Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

30/4, quá khứ, hiện tại và tương lai

 

30/4, quá khứ, hiện tại và tương lai

Jackhammer Nguyễn

2-5-2021

Nhân dịp 30/4, BBC Việt ngữ có bài: “30/4: ‘Đỏ’, ‘Vàng’ và sự phân cực giữa giới trẻ Việt Nam”. Bài viết này dựa trên dư luận mạng xã hội tiếng Việt và nhất là hai cây bút vốn là … cựu nhân viên của BBC, cô Khải Đơn và cô Linh Nguyễn. Bài viết được công chúng khá quan tâm, đến ngày 1/5/2021 được xếp thứ hai trong những bài được đọc nhiều nhất.

Trên báo Tuổi Trẻ, một tờ báo của nhà nước Việt Nam, có bài: Khách đi lại đông đúc nhân dịp 30/4, Tân Sơn Nhất ‘hóa giải’ ùn tắc ra sao? Người ta thấy trong bài này hình ảnh hàng trăm người đang bị kẹt ở sân bay. Một phóng sự ảnh trên Tuổi Trẻ là: Đà Lạt ngày 1/5 tiếp tục kẹt cứng... Độc giả thấy cảnh hàng ngàn người đang vui chơi ở Đà Lạt. Hai bài này của Tuổi Trẻ cũng được rất nhiều người xem.

BBC Việt ngữ và Tuổi Trẻ trình bày hai thực tế, hai điều thật sự diễn ra. Điều thứ nhất là một cuộc tranh cãi lịch sử và chính trị giữa người Việt với nhau nhân ngày lịch sử 30/4. Điều thứ hai là hàng triệu người Việt Nam lo đi vui chơi, du lịch nhân dịp lễ 30/4.

Câu hỏi đặt ra là, nhóm tranh cãi hay nhóm vui chơi đông hơn? Khó mà biết được. Nhưng điều nào quan trọng hơn? Tranh cãi quá khứ hay hiện tại quan trọng hơn?

Ngày 1/5, tác giả Lâm Bình Duy Nhiên từ Thụy Sĩ, có bài: 30/4 lại về và nghĩ về một ngày mai. Tác giả đau đớn nghĩ về quá khứ và mong mỏi giải quyết những vấn đề tinh thần của quá khứ đó để Việt Nam có một tương lai tươi sáng, nhân văn hơn.

Chúng ta đọc Lâm Bình Duy Nhiên sau một năm biến động ở Bắc Mỹ và châu Âu, nơi dấy lên phong trào xét lại quá khứ, nhất là quá khứ thực dân của người da trắng, quá khứ nô lệ của người da đen. Trong phong trào đó, thậm chí người ta đòi viết lại cả lịch sử ngày Lễ Tạ ơn trong sách giáo khoa của Mỹ. Một số nhà sử học cho rằng, sách giáo khoa Mỹ mô tả ngày Lễ Tạ ơn đầu tiên “thắm tình hữu nghị” quá, không như thực tế đã diễn ra.

Có một sự khác nhau rất lớn giữa sự sai biệt lịch sử ở phương Tây và ở những nước cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam, dù ở đâu thì lịch sử cũng được viết bởi những kẻ chiến thắng. Ở Việt Nam và Trung Quốc, lịch sử bị xóa đi một cách có hệ thống bằng hệ thống toàn trị. Rất đông người Trung Quốc không biết Thiên An Môn là gì, cũng như rất đông người Việt Nam không biết sự thật về kiện Tết Mậu Thân, hay thảm trạng thuyền nhân là gì.

Sự xét lại lịch sử ở Việt Nam và Trung Quốc vì vậy sẽ khó hơn rất nhiều so với phương Tây. Tuy nhiên ví dụ về lịch sử nước Nga hậu Soviet chứng minh rằng, vẫn có thể khôi phục lại lịch sử tiệm cận nhất dù nó có bị cố tình xóa bỏ. Việc công nhận thảm sát các sĩ quan và dân chúng Ba Lan do quân đội Liên Xô thực hiện ở rừng Katyn trong thế chiến thứ hai là một minh chứng, sau bao nhiêu năm phủ nhận của chính quyền Soviet.

Ngoài yếu tố xóa bỏ lịch sử một cách có hệ thống, sức mạnh kinh tế và chính trị của những kẻ xóa bỏ lịch sử cũng là một yếu tố quan trọng. Vì sao việc thảm sát người Armenia của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ cứ bị hết chính quyền này tới chính quyền khác của Mỹ không công nhận? Vì Thổ Nhĩ Kỳ quá quan trọng trong bàn cờ địa chính trị vùng Cận Đông, quá quan trọng đối với Khối NATO.

Trở lại chuyện quá khứ và hiện tại mà tôi đã bắt đầu trong bài viết này, Lâm Bình Duy Nhiên dẫn lời Albert Camus, một triết gia Pháp, từng tham gia đảng Cộng sản, rằng “Chỉ có ngày hôm qua và ngày mai là còn ý nghĩa với tôi”. Tôi không đồng ý với Camus chuyện này, mặc dù có thể hiểu rằng Lâm Bình Duy Nhiên muốn dẫn lời để nói rằng, chúng ta phải sòng phẳng với quá khứ thì mới có thể có một tương lai tươi đẹp.

Hiện tại là rất quan trọng, là thời khắc mà chúng ta đang sống. Quá khứ thì đã qua, tương lai thì chưa tới, còn hiện tại là một món quà (“hiện tại” và “món quà” có cùng một từ tiếng Anh là “present”). Chúng ta không hiểu được hiện tại thì làm sao chúng ta có thể chuẩn bị một tương lai theo như chúng ta muốn? Hiện tại của Việt Nam là một hiện tại song trùng hai thế giới mà cả BBC Việt ngữ và Tuổi Trẻ cố gắng thể hiện và đều thiếu sót.

Nhân sự kiện thảm sát Armenia được Hoa Kỳ công nhận, tác giả Lâm Bình Duy Nhiên dẫn lại lời một bài hát của Charles Aznavour, người Pháp gốc Armenia. Đây là một nhạc sĩ mà tôi cũng rất yêu mến, nhất là bài La Boheme của ông. Xin trích vài đoạn:

Je ne reconnais plus

Ni les murs, ni les rues

Monmartre semble triste

Et les lilas sont morts

Tôi không còn nhận ra nữa, những bức tường và con phố

Monmartre buồn quá, những đóa lilas đã chết rồi

Quá khứ đôi khi làm chúng ta rất buồn lòng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét