Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021

Ông Trương Nhân Tuấn tranh luận với TS Nguyễn Hồng Thao về đá Ba Đầu

 

Ông Trương Nhân Tuấn tranh luận với TS Nguyễn Hồng Thao về đá Ba Đầu

Trương Nhân Tuấn

3-4-2021

Bài tôi viết hôm qua về đá Ba Đầu có đoạn cho rằng, “trường hợp của Việt Nam thì ‘yếu’ hơn Phi rất nhiều”. TS Nguyễn Hồng Thao có viết “còm” nguyên văn như sau:

A[nh] viết nhiều nhưng cái chính là chiếm hữu thực tế và phán quyết toà trọng tài dù có nói các bãi nửa nổi nửa chìm thuộc về tlđ nhưng không nói trường hợp thuộc đáy biển lãnh Hải. Ba đầu nằm trong 12 hk của Sinh Tồn Đông do VN yêu sách và chiếm hữu thực tế nên khó có thể nói VN yếu về pháp lý hơn PLP hay TQ”.

TS Thao cho rằng “khó có thể nói Việt Nam yếu về pháp lý hơn Phi hay Trung Quốc”. Lập luận của TS Thao là Việt Nam “chiếm hữu và yêu sách chủ quyền đảo Sinh Tồn Đông trên thực tế” mà bãi Ba Đầu nằm trong lãnh hải 12 hải lý của đảo Sinh Tồn Đông.

Ông Trương Nhân Tuấn (trái) và TS Nguyễn Hồng Thao

Tôi đặt vấn đề với TS Thao ở đây gồm hai phần: Thực tế (de facto) và pháp lý (de jure).

Về phần thực tế (de facto): Hiển nhiên, chiếu Điều 2 khoản 2, UNCLOS về Qui chế pháp lý vùng lãnh hải, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam tại đảo Sinh Tồn Đông mở ra tương ứng với bề rộng lãnh hải, bao gồm vùng nước, trên không và đáy thềm lục địa. Tức là Việt Nam có thẩm quyền áp đặt luật quốc gia ở khu vực đá Ba Đầu tương tự như trên đất liền.

Tàu bè Trung Quốc tụ tập trên 200 chiếc tại bãi đá Ba Đầu dài ngày, không có lý do. Trung Quốc nói đó là tàu của ngư dân trong khi “dư luận quốc tế” cho rằng đó là “lực lượng dân quân biển”.

Ngay cả khi tàu bè đó thực sự là ngư dân, việc tụ tập đông đảo và dài ngày như vậy đã vi phạm nguyên tắc “qua lại không gây hại” đã ghi ở Mục 3 UNCLOS. Còn nếu đó là tàu “quân sự” hay “bán quân sự”, Trung Quốc đã vi phạm tiểu mục C, Mục 3 UNCLOS.

Câu hỏi đặt ra là “trên thực tế” Việt Nam đã hành xử “thẩm quyền quốc gia” ở đá Ba Đầu như thế nào? Thái độ của Việt Nam đối với các động thái của Trung Quốc ở bãi Ba Đầu rõ ràng không thể so sánh với Phi.

Nếu đọc tin tức báo chí từ đầu tháng 3/2021 đến nay, ta chỉ nghe từ “một phía”, là phía bộ ngoại giao, bộ quốc phòng của Phi. Đặc biệt “dư luận quốc tế” bao gồm các quốc gia Mỹ, Nhật, Úc… lên tiếng ủng hộ Phi. Bộ Ngoại giao Mỹ còn trấn an Phi, rằng Mỹ sẽ “bảo vệ trật tự pháp lý”…

***

TS Thao là công chức cao cấp của nhà nước. Đã từng nhận lãnh nhiều chức vụ lãnh đạo trong các việc phân định lãnh thổ với các quốc gia láng giềng. TS Thao còn nhận lãnh những chức vụ đại diện cho Việt Nam tại LHQ. Hiển nhiên các chi tiết như “đá Ba Đầu nằm trong lãnh hải 12 hải lý của đảo Sinh Tồn Đông”, TS Thao nắm vững trong tay.

Còn những “nhà nghiên cứu nghiệp dư” kiểu như tôi thì làm sao mà biết được những sự “bí mật quốc gia” đó?

Trong bài viết, tôi đã “rào trước đón sau”, vì không biết trên thực tế “tình trạng pháp lý” của bãi Ba Đầu như thế nào. Do đó tôi “đánh một vòng to lớn” rằng:

Đá Ba Đầu, một thực thể địa lý ‘lúc chìm lúc nổi’ tùy thuộc vào mực nước lên xuống của thủy triều. Đây không phải là một ‘lãnh thổ’, Trung Quốc không thể chiếm hữu hay tuyên bố chủ quyền. Đá Ba Đầu sẽ phụ thuộc vào ‘thềm lục địa’ (nếu nó thực sự là một thực thể địa lý lúc chìm lúc nổi) và các quyền của quốc gia về ‘thềm lục địa’ được điều chỉnh theo Phần VI của bộ Luật Quốc tế về biển 1982 (UNCLOS 1982)”.

Khi nói “các quyền của quốc gia” sẽ phụ thuộc (điều chỉnh) theo phần VI của UNCLOS, là tôi đã “bao sân” rồi. Tức là, tư cách pháp thể của đá Ba Đầu như thế nào thì tôi cũng… viết đúng.

Nếu đá Ba Đầu thuộc vùng lãnh hải 12 hải lý của Việt Nam, thẩm quyền của Việt Nam ở vùng thềm lục địa này “tương đương với thẩm quyền trên đất liền”. Tức là Việt Nam có thể gởi tàu quân sự ra giải tán tàu của Trung Quốc tụ tập. Nếu họ bất tuân, Việt Nam có thể sử dụng vũ lực mà không hề vi phạm luật lệ.

Nhưng đọc báo, ta thấy điều gì? Không ngoại lệ, báo chí chỉ viết và phê bình chung quanh các động tác của Phi. Nào là: “‘Hoa Kỳ sát cánh với đồng minh Philippines trong việc duy trì trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật pháp’, và tái khẳng định thực hiện Hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines”. (RFI dẫn Reuters, dẫn lời ông Sullivan, 31-3).

Trước khi lên đường đi Bắc Kinh, trên mạng Twitter, ngoại trưởng Locsin đã cảnh báo về khả năng Trung Quốc bắn rơi một phi cơ của Philippines trong khu vực Đá Ba Đầu và, theo ông, trong trường hợp đó, ‘Thế chiến thứ 3 sẽ xảy ra hoặc là uy tín của Mỹ sẽ tiêu tan’.” (RFI, 2-4)

Hôm qua, 01/04/2021, quân đội Philippines cho biết đã có thêm những cấu trúc nhân tạo trái phép trên cụm Sinh Tồn (Union Banks), gần khu vực Đá Ba Đầu, nơi mà Trung Quốc tập trung hàng trăm tàu vào tháng trước, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines”. (RFI, dẫn Reuters, 1-4) …

Câu hỏi cho TS Thao là, Việt Nam đã ở đâu trong tranh chấp này?

Nhắc lại, nếu đá Ba Đầu nằm trong lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông, rõ ràng chính phủ Việt Nam đã “đào nhiệm”.

Vậy ý kiến của tôi khi nói rằng “trường hợp của Việt Nam thì yếu hơn Phi rất nhiều” hiển nhiên là (quá) đúng.

Về phần pháp lý (de jure): Phần này thì khỏi nói, học giả tiến sư giáo sĩ Việt Nam giỏi hơn tôi trăm lần. Những người khẳng định “như đinh đóng cột” rằng VNDCCH và VNCH là “hai quốc gia độc lập” đã sẵn tay đóng nắp hòm hồ sơ chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa. Bây giờ không thấy ai lên tiếng về vụ đá Ba Đầu.

Ngoại lệ, TS Nguyễn Hồng Thao là một người có thực học. Ý kiến của TS Thao cần được tiếp nhận với một thái độ nghiêm túc.

Theo tôi, về pháp lý, đúng ra Việt Nam có tư cách pháp lý “mạnh” hơn hết trong các quốc gia có tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các nguyên tắc “thụ đắc lãnh thổ” ở Hoàng Sa và Trường Sa, đúng theo luật và tập quán quốc tế.

Nhà nước bảo hộ Pháp đã thay mặt đế quốc Đại nam sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào lãnh thổ Việt Nam, làm đúng trách nhiệm “bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đế quốc Đại nam” như qui định các kết ước về bảo hộ 1874, 1885. Sau đó nhà nước bảo hộ Pháp còn sáp nhập quần đảo Trường Sa vào lãnh thổ Đại nam, với danh nghĩa “sáp nhập một lãnh thổ vô chủ”.

Các đế quốc cùng thời như Anh đã tán thành các quyết định của Pháp tại Trường Sa. Cho đến khi các thủ tục sáp nhập hoàn tất, như dựng bia chủ quyền, cắm mốc, đăng công báo và ra tuyên bố đến các đại diện các quốc gia khác… Trung Quốc không hề có một thái độ, một ý kiến nào về vệc sáp nhập quần đảo Trường Sa và lãnh thổ Việt Nam.

Còn Phi, Mã lai… khi ván đã đóng thuyền, Việt Nam đã hoàn tất và củng cố chủ quyền ở các đảo Trường Sa, các quốc gia này vẫn chưa hay biết về sự hiện hữu của các đảo Trường Sa.

Tức là, trên danh nghĩa “pháp lý – de jure”, Việt Nam là “vô địch”. Vấn đề là các danh nghĩa “de jure” vô địch đó chấm dứt cùng lúc với sự sụp đổ của VNCH.

Nói theo lập luận của học giả Việt Nam, VNCH là “một quốc gia”, thì chiến tranh Việt Nam là “chiến tranh quốc tế”, xảy ra giữa hai quốc gia là Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam. Quốc gia VNDCCH thắng trận.

Câu hỏi cho TS Thao là, Việt Nam đứng dưới danh nghĩa nào để cho rằng CHXHCNVN có chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa?

Rất kẹt phải không?

Nếu lập luận như các học giả Việt Nam thì… thôi rồi Lượm.

Nhớ năm 2014 tôi viết thơ cho Thủ tướng Nguyễn Tấ Dũng và Bộ trưởng Phạm Bình Minh. Thời đó, tôi cảnh báo rằng, nếu vẫn giữ lập luận “VNCH và VNDCCH” là hai quốc gia thì hồ sơ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa xem như xóa sổ.

Đến nay cuộc chiến công hàm ở LHQ, Việt Nam thua xiểng niểng.

Việt Nam không phản biện được Trung Quốc là Việt Nam thua. Vậy thôi.

Không thấy học giả Việt Nam nào đưa ra một lập luận thuyết phục được để phản biện các ý kiến của Trung Quốc (cho rằng CHXHCNVN đã bị estoppel).

Trở lại vấn đề, đảo Sinh Tồn Đông. Đảo này do Việt Nam chiếm đóng trên thực tế (de facto). Nhưng trên phương diện pháp lý (de jure), CHXHCNVN đã thụ đắc vùng lãnh thổ này bằng “chiến tranh”. Điều khiến cho chủ quyền của CHXHCNVN “yếu” đi là Việt Nam chiếm hữu một vùng lãnh thổ mà Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền. Việt Nam càng thêm “yếu”, vì nhà nước “tiền nhiệm” của CHXHCNVN đã nhìn nhận chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc (công hàm 1958).

Thái độ của Việt Nam hiện nay là “im ru” bà rù”. TS Thao có nói cách nào thì “ta nói cho ta nghe”, không thuyết phục được ai.

Việt Nam giữ thái độ im lặng là đúng. Vì nếu um sùm, kiểu đem tàu hải quân ra trấn áp (Việt Nam có quyền làm như vậy), thì Trung Quốc sẽ “chiến” ngay lập tức. Công hàm của Trung Quốc gởi LHQ tố cáo (nội dung đại khái) “Việt Nam đang chiếm đóng bất hợp pháp các lãnh thổ của Trung Quốc và Trung Quốc sẽ sử dụng mọi phương pháp để lấy lại lãnh thổ của mình”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét