Thấy gì qua chuyến đi của ông Phạm Minh Chính đến Jakarta?
Jackhammer Nguyễn
27-4-2021
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân thủ tướng Việt Nam, ông Phạm Minh Chính, không phải là Trung Quốc, hay Nhật Bản, Hàn Quốc, mà là Indonesia. Ông Chính bay qua Jakarta, dự hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của khối Đông Nam Á (ASEAN) về Miến Điện.
Kết quả của hội nghị này không ngoài dự đoán của mọi người, tướng Min Aung Hlaing đang cầm quyền ở Miến Điện, đồng ý sẽ thương lượng với các nhóm đối lập, các nhóm dân chúng ủng hộ chính quyền dân sự hợp pháp bị ông ta lật đổ và bắt giam vào ngày 1/2/2021.
Với nguyên tắc đồng thuận, không can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước thành viên ASEAN, kết quả hiển nhiên phụ thuộc vào “đương sự” Min Aung Hlaing mà thôi. Đương sự có thương lượng hay không thì hồi sau sẽ rõ.
Dĩ nhiên như thường lệ, báo chí Việt Nam nói rằng, Việt Nam có sáng kiến này sáng kiến kia. Lần này, khổ thân ông Chính là không có gì để nói, nên báo chí Việt Nam bèn tung ra chủ đề vô thưởng vô phạt: Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ASEAN phối hợp tìm giải pháp cho Myanmar. Rõ khổ, không phối hợp tìm giải pháp thì họp với nhau để làm gì!
Các ông tướng Thái Lan có quan hệ mật thiết với các ông tướng Miến Điện (Tướng Min Aung Hlaing là con nuôi của tướng Prem Tinsulanonda, cựu thủ tướng Thái vang bóng một thời), nhưng lãnh đạo Thái còn không thèm tới, vì có mặt họ, kết quả cũng như thế mà thôi.
Chuyện ông Chính đi xuất ngoại là một biểu hiện của quyền lực chính trị nội bộ đảng cầm quyền tại Việt Nam, hơn là một sự cần thiết đối ngoại với các lân bang, càng ít hơn đối với việc giải quyết khủng hoảng Miến Điện, nơi nhiều công ty Việt Nam đang làm ăn với quân đội Miến (dĩ nhiên Việt Nam cũng chẳng mong Miến Điện rối loạn để yên ổn mà làm ăn).
Chuyến đi cũng khẳng định với các nước láng giềng rằng, nhân vật quyền lực ở Việt Nam là ông Chính (không tính ông Trọng hiện nay, mà khả năng ông Trọng về vười sớm cũng rất cao) chứ không phải ông Phúc, hiện là Chủ tịch nước, chức vụ có tính cách lễ nghi khi ai đó viếng thăm Hà Nội. Ông Phúc đã đi mòn chân khắp các thủ đô Đông Nam Á rồi, ông rất quen Đông Nam Á, nhưng bây giờ với vai trò lễ nghi, ông sẽ nghỉ ngơi cho tới lúc vui thú điền viên.
Chuyến đi cũng báo hiệu cho các nhân vật ngoại giao chuyên nghiệp của Việt Nam rằng, thủ tướng cũng không xa lạ gì với chuyện ngoại giao, vì ông Chính từng làm công an trong tòa đại sứ Việt Nam tại Bucharest, nước Romania.
Một chuyến xuất ngoại của nguyên thủ cộng sản Việt Nam có khi cũng chỉ là … đến hẹn lại lên cho có phần. Chẳng hạn như chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hồi năm 2015. Các tin lan truyền trong giới thạo tin vào lúc đó là chính phủ, quốc hội, chủ tịch nước đều đã đi Hoa Kỳ thì cũng phải cho bên … đảng đi chứ! Hóa ra chuyến đi rất có hiệu quả, mặc dù làm cho các viên chức lễ tân Hoa Kỳ chạy đôn chạy đáo tìm người thích hợp để đón ông Trọng vì ở Mỹ không có tổng bí thư.
Nhưng nói đi thì cũng nói lại, nơi nào để tân thủ tướng Việt Nam xuất ngoại hay nhất trong lúc này ngoài Jakarta? Nơi đây phù hợp nhất với chính sách đu dây của Việt Nam và Đông Nam Á giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc. Nếu không có khủng hoảng Miến Điện, có thể ông Chính cũng sẽ chọn một thủ đô Đông Nam Á nào đó để đến. Theo báo chí Việt Nam, những cuộc điện đàm ngoại giao đầu tiên ông Chính thực hiện trên cương vị thủ tướng là với các đồng sự Lào và Cambodia.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao tình hình biển Đông đang căng giữa Bắc Kinh và Hà Nội, mà ông Chính không làm việc với phía Trung Quốc để giải quyết, vì ông được (bị) tiếng là có nhiều quan hệ thân mật với các viên chức Trung Quốc? Thật ra ông Chính ở Hà Nội phải khác ông Chính ở Quảng Ninh ngày xưa, cũng như khác với ông Chính đặc khu chứ. Riêng chuyện đặc khu thì tôi cũng hy vọng là ông Chính khác hẳn sau khi chứng kiến cả trăm ngàn người Việt Nam biểu tình chống dự luật đặc khu vào năm 2018.
Cuối cùng, chuyến đi của ông Chính cũng khẳng định một lần nữa thói quen ngoại giao Việt Nam trong vấn đề Trung Quốc nói riêng và đối ngoại nói chung. Cơ quan ngoại giao chính thức có khuynh hướng thân cận với phương Tây, cơ quan ngoại giao Đảng thì gần gũi với Bắc Kinh.
Kênh ngoại giao giữa hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc là một kênh đặc biệt trong việc giải quyết tranh chấp đôi bên. Trong cuộc khủng hoảng giàn khoan Hải Dương Thạch Du của Bắc Kinh ở thềm lục địa Việt Nam hồi năm 2014, các viên chức Đảng đã được gửi đến Bắc Kinh thương thuyết.
Sau đại hội Đảng lần thứ 13, có một sự thay đổi là viên chức nắm ngoại giao của Đảng là ông Lê Hoài Trung lại là người được đào tạo ở phương Tây, giống như các viên chức ngoại giao chính thức. Vẫn chưa rõ, chuyện này có đưa đến thay đổi gì hay không.
Ngoài ra, công việc ngoại giao ở Việt Nam cũng không hoàn toàn nằm trong tay Bộ Ngoại giao mà có thể rơi vào tay Bộ Quốc phòng trong trường hợp cụ thể với Trung Quốc. Trong khi ông Phạm Minh Chính bay sang thăm Jakarta, thì tướng Phan Văn Giang, tân bộ trưởng quốc quốc phòng, bước qua biên giới Móng Cái – Đông Hưng để tham gia một số hoạt động “hữu nghị” với Trung Quốc.
Ngay sau đó trở về Hà Nội, ngày 25/4, ông Giang lại đón tiếp ông Ngụy Phương Hòa, Bộ trưởng Quốc phòng của Bắc Kinh. Mặc kệ Trung Quốc đe dọa lãnh hải Việt Nam, làm mưa làm gió trên biển Đông, với đảng Cộng sản Việt Nam “tình hữu nghị giữa hai đảng” quan trọng hơn hết.
Và chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc, cho dù các lãnh đạo ASEAN có khuyên bảo, hay lãnh đạo quân phiệt Miến Điện có hứa hẹn gì đi nữa, nhưng trên thực tế, khó có thể chấm dứt bạo lực ở Miến, khi chính quyền quân phiệt không phải đối mặt với bất kỳ sự chế tài hay trừng phạt nào từ các nước này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét