Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

Bản tin ngày 20-5-2021

 

Bản tin ngày 20-5-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Báo Thanh Niên đưa tin: Tàu chiến Mỹ áp sát Hoàng Sa. Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ thông báo, tàu khu trục USS Curtis Wilbur đã đi vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền VN nhưng bị TQ đánh chiếm đầu năm 1974. Tàu USS Curtis Wilbur chính là tàu chiến Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 18/5 theo luật quốc tế, khiến Bắc Kinh “nóng mặt”, nay lại gần quần đảo Hoàng Sa để thách thức yêu sách phi lý của Bắc Kinh.

Tàu khu trục USS Curtis Wilbur đi vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa nhằm thách thức yêu sách của TQ. Ảnh: Hải quân Mỹ/ TN

Người phát ngôn Hạm đội 7 Nicholas Lingo nói về chuyến đi của tàu USS Curtis Wilbur: “Các yêu sách hàng hải phi lý và bao quát ở Biển Đông gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do trên biển, bao gồm tự do hàng hải, hàng không, tự do lưu thông thương mại không bị cản trở cũng như quyền tự do với các cơ hội phát triển kinh tế của các quốc gia ven Biển Đông”.

Infonet đưa tin: Máy bay và tàu chiến Trung Quốc bám theo khu trục hạm Mỹ ở Biển Đông. Chiến khu Nam Bộ của quân đội TQ thông báo, lúc tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Curtis Wilbur của hải quân Mỹ di chuyển gần khu vực quần đảo Hoàng Sa, Chiến khu Nam Bộ điều động các máy bay và tàu chiến theo dõi hoạt động của tàu chiến Mỹ. TQ cáo buộc tàu chiến Mỹ xuất hiện gần quần đảo Hoàng Sa “mà chưa được phép”, gây ảnh hưởng xấu tới hòa bình và ổn định của khu vực.

Báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời ông Biden: ‘Mỹ phải bảo vệ huyết mạch ở Biển Đông, Bắc Cực’. Theo tin từ Bloomberg, trong bài phát biểu tại buổi lễ khai giảng ngày 19/5 của Học viện Cảnh sát Biển ở TP New London, bang Connecticut, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, Mỹ phải bảo vệ các tuyến đường hàng hải rộng mở và an toàn ở Bắc Cực và Biển Đông trong bối cảnh Nga và TQ tìm cách khẳng định quyền kiểm soát nhiều hơn đối với hai khu vực này.

Tổng thống Biden phát biểu: “Điều quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Mỹ là đảm bảo dòng chảy thương mại toàn cầu không bị cản trở… Và điều đó sẽ không xảy ra nếu không có các bạn, những người đóng vai trò tích cực để thiết lập các chuẩn mực ứng xử, để hình thành các chuẩn mực đó xung quanh các giá trị dân chủ”, đồng thời nhấn mạnh, Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Bloomberg có clip ghi lại lời phát biểu của Tổng thống Biden: Mỹ phải bảo vệ tuyến đường biển ở Bắc Cực, Biển Đông.

VnExpress có bài: Điều tàu sân bay đến Biển Đông, Anh thách thức Trung Quốc. Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh đã rời cảng từ đầu tháng 5, thực hiện nhiệm vụ dài 28 tuần, dự kiến vượt qua hải trình hơn 40.000 km, qua vùng biển của 40 quốc gia, trong đó có Biển Đông, nhưng không đi qua eo biển Đài Loan. Đây sẽ là đợt hiện diện lớn nhất của hải quân Anh trong thời bình suốt 25 năm qua. 

Giảng viên Aristyo Rizka Darmawan, chuyên ngành luật quốc tế ở ĐH Indonesia bình luận: “Đây là diễn biến đáng chú ý nhưng không quá bất ngờ. Chúng ta có thể thấy chính sách đối ngoại của họ tập trung hơn vào Đông Nam Á kể từ khi công bố tài liệu ‘Nước Anh toàn cầu trong kỷ nguyên cạnh tranh’. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Anh sẽ coi trọng vấn đề với Trung Quốc hơn”.

VTC có clip: Anh cử tàu chiến HMS Queen Elizabeth đi qua Biển Đông.

Báo Thế Giới và VN đưa tin: Điện đàm với Tổng thống Philippines, Thủ tướng Nhật Bản ‘quan ngại sâu sắc’ vấn đề liên quan Trung Quốc. Hôm qua, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide có cuộc điện đàm khoảng 20 phút với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. TT Suga bày tỏ sự phản đối trước các hành động đơn phương, nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời chia sẻ mối “quan ngại sâu sắc” về các bước leo thang căng thẳng gần đây của TQ, gồm việc thực thi Luật Hải cảnh từ tháng 2/2021.

Đáp lại, ông Duterte nhấn mạnh, cần phải giải quyết các tranh chấp trong hòa bình, “khu vực châu Á-Thái Bình Dương không thể để xảy ra xung đột giữa các nước láng giềng”. Tổng thống Duterte cũng lưu ý, các liên minh và quan hệ đối tác phải được thiết lập lại để tạo ra sự ổn định hơn ở Biển Đông.

RFA có bài: Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực tình báo trên Biển Đông với Hoa Kỳ. TQ ngày càng tăng cường các hoạt động quân sự ở Biển Đông, gồm hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát (ISR). Một số chuyên gia thừa nhận, TQ có nhiều tiến bộ về số lượng, sự đa dạng và chất lượng của năng lực ISR trên Biển Đông. Nhưng năng lực ISR của TQ vẫn xếp sau Mỹ, bởi mạng lưới thiết bị giám sát đa dạng, rộng khắp của Mỹ. Đó là lý do VN cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tình báo ở Biển Đông với Mỹ, nếu vẫn còn muốn bảo vệ chủ quyền biển đảo. 

VTC có clip: Việt Nam phản đối Trung Quốc ngang ngược trên Biển Đông.

Mời đọc thêm: Tàu khu trục Mỹ đến vùng biển gần Hoàng Sa (Zing). – Mỹ điều khu trục hạm đến Biển Đông, tàu Trung Quốc bám đuổi (VTC). – Mỹ cho tàu chiến áp sát Hoàng Sa, Trung Quốc nói đã xua đuổi, phía Mỹ bác bỏ (VietTimes). – Việt Nam kêu gọi châu Á hỗ trợ để sớm có Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (RFI).

– Tổng thống Biden khẳng định lập trường với Trung Quốc ở biển Đông (NLĐ). – Tổng thống Mỹ Joe Biden: Nga và Trung Quốc ngày càng thách thức các nguyên tắc hàng hải (TG&VN). – Anh cử tàu chiến HMS Queen Elizabeth đi qua Biển Đông, thể hiện cam kết đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (TG&VN). – Giới chức Nhật Bản, Philippines và Australia trao đổi về an ninh khu vực (Tin Tức). – Philippines và Nhật Bản hợp tác duy trì an ninh và ổn định ở Biển Đông (VOV). 

“Củi” ở Khánh Hòa

Cơ quan CSĐT công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố, bắt tạm giam nguyên phó chủ tịch tỉnh và nguyên giám đốc sở tại Khánh Hòa, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Sáng nay, Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đào Công Thiên đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “vi phạm quy định về quản lý đất đai”, liên quan đến vụ sai phạm xảy ra tại khu đất trụ sở cũ của Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa và dự án khu phức hợp Nha Trang Golden Gate.

Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đào Công Thiên. Ảnh: Duy Thanh/TT

Cũng trong sáng nay, cơ quan chức năng tiến hành khám xét Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa, nơi làm việc của ông Võ Tấn Thái, cựu GĐ Sở, hiện là chuyên viên. Đến 11h30’ trưa cùng ngày, lực lượng chức năng đã đưa ông Thái về nơi ông cư trú tại phường Phước Hải, TP Nha Trang tiếp tục khám xét. Lúc 1h chiều, việc khám xét nơi ở của ông Thái kết thúc, ông này bị đưa lên xe chở về tạm giam. 

Cựu GĐ Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa Võ Tấn Thái. Ảnh: Duy Thanh/TT

VTC có bài: Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa bị bắt vì sai phạm đất đai. Cả ông Đào Công Thiên và ông Võ Tấn Thái đều bị khởi tố trong vụ án hình sự liên quan đến khu đất của Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa cũ. Khi còn giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Thiên đã ký nhiều văn bản liên quan đến việc giao khu đất rộng hơn 7.300m2 là trụ sở Trường Chính trị Khánh Hòa cho Công ty CP Thanh Yến không qua đấu giá, gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng đối với nhà nước.

Còn ông Võ Tấn Thái đã lập hồ sơ xác định giá khu đất Trường Chính trị cũ sai quy định, vi phạm Luật Đất đai, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với nhà nước. Hậu quả: Giá đất được phê duyệt chỉ gần 22,5 triệu đồng/m2 đất ở, toàn bộ diện tích đất sản xuất, kinh doanh còn lại có giá 7,8 triệu đồng/m2.

VOV có bài: Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Đào Công Thiên nhập viện trước khi bị bắt. Cơ quan CSĐT công an tỉnh Khánh Hòa đã vào BV Quân y 87, TP Nha Trang để tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Thiên. Sau khi thực hiện các thủ tục, ông Thiên bị chuyển đến BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, nơi có phòng bệnh dành cho bị can bị tạm giam. 

Lực lượng chức năng áp giải ông Võ Tấn Thái (người mặc áo xanh đậm) cùng số tài liệu thu giữ được tại nhà ông này. Ảnh: VOV

Mời đọc thêm: Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh và nguyên Giám đốc Sở TN&MT Khánh Hòa (Tin Tức). – Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (DS). – Khám xét nơi ở của nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đào Công Thiên (TN). – Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa bị bắt về tội danh gì? (SKĐS). – Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh và nguyên Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Khánh Hoà bị khởi tố vì vụ án nào? (DNVN). – Công an tìm thấy gì khi khám nơi làm việc và nhà cựu GĐ Sở TN&MT Khánh Hòa? (GT).

Người Việt vượt biên được Bỉ cứu sống

Facebook của Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam đưa tin: Sáng thứ Tư (giờ Brussels), cảnh sát biển Bỉ đã giải cứu một chiếc thuyền gặp nạn ngoài khơi bờ biển vùng Tây Flanders. Có tổng cộng 49 người được giải cứu, đa số là người Việt, cố vượt biển từ Pháp sang Anh, “nhưng chiếc thuyền nhỏ quá tải đã gặp sự cố. Một số người trên thuyền bị hạ thân nhiệt, nhưng tất cả họ hiện đang trong tình trạng sức khỏe tốt. Cảnh sát Bỉ đang phối hợp với các đồng nghiệp Pháp để điều tra”.

VOA có clip cung cấp một số hình ảnh về vụ việc: 49 người Việt được Bỉ cứu ngoài khơi khi đang cố vượt biên sang Anh.

Gần 2 năm sau sự kiện 39 người VN thiệt mạng trong thùng xe container trên hành trình vượt biên sang Anh, một thảm kịch gần tương tự suýt tái diễn, bởi con thuyền chở theo nhóm 49 người VN nói trên được mô tả là rất thô sơ, trôi dạt tự do trên biển. Bất chấp các nỗ lực tuyên truyền của chế độ về VN “thịnh vượng”, “phát triển”, thậm chí ngay cả khi VN vẫn đang cố duy trì “thành tích” chống dịch có vẻ tương đối tốt, nhưng người dân vẫn muốn ra đi.

Mời đọc thêm: Bỉ giải cứu 49 di dân bị kẹt ngoài biển khi trên đường đến Anh (TT). – Bỉ giải cứu hàng chục người Việt trôi dạt trên biển (VNN). – 49 di dân lậu Việt Nam trên xuồng ‘vượt biên’ vào Anh bị Bỉ bắt (NV). – 49 người Việt được Bỉ cứu ngoài khơi khi đang cố vượt biên sang Anh (VOA).

Ngày “bầu cử” đến gần

BBC đặt câu hỏi về màn kịch bầu cử VN: Thực chất bỏ phiếu là quyền hay nghĩa vụ? Hiến pháp năm 2013 xác định, bầu cử là quyền của công dân, nhưng khi ngày bầu cử 23/5 năm nay tới gần, bộ máy tuyên truyền lặp đi lặp lại các thông điệp cho rằng, bầu cử vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của công dân. LS Phùng Thanh Sơn nhận định, người dân đang bị “vận động” đi bầu. 

LS Sơn cho biết: “Về logic, nếu đi bầu cử là quyền thì nó không thể là nghĩa vụ hay trách nhiệm của công dân. Ngược lại nếu nó là nghĩa vụ, trách nhiệm thì không thể nào còn là quyền nữa. Nên không thể căn cứ vào Điều 15 của Hiến pháp, rằng ‘quyền không tách rời nghĩa vụ của công dân’, để cho rằng đi bầu cử vừa là quyền vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân được”.

Luật Khoa đặt câu hỏi về mô hình hội đồng bầu cử: Mỗi nước một vẻ, nhưng mười phân có vẹn mười? Tác giả cho biết, trên danh nghĩa, VN đang sử dụng mô hình hội đồng bầu cử độc lập, là nơi hội đồng bầu cử được các cơ quan lập pháp quốc gia như nghị viện hay quốc hội lập ra, và chịu trách nhiệm trước các cơ quan này, giống như Vương quốc Anh, Thái Lan, Canada, Australia. 

“Lớp vỏ” là như vậy, nhưng trong ruột: “Khi mà quyền lực nhà nước đã được quyết định xong xuôi trong đại hội đảng diễn ra từ trước bầu cử vài tháng, sự tập trung thống nhất mọi quyền lực bầu cử vào Hội đồng Bầu cử Quốc gia có khi lại chẳng phải là chuyện an lành”. Nghĩa là, “hội đồng” này tự đá bóng, tự thổi còi, ngay cả việc tuyên truyền, nhắn tin bầu cử họ cũng làm luôn. “Mô hình hội đồng bầu cử có hợp lý đến mấy cũng phải chào thua”.

“Bầu cử” ở VN chỉ là màn kịch để cho thấy chế độ vẫn còn yếu tố “dân chủ”, dẫn đến sự phiền toái của người dân Việt Nam: Dân ‘được’ thúc giục đi bầu với rừng tin nhắn, theo BBC. Mấy ngày nay, bộ máy tuyên truyền liên tục spam tin nhắn: “Sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân…” vào số điện thoại của người dân.

TS Nguyễn Hoàng Ánh bình luận: “Liên tục nhận tin nhắn ‘yêu cầu sáng suốt’ trên mọi điện thoại, làm mình buộc phải tin là cái hội đồng này nghĩ dân ngu lắm… Tiền gửi chỗ tin nhắn này ai chịu nhỉ? Ứng viên tự bỏ tiền vận động tranh cử như các nước thì tuỳ chứ lấy tiền thuế mình đóng là mình hổng chịu đâu!”

Mời đọc thêm: Lập phương án không tập trung quá đông người ở phòng bỏ phiếu ngày bầu cử (TT). – Bắc Giang sẵn sàng bầu cử trong dịch COVID-19 (VTV). – Đà Nẵng sẵn sàng trước ngày bầu cử (LĐ). – Lần đầu tiên Việt Nam có ứng cử viên Đại biểu Quốc hội độc lập công khai đồng tính (VOA). – Bầu cử Quốc hội: Ta có quyền hy vọng gì? — Vừa đa đảng, vừa độc tài: 7 thủ thuật dàn xếp bầu cử của Trung Quốc (LK). 

***

Thêm một số tin: Gia đình tù nhân Cấn Thị Thêu gặp gỡ các nhà ngoại giao phương Tây(VOA). – Không ai có thể chống chính quyền chỉ bằng miệng! (RFA). – Một ông ở Bắc Kạn bị phạt tiền vì bình luận ‘quan tham vô lại’(NV). – Bảo vệ môi trường vùng Bắc Cực: Một nhiệm vụ bất khả thi? (RFI).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét