Bản tin ngày 24-4-2021
BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Bài thứ 3 trong loạt bài trên báo Thanh Niên về quần đảo Trường Sa – Tuyến đầu tổ quốc: Vững vàng Nam Yết. Trong tháng 4 này, vùng biển Nam Yết ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, chứng kiến hàng trăm tàu cá của “dân quân biển” TQ neo đậu. Ông Đặng Văn Thanh, Trạm trưởng hải đăng Nam Yết bình luận, số lượng tàu TQ “không thể đếm xuể”, đồng thời cho biết: “Tàu cá Trung Quốc tập trung nhiều nhất từ cuối tháng 3.2021 đến nay”.
Một số công nhân hải đăng Nam Yết cho biết, thời điểm tàu cá TQ neo đậu nhiều nhất, có tới hơn 200 chiếc ở khu vực. Nơi neo đậu của họ là vùng giữa đảo Nam Yết với bãi Ga Ven, là bãi đá ngầm thuộc cụm Sinh Tồn của VN, nhưng bị phía TQ cưỡng chiếm từ năm 1988. Ban đêm, các tàu TQ đồng loạt bật đèn, “nhìn từ xa như thành phố nổi”.
Báo Thời Đại đưa tin: Việt Nam – Indonesia sẽ sớm hoàn tất đàm phán ranh giới vùng đặc quyền kinh tế. Trong chuyến thăm Indonesia, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm cùng Tổng thống Indonesia Joko Widodo chiều qua tại TP Bogor, hai bên thống nhất sẽ sớm hoàn tất đàm phán ranh giới vùng đặc quyền kinh tế. Cuộc đàm phán nhằm tạo hành lang pháp lý cho 2 bên tăng cường hợp tác, giảm thiểu các vụ đánh bắt cá trái phép, góp phần giữ gìn ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Báo Giao Thông đưa tin: Nhật sắp tập trận quân sự quy mô lớn nhất với Mỹ và Pháp. Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (JGSDF) thông báo, Nhật sẽ diễn tập quy mô lớn với Mỹ và Pháp, nhằm tăng cường hợp tác với 2 nước đồng minh, củng cố năng lực bảo vệ hải đảo, ngăn chặn Bắc Kinh bành trướng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Đây là cuộc diễn tập quy mô lớn đầu tiên giữa 3 nước, dự kiến tổ chức tại khu huấn luyện Kirishima của JGSDF và doanh trại Ainoura ở vùng Kyushu, từ ngày 11/5 đến 17/5.
VOV đưa tin: Indonesia tìm thấy mảnh vỡ và các vật dụng của tàu ngầm KRI Nanggala 402. Tham mưu trưởng hải quân Indonesia, Đô đốc Yudo Margono thông báo, tàu ngầm KRI Nanggala 402 của hải quân nước này bị mất tích từ ngày 21/4, đã được phát hiện ở vùng biển gần Bali, ở độ sâu 850m. Ông Yudo Margono cho biết, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy một số vật dụng như các bộ phận của máy chỉnh ngư lôi, một chai dầu mỡ được cho là để tra dầu cho kính tiềm vọng và các thảm cầu nguyện từ tàu ngầm.
Mời đọc thêm: Nhật Bản sắp tập trận bộ binh lần đầu với Mỹ, Pháp (TN). – Trung Quốc lo khả năng Hàn Quốc gia nhập ‘Bộ tứ’ (TP). – Việt Nam – Indonesia thúc đẩy đàm phán ranh giới vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông (VNF). – Việt Nam – Indonesia tăng cường hợp tác biển và đại dương (ĐV). – Đã tìm thấy mảnh vỡ tàu ngầm Indonesia mất tích (VTC). – Hải quân Indonesia tìm thấy mảnh vỡ, xác định được vị trí tàu ngầm chìm ở độ sâu 850m (Tin Tức). – 5 lực lượng hải quân thống trị đại dương thập niên 2020 (TG&VN).
Quan hệ Việt – Trung
Trong lúc Mỹ và các nước đồng minh tìm cách ngăn chặn Bắc kinh bành trướng trong khu vực, thì quan hệ Việt – Trung càng nồng ấm. Báo Tiền Phong đưa tin: Thượng tướng Phan Văn Giang và Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa hội đàm tại Trung Quốc.
Sáng nay, tân Bộ trưởng Quốc phòng VN Phan Văn Giang dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái sang Đông Hưng, TQ để tham dự hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng TQ Ngụy Phượng Hòa. Hoạt động này nằm trong chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt – Trung lần thứ 6.
Bộ trưởng Quốc phòng TQ (bên trái) đón Bộ trưởng Quốc phòng VN sang Đông Hưng tham dự các hoạt động giao lưu, hội đàm, sáng nay 24/4. Ảnh: Nguyễn Minh/TPTại cuộc hội đàm, 2 bên cùng khẳng định, VN và TQ là 2 nước láng giềng “núi liền núi, sông liền sông, cùng chung ý thức hệ do Đảng Cộng sản lãnh đạo”. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, trải qua hơn 70 năm, bất chấp các giai đoạn căng thẳng ở biên giới phía Bắc và Biển Đông, “hữu nghị và hợp tác luôn là dòng chảy chính trong quan hệ hai Đảng, hai nước”.
Trước đó, đã diễn ra đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 7, theo báo Pháp Luật VN. Cuộc đối thoại diễn ra chiều hôm qua tại TP Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, TQ, dưới sự đồng chủ trì của Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng VN và Trung tướng Thiệu Nguyên Minh, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy TƯ TQ.
Trong cuộc hội đàm, 2 bên thống nhất đánh giá hợp tác quốc phòng giữa VN – TQ thời gian qua “không ngừng được mở rộng và có các hình thức hợp tác phong phú”, bao gồm các hoạt động trao đổi, hợp tác giữa các quân binh chủng, trao đổi kinh nghiệm về công tác đảng và chính trị trong quân đội.
Liên tiếp 2 hoạt động giao lưu quốc phòng VN-TQ diễn ra trong hôm qua và hôm nay, ở cấp Thứ trưởng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho thấy quan hệ giữa chế độ CSVN với “bạn vàng” vẫn không thay đổi, thậm chí còn gắn bó chặt hơn, bất chấp loạt diễn biến căng thẳng ở Biển Đông từ đầu tháng 3/2021 tới nay. Chính mấy cái bắt tay giữa tướng lĩnh Việt – Trung đã vạch trần hết sự thật đằng sau mấy lời tuyên truyền về “bảo vệ chủ quyền”ở Biển Đông.
Mời đọc thêm: Đoàn công tác Bộ Quốc phòng Việt Nam lên đường tham dự Đối thoại chiến lược Quốc phòng Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 7 (BP). – Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam – Trung Quốc (PLTP). – Thượng tướng Phan Văn Giang: Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc (TP). – Việt-Trung xây dựng, bảo vệ biên giới chung hòa bình, ổn định (TTXVN).
Bộ Công thương và “đất vàng” ở thành Hồ
Phiên tòa xử vụ sai phạm chuyển nhượng “đất vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng, hôm nay đã bước sang phần công bố mức án đề nghị. Cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bị đề nghị mức án 10-11 năm tù, VTC đưa tin. Bị cáo Hoàng bị đề nghị mức án nặng nhất, kế tiếp là bị cáo Phan Chí Dũng, cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương bị đề nghị án 7-8 năm tù và bị cáo Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó chủ tịch UBND TP HCM bị đề nghị 5-6 năm tù.
Đại diện VKS còn đề nghị HĐXX yêu cầu UBND TP HCM hủy bỏ quyết định cho thuê đất và các văn bản liên quan trái luật đối với khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, giao cho UBND TP HCM xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với khu đất này, đồng thời giải quyết quyền lợi cho bên thứ ba. Nói thì dễ, để làm được thì cần số tiền còn lớn hơn số tiền “lại quả” mà các bên liên quan được hưởng.
Sau khi đại diện VKS công bố các mức án đề nghị, phiên tòa tiếp tục phần tranh luận. Báo Công Lý có bài: Ông Vũ Huy Hoàng không đồng tình với bản luận tội của VKS. Bị cáo Hoàng lặp lại luận điểm: “Tôi không hề tham gia vào bất cứ hành vi nào liên quan đến quá trình này. Nguyên lãnh đạo Sabeco và cả bị cáo Phan Chí Dũng ngày hôm qua đều khẳng định tôi không có chỉ đạo nào trong khâu này”.
Ông Hoàng cũng khẳng định, ông không hề làm trái chủ trương của cựu Thủ tướng VN giai đoạn 2006-2016: “Việc thực hiện thoái vốn là theo chủ trương của Chính phủ, đặc biệt là đề xuất của Sabeco, không phải lãnh đạo Bộ chỉ đạo xuống. Thực chất vấn đề thoái vốn từ phương án, phê duyệt, quyết toán xảy ra sau khi tôi bị miễn nhiệm. Lúc đó, tôi làm gì có tư cách, có khả năng, ai nghe tôi chỉ đạo”.
Báo Tiền Phong dẫn lời ông Vũ Huy Hoàng căn vặn kiểm sát viên: ‘Thế nào là chỉ đạo’?Ông Hoàng đặt ra câu hỏi: “Thế nào là chỉ đạo? Theo tôi hiểu, chỉ đạo là áp đặt ý chí của mình cho cấp dưới hay cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi theo suy nghĩ của mình dù hành vi đó có phù hợp, có đúng hay không đúng. Vai trò chính phải là người chủ trì công việc cụ thể, chịu trách nhiệm chính về công việc cụ thể”.
Mời đọc thêm: Cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bị đề nghị mức án 10-11 năm tù (GDTĐ). – Cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bị đề nghị 10-11 năm tù(VOV). – Vụ thất thoát hơn 2.700 tỉ đồng: Bị cáo Vũ Huy Hoàng tự bào chữa (ANTĐ). – Ông Vũ Huy Hoàng: ‘Tôi sợ không đủ thời gian chấp hành án’ (Zing). – Ông Vũ Huy Hoàng: ‘Tôi không đổ tội cho thứ trưởng’(PLTP). – Luật sư mong muốn một phán quyết phù hợp với ông Vũ Huy Hoàng (CL). – Lãnh đạo Sabeco nói bị gây sức ép vụ góp vốn bằng khu đất ‘vàng’ ở TPHCM (TP).
“Quá giang” chuyên cơ của Chủ tịch QH
Gần 2 năm rưỡi trước, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho người lạ “quá giang” trên chuyên cơ của đoàn lãnh đạo QHVN bị công luận phanh phui, bây giờ VKSND Tối cao mới chịu ban hành cáo trạng truy tố bị can trong vụ tổ chức cho người khác trốn đi Hàn Quốc, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Có 8 bị can bị truy tố hai tội danh “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” và “Môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài”.
Theo cáo trạng, từ đầu năm 2018 đến ngày 7/12/2018, dựa trên nhu cầu của một số người dân muốn đi Hàn Quốc để tìm việc làm, đồng thời nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh với nước ngoài bằng cách tham gia cùng các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng và nhà nước tại nước ngoài, các bị can trong vụ án đã tổ chức, môi giới cho 6 người trốn đi Hàn Quốc để thu lợi bất chính.
Báo Người Lao Động có bài: Giả danh doanh nhân đi cùng chuyên cơ đoàn Chủ tịch Quốc hội rồi trốn lại Hàn Quốc. Các bị cáo Lê Thị Liễu, GĐ Công ty GVA; Trần Thị Tuyết, cán bộ Tạp chí Kinh tế và dự báo; Lương Mạnh Hùng, GĐ Công ty TD VN, bị truy tố về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”. Các bị cáo Trịnh Bang Dũng, Ngô Xuân Hiếu, Nguyễn Thị Lương ở Nghệ An và Trần Phục Hưng, GĐ Công ty du học Nhật Bản Bắc Nam; Lê Thị Xuân, cán bộ Công ty IEC, bị truy tố tội “Môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài”.
Tin cho biết, cuối năm 2018, Ủy ban Đối ngoại của QH đề nghị Bộ KH&ĐT chủ trì chuyến công tác tại Hàn Quốc, mời một số doanh nghiệp cùng tham gia. Sau khi kết thúc chuyến công tác, có 9 người được xác định đã trốn lại Hàn Quốc, trong đó có 6 trường hợp được các bị can Liễu, Tuyết và đồng phạm tổ chức cho trốn đi Hàn Quốc.
Hơn một năm sau vụ việc này xảy ra, vào ngày 6/11/2019, RFA có clip dẫn lời ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Vụ 9 người đi nhờ chuyên cơ Quốc Hội sang Hàn có tham nhũng?
Có mấy câu hỏi còn bỏ ngỏ mà thông tin trên báo “lề phải” chưa đủ để giải thích: 1. Tại sao sự việc xảy từ tháng 12/2018 mà mãi tới ngày 24/4/2021 mới có cáo trạng truy tố? 2. Tại sao chỉ tiến hành truy tố bị can với nhóm người tổ chức đưa người sang Hàn Quốc, mà không xem xét trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, cũng như các quan chức QH và Bộ KH&ĐT? 3. An ninh VN thường tự xưng “tinh nhuệ”, sao lại để “người lạ” lên được chuyên cơ của lãnh đạo cấp cao?
Thời điểm sự việc bị phanh phui, đài MBC của Hàn Quốc có bản tin độc quyền bằng tiếng Hàn, tường thuật vụ “biến mất” của 9 người VN trên chuyên cơ của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân. Hầu hết các báo “lề phải” mới đưa tin về vụ truy tố đường dây đưa người sang Hàn Quốc đều sử dụng ảnh chụp màn hình bản tin này:
Báo Tuổi Trẻ có bài: 9 người đi cùng chuyên cơ đoàn chủ tịch Quốc hội trốn lại Hàn Quốc là người ‘đội lốt’ doanh nhân. Trong bài có trích nhận định của VKSND nhắm vào Bộ KH&ĐT: “Qua điều tra thấy một trong những nguyên nhân để xảy ra vụ án là do Bộ Kế hoạch – đầu tư chưa quan tâm đến việc xây dựng quy trình, thủ tục để lựa chọn, thẩm định doanh nghiệp tham gia, không có quy định cụ thể về phối hợp các đơn vị liên quan trong tổ chức đoàn doanh nghiệp”.
Zing có bài: Lỗ hổng để 9 doanh nhân rởm trốn lại Hàn Quốc khi đi với đoàn lãnh đạo. Sau khi đài MBC đưa tin sự kiện này hồi cuối năm 2019, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, những người trốn lại Hàn Quốc đã lợi dụng chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Nhà nước để “làm bậy”.
Ông Dũng cho rằng quy trình chuẩn bị đoàn cán bộ đã “làm hết sức chặt chẽ và trách nhiệm” nhưng “không tròn trịa” được. Không lẽ việc kiểm tra, xác nhận thông tin mấy “doanh nhân” đó lại khó như vậy? Hay do các quan chức của Bộ đã được “bôi trơn”?
Báo Thanh Niên viết: Không xử lý được trách nhiệm vụ đưa người trốn đi Hàn Quốc bằng chuyên cơ chở Chủ tịch Quốc hội. Cơ quan tố tụng đã chỉ ra, một số cá nhân, tổ chức thuộc Bộ KH-ĐT, Cục Đầu tư nước ngoài, Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Bắc và Công ty Viettravel đã được Văn phòng Quốc hội giao việc tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch QH đi Hàn Quốc. Vì thiếu quy định cụ thể nên các cá nhân, tổ chức có liên quan này đều thoát trách nhiệm hình sự.
Mời đọc thêm: Vụ ‘đi lậu’ chuyên cơ bà Kim Ngân: Việt Nam sắp xử nhóm chủ mưu(BBC). – Sắp xử vụ 9 người ‘quá giang’ chuyên cơ rồi ở lại Hàn Quốc (PLTP). – Sắp xét xử vụ tổ chức trốn sang Hàn Quốc theo chuyên cơ chở Chủ tịch Quốc hội (VTC). – “Phù phép” đưa người lên chuyên cơ chở Chủ tịch Quốc hội, trốn lại Hàn Quốc (GT). – Đi cùng đoàn Chủ tịch Quốc hội, 9 doanh nhân rởm trốn lại Hàn Quốc (Zing). Mời đọc lại: 9 người bỏ trốn ở lại Hàn Quốc ‘chỉ đi nhờ máy bay chở chủ tịch Quốc hội’ (TT).
***
Thêm một số tin: Thương hiệu gạo ST25 liệu có bị mất vĩnh viễn? (Tin Tức). – Hà Nội xây đường có nắp hố ga ‘chịu tải trọng 40 tấn’ nhưng lấy tay bẻ vỡ (NV). – Chính phủ Việt Nam trả tiền bồi thường cho “vua chả giò” Trịnh Vĩnh Bình nhưng từ chối trả tài sản(RFA). – Myanmar: lãnh đạo ASEAN kêu gọi quân đội dừng ngay bạo lực (BBC). – CDC Mỹ điều tra các ca tử vong và nhập viện mới sau khi tiêm vaccine J&J (VOA). – 15 người bị đông máu hiếm gặp khi tiêm Johnson & Johnson (CaliToday). – Mỹ cho tiêm lại vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson (TT).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét