Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021

Tương lai nào cho Miến Điện? (Phần 2)

 

Tương lai nào cho Miến Điện? (Phần 2)

Nguyễn Đan Quế

2-4-2021

Tiếp theo phần 1

Sau hơn hai tháng thẳng tay đàn áp phong trào bất tuân dân sự của người dân Miến Điện, quân đội Miến đã giết chết khoảng 550 người, bỏ tù gần 3.000 người, theo số liệu của báo Mỹ, Washington Post. Có 43 trẻ em trong số những người bị bắn chết, theo tin từ Sky News của Anh.

Để bảo toàn lực lượng, những người biểu tình trong phong trào bất tuân dân sự đã thay đổi chiến thuật phản đối, như bấm còi khi chạy xe, khua nồi niêu xoong chảo vang trời ở các chung cư, chất rác ra đường thành đống, hẹn nhau biểu tình vào sáng sớm tinh mơ hay những đêm khuya khoắt, phơi quần phụ nữ trên dây giăng ngang đường ở nhiều khu vực, hay các đoàn xe gắn máy dàn hàng ngang, chạy trên đường với các biểu ngữ giương cao…

Ngày đàn áp đẫm máu nhất phải kể đến là ngày 27/3/2021, đó là “Ngày Quân lực”, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc kháng chiến chống lại sự chiếm đóng của quân Nhật hồi năm 1945. Các hãng truyền thông nước ngoài đưa tin, thứ trưởng quốc phòng Nga, cũng như đại diện ngoại giao của nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, Lào, Thái Lan, hay Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ … đã có mặt trên khán đài dự lễ duyệt binh, bên cạnh các tướng lĩnh Miến Điện.

Ngay từ sáng sớm 27/3, đông đảo người dân Miến Điện xuống đường biểu tình. Đàn áp đẫm máu đã xảy ra, với nhiều người bị quân Miến bắn chết, trong đó có một số trẻ em. Hãng tin Sky News của Anh đưa tin, có ít nhất 141 người bị bắn chết.

Dù vừa bị tổn thất nặng nề, nhưng hôm sau, ngày 28/3, dân chúng vẫn tiếp tục xuống đường, chống lại nhóm quân phiệt Myanmar. Những người biểu tình chống chế độ quân phiệt bị bắn chết hôm 27/3 được gọi là “những cánh sao rơi”, trong bài viết đăng trên BBC: Những ‘cánh sao rơi’ trong ngày chết chóc nhất của Myanmar.

***

Quân đội Miến Điện tàn sát người biểu tình, đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên toàn cầu. Ngày 28/3, Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden lên án vụ bạo lực leo thang ở Miến Điện: “Thật khủng khiếp. Đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được. Dựa trên những báo cáo mà tôi có được, tôi thấy rằng có quá nhiều người đã bị thiệt mạng trong các vụ bạo lực”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, nói rằng, Washington thấy ‘kinh khiếp’ qua cuộc đàn áp đẫm máu nhằm vào dân thường. Đài VOA dẫn lời Đại sứ Mỹ Thomas Vajda ở Myanmar viết trên mạng xã hội: “Cuộc đổ máu này thật kinh hoàng” và rằng, “người dân Myanmar đã nói rõ: họ không muốn sống dưới nền cai trị của quân đội”.

Ngoại trưởng Anh nói, vụ giết hại thường dân và trẻ em không vũ trang, đánh dấu một sự nghiêm trọng mới. Phái bộ EU ở Myanmar nói, ngày 27/3/2021 “mãi mãi khắc ghi là một ngày của khủng bố và ô nhục”. Và ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, cho biết, ông “vô cùng sốc”.

Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu (EU) cũng lên án mạnh mẽ vụ bạo lực leo thang không thể chấp nhận được và gọi đó là “một hướng đi điên rồ” và là “ngày khủng khiếp và đáng xấu hổ”Những người đứng đầu quân đội của 12 nước, gồm: Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Đức, Ý, Đan Mạch, Hà Lan, New Zealand và Hy Lạp, cùng ra một bản thông cáo chung, kết tội quân đội Miến giết thường dân.

Rất tiếc là công ty Viettell của Việt Nam đã tiếp tay với các tướng lãnh quân phiệt, đàn áp người dân Miến Điện. Cuối tháng 12/2020, Tổ chức Công lý cho Myanmar (Justice for Myanmar) công bố một phóng sự điều tra, cáo buộc tập đoàn viễn thông Viettel của Việt Nam, hợp tác với Mytel của quân đội Miến, đồng lõa với tội ác vi phạm nhân quyền của quân đội Myanmar.

Báo cáo nêu rõ: “Justice For Myanmar phát hiện bằng chứng đáng lo ngại cho thấy Viettel đang hỗ trợ hiện đại hóa quân đội Myanmar thông qua việc chuyển giao công nghệ và đào tạo, nâng cao năng lực kỹ thuật của quân đội. Bằng cách đó, Viettel và Bộ Quốc phòng Việt Nam đang đóng góp vào các hoạt động quân sự ở các địa bàn người dân tộc Myanmar và hỗ trợ, tiếp tay cho tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người”.

Mỹ và châu Âu trừng phạt

Ngược lại, Mỹ và các nước châu Âu đã có những hành động phản đối lực lượng cầm quyền Miến, khi cho thi hành các biện pháp trừng phạt. Đầu tháng 3, Mỹ chặn quân đội Myanmar rút 1 tỷ USD tại Ngân hàng dự trữ New York và đưa hai bộ Quốc phòng – Nội vụ, cùng hai tập đoàn quân sự hàng đầu là Myanmar Economic Corporation và Myanmar Economic Holdings Limited, vào danh sách đen của Mỹ. Cuối tháng 3, Mỹ loan báo ngưng một thỏa thuận thương mại với Miến Điện.

Cũng trong cuối tháng 3 vừa qua, Anh quốc đã ra lệnh trừng phạt tập đoàn kinh tế Myanmar Economic Corporation (MEC). Đây là tập đoàn mà Bộ trưởng Ngoại giao Anh, ông Dominic Raab nói rằng, nó liên kết chặt chẽ với giới lãnh đạo quân phiệt, giết người dân vô tội.

Ngày 31/3Công ty Đức đình chỉ cung cấp nguyên liệu in tiền cho chế độ quân phiệt Miến Điện. Tập đoàn công nghệ quốc tế Giesecke + Devrient (G + D) của Đức đã ngưng việc cung cấp nguyên liệu và vật liệu in tiền giấy cho “Cơ sở In ấn Bảo mật” của nhà nước nước Miến Điện.

Các dân tộc thiểu số đoàn kết với sắc dân đa số Bamar

Cuộc đảo chính đầu tháng 2, cũng như hành động tàn bạo của tập đoàn quân phiệt Miến đang đẩy những sắc dân thiểu số của nước này xích lại gần với sắc dân đa số Bamar. Các sắc dân thiểu số này, trước đây không thích, thậm chí thù ghét sắc dân đa số Bamar, nhưng hiện nay họ đang đoàn kết với người Bamar, chống lại nhóm quân phiệt. Nhiều tổ chức của người thiểu số như Lực lượng Quân đội Độc lập Kachin (KIA), hay Lực lượng Liên minh Quốc gia Karen (KNU)… trước đây đã chiến đấu riêng lẻ, chống chính quyền trung ương Miến, lần đầu tiên trong lịch sử, họ đã lên tiếng ủng hộ những người biểu tình bất tuân dân sự.

RFI dẫn tin từ Libération, cho biết, ông Saw Jay, giám đốc một tổ chức phi chính phủ Miến Điện bảo vệ người thiểu số Karen, nói rằng, sắc dân đa số Bamar “nằm dưới sự bảo vệ quân sự của các tộc người thiểu số, làm thay đổi cán cân quyền lực truyền thống ở đất nước chúng tôi (Miến Điện). Kể từ giờ, một phần lớn cuộc đấu tranh chống tập đoàn quân sự dựa vào người thiểu số. Họ thường bị lãng quên nhưng giờ trở thành trung tâm bàn cờ chính trị”.

Các dân tộc thiểu số ở Miến Điện cùng sát cánh với phong trào bất tuân dân sự của sắc dân đa số Bamar, chống lại quân đội Miến Điện, là cơ hội để các các dân tộc thiểu số nước này được đối xử công bằng hơn, giúp những nhóm người này được công nhận là một phần của nhà nước liên bang Miến.

Các dân tộc Miến Điện nếu nắm bắt cơ hội này, cùng nhau đoàn kết lại, thay đổi xã hội Miến Điện trở thành một xã hội nhân bản hơn, vượt lên trên mọi chia rẽ sắc tộc. Hướng đấu tranh đó sẽ giúp người dân trên đất nước này, trong tương lai, sẽ thoát khỏi chính quyền quân phiệt độc tài, hiện đang nắm quyền ở Miến Điện.

Bs Nguyễn Đan Quế, Cao trào Nhân Bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét