Chuyện cấp bách xây nhà hát biểu tượng!
19-5-2021
Hôm 16/5, báo Pháp luật đưa tin “Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm được đề xuất tăng vốn đầu tư từ 1.508 tỉ đồng lên 1.988 tỉ đồng”, theo đề xuất của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM.
Không sai, nếu đặt trong chiến lược quy hoạch, xây dựng và phát triển tương lai vì một “công trình văn hóa mang tính biểu tượng của TP HCM”.
Nhưng chưa đúng, nếu đặt trong lộ trình đầu tư những công trình mang tính “cần thiết” và “cấp bách” cho đời sống dân sinh, dân dụng.
Thực trạng ai cũng thấy: đường nghẽn, đường ngập, đường xuống cấp; đời sống của nhân dân trong, sau đại dịch (mà chẳng biết đến lúc nào mới được gọi là “sau dịch”) bị tác động nặng nề, mức sống chắc chắn bị giảm, giảm sâu.
Xét cho cùng, tiền nào mà chẳng do dân làm ra, của dân đóng thuế nên sử dụng vì dân thì phải suy xét cho cùng cái giá trị thực tế, hữu ích mang lại cho dân, trước mắt-cùng lúc-lâu bền.
Chen chân, lặn ngụp, hít khói, bụng rỗng mà đòi đi… coi “giao hưởng, nhạc, vũ kịch”! Phục vụ khách ngoại giao quốc tế, mà thực đơn cũng ô pê ra, ô pê rết thì khác gì tự “ly khai” dòng giống; còn làm cho ra một “à ố” thì chờ đấy, ùm ừ còn lâu!
Nhân chuyện tái bàn việc xây nhà hát nghìn tỷ, tôi nhớ dạo ầm ĩ cái rạp Hưng Đạo xây mới mà sai công năng nên không sử dụng được, nhiều nghệ sĩ phản đối, phản ứng, giữa hội trường thành phố, trong một kỳ họp Ban chấp hành Đảng bộ, phó bí thư Võ Thị Dung bật lên câu hỏi: xây dựng nhà hát mà nghệ sĩ không biểu diễn được, vì sao cái sai ấy không chỉ mặt đặt tên được, tới giờ, không thấy ai phải chịu trách nhiệm?
Bên lề, tôi thỏ thẻ nói với một lãnh đạo ủy ban rằng, trong khi lo đi sửa lại cái “nhà mới Hưng Đạo” ấy, sao nhà nước không tìm trong “kho nhà công sản” một vài rạp hát của Sài Gòn xưa, cho tu bổ đàng hoàng lại, để trước mắt nghệ sĩ có nơi chốn biểu diễn, chứ bây giờ cứ để anh chị em sấp ngửa đi thuê điểm diễn, giá trên trời, bị hành đủ kiểu, tiền bán vé lo trả đủ thứ, lấy đâu sáng tạo với chả thăng hoa.
Biểu tượng văn hóa, nó không phải là thứ cứ đổ xi măng, đúc lên là thành. Nó là chất bản địa, là dòng chảy văn hóa, sự tiếp biến qua các thế hệ được chọn lọc, giữ gìn, phát triển trên tinh thần nhân văn, tự do, tiến bộ.
Xoay quanh nhà hát, cái mà Sài Gòn để lại là cụm rạp gắn với từng bảng hiệu đoàn hát, đi cùng phong cách biểu diễn của mỗi đoàn. Nay, hầu hết đều đã được hóa kiếp thành nhà hàng, phòng trà, nhà sách. Thế hệ nghệ sĩ trưởng thành sau năm 1975 đều phải tự “khẩn hoang” rồi “cắm dùi” nơi những hội trường nhà văn hóa quận, thành phố… Hội trường chứ không phải rạp hát. Và họ tự mình, cùng khán giả cần mẫn thắp sáng “văn hóa thưởng ngoạn” mấy chục năm qua mà không chờ không nhờ vào ngân sách ai cho ai mượn. Đó cũng là một “biểu tượng” của con người nơi vùng đất này!
Còn nữa, hồi những năm 90, có đoàn kinh kịch Trung Quốc sang thăm, giao lưu với Hội sân khấu TP HCM. Sau khi đi thăm Chùa Nghệ sĩ, Nhà thờ Tổ sân khấu và nhà dưỡng lão nghệ sĩ, vị trưởng đoàn Trung Quốc nói, chúng tôi có thể tự hào về nền nghệ thuật sân khấu kinh kịch tinh hoa của chúng tôi nhưng chúng tôi đã không nghĩ và làm được điều mà các bạn đã làm, là cụm công trình của nghệ sĩ.
Cho nên 500 tỷ đổ thêm vào con số ngàn tỷ kia, nhà hát mọc lên, lấy ai lấp đầy 1.700 chiếc ghế khi nhìn quanh toàn bụng trống thân trần và những trái tim gần như hóa đá, thì lấy gì mà mơ về chân trời sáng tạo, thắp sáng những vì sao…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét