nhận giải pháp của TS Sơn, cũng chưa biết bắt đầu từ đâu. Do đó, phải nghiên cứu tiếp, cụ thể hơn, khả thi hơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét