Ông Trịnh Vĩnh Bình: 'Tôi khởi động tái kiện Chính phủ Việt Nam'
Ông Trịnh Vĩnh Bình sau khi rời khỏi một phiên tòa xét xử cuối tháng Tám 2017 tại Paris
"Tôi có thể xác nhận là đã tiến hành các động thái để chuẩn bị cho việc khiếu kiện chính phủ Việt Nam một đợt nữa, tiếp sau vụ kiện mà tôi đã được xử thắng ở Tòa án quốc tế lần trước," ông Trịnh Vĩnh Bình, doanh nhân Hà Lan gốc Việt nói với BBC News Tiếng Việt hôm 20/10/2021 từ Amsterdam.
"Ngày 14/10 vừa qua, tôi đã có khởi động chính thức và đã trực tiếp gặp đại diện phía Việt Nam trong một cuộc gặp được thống nhất qua mạng, tôi đã đưa ra các điều kiện, nếu điều kiện giữa hai bên mà chúng tôi đưa ra không đáp ứng được, không thành, chúng tôi chính thức khởi kiện phía Việt Nam.
"Tôi nói thêm là có một điều khoản để hai bên dàn xếp, nếu dàn xếp không xong, như trước đây cũng đã không xong, thì tôi sẽ đệ trình tòa đơn kiện."
"Đợt này, có hai bộ phận, một bộ phận là vụ kiện mà tôi đòi bồi thường cho tôi liên quan sai phạm của chính quyền ở tỉnh Phú Yên từ trước và bộ phận lớn hơn, mà tôi gọi là vụ án lớn đợt này liên quan tới những đòi hỏi đòi bồi thường, hoàn trả tài sản của tôi mà phía chính phủ Việt Nam đã cam kết, hứa hẹn hoàn trả mà không thực hiện như tôi yêu cầu, bên cạnh những đòi hỏi khác liên quan tới những bất công mà tôi đã phải gánh chịu trong vụ án mà tôi là nạn nhân và hoàn toàn oan sai, như phía Việt Nam đã phải chịu phán quyết của tòa án quốc tế."
"Lần này, tôi đã 'bấm nút' cho tỉnh Phú Yên, thông báo cho chính quyền tỉnh Phú Yên của Việt Nam có thời hạn 3 tháng để thu xếp với nhau, nếu thu xếp không được, vấn đề đó sẽ đệ trình lên tòa án trọng tài quốc tế, và các vụ khác trong đợt này, tôi cũng đã chuẩn bị tất cả rồi, sau những thư tôi gửi, nếu không có động thái gì thì tôi sẽ đi tới luôn."
"Thư đầu tiên tôi gửi thông báo cho tỉnh Phú Yên là ngày 23/7/2021, sau đó hai bên đã hẹn nhau, do vấn đề Covid-19, bên kia đã hẹn lại cho một ngày là 14/10/2021, để gặp nhau và trao đổi."
Ông Trịnh Vĩnh Bình tuyên bố với BBC rằng ông "có trong tay rất nhiều bằng chứng vững chắc rằng chính quyền ở Việt Nam trong thời gian trước đây đã có nhiều hành động sai trái, kể cả 'gian trá'".
"Thậm chí có vấn đề 'thông đồng' trong việc che đậy các hành vi sai trái phá hoại, chiếm đoạt tài sản, cơ sở sản xuất kinh doanh, các dự án kinh doanh, đầu tư mà tôi làm đúng luật và đúng theo các quy định, được khuyến khích làm là đằng khác," ông Bình nói ngày 20/10.
Có gì mới trong các vụ kiện tiềm tàng 'đợt hai'?
Ông Trịnh Vĩnh Bình tại tòa án ở Việt Nam với tư cách người bị hại
Về tính mới trong vụ kiện tiềm năng đợt hai này, doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình nói với BBC hôm thứ Tư:
"Có một yếu tố mới là tôi không bị ràng buộc gì hết và bởi bất cứ ai trong đợt này, theo thủ tục của Trọng tài Quốc tế sau năm 2014, người ta khuyến khích minh bạch, công khai, và tôi không có ký, cũng như tôi không đồng ý vấn đề là phải im lặng và từ nay về sau tôi sẽ không bao giờ im lặng.
"Và những dữ liệu, tư liệu, bằng chứng mà tôi có trong tay liên quan tới vụ kiện, oan sai và những gì tôi bị xử lý thiệt thòi, bất công, bị làm hại..., tôi có toàn quyền cung cấp cho truyền thông báo chí và tôi sẽ làm điều đó.
"Tôi cũng sẵn sàng cùng quý vị đưa hết ra công luận, tại sao phải ngại điều gì?"
Về chi tiết cuộc gặp hôm 14/10/2021, mà ông Trịnh Vĩnh Bình gọi đây là sự kiện 'bấm nút' khởi động chuẩn bị cho các vụ kiện đợt hai của ông ra tòa án quốc tế, ông nói với BBC:
"Hôm thứ Năm, 14/10/2021, hai bên đã họp chính thức trên mạng và thời gian là hơn một tiếng đồng hồ, bên phía Chính phủ Việt Nam có thành phần khoảng 15-16 người. Còn bên tôi cũng có 6-7 người."
"Đại diện chính quyền Việt Nam có đại diện từ các bộ, trong đó đặc biệt có Bộ Tư pháp, tôi cũng nói luôn là không có đại diện chính quyền tỉnh Phú Yên, vì ở đây là đại diện của Chính phủ, cấp Chính phủ Việt Nam, bởi vì địa phương làm sai, thì tôi kiện Chính phủ. Lần trước, trong vụ kiện đợt trước, phía Việt Nam, ngoài Bộ Tư pháp cũng có một số bộ ngành tham gia, trong đó có Bộ Ngoại giao."
Hãng luật từ nước nào được thuê giúp đỡ hai bên?
Khi được hỏi có những hãng luật nào, ở đâu tham gia trong vụ việc giữa hai bên, ông Trịnh Vĩnh Bình nói:
"Phía bên tôi gồm 2 hãng luật của bên Anh quốc, còn phía Chính phủ Việt Nam thì sử dụng một hãng luật ở Washington D.C. Mỹ.
"Trước hết, hai hãng luật của Anh sẽ giúp tôi trong nội dung khiếu kiện liên quan tới sai trái của chính quyền tỉnh Phú Yên, còn các vụ việc khác từng bước tôi sẽ thông báo hãng nào, ai giúp tôi.
"Tôi cũng đề phòng trường hợp Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp cận riêng với luật sư, văn phòng luật của luật sư mà tôi thuê, đó là chuyện trước đây tôi đã phát giác, lần này, bất cứ lúc nào tôi 'ngửi thấy' tiếp cận đó hay tôi thấy có những gì mà cảm thấy nghi ngờ về ai đó tác động các luật sư, hay hãng luật mà tôi thuê, khi đó tôi sẽ biết phải chủ động làm gì để xử lý những tiếp cận đó."
Tổng mức bồi thường dự kiến được đòi lên tới nhiều tỷ USD?
Doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình từng được tòa án quốc tế tại Paris tuyên thắng kiện chính phủ Việt Nam cuối tháng 8/2017
Khi được hỏi trong vụ kiện 'đợt hai' này mà doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình chủ trương và đã có động thái khởi động từ hôm 14/10/2021, ông dự kiến đòi bồi thường thế nào ở vụ kiện bộ phận và toàn bộ các vụ kiện, 'Vua chả giò' một thời từ Hà Lan nói với BBC:
"Tôi ước lượng những thiệt hại với các dự án đầu tư của tôi ở tỉnh Phú Yên, kể cả những thiệt hại vô hình, hữu hình, những hành hạ công ty, cơ sở làm ăn của tôi bao nhiêu năm nay, rồi cưỡng chế, bắt chúng tôi phải mua hóa đơn lẻ, làm mất cơ hội làm ăn của chúng tôi v.v..., cộng lại, con số con số cũng không nhỏ.
"Tôi nghĩ riêng cái đó phải trên 35 triệu đôla, đó là thống kê sơ bộ ban đầu và đang hoàn tất, còn vụ án lớn liên quan tài sản của tôi, mà tôi bị chiếm đoạt, chiếm giữ, gây thiệt hại, bây giờ giá trị nó đã lên đến trên 4 tỷ đôla Mỹ.
"Và tôi đã mở lời với chính phủ Việt Nam rằng tôi có thể chấp nhận với chính phủ Việt Nam bàn bạc với nhau trên một nửa số tiền mà tôi đề nghị đền bù đó, tức là một nửa của trên 4 tỷ USD, và hai bên có thể ngồi lại bàn bạc với nhau.
"Còn nếu không, vấn đề này sẽ phải cùng nhau ra tòa để tranh luận và sẽ nghe phán quyết của tòa thôi, như lần trước tôi đã làm và đã thắng vụ kiện," ông Trịnh Vĩnh Bình nói với BBC hôm thứ Tư.
Các nhà quan sát, bình luận nói gì?
Ông Trịnh Vĩnh Bình từng là một doanh nhân thành đạt tại Hà Lan trong nhiều lĩnh vực kinh doanh và sản xuất
Cũng hôm 20/10/2021, một số nhà quan sát có quan tâm tới vụ việc chia sẻ cảm nghĩ với BBC News Tiếng Việt về diễn biến mới này.
Từ Hội An, kinh tế gia Bùi Kiến Thành phát biểu:
"Vụ việc này rất phức tạp, nhưng có thể nhận định ngắn gọn là Nhà nước Việt Nam đã:
1/ Vi phạm Nhân Quyền đối với ông Trịnh Vĩnh Bình;
2/ Vi phạm các điều khoản về đầu tư của Hiệp Ước Thương Mại và Đầu Tư Việt Nam / Hà Lan
3/ Các Phán Quyết của Tòa Án Sơ Thẩm và Phúc Thẩm của Việt Nam là các "Phán Quyết Bỏ Túi", dựa trên các báo cáo bịa đặt của một nhóm quan chức nhà nước tham nhũng, tiêu cực.
4/ Chi tiết của Thỏa Thuận giữa Nhà Nước Việt Nam với ông Trịnh Vĩnh Bình (Thỏa Thuận Singapore 2006) cũng như Phán Quyết của Tòa Án Trọng Tài Paris 2019, có qui định những điều kiện bảo mật, không được công bố, nên dư luận không có thông tin để bình luận một cách khách quan."
Kinh tế gia Bùi Kiến Thành nói ông hy vọng sẽ có thêm thông tin thời gian tới về vụ kiện.
Từ Hà Nội, PGS. TS. Phạm Quý Thọ, nhà nghiên cứu và phân tích chính sách công từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư nói với BBC:
"Tôi cho rằng có thể không có hay không đạt được thỏa thuận riêng giữa ông Trịnh Vĩnh Bình và Chính phủ Việt Nam và vụ việc tiếp tục phức tạp. Qua đây thấy rằng bài học về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã trả giá quá đắt cho những quyết định, cách làm sai trái, sai phạm của chính quyền nhất là ở những cấp địa phương và các ngành liên quan."
Doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình cùng các đối tác nước ngoài thời kỳ trước đây
"Theo tôi, toà án là nơi công lý, công bằng được thực thi. Ông Bình có quyền đó, nhất là khi ông đưa ra tòa án quốc tế."
"Tôi thấy rằng, sau những năm đầu ấu trĩ, Chính phủ Việt Nam cần rút kinh nghiệm, sửa luật, nhưng hiện còn có tình trạng là thực thi quá yếu do năng lực cán bộ. Tuy nhiên, vụ này ở Việt Nam vẫn còn được giấu kín, nên rút kinh nghiệm rộng rãi là không thể."
"Do đó, nếu không thay đổi tư duy và cách thức ứng xử, chính quyền sẽ vấp ngã và trả giá mà không tự giúp mình thoát ra khỏi được tình trạng bế tắc."
Từ San Jose, Hoa Kỳ, Tiến sỹ, Luật sư Nguyễn Hữu Liêm nói với BBC:
"Vụ kiện 'xuyên thế kỷ" của ông Trịnh Vĩnh Bình đối với Chính phủ Việt Nam là biểu dấu của một thời gian khi kinh tế Việt Nam mới thức dậy trong tất cả những hỗn mang, thô thiển và vô minh của các tầng lớp cán bộ kinh tế địa phương. Bản sắc hỗn mang ấy mang hậu quả luật pháp quốc tế cho đến ngày hôm nay. Tôi nghĩ may là chỉ có một vụ kiện. Đáng ra còn phải nhiều hơn nữa.
"Chính phủ Việt Nam cần đưa vụ kiện cho một công ty luật quốc tế uy tín với tinh thần nghiêm túc và với thiện ý hòa giải hợp lý. Thực ra, chính quyền trung ương cũng là nạn nhân của lề lối làm kinh tế bê bối và tham lam của chính quyền địa phương từ hàng thập niên trước. Bây giờ thì tình hình đầu tư khác đi nhiều. Việt kiều cẩn trọng và khôn ngoan hơn, cán bộ địa phương cũng hiểu biết về luật hơn. Ít ai ở VN còn đối xử nhà đầu tư ngoại quốc như đã đối xử với ông Bình như thuở hoang sơ trước đây."
"Ở Việt Nam bấy giờ có trung tâm hòa giải quốc tế cho những vấn đề như thế. Điều nên làm khi tiếp nhận đầu tư tầm lớn là phải từ cấp trung ương, không cho cán bộ địa phương tự tác. Cả hai phía, nhà đầu tư và chính phủ, phải làm việc qua luật sư và chỉ làm theo sự cố vấn của các luật sư uy tín để bảo vệ quyền lợi và uy tín cho tất cả."
Nguồn: BBC News Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét