Đã đến lúc quản lý từ thiện
25-5-2021
LGT: Vụ danh hài Hoài Linh tiết lộ, ông còn giữ hơn 14 tỉ đồng gần 6 tháng qua, số tiền của người dân đóng góp để hỗ trợ bà con miền Trung bị lũ lụt, đã gây ra nhiều phản ứng trong cộng đồng mạng. Một số người nêu ý kiến, cần quản lý các nhóm từ thiện, trong đó có tác giả Chu Mộng Long.
Đồng ý với tác giả, cần quản lý các tổ chức từ thiện ở Viêt Nam. Có thể quản lý tương tự như các tổ chức phi lợi nhuận 501(c)(3) ở Mỹ, có tư cách pháp nhân để thu tiền từ thiện sau khi đăng ký với sở thuế, cuối năm khai thuế. Và nhất là những người đóng góp cho các tổ chức từ thiện này, được miễn trừ thuế đối với toàn bộ số tiền họ cho các quỹ từ thiện, điều này sẽ khuyến khích nhiều người bỏ tiền ra giúp đỡ những người khác, thông qua các hoạt động từ thiện.
Tuy nhiên, không đồng ý với tác giả câu này: “Chẳng hạn, gặp một trường hợp người bệnh không đủ tiền chi trả viện phí, nhà nước có quyền chỉ định bất cứ tổ chức từ thiện nào phải chi trả và tổ chức ấy không có quyền từ chối“. Từ thiện là tùy vào lòng hảo tâm của người cho, không nên có bất kỳ sự bắt buộc nào. Bệnh nhân nghèo không đủ tiền chi trả viện phí, họ cần được sự trợ giúp của chính phủ, thay vì bắt buộc các quỹ từ thiện chi trả. Ở Mỹ có chương trình Medicaid của chính phủ, giúp chi trả chi phí y tế cho những người có thu nhập thấp.
Sau đây là bài viêt của ông Chu Mộng Long:
***
Ở đất nước này, hễ có thiên tai là ầm ĩ từ thiện. Sự ầm ĩ này có cả hai mặt: tán dương và chỉ trích. Mới ngày nào tán dương nhiệt liệt, lập tức sau đó lại chỉ trích cực lực.
Trước đây, việc từ thiện là của tổ chức nhà nước. Từ khi mắc tai tiếng động trời về việc không ít địa phương tự ban phát từ thiện cho người nhà, dòng họ mình, dân mất lòng tin thì các tổ chức, cá nhân làm từ thiện phi chính phủ mọc ra như nấm. Nhà văn, ca sỹ, diễn viên, MC… chỉ chờ có thiên tai là kêu gọi ủng hộ từ thiện.
Và nhà nhà, người người thi nhau đóng tiền vào các tài khoản của tổ chức, cá nhân đó để thể hiện lòng tốt. Tuỳ theo tên tuổi của cá nhân, tổ chức đó mà số tiền tập trung nhiều hay ít. Có tổ chức, cá nhân quyên góp được số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng, đến mức tổ chức nhà nước cũng không sánh được!
Công việc từ thiện sôi động như ngày hội giữa đau thương. Đến mức, năm rồi chỉ một địa phương nhà cửa đang ngập trong lũ mà có hàng trăm ca nô đua nhau ầm ĩ hơn cả bão ập đến, gây nguy cơ sập nhà như VTV đã phản ánh.
Tôi không chỉ trích những tổ chức, cá nhân đã quyên góp và làm tốt nhiệm vụ mà những người đóng góp đã gửi gắm. Nhưng tình trạng vô tổ chức, vô chính phủ như hiện nay là đáng quan ngại.
Hô hào ầm ĩ làm từ thiện rồi hô hào cùng nhau ném đá khi hoạt động từ thiện có vấn đề thì đã là điều quan ngại thứ nhất. Lòng tốt của con người đang ở bờ vực mong manh của sự khủng hoảng và sụp đổ.
Hoạt động từ thiện mà làm phong trào thì chỉ có thể hình thành nên những cơn bão nhân tai: đố kỵ, nghi kỵ, lạm dụng và kể cả gây ra sự bất công. Các tổ chức, cá nhân làm từ thiện không đố kỵ vì ta gom ít, kẻ kia gom nhiều đã là còn may. Dân quyên góp tiền mà thấy không hiệu quả, họ không chửi bới mới là chuyện lạ.
Và không thể quản nổi nếu có một tổ chức, cá nhân nào đó lạm dụng lòng tốt để mưu lợi cá nhân. Rồi, để được nổi danh, các cá nhân, tổ chức đổ xô vào nơi ầm ĩ nhất, hiển nhiên dân ở nơi đó hưởng lợi cao nhất, trong khi dân nơi khác cũng hoạn nạn tương tự thì chịu thiệt thòi. Có bất công không?
Trong khi ở điều kiện bình thường của cuộc sống, bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn: dân nghèo vô gia cư sống chui rúc gầm cầu, người già neo đơn phải dãi gió dầm sương kiếm cái ăn, trẻ em mồ côi, người bệnh không tiền chữa trị thì chẳng biết dựa vào đâu và chẳng ai đoái hoài. Ít thấy cá nhân, tổ chức nào có tên tuổi làm việc từ thiện thường xuyên cho những đối tượng này.
Theo tôi, qua những sự vụ vừa rồi, nhà nước cần đứng ra quy hoạch lại hoạt động từ thiện. Đây là lúc chín muồi phải làm điều đó. Bên cạnh việc duy trì các tổ chức từ thiện của chính phủ là chấp nhận hoạt động từ thiện phi chính phủ nhưng bắt buộc phải đăng ký tư cách pháp nhân. Nhà nước phải quản lý tất cá các tài khoản từ thiện và điều phối hợp lý trong từng hoàn cảnh, tình huống. Nghiêm cấm các hoạt động tự phát, lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi, dù nhẹ nhất là đánh bóng tên tuổi cá nhân.
Quản lý bằng cách nào? Các nước văn minh quản lý rất đơn giản. Bắt đầu quản từ gốc của quỹ từ thiện được đăng ký tư cách pháp nhân. Quỹ từ thiện có hai loại: quyên góp nóng khi có sự cố và quyên góp thường xuyên. Tư nhân nắm giữ tiền, nhưng nhà nước phải quản bằng kiểm toán. Trước một sự cố thiên tai, địch hoạ, nhà nước điều phối các cá nhân, tổ chức đó phải chi khắc phục sự cố theo thiệt hại của từng vùng. Không nhất thiết phải chi tất cả số tiền thu được mà điều chuyển sang quỹ thường xuyên.
Quỹ thường xuyên sẽ chi cho hoạt động từ thiện thường xuyên: giúp đỡ cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt như tình trạng vô gia cư, người già neo đơn, trẻ mồ côi, bệnh nhân, nạn nhân ngặt nghèo. Chẳng hạn, gặp một trường hợp người bệnh không đủ tiền chi trả viện phí, nhà nước có quyền chỉ định bất cứ tổ chức từ thiện nào phải chi trả và tổ chức ấy không có quyền từ chối. Nhà nước có thể thu hồi bất cứ tài khoản nào nếu xét thấy có sự vi phạm.
Tất nhiên, đến lúc Quốc hội cũng phải ra Luật Từ thiện làm căn cứ pháp lý để xử lý.
Không làm được điều tôi kiến nghị, hoạt động từ thiện ở ta còn hỗn loạn và đẻ ra nhiều hệ luỵ rắc rối khác chứ không chỉ là chuyện chửi bới, mạt sát nhau. Lòng tốt là thiêng liêng bất khả xâm phạm, nhưng lòng tốt cũng chẳng khác cái vỏ trứng mong manh rất dễ vỡ.
Làm từ thiện cá nhân là lòng tốt nhỏ. Nhà nước giỏi quản lý một cách văn minh thì lòng tốt nhỏ sẽ thành lòng tốt lớn. Lòng tốt ấy không đơn giản khắc phục sự cố hay giúp đỡ nạn nhân lúc ngặt nghèo mà sẽ thành một chiến lược cân bằng và phát triển xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét