Alexander Lukashenko và Nguyễn Phú Trọng
Jackhammer Nguyễn
24-5-2021
Ngày 24/5/2021, nhà độc tài xứ Bạch Nga (Belarus), Tổng thống Alexander Lukashenko đã gây chấn động thế giới, khi cho phản lực cơ ép chiếc máy bay dân sự Ái Nhĩ Lan của hãng hàng không Ryanair, đáp xuống thủ đô Minsk để bắt nhà bất đồng chính kiến trẻ tuổi, Roman Protasevich, 26 tuổi.
Anh Protasevich là một nhà báo, thường xuyên chỉ trích chế độ của ông Lukashenko, hiện đang sống lưu vong ở nước láng giềng Lithuania. Protasevich đang trên đường từ Hy Lạp về lại Vilnius, thủ đô Lithuania. Máy bay phải bay một đoạn ngang qua không phận Bạch Nga.
Để thực hiện điệp vụ này, Lukashenko đã huy động cả bộ máy mật vụ (vẫn mang cái tên KGB lừng danh) sang Hy Lạp, rồi lên cả chuyến bay để theo dõi anh Protasevich.
Hành động của ông Lukashenko là một hành động côn đồ, vô tiền khoáng hậu, thách thức luật pháp quốc tế, trong đó người ta tôn trọng sự đi lại trên không phận của nhau, của các hãng hàng không, theo các thỏa thuận dân sự.
Lukashenko là một nhà lãnh đạo lâu đời nhất châu Âu, cầm quyền từ năm 1994, vài năm sau khi đế chế Xô Viết sụp đổ, Bạch Nga trở thành độc lập. Lukashenko không phải là nhà lãnh đạo độc tài duy nhất hậu cộng sản. Bạch Nga hiện nay, trên mặt giấy tờ là một quốc gia đa đảng, nhưng điều đó không cấm Lukashenko bỏ tù giới đối lập và thực hiện điều mà một số nhà ngoại giao phương Tây gọi là “không tặc nhà nước”.
Vụ không tặc này gợi nhớ đến hành động của Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ra lệnh cho mật vụ xâm nhập nước Đức, bắt cóc Trịnh Xuân Thanh rồi áp tải về Việt Nam. Hai nạn nhân có khác nhau, một là kẻ tham nhũng Trịnh Xuân Thanh, còn bên kia là nhà báo đối lập Roman Protasevich.
Nguyễn Phú Trọng điệu cổ Trịnh Xuân Thanh về để thanh toán phe đối thủ của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với vỏ bọc “đốt lò”, chống tham nhũng. Lukashenko bắt Protasevich để giữ chế độ độc tài. Nhưng bản chất của hành động là như nhau, đều là những hành động phi pháp.
Nhà cộng sản “có lý luận” Nguyễn Phú Trọng và cựu cộng sản Lukashenko có cùng mẫu số chung của cái khuôn cộng sản: Cả hai đều không có khái niệm về pháp luật.
Chế độ hiện thời tại Belarus là chế độ độc tài không mang tên cộng sản. Chế độ tại Hà Nội là chế độ vẫn mang tên cộng sản, nhưng màu sắc đã thay đổi, không còn là cộng sản chính thống nữa. Một đằng đã xưng là dân chủ (Bạch Nga), một đằng vẫn tự hào là “dân chủ tập trung” (Việt Nam), nhưng cả hai đều là “dân chủ tào lao” cả (Lời của ông Nguyễn Xuân Phúc).
Một điểm khác nữa là chế độ Lukashenko công khai thừa nhận rằng, chính ông ta ra lệnh bắt chiếc máy bay hạ cánh, trong khi Nguyễn Phú Trọng không bao giờ thừa nhận hành động phi pháp trên nước Đức.
Bạch Nga đã, đang và sẽ phải đối đầu với sự cấm vận của phương Tây. Lukashenko thách thức thế giới văn minh vì có nước Nga của Sa hoàng Putin đằng sau.
Hà Nội thì không dám làm như thế, giới ngoại giao nước này đã phải vất vả dàn xếp, để cuối cùng thoát được sự giận dữ của nước Đức và châu Âu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét