Công an và… hình tượng!
Cục Công tác đảng và Công tác chính trị vừa phối hợp với Cục Truyền thông Công an nhân dân (CAND) ra mắt chương trình “Giai điệu bình yên” trên An ninh TV. Theo dự kiến, “Giai điệu bình yên” sẽ phát sóng định kỳ hai lần/tháng. Đại diện Bộ Công an tuyên bố, “Giai điệu bình yên” không đơn thuần là chương trình biểu diễn nghệ thuật mà là một hoạt động văn hóa, chính trị nhằm xây dựng hình tượng người chiến sĩ CAND Việt Nam “bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” (1).
Tuy thời điểm chọn ra mắt“Giai điệu bình yên” rất… công an – kỷ niệm sinh nhật “Bác” nhưng nhìn chung là thiếu khôn ngoan bởi công chúng chưa nguôi giận sau khi xem một số video clip trên Internet, tận mắt mục kích một tài xế taxi, tuy đã bị đâm trọng thương, vẫn nỗ lực vô hiệu hóa tên cướp tấn công ông và dẫu nạn nhân vừa vật lộn với tên cướp, vừa xin hỗ trợ nhưng Đại úy Nguyễn Văn Lâm, Công an xã Cự Khuê, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, vừa nói chuyện qua điện thoại, vừa đứng nhìn chứ không làm gì cả!
Tuy cuối cùng, để… an dân, một ngày sau khi xảy ra sự kiện vừa kể (16/5/2021), Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Công an huyện Thanh Oai… cảnh cáo Đại úy Lâm vì “thờ ơ, thiếu trách nhiệm” nhưng công chúng không… an. Trưởng Công an huyện Thanh Oai vừa lên tiếng phân trần cho Đại úy Lâm, theo đó, viên sĩ quan này không hỗ trợ khống chế cướp, cứu nạn nhân vì đang… gọi công an, báo tin có cướp! Theo Trưởng Công an huyện Thanh Oai, lẽ ra… Đại úy Lâm nên… vừa điện thoại, vừa bắt cướp (2).
Rất nhiều người Việt thất vọng khi Công an Việt Nam không đuổi Đại úy Lâm ra khỏi ngành. Mong muốn loại bỏ những sĩ quan như Đại úy Lâm khỏi lực lượng bảo vệ – thực thi pháp luật dẫu hợp lý, hợp tình nhưng lại không hợp với cả bản chất lẫn thực tế hoạt động của Công an Việt Nam. Đại úy Lâm chỉ là một trong vô số cán bộ, chiến sĩ công an không xem việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tính mạng, tài sản của dân chúng là trách nhiệm của họ.
Cách nay khoảng hai năm (4/2019), dư luận Việt Nam từng rúng động khi một cô gái bị bạn trai rượt đuổi, hành hung, sau đó dùng kéo đâm nhiều nhát vào cổ, ngực khiến cô chết tại chỗ. Ngày đó, dân chúng Việt Nam cũng bừng bừng phẫn nộ khi một số video clip cho thấy, Trung tá Nguyễn Chí Kiều (sĩ quan Đội Tuần tra – Kiểm soát giao thông nội tỉnh của Phòng CSGT Ninh Bình) vừa nói chuyện điện thoại, vừa quan sát từ đầu đến cuối vụ rượt đuổi, hành hung rồi giết người mà không làm gì cả.
Lúc ấy, cũng vì cần… an dân, Công an Việt Nam quyết định cảnh cáo, giáng cấp ông Kiều từ trung tá xuống đại úy, đồng thời hạ hai bậc lương, với lý do vi phạm một Thông tư do Bộ Công an Việt Nam ban hành năm 2010 (Thông tư 10/2010/TT-BCA X11): Trong chiến đấu hoặc trong tình thế khẩn cấp không nêu cao tinh thần trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy công việc hoặc không tích cực chiến đấu bảo vệ chế độ, tài sản nhà nước; tính mạng, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân(3).
Nên biết, tuy Công an Việt Nam có Điều lệnh CAND (bao gồm Điều lệnh Nội vụ, Điều lệnh Đội ngũ, nghi lễ) nhưng số cá nhân trong chiến đấu hoặc trong tình thế khẩn cấp không nêu cao tinh thần trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy công việc hoặc không tích cực chiến đấu bảo vệ chế độ, tài sản nhà nước; tính mạng, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân vẫn… đông như quân Nguyên. Đó cũng là lý do Bộ Công an phải ban hành thêm Thông tư 10/2010/TT-BCA X11 (4).
Nhìn một cách tổng quát, Thông tư 10/2010/TT-BCA X11 giống như… nước đổ đầu vịt, thành ra mới có những Trung tá Kiều, Đại úy Lâm… Đó cũng là lý do tuy lực lượng CAND tại Việt Nam hết sức hùng hậu nhưng xã hội càng ngày càng hỗn loạn, du đãng càng ngày càng lộng hành, thậm chí được nhiều cá nhân nhờ giải quyết mâu thuẫn thay hệ thống tư pháp. Người lương thiện càng lúc càng hoang mang, bất an trở thành cảm giác chủ đạo vì không ai biết lúc nào thì chính mình hoặc thân nhân trở thành nạn nhân?
Trước đã thế và nay cũng vậy, nếu… “đối tượng” không đe dọa quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng, công an Việt Nam không bận tâm. Cứ dùng Google để search sẽ ra vô số vụ dân cần nhưng công an không đáp ứng và không ít vụ hậu quả hết sức thảm khốc (5). Nếu ngược lại thì gây bất bình vì hành xử phi nhân khi dọn dẹp lề đường, cưỡng chế thi hành án, giải tỏa nhà – thu hồi đất, tạo ra những vụ đột tử trong các trại tạm giam, hay những thảm án như vụ tấn công vào xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Với thực tế và hiệu quả hoạt động của CAND như vậy, chẳng lẽ chỉ cần các chương trình“Giai điệu bình yên” là đủ để thay đổi hình tượng người chiến sĩ CAND Việt Nam trong mắt công chúng trở thành… “bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”. Chưa kể những Trung tá Kiểu, Đại úy Lâm,… dựa vào đâu để phấn đấu trở thành… “bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” khi thượng cấp không chung mâm với những tổ chức tội phạm (6) thì cũng phung phí hết chục tỉ này, tới chục tỉ khác cho ăn nhậu, quà cáp (7)?
Chú thích
(1) http://cand.com.vn/Cong-an/Khac-hoa-hinh-tuong-nguoi-chien-si-CAND-bang-am-nhac-641848/
(2) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/noi-dung-giai-trinh-cua-dai-uy-dung-nhin-dan-bat-cuop-737683.html
(6) https://tienphong.vn/diem-danh-loat-tuong-linh-sy-quan-cong-an-bi-ky-luat-xu-ly-post1137170.tpo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét