“Sự xảo quyệt của người châu Á từ sự lừa dối, sự bất trung và sự trả thù tàn nhẫn”
Tác giả: Peter Dittmar
Chuyển ngữ: Lê Quang Ngọ và Lê Quí Trọng
21-4-2021
Lich sử thế giới: Stalin với Mao
“Kẻ tự lấy lý thuyết của mình ra từ mũi”: Bề ngoài Stalin và Mao đã lấy lòng nhau bằng những nụ hôn anh em đồng chí. Nhưng đằng sau những tuyên bố chính thức, họ còn chỉ trích, lừa dối và chế giễu lẫn nhau.
Họ xuất hiện trên tem thư, bắt tay nhau một cách dễ hiểu. Họ sát cánh trên khán đài, vỗ tay tán thưởng. Những cái đầu của họ được hoàn tất trên các áp phích hàng ngũ của “những người thầy vĩ đại”, bắt đầu từ Marx, Engels và Lenin. Họ ngồi bên nhau trên một bức tranh trong cuộc trò chuyện thân mật. “Tình bạn vĩ đại” chính là tiêu đề bức tranh đó. Và thật ra đây là là một sự cường điệu, nếu từ đằng sau những thông báo chính thức ta nhìn vào những lời nói mà Stalin đã nói về Mao và Mao đã nói về Stalin.
Lúc đó Stalin gọi Mao là “người theo chủ nghĩa Marx thượng cổ” và “người Marxist xây trên cát”, người chưa đọc “Tư bản luận” (bản dịch tiếng Trung đầu tiên xuất hiện năm 1938). Stalin mô tả các bài viết của Mao là “phong kiến”, kết tội Mao có “một chính sách của sự xảo quyệt người châu Á từ sự xu nịnh, lừa dối, bất trung và trả thù tàn nhẫn”.
Ngược lại Mao so sánh các mối quan hệ đôi bên như mèo và chuột, bởi vì Stalin đã hành động như một quan lại cũ đối với người Trung Quốc. Đó là lý do tại sao “cách mạng Trung Quốc đã chiến thắng ý chí của Stalin”. Ngoài ra, người Nga “không bao giờ tin tưởng người Trung Quốc và Stalin là người tệ nhất”. Phong cách lãnh đạo của Stalin được Mao đặc trưng với câu: “Có mùi thơm và có mùi hôi. Không nên nghĩ rằng tất cả các loại rắm của Liên Xô đều thơm. Nếu bây giờ những người khác nói rằng thứ gì đó bốc mùi từ họ, chúng tôi cũng đồng ý và nói rằng có mùi hôi”.
Câu nói này đã diễn ra sau bài phát biểu của Nikita Khrushchev tại đại hội lần thứ XX của đảng Cộng sản Liên xô năm 1956 về tội ác của Stalin. Nhưng sự ngược đãi lẫn nhau không dừng lại ở đó. Đối với Mao, Khrushchev là một “gã khờ khạo hói đầu” và Mao đối với Khrushchev là “Phật gia, kẻ tự lấy lý thuyết của mình ra từ mũi”.
Mao ít hơn Stalin 15 tuổi do đó có một số mặc cảm kém cỏi khi hội kiến. Mao cảm thấy mình giống như một “người em trai” chừng nào Stalin còn sống. Ông nói trong một bài phát biểu: “Khi các họa sĩ Trung Quốc vẽ chân dung tôi với Stalin, tôi luôn nhỏ hơn Stalin một chút, họ đã mù quáng phục tùng sức ép trí tuệ của Liên Xô vào thời điểm đó“.
Stalin đã cho Mao cảm thấy điều này khi ông đến Moscow lần đầu tiên vào năm 1949/ 1950 nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của mình. Mao phải ở trong một căn nhà gỗ trong hai tuần và chờ một cuộc gọi trước khi có cuộc hội đàm đầu tiên. Mao mô tả trong cuộc trò chuyện với Anastas Mikoyan (1) rằng trong các cuộc đàm phán về hiệp ước hữu nghị Xô-Trung (Hiệp ước Hữu hảo đồng minh hỗ trợ Trung – Xô), Stalin không sẵn sàng nói chuyện với Trung Quốc về Ngoại Mông Cổ (nước CHND Mông Cổ) và hỗ trợ Trung Hoa trong việc chinh phục Đài Loan, đó là “hai viên thuốc đắng” mà ông ta phải nuốt.
Điều đó không phải là sự khó chịu duy nhất. Mặc dù vẫn ở Matxcơva, nhưng sau đó Mao mới phát hiện ra rằng, Stalin đã hứa với Kim Nhật Thành ở Triều Tiên rằng, Liên Xô sẽ hỗ trợ ông ta trong một cuộc tấn công vào Hàn Quốc. Và tất nhiên Mao không quên việc Stalin đã ủng hộ và hỗ trợ Tưởng Giới Thạch trong những năm chiến tranh Trung-Nhật, trong khi Stalin không quá coi trọng những người cộng sản trong cuộc rút lui của họ quanh Diên An.
Mặt khác, yêu cầu của Stalin về việc quân đội cộng sản phải hành động chống lại người Nhật để đội quân Quan Đông của Nhật Bản sẽ bị trói và do đó không có khả năng chiếm các lãnh thổ của Nga ở Viễn Đông – như Mãn Châu trước đây – đã bị Mao làm ngơ. Thay vào đó, Mao muốn dành lực lượng quân sự của mình cho cuộc nội chiến không thể tránh khỏi chống lại Tưởng và Quốc dân đảng. Và cũng như Stalin từ chối trao cho người Trung Quốc kế hoạch sản xuất bom nguyên tử, Mao từ chối cho Hải quân Liên Xô mượn một căn cứ, mà họ cấp thiết cần nó để liên lạc vô tuyến với các tàu ngầm của họ.
Sự không tin tưởng lẫn nhau này, sự nỗ lực lừa dối người kia, để lợi dụng người đó, là đặc điểm của cả hai người. Họ đã hành động chuyên quyền, lo sợ những âm mưu, không chấp nhận đối kháng và tuyệt nhiên không đi chệch đường lối chiến lược trong chính sách của họ. Đó là lý do tại sao năm 1949 Stalin đã cho ấn bản tiếng Nga đầu tiên của Mao với tiêu đề “Những bài viết được chọn lọc” vào sọt rác, bởi vì trong một bài này hay bài khác, nêu rõ rằng, các dân tộc ở châu Á đang xây dựng chủ nghĩa xã hội / cộng sản châu Á của riêng họ.
Trước đó Stalin đã ngăn cản cuốn sách viết về cuộc đời Mao của Anna Louise Strong (3) xuất hiện ở Nga. “Bạn chỉ được phép nói về những điều tốt chứ không phải những điều xấu; Bạn được phép hát những lời khen ngợi, nhưng không được chỉ trích bất cứ điều gì; Ai chỉ trích điều gì đó sẽ bị nghi ngờ là kẻ thù và có nguy cơ bị bỏ tù hoặc bị hành quyết”. Mao nói trong một bài phát biểu rằng, đó là những gì các đồng chí đã nói với ông về Liên Xô. Tất cả những ai nghe Mao nói đều biết rằng, điều đó đâu có khác gì ở Trung Quốc.
Cả hai giống nhau về phương pháp mà họ nắm quyền và bảo đảm quyền lực của mình. Điều này không chỉ đúng với hàng triệu vụ bắt giữ và hành quyết những người bị cáo buộc và vu cho là kẻ thù sau khi giành chính quyền và các cuộc “thanh trừng” trong những năm sau đó. Điều này ảnh hưởng đến cả các chính sách kinh tế tai hại với hậu quả là nạn đói khủng khiếp.
Và điều đó luôn bao gồm việc Stalin và Mao loại bỏ những đồng chí thân cận, những người đã tạo cho cả hai con đường đến đỉnh vinh quang, và những người đã đạt đến đỉnh cao của chế độ chuyên quyền, bây giờ quả thật hoặc hình như đang cản đường họ. Vì vậy những người đó bị trục xuất, bỏ tù và thanh lý. Điều này đúng với Trotsky, Zinoviev, Bukharin, Kirov (4) và những người khác, cũng như đối với Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài, Lâm Bưu và thậm chí còn đúng với cán bộ của “28 người Bolshevik” từng học ở Mátxcơva và theo ý định của Stalin, nên lãnh đạo ĐCS Trung Quốc.
_____
Chú thích:
(1) Anastas Ivanovich Mikoyan (25.11.1895 — 21.10.1978) là một nhà cách mạng Liên Xô cũ và là chính khách trong các nhiệm vụ của Lenin, Stalin, Khrushchev và Brezhnev.
(2) Walther Ernst Paul Ulbrich (30.06.1893 — 1.8.1973) là người cộng sản Đức, từ 1950 – 1971 là người đứng đầu Ủy ban trung ương đảng SED của CHDC Đức.
(3) Anna Louise Strong (24.11.1885 — 29.3.1970) là nhà báo và hoạt động người Mỹ nổi tiếng với việc đưa tin và ủng hộ các phong trào cộng sản ở Liên Xô và CHND Trung Hoa,
(4) Lev Davidovich Trosky (7.11.1879 — 21.8.1940) là một nhà lý luận cách mạng Bolshevik và Marxist và là một trong những người lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, vai vế lãnh đạo chỉ đứng sau Lenin.
Grigory Yevseyevich Zinoviev (23.09.1883 — 25.8.1936 là một nhà cách mạng Bolshevik, chính trị gia Liên Xô.
Nikolai Bukharin (27.9.1888 — 15.3.1938) là một nhà cách mạng Bolshevik, chính trị gia Liên Xô, nhà triết học Marxist.
Sergey Kirov (27.3.1886 — 1.12.1934) là một nhà lãnh đạo Bolshevik nổi bật thời kỳ đầu ở Liên Xô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét